Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay cho vay trực tuyến là một hình thức của tín dụng đen. Việc quản lý đối với tín dụng đen không thuộc trách nhiệm quản lý của NHNN.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận có tình trạng cho vay trực tuyến theo hình thức tín dụng đen. Tuy nhiên, bà Hồng cho biết NHNN chỉ điều chỉnh hoạt động tín dụng với các tổ chức tín dụng, còn việc quản lý đối với tín dụng đen không thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan này.

Tuy nhiên, do tình trạng tín dụng đen trực tiếp gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, vi phạm pháp luật, NHNN thời gian qua đã phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát đồng thời kiến nghị lên Chính phủ quản lý chung hoạt động tín dụng để hạn chế tín dụng đen tràn lan.

Bà Hồng cũng cho biết thêm, trong quá trình tổ chức điều hành hoạt động ngân hàng, NHNN đã liên tục bổ sung các quy định cho vay, trong đó có văn bản quy định cho vay tiêu dùng theo thông tư 39. Ngoài ra, NHNN cũng có văn bản riêng với tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính. Hệ thống quy định này giúp người dân tiếp cận các kênh chính thức, không phải dùng tín dụng đen.

Thêm vào đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa; phát triển về tài chính vi mô cũng như mở rộng mạng lưới của Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm cung ứng tín dụng với những người dân nghèo, thu nhập thấp, vùng sâu vùng xa. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng được yêu cầu chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng.

Trước đó, báo chí phản ánh về tình trạng bùng nổ cho vay trực tuyến với lãi suất lên tới hơn 700%/năm. Ngoài việc lãi suất cao ngất ngưởng, các thủ tục vay trực tuyến cũng khá giống việc vay nặng lãi bên ngoài khi khách hàng cũng phải để lại số điện thoại đồng nghiệp, người thân để bên cho vay gọi điện xác nhận.

Trường hợp không liên lạc được với người vay, đây sẽ là những số điện thoại bị nhắc tới để đòi nợ. Không chỉ vậy, toàn bộ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân, địa chỉ… của người đi vay cũng sẽ bị bên cho vay nắm giữ.

Chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, cho rằng thực chất hoạt động vay trực tuyến là cho vay ngang hàng (P2P).

cho vay truc tuyen lai suat len den 720nam ngan hang nha nuoc len tieng
Một mô hình cho vay ngang hàng qua sàn giao dịch ảo đơn giản hóa. (Ảnh: Tri thức trực tuyến)

Hình thức P2P này đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu khi hai người cho nhau vay trực tiếp, nhưng bây giờ là 2 người kết nối với nhau qua một sàn ảo, số hóa hoạt động tài chính đó lên. Hiện tại mô hình P2P trực tuyến này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và các công ty đang lách luật để làm dưới dạng trung gian thu phí.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng khẳng định mức lãi suất của hoạt động vay trực tuyến lên đến 720%/năm là lãi suất phi kinh tế và trái với quy định của pháp luật. Đây chỉ là hình thức tài chính biến tướng của cho vay nặng lãi.

(Tổng hợp)