Tam tự kinh
N

hiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.

Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), DKN hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” (chọn lọc) này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.

tam tự kinh
số 1
Người ban đầu, tính vốn thiện
Tính gần nhau, thói cách xa.
Nếu không dạy, tính đổi liền,
Đạo dạy học, quý ở chuyên.

Diễn giải:

Khi con người mới sinh ra thì bản tính đều lương thiện.

Bản tính lương thiện này của mọi người đại thể đều gần giống nhau, không có khác biệt lớn. Khi con người lớn lên, vì mỗi người có hoàn cảnh xung quanh khác nhau, những điều học tập được cũng khác nhau. Trong hoàn cảnh tốt thì con người trở nên tốt, trong hoàn cảnh xấu thì con người dễ học cái xấu. Thế là tính tình con người bắt đầu có sự khác biệt.

Nếu lúc này không dạy bảo một cách thích hợp, họ sẽ học các thói xấu đủ các loại. Bản tính thiện lương vốn có của con người sẽ dần dần trở nên xấu.

Phương pháp dạy bảo, giáo dục con người thì quan trọng nhất là phải chuyên tâm, không thể lúc học lúc dừng, như thế mới khiến việc học tập hoàn chỉnh, hoàn thiện được.

Câu chuyện tham khảo:

Chu Xứ trừ tam quái

Ngày xưa, vào triều Tấn vùng Nghĩa Hưng có một người thanh niên tên là Chu Xứ. Cha mẹ đều qua đời sớm khi anh còn nhỏ. Anh lớn lên khỏe mạnh và dũng cảm, nhưng vì không được giáo dục và chăm sóc tốt nên anh thường đánh nhau và gây sự trong làng, không việc xấu nào không làm. Người làng thấy anh liền tránh xa, giống như gặp phải rắn độc, mãnh thú vậy.
tam tự kinh
Chu Xứ (Chụp màn hình video Youtube, nguồn: Chanhkien.org)

Một ngày nọ khi đi dạo dưới phố, Chu Xứ thấy một đám đông đang đàm luận về việc gì đó, anh vội chạy đến xem, nhưng mọi người đều lẳng lặng bỏ đi. Cảm thấy một chút bực mình, Chu Xứ tóm lấy một cụ già và hỏi: “Các người đang nói về điều gì?”

Cụ già rất sợ hãi, đành phải nói thật: “Làng này đang bị tấn công bởi 3 con quái vật. Một là con hổ ăn thịt người ở núi Nam Sơn. Thứ hai là con giao long ở dưới sông dưới cây cầu Trường Kiều. Chúng đã giết rất nhiều người…”

Không đợi cụ già nói xong, Chu Xứ hét lớn: “Là hổ hay giao long thì có gì phải sợ, để tôi đi tiêu diệt chúng”.

Nói rồi Chu Xứ quay người chạy biến đi.

Đến núi Nam Sơn, Chu Xứ tìm con hổ ăn thịt người này khắp nơi trên núi. Cuối cùng anh cũng tìm được con hổ đó. Khi con hổ nhảy ra vồ lấy anh, Chu Xứ thuận thế né tránh rồi cưỡi lên lưng hổ vung quyền giáng hết sức xuống đầu hổ cho đến khi hổ chết. Xong việc anh lại chạy đến cầu Trường Kiều, nhảy xuống sông đi giết giao long. Chu Xứ ở dưới nước cùng giao long giao chiến 3 ngày 3 đêm, cuối cùng anh đã giết được giao long.

tam tự kinh
Chu Xứ diệt hổ (Chụp màn hình video Youtube, nguồn: Chanhkien.org)

Mọi người trong làng thấy Chu Xứ mãi vẫn chưa trở về, cho rằng anh đã bị giao long giết chết rồi, vui mừng gióng trống khua chiêng ăn mừng. Không ngờ Chu Xứ vui phơi phới trở về. Anh nghe thấy mọi người nói đã trừ được 3 quái vật, đang vui sướng ăn mừng. Lúc này, anh mới hiểu ra mình là một trong 3 quái vật đó.

Chu Xứ cảm thấy xấu hổ vô cùng, rất ăn năn rằng xưa nay mình tác oai tác quái khiến mọi người đều coi mình là quái vật. Vì vậy, anh quyết tâm sửa chữa sai lầm, làm lại từ đầu. Sau này, anh bái Lục Vân làm thầy. Anh nỗ lực đọc sách cuối cùng đã làm một chức quan lớn, thực hiện rất nhiều việc thiện cho người dân.

