Kể từ đó, những chuyện con cái vạch mặt cha mẹ, vợ vạch mặt chồng, cha mẹ, vợ chồng, con cái vạch rõ giới tuyến, đoạn tuyệt quan hệ phổ biến khắp Trung Hoa đại địa, mối quan hệ gia đình hòa thuận ngàn đời nay biến trở nên lạnh nhạt vì “đấu tranh giai cấp”. Niềm tin cơ bản nhất giữa người với người đã không còn nữa…

Khi Mao Trạch Đông phát động Cách mạng Văn hóa, kẻ thù chính trị quan trọng nhất mà ông ta muốn lật đổ là Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước bấy giờ. Để làm điều đó, Mao đã dùng rất nhiều thủ đoạn tàn nhẫn, một trong số đó là buộc những đứa con của Lưu phải dán các áp phích lớn bêu riếu chính cha của chúng. 

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm năm chân tướng“! Hôm nay, chúng tôi xin nói chuyện với các bạn về tấm áp phích đã làm điên đảo nhân tính và những ác quả do nó mang lại.

Lưu Thiếu Kỳ bị đả đảo

Lưu Thiếu Kỳ từng được Mao Trạch Đông đích thân chọn làm người kế vị, trước khi bị lật đổ, ông là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương, Chủ tịch nước, nhân vật đứng thứ hai chỉ sau Mao.

Nhưng vào năm 1962, về cách làm thế nào đối đãi với cuộc vận động Đại nhảy vọt khiến hàng chục triệu người chết đói, Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ đã phát sinh những bất đồng nghiêm trọng.

Năm 1961, Lưu Thiếu Kỳ trở về quê hương Hồ Nam của mình để thực hiện một cuộc điều tra kéo dài 44 ngày, nhìn thấy người dân trăm họ trong tình huống bần cùng, chết đói, cảm thấy quá đau lòng.

Tại đại hội bảy ngàn người được tổ chức vào tháng 1 năm 1962, Lưu Thiếu Kỳ biểu thị rằng, thảm họa này là “Ba phần thiên tai bảy phần nhân họa”, chủ động thừa nhận trách nhiệm, bức bách Mao Trạch Đông không thể không giả vờ làm kiểm điểm.

Theo cuốn sách “Lưu Thiếu Kỳ mà bạn không biết”, vào tháng 7 năm 1962, Lưu từng nói với Mao: “Rất nhiều người chết đói, và lịch sử sẽ buộc tội tôi và ông! Người ta ăn thịt lẫn nhau, phải ghi chép lại!”

Đối với việc Lưu Thiếu Kỳ bức bách Mao phải làm kiểm điểm trong đại hội bảy ngàn người, Mao luôn cay cú tìm cách trả thù. Cuốn sách: “Quá khứ vĩ đại: Từ chiều dài lịch sử giải mật đương án” ghi chép lại, thời kỳ Cách mạng Văn hóa, vợ của Mao là Giang Thanh từng nói: “[Mao] đã phải ngậm miệng tại đại hội bảy ngàn người, mãi đến khi Cách mạng Văn hóa mới lại được mở miệng.”

Ngày 5/8/1966, Mao Trạch Đông dùng bút chì viết trên góc của một bài báo rằng: “Bắn phá Bộ tư lệnh – áp phích chữ lớn của tôi”. Nó đã được đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo ngày hôm đó.

Tấm áp phích lớn này chính thức gióng lên còi hiệu đả đảo Lưu Thiếu Kỳ.

Các con của Lưu Thiếu Kỳ “vạch mặt” cha

Trợ thủ đắc lực nhất của Mao khi phát động Cách mạng Văn hóa là ai? Chính là Giang Thanh. Giang Thanh khi đó trên danh nghĩa là Tổ phó tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, nhưng thực chất là lãnh đạo cao nhất. Mao muốn đả đảo ai, Giang Thanh liền dốc toàn lực; Mao muốn đả đảo Lưu, Giang Thanh sẽ đích thân lo liệu.

Khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, Lưu Thiếu Kỳ và con gái Lưu Đào của người vợ thứ tư là Vương Tiền, đang theo học tại Đại học Thanh Hoa.

Cuối năm 1966, Giang Thanh đến Đại học Thanh Hoa chỉ để tìm Lưu Đào nói chuyện, yêu cầu cô bé phải vạch ra giới tuyến rõ ràng với người cha Lưu Thiếu Kỳ, kiên định bất di đứng về phía Mao Chủ tịch, nghe lời Mao, cùng Mao làm cách mạng.

Theo cuốn sách “Lịch sử mười năm Cách mạng Văn hóa”, vào tết Nguyên Đán năm 1967, Lưu Đào và em trai của cô bé là Lưu Doãn Chân đến thăm mẹ ruột của họ, Vương Tiền. Vương Tiền đã nói chuyện với họ về nhiều vấn đề của Lưu Thiếu Kỳ. Vào ngày 2 tháng 1, Lưu Đào và Lưu Doãn Chân đã căn cứ theo chỉ thị của Giang Thanh và hướng dẫn của Vương Tiền, viết thành một áp phích lớn “Hãy xem! Linh hồn xú ác của Lưu Thiếu Kỳ”. Vào ngày 3 tháng 1, cả hai đã làm thành ba tấm áp phích lớn như vậy, dán tại Đại học Thanh Hoa, cổng vào căng tin công chức Trung Nam Hải, v.v., để chứng tỏ rằng họ “triệt để quyết liệt đoạn tuyệt với người cha phản động của mình”.

Tấm áp phích phê phán Lưu vì “nhất quán chống lại tư tưởng Mao Trạch Đông trong lĩnh vực chính trị, tham gia vào các thủ đoạn giai cấp tư sản của riêng mình, dùng để đối kháng Mao chủ tịch, biểu hiện dã tâm chính trị tối đại của ông ta”.

Tấm áp phích tuyên bố rằng Lưu “xác thực là Khrushchev của Trung Quốc”, và rằng ông ta “đã đào ra một quả bom định giờ ngay bên cạnh Chủ tịch Mao”.

Tấm áp phích còn lớn tiếng mắng nhiếc Lưu là “vô liêm sỉ đến mức cực điểm”, “tự tư tự lợi đến cực điểm”, “vô đạo đức đến cực điểm”, “là một kẻ đạo đức giả” và là “một tội nhân của nhân dân”.

Tấm áp phích cũng đào sâu vào gốc rễ tư tưởng của Lưu, nói rằng “Triết học nhân sinh của Lưu Thiếu Kỳ đều là thứ triết học sinh tồn, triết học phản đồ”.

Ngay khi tấm áp phích lớn này ra mắt, nó đã lập tức gây chấn động Bắc Kinh, khiến cả nước phải sửng sốt. Nó cùng với áp phích của Mao Trạch Đông và vô số áp phích nhân vật lớn của hồng vệ binh trên khắp đất nước, một khi khởi lên, lập tức biến Lưu Thiếu Kỳ thành nhân vật phản diện lớn nhất ở Trung Quốc đại lục trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”.

Ngày 31/10/1968, Hội nghị toàn thể lần thứ mười hai của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa tám đã thông qua báo cáo thẩm tra do “Tổ chuyên án Lưu Thiếu Kỳ” do Chu Ân Lai làm tổ trưởng, nhận định rằng Lưu Thiếu Kỳ “là kẻ phản đồ, nội gián, công tặc mai phục trong nội bộ đảng, là chủ nghĩa đế quốc đầy tội ác, là tai sai của chủ nghĩa tu chính và phái phản động Quốc dân Đảng”. Toàn đại hội quyết định: “Khai trừ vĩnh viễn Lưu Thiếu Kỳ khỏi đảng, triệt tiêu hết thảy chức vụ trong và ngoài đảng”.

Ngày 12/11/1969, Lưu Thiếu Kỳ bị tra tấn đến chết ở Khai Phong, Hà Nam.

Ác quả của việc “con vạch mặt cha”

Mao Trạch Đông và Giang Thanh đã yêu cầu các con của Lưu Thiếu Kỳ dán những tấm áp phích lớn để vạch mặt và chỉ trích chính cha ruột của chúng, cho toàn trẻ em Trung Quốc thấy tấm gương con phản cha, vợ phản chồng, tạo thành ác quả vô cùng cay nghiệt.

Kể từ đó, những chuyện con cái vạch mặt cha mẹ, vợ vạch mặt chồng, cha mẹ, vợ chồng, con cái vạch rõ giới tuyến, đoạn tuyệt quan hệ phổ biến khắp Trung Hoa đại địa, mối quan hệ gia đình hòa thuận ngàn đời nay biến trở nên lạnh nhạt vì “đấu tranh giai cấp”. Niềm tin cơ bản nhất giữa người với người đã không còn nữa.

Ví dụ, Cố Chuẩn, một nhà kinh tế học nổi tiếng, người đã hai lần bị đả thành hữu phái, các con trai và con gái của ông đã cùng nhau “đoạn tuyệt quan hệ cha con với Cố Chuẩn”.

Theo bài báo “Cố Chuẩn và những đứa con”, vào năm 1974, bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối của Cố Chuẩn bùng phát. Trước khi chết, vì để gặp các con lần cuối, ông đành ký vào một bức thư nhận tội đã được chuẩn bị sẵn dù nó trái với tâm địa của mình. Vào ngày 24/11, Cố Chuẩn cuối cùng đã nhận được một bức thư từ con trai mình, Cố Trọng Chi, gửi từ nơi khác. Tuy nhiên, người thanh niên mời 20 tuổi đã viết trong bức thư:

“Giữa tình yêu đối với sự nghiệp của đảng và lòng căm thù đối với Cố Chuẩn, là không thể tồn tại cái gì là tình cảm cha con… Tôi muốn đi cùng đảng, cùng Mao chủ tịch, tôi là quyết không thể đi cùng Cố Chuẩn, trong tình huống này, tôi đã dùng biện pháp đoạn tuyệt quan hệ, điều mà tôi đến nay tin rằng đó là chính xác, tôi nghĩ cũng không thể coi đó là quá đáng… Tôi tin tưởng rằng giữa những người thân thuộc vẫn tồn tại đấu tranh giai cấp thâm khắc nghiêm trọng, điều này cũng không có gì là kỳ quái cả.”

Đúng 0 giờ ngày 3 /12/1974, Cố Chuẩn đã mang theo oan khuất mà đi. Không ai trong số năm người con của ông đến nhìn ông lần cuối.

Một ví dụ khác là Nhiêu Sấu Thạch, người đã bị Mao Trạch Đông đả đảo là “kẻ âm mưu, kẻ dã tâm, phần tử phản đảng”, con gái của ông là Lục Lan Thẩm từng viết một bài báo, hồi ức lại:

“Năm 1955, ông bị khai trừ đảng tịch và bị bắt vào tù. Từ đó về sau, cha con chúng tôi đoạn tuyệt, không bao giờ gặp lại nhau, cũng không bao giờ được nghe tin nữa. Cũng năm đó, mẹ tôi cũng vì thế mà bị liên lụy, bị bắt và cách ly thẩm tra lần thứ nhất (thời kỳ Cách mạng Văn hóa bị giam ở nhà tù Tần Thành gần 7 năm). Từ đó, tôi gánh trên vai ‘án đen’ của gia đình, phải trải qua không biết bao nhiêu cuộc khảo tra không ngừng.”

Cô kể tiếp, có lần, “một vị lãnh đạo đơn vