“Trăm năm tri kỷ khó tìm, tri âm khó gặp, bạn hiền khó quen”. Phải, một trong những ẩn ức lớn nhất của con người chính là tìm ra được “kẻ hiểu mình”. Nhân sinh như mộng, tìm được tri kỷ tương giao, có thể trút cạn nỗi lòng chính là một niềm hạnh phúc lớn. Hơn nghìn năm trước, trên dải đất Trung Nguyên vạn dặm, có hai kẻ tri âm, tri kỷ bất chợt đã tìm thấy nhau. Bất chợt mà chẳng bất ngờ, tưởng là tình cờ ai ngờ lại là duyên phận…

Trong lịch sử thơ ca Trung Quốc, Lý Bạch là Thi Tiên còn Đỗ Phủ là Thi Thánh. Trong khúc trường ca đầy hạo khí của Đường thi, hai ông thực chẳng khác nào hào quang của tinh tú nhật nguyệt, cùng nhau tỏa sáng trên bầu không như chòm sao Song Tử. Có một điều kỳ lạ là hai tài năng rực rỡ của văn chương, nghệ thuật thế giới ấy lại cùng sinh sống dưới một gầm Trời, trong một thời đại, lại còn là bạn vong niên, kết giao thâm tình. Câu chuyện của “chòm sao Song Tử” Lý – Đỗ đã để lại cho hậu thế một trường đoạn cảm xúc vui buồn lẫn lộn, xứng đáng là tình bằng hữu nghìn năm có một.

Mối duyên tiền định

Tranh vẽ Lý Bạch. (Ảnh: Public Domain)

Năm ấy, khi gặp Đỗ Phủ, Lý Bạch đã 44 tuổi. Lý Bạch lúc này tuổi đã trung niên, nhiệt huyết, hào hoa tuổi trẻ chẳng còn nhiều, cũng không còn ở nơi quyền quý cao sang, vừa rời kinh thành, bị nhiều người xa lánh. Lý Bạch rơi vào cảnh lẻ loi, một mình phiêu linh bốn biển. Nhưng chừng như ông không buồn vì thiếu bạc, thiếu ăn mà buồn nhiều hơn vì thiếu người tri kỷ.

Năm 744, Lý Bạch vì làm phật ý Cao Lực Sĩ, Dương Quý Phi, bị gièm pha nhiều, sinh ra chán nản. Lại cũng vì đôi chân của kẻ giang hồ không còn chịu ngồi im được nữa, Lý bèn quyết ý rời cung. Ba năm sống cảnh “chim lồng cá chậu” trong cung khiến cái con người ưa xê dịch, thích lãng du ấy cảm thấy vô cùng tù túng. Rời hoàng cung trong sự tiếc nuối của Đường Minh Hoàng (vốn cũng là một ông vua tài tử trứ danh), Lý Bạch thấy trong lòng nhẹ nhõm nhiều. Tiết tháng ba, cỏ cây mơn mởn, oanh hót ríu ran, Lý từ biệt Trường An, cầm theo một chút bạc làm lộ phí, bái biệt Đường Minh Hoàng đi thẳng. Vua tiếc tài ông, mấy bận níu giữ, Lý coi như bỏ ngoài tai. Vua lại tặng vàng, Lý cũng không cầm. Cuối cùng, vua thở dài, ban cho ông một trong những đặc ân kỳ lạ nhất lịch sử: được phép uống rượu miễn phí thoải mái ở bất kỳ tửu quán nào, tiền sẽ do ngân khố triều đình chi trả.

Tranh vẽ Đỗ Phủ. (Ảnh: Public Domain)

Rời chốn phồn hoa, ông ngao du khắp nơi, từng qua đất Triệu, Nguỵ, Tề, Tần, Lương, Tống, các vùng Bân, Kỳ, Thương, Ư, Lạc Dương, các sông Hoài, sông Tứ… Trên đường ngao du tứ hải, Lý Bạch quen biết rất nhiều bằng hữu, lúc thì múa kiếm luận đạo với những đạo sĩ ở ẩn, khi thì uống rượu làm thơ với những mặc khách tao nhân. Nhưng người hiểu tận được lòng ông có lẽ chỉ có Đỗ Phủ mà thôi.

Tháng tư, chính vào lúc hoa hạnh bay đầy trời, Lý Bạch tới Lạc Dương. Mà lúc đó, Đỗ Phủ vừa khớp cũng đang ở Lạc Dương. Đỗ Phủ, 33 tuổi, năm ấy cùng Lý Bạch kết làm bạn vong niên. Đỗ Phủ xuất thân con nhà danh môn, ông nội là Đỗ Thẩm Ngôn, một nhà thơ nổi tiếng thời Sơ Đường. Cha Đỗ Phủ là Đỗ Nhàn, bấy giờ cũng đang làm một chức quan nhỏ coi việc nấu nướng, ngự thiện cho Hoàng đế. Lý Bạch trông thấy Đỗ Phủ, năm ấy mới hơn 30 tuổi, thực là giữa độ tráng niên, một bầu nhiệt huyết tràn trề. Trước đó, Đỗ Phủ 7 tuổi học làm thơ, 15 tuổi thì tài thi phú đã vang truyền khắp xa gần. Ngoại trừ việc thi rớt cử nhân năm 25 tuổi, hầu như tuổi trẻ của Đỗ chưa nếm trải qua sóng gió đường đời, cũng chưa phải đối diện với những thời khắc suy sụp, bất lực như Lý Bạch.

Ấy vậy mà ở chàng trai kém mình tới 11 tuổi, Lý Bạch lại tìm thấy một mối giao cảm kỳ lạ. Chừng như Lý nhìn thấy cả một tuổi xuân đầy hoài bão của mình ở Đỗ. Và chừng như Lý cũng đã thấy trước được rằng, rồi mai đây chàng thanh niên lòng ôm chí lớn kia sẽ lại sớm rơi vào cảnh bất lực với thế thái nhân tình như mình mà thôi. Lý yêu mến và cũng thương cảm cho Đỗ, vậy nên tự khắc có một tình cảm đặc biệt. Hai người hơn kém nhau 11 tuổi, vì tài thơ, vì cùng chí hướng, vừa gặp tựa như đã quen nhau nghìn đời, kết bái tương giao làm bạn vong niên, một trong những tình bạn kỳ lạ nhất trong lịch sử.

Hai người gặp nhau vào mùa hạ. Đến mùa thu, Lý, Đỗ cùng nhau du ngoạn đất Lương (nay là Khai Phong), đất Tống (nay là Thương Khâu), lên chơi Xuy Đài, Cầm Đài, cùng nhau vượt qua Hoàng Hà, dạo chơi núi Vương Ốc. Họ còn tìm đến bái yết đạo sĩ Hoa Cái Quân, chỉ tiếc là không gặp được ông bởi ông đã sớm đắc Đạo rời đi, không còn ở trong nhân thế nữa. Các ghi chép trong sách cổ đều tường thuật về rất nhiều chuyến du ngoạn của Lý Bạch và Đỗ Phủ. Có thể thấy đây chính là sở thích chung của hai người. Những chuyến đi có thể mang đến cho họ nhiều cảm hứng hơn. Lý Bạch đam mê tu Đạo, cũng từng sống đời ẩn sĩ, đạo sĩ. Còn Đỗ Phủ, ta chưa thấy ông trực tiếp nói lên ý chí tu Đạo trong thơ của mình bao giờ nhưng việc ông cùng Lý Bạch đến bái yết các đạo sĩ ít nhất cũng cho thấy rằng đối với việc học Đạo tu tiên, Đỗ không có ý phản đối. Bởi thế, dẫu có không là bạn thơ thì hai người vẫn còn chia sẻ với nhau một điểm chung này: là những người ưa xê dịch, là những người bạn giang hồ.

(Ảnh: Secretchina)

Năm sau (745), Lý Đỗ hai người tiếp tục ngao du đến đất Sơn Đông. Tại đây, họ gặp Cao Thích, cũng là một thi nhân nổi tiếng khác đương thời. Cao Thích vốn là người tràn đầy khí phách, ham mê sự nghiệp, muốn vận dụng hết tài học mà giúp nước nhưng lại gặp phải cảnh bĩ, đành ngao du bốn bể, nay đây mai đó làm một kiếm khách, thi khách. Ba người họ gặp nhau, mau chóng kết thân, ngày ngày rong chơi vui vẻ. Đêm về, họ thường cùng nhau nâng chén nói cười, say sưa thi phú, say rồi thì nằm cùng một giường, đắp cùng một tấm chăn, ngủ một mạch đến khi trời sáng rõ. Ban ngày, Lý, Đỗ, Cao sóng vai đồng hành, vừa đi vừa múa hát, thưởng thức cảnh đẹp ven đường, lúc thì săn bắn chốn đồng hoang, khi lại thăm thú kỳ hoa dị thảo nơi vắng vẻ. Cuộc sống tiêu dao qua ngày tháng, thực không gì sánh bằng.

Trong hơn nửa năm ngao du ấy, tình cảm của Lý Bạch và Đỗ Phủ ngày càng thân thiết, coi nhau còn trọng hơn huynh đệ một nhà. Sau này, trong thơ của mình, Đỗ Phủ thường nhắc đến những ngày tháng rong chơi thống khoái ở đất Tề, đất Lỗ mà thầm lưu luyến, nhớ tiếc. Ngày nay, trong công viên Vũ Vương Đài ở Khai Phong vẫn còn lưu lại một bức hoạ tưởng nhớ về ba đại thi hào Lý Bạch, Đỗ Phủ và Cao Thích đăng đài ngâm thơ với tên gọi “Tam hiền tử” (ba người hiền).

Chia tay ở Duyện Châu, không ngờ trở thành biệt ly vĩnh viễn

Lý Đỗ trong những ngày du hí giang sơn hồ hải, thường là: “Tuý vũ Lương viên dạ/ Hành ca Tứ thuỷ xuân” (đêm say múa ở vườn Lương, lang thang ca hát ở sông Tứ). Cứ như vậy, hai người cùng ăn, cùng ngủ, cùng đi, cùng hát vang khẳng khái, chí khí xông tận trời xanh. Đỗ Phủ hết sức trân trọng quãng thời gian này. Trong bài: “Dữ Lý thập nhị Bạch đồng tầm Phạm thập ẩn cư”, ông viết:

Dư diệc Đông Mông khách

Liên quân như đệ huynh

Tuý miên thu cộng bị

Huề thủ nhật đồng hành

(Nghĩa là: Tôi cũng là khách như ông ở Đông Mông. Ta thương nhau như anh em ruột. Trời thu lạnh, say ngủ đắp chung chăn. Ban ngày nắm tay cùng đi đây đó).

Đỗ Phủ rất trọng Lý Bạch, trọng cả tính cách lẫn tài năng. Ta thấy trong sự giao lưu thơ văn của hai người, Đỗ Phủ nhắn gửi cho Lý Bạch rất nhiều, làm hơn chục bài thơ tặng Lý, nhớ Lý, thương Lý. Còn Lý Bạch, vốn là cuồng khách chốn nhân gian, coi mọi thứ tình cảm trong chốn hồng trần nhẹ tựa lông hồng, chỉ hai lần làm thơ về người bạn vong niên. Một điểm đó cho ta thấy rõ tính cách hai người. Đỗ Phủ nặng tình, nhiều tâm tư, thành thật, sống nguyên tắc, kính thánh tôn hiền. Còn Lý Bạch thì ngạo khí ngất trời, giống một trích Tiên, một cuồng khách, có đôi lúc gàn dở, phiêu linh, tâm hồn phóng khoáng, ưu nhã, lại thường say bí tỉ quên đời. Đỗ sống một đời nghiêm cẩn, Lý thích thoải mái, bỗ bã. Đỗ cả đời nguyện không đổi chí, Lý tuỳ hứng, tuỳ thời. Đỗ nói năng cẩn trọng, Lý lắm lúc cuồng ngôn. Đỗ vui buồn ít lộ ra mặt, Lý yêu ghét rõ ràng phân minh…

Tranh vẽ Lý Bạch (trái) và Đỗ Phủ. (Ảnh: Wikipedia Commons)

Về văn chương, Đỗ Phủ thường nhún nhường tự nhận là bậc đàn em, dù tài năng của ông đã được thiên hạ nghìn đời công nhận. Ông không tiếc lời dành cho Lý Bạch sự ngợi ca tột bậc: “Bút lạc kinh phong vũ/ Thi thành khấp quỷ thần” (Hạ bút kinh động như mưa gió, thơ thành khiến quỷ thần phải khóc). Đó gọi là anh hùng trọng anh hùng, người thơ quý người thơ vậy!

Khi hai người gặp nhau, Lý Bạch đã nổi danh thiên hạ, đến cả Hoàng đế cũng phải nể vì ba phần còn Đỗ Phủ vẫn là chàng thanh niên chưa có tiếng tăm gì. Nhưng cái ngạo khí ngang tàng của Lý Bạch, qua bao nhiêu đoạn thời gian vẫn hoà quyện tuyệt vời với sự chân thành, mẫu mực của Đỗ Phủ. Hai người vẫn có thể hợp ý, hợp tình mà cùng du ngoạn thiên hạ, ngao du sông hồ, say sưa ca múa, tình như huynh đệ, khó có thể rời xa. Có nói quá không khi ta cho rằng đó là một mối duyên tiền định?

Nhưng rồi cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, hai người ở bên nhau thấm thoắt cũng đến giờ ly biệt. Lý Bạch muốn đi về phương nam nối dài những chuyến đi không nghỉ, Đỗ Phủ tới Trường An tiếp tục giũa mài chí lớn. Họ từ biệt ở Duyện Châu. Ta có thể tưởng tượng ra một trong những trường đoạn ly biệt đầy tiếc nuối của lịch sử. Lý Bạch nâng chén rượu lên mà không nỡ uống, quyến luyến chẳng rời, chừng như muốn rơi lệ. Không! Lý Bạch không bao giờ khóc. Sau phút vương vấn, cảm khái ấy, Lý uống cạn chung rượu, hào sảng mà hô lên: “Phi bồng các tự viễn/ Thả tận thủ trung bôi!” (Hai ta sắp xa nhau như ngọn cỏ bồng trước gió, vậy hãy uống cạn ly rượu đang có trong tay). Nhìn ra xa xa, dòng sông Tứ nhấp nhô từng đợt sóng thu. Kẻ ở người đi, đều ăm ắp tâm trạng. Trong giờ phút khó khăn ấy, Đỗ Phủ tình sâu ý nặng, mắt không giấu nổi vẻ buồn thương, hỏi Lý Bạch: “Hà thì Thạch Môn lộ/ Trùng hữu kim tôn khai?” (Bao giờ mới được ở Thạch Môn cùng bạn hiền cạn chén đây?). Câu hỏi ấy, cả nghìn năm sau vẫn không được trả lời. Vì rốt cuộc Lý, Đỗ cũng không còn có ngày gặp lại…

Tranh vẽ Đỗ Phủ. (Ảnh: Epochtimes)

Cả một đời nhớ nhau…

Bởi lần chia tay đầy nước mắt ở Duyện Châu đó mà cả quãng đời sau này, Lý, Đỗ vẫn hoài thương nhớ nhau. Quãng thời gian cùng nhau ngao du sơn thuỷ ở đất Lương, đất Tống, đất Tề có lẽ cũng chính là thời khắc đắc ý nhất trong đời hai thi nhân. Kể từ đó về sau, mỗi người lại đơn độc bước đi trên hành trình sinh mệnh nhấp nhô, đầy sóng gió của mình. Lý Bạch phiêu linh tứ hải trong cảnh nghèo túng. Mà Đỗ Phủ, vốn chưa từng phải chịu nỗi khổ cực chốn nhân gian cũng đang bắt đầu tiến vào cuộc phiêu lưu đầy gió táp mưa sa, bấp bênh thống khổ.

Nhưng trong những giờ phút cúi xuống lòng mình, họ vẫn nhớ tới nhau bằng những cảm tình trân trọng nhất. Nhất là Đỗ Phủ, nhớ bạn da diết, nhớ bạn hầu như ở mọi cảnh huống trong đời. Ông để lại rất nhiều bài thơ nói về Lý Bạch, viết cho Lý Bạch như: “Tặng Lý Bạch”, “Xuân nhật ức Lý Bạch”, “Đông nhật hữu hoài Lý Bạch”, “Thiên mạt hoài Lý Bạch”, “Mộng Lý Bạch”… cộng lại đúng 14 bài. Đỗ Phủ, như đã nói, thực là một người giàu tình cảm. Không chỉ nhớ những lúc cùng nhau giao kết, vui chơi, ông còn lo cho Lý Bạch những chuyện cỏn con nhất như ăn, mặc, ở, đi lại, lo Lý bị biếm trích, lo Lý không quen cuộc sống nơi núi thẳm hang hoang, rừng thiêng nước độc… Cách biệt nghìn trùng, tấm lòng tưởng nhớ Lý Bạch của Đỗ Phủ chừng như vẫn chưa bao giờ gián đoạn. Đến khi về già rồi, Đỗ vẫn còn mơ một ngày: “Hà thì nhất tôn tửu/ Trùng dữ tế luận văn” (biết bao giờ được cùng nhau uống một chén rượu mà bàn luận chuyện văn chương?). Thực đúng như hai câu thơ của Vương Bột:

Hải nội tồn tri kỷ

Thiên nhai nhược tỷ lân

(Trong trời biển còn người tri kỷ, dẫu xa cách góc bể chân trời vẫn như ở cạnh nhau).

Tranh vẽ Lý Bạch. (Ảnh: Secretchina)

Còn Lý Bạch thì sao? Đương nhiên, với khí chất của một người tu Đạo, với ngạo khí của một kẻ sĩ giang hồ, với bản tính bộc trực, thẳng thắn, ông không dễ yếu lòng trước những cảnh biệt ly huynh đệ, cũng không có một trái tim đa sầu đa cảm như Đỗ Phủ. Song ở đâu đó, vào một lúc nào đó, người ta vẫn thấy Lý Bạch buồn thực sự khi nghĩ về tình bạn tri kỷ của mình. Nhiều năm sau, khi một lần nữa đến đất Tề, đất Lỗ, Lý Bạch nhớ tới cảnh cũ người xưa, trong lòng bồi hồi, hạ bút viết bài: “Sa Khâu thành hạ ký Đỗ Phủ”, cũng chính là những câu xuất ra từ gan ruột:

Ngã lai, cánh hà sự?

Cao ngoạ Sa Khâu thành

Thành biên hữu cổ thụ

Nhật tịch liên thu thanh

Lỗ tửu bất khả tuý

Tề ca không phục tình

Tư quân nhược Vấn Thuỷ

Hạo đãng kí nam chinh

(Ta tới đây, cũng không biết là vì sao đây? Mà nằm dài trong thành Sa Khâu. Ngoài thành có cây cổ thụ. Ngày đêm xào xạc tiếng thu. Rượu nước Lỗ không thể làm ta say. Ca xướng nước Tề cũng không hợp lòng ta. Nhớ anh như là sông Vấn. Dào dạt chảy về nam).

Lý thích nhất trên đời là ngao du sơn thuỷ, uống rượu, làm thơ và nghe ca xướng. Nhưng bất giác trong khoảnh khắc trở lại chốn xưa, cả mấy thứ ấy hoá ra thành vô vị cả. Đơn giản vì Lý đã không còn người tri kỷ để cùng nhau thưởng thức. Phóng khoáng như Lý Bạch, cao ngạo như Lý Bạch, vậy mà đối diện với cảnh một mình về chốn cũ, bên cạnh không còn Đỗ Phủ cũng nhịn không được sầu, tâm ý ảm đạm thê lương. Tiếng ca đất Tề, rượu đất Lỗ cũng chẳng thể gợi thi hứng được. Thay vào đó là một nỗi nhớ dài dằng dặc, dằng dặc như sông Vấn kia, dào dạt chảy về phương nam, chảy về phương nam…

Người viết bài này đồ rằng, cái dòng sông thương nhớ ấy đến bây giờ vẫn còn chảy, dù ở một cõi cao nào đó hai đại thi nhân có thể đã gặp lại nhau và cùng cạn chén tương phùng!

* Tiêu đề bài viết lấy từ bài “Vô đề” của Lý Thương Ẩn. Nguyên tác: “Tương kiến thì nan biệt diệc nan/ Đông phong vô lực bách hoa tàn”. Dịch nghĩa: Gặp gỡ nhau đã khó, chia lìa nhau lại càng khó/ Gió xuân không đủ sức, để trăm hoa tàn úa.

Bài viết:
Tiểu Lý

Ảnh bìa:
Secretchina

Thiết kế:
Tự Minh

Bài viết: Tiểu Lý
Ảnh bìa: Secretchina