Xem phim hoạt hình Tam Tự Kinh – Tập 1: Chu Xứ trừ tam quái

Phụ chú:

1. Nguyên văn chữ Hán:
人之初,性本善
性相近,習相遠
苟不教,性乃遷
教之道,貴以專
2. Âm Hán Việt:
Nhân chi sơ, tính bản thiện,
Tính tương cận, tập tương viễn.
Cẩu bất giáo, tính nãi thiên,
Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên.
3. Pinyin Hán ngữ::
rén zhī chū,xìng běn shàn
xìng xiāng jìn,xí xiāng yuǎn
gǒu bú jiào,xìng nǎi qiān
jiào zhī dào,guì yǐ zhuān
4. Chú giải:
(1) Chi ():của (từ dùng để chỉ một quan hệ sở hữu)
(2) sơ ():lúc đầu, sơ khai
(3) tính ():bản tính, đặc tính
(4) bản ():bản, nguyên lai
(5) thiện ():tốt, lành
(6) tương ():nhau, qua lại lẫn nhau
(7) cận ():gần
(8) tập ():học tập, thói quen, tập tục
(9) viễn ():xa, khác
(10) cẩu ():nếu
(11) giáo ():dạy, hướng dẫn
(12) nãi ():có thể, thì
(13) thiên ():thay đổi
(14) đạo ():phương pháp, đạo
(15) quý ():quan trọng nhất
(16) chuyên ():chuyên tâm
5. Câu hỏi thảo luận:

a. “Bản tính tối nguyên sơ của con người” là nói lên điều gì? Có phải bản tính con người lúc sinh ra? Hay nó là bản tính tối nguyên sơ của sinh mệnh?

b. Chữ “Tập” (học tập, thói quen) này nghĩa là gì? Có phải chỉ học tập nội dung sách vở mới tính là “tập”?

c. Có phải những gì chúng ta học sau khi sinh ra luôn làm cho chúng ta tốt hơn? Có khả năng có điều chúng ta học lại khiến chúng ta trở nên xấu đi không?

d. Chúng ta làm thế nào để giữ được bản tính thiện lương này?

e. Chữ “Chuyên” (chuyên tâm) này nghĩa là gì? Vì sao điều quan trọng nhất của học tập là chuyên tâm?

(Hướng dẫn dạy học: Học tập nếu có thể đạt được nhất tâm bất loạn thì có thể không xa rời chính Đạo, thì cũng có thể giữ được bản tính thiện lương này của chúng ta)

6. Viết đoạn văn về những điều tâm đắc:

a. Nếu bạn là Chu Xứ, bạn sẽ cảm thấy thế nào khi nhận ra rằng người trong làng nghĩ rằng mình là một quái vật?

b. Làm sao Chu Xứ tiêu diệt con quái vật thứ ba là chính mình?

c. Từ nay về sau khi đối diện với phê bình của người khác thì bạn đối đãi như thế nào?

7. Đọc sách bút đàm:

Chỉ 18 chữ mở đầu “Tam tự kinh” đã nói rõ mục đích cuối cùng của các loại kinh điển trước tác Nho gia hàng ngàn năm nay, đã nói ra Thiên cơ.

6 chữ “Người ban đầu, vốn tính thiện” thể hiện nhận thức của Nho gia về bản tính thiện của con người.

12 chữ tiếp theo: “Tính gần nhau, thói cách xa. Nếu không dạy, tính đổi thay” nói ngay vào ý nghĩa cốt yếu, mục đích căn bản của giáo dục Nho gia: giữ gìn và bảo vệ bản tính thiện lương của con người không bị biến đổi.

Nhân tính lúc mới sinh ra là thiện lương, người người đều gần gũi nhau (tính gần nhau), nhưng do sinh trưởng ở các hoàn cảnh khác nhau, gặp những người và sự việc khác nhau, thậm chí sai khác rất lớn (thói cách xa), nên nếu không được giáo dục (Nếu không dạy), thì dưới ảnh hưởng hậu thiên, dần dần khiến con người mê lạc mất bản tính, thậm chí bước sang tà ác mà không tự biết (tính đổi thay).

6 chữ cuối cùng: “Đạo dạy học, quý ở chuyên” cho thấy giáo dục cần duy trì thường hằng, không được bỏ dở giữa chừng.

Bài mở đầu chỉ với 24 chữ đã nói rõ được mục đích căn bản, tầm quan trọng của giáo dục và cách thức thực hiện giáo dục. Đây là điều mà hàng chục hàng trăm cuốn sách, công trình nghiên cứu hiện nay cũng chưa chắc đã nói rõ ra được.

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch