Ông Trần Văn T. (58 tuổi) có tiền sử bệnh suy hô hấp cấp/bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Phổi Trung ương trong tình trạng khó thở, có tiếng rít thanh quản…

Trước đó 2 tháng, bệnh nhân T. từng phải đặt nội khí quản thở máy. Sau khi ra viện, ông T. vẫn còn khó thở. Tình trạng này tăng lên mỗi khi bệnh nhân ho khạc đờm.

dat stent cuu song nam benh nhan bi suy ho hap cap do hep khi quan
Hình ảnh CT ngực bệnh nhân T bị hẹp khí quản ở đoạn 1/3 trên.

Sau khi CT scanner ngực, nội soi phế quản, các bác sĩ phát hiện tình trạng xơ sẹo gây chít hẹp gần như hoàn toàn khẩu kính khí quản đoạn 1/3 trên, ngay dưới thanh môn, đe dọa tính mạng người bệnh.

Bệnh nhân T. nhanh chóng được nội soi phế quản ống cứng để nong rộng chỗ hẹp và đặt stent khí quản. Sau can thiệp, tình trạng bệnh nhân đã ổn, không còn khó thở và được xuất viện hôm 2/10 vừa qua.

TS. BS Vũ Khắc Đại, Phó Trưởng khoa Nội soi chẩn đoán và can thiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, sẹo hẹp khí quản do di chứng sau đặt ống nội khí quản thở máy ít gặp nhưng thường hay bị chẩn đoán nhầm là hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Chính vì thế, người bệnh rất dễ tử vong nếu không được chẩn đoán đúng và kịp thời.

Bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp người bệnh có tiền sử đặt nội khí quản hoặc mở khí quản thở máy nếu khó thở ngày càng tăng dần không đáp ứng với các thuốc giãn phế quản, chống viên, cần được nội soi phế quản ống mềm kiểm tra, để phát hiện và điều trị sớm.

Tuệ Anh (Tổng hợp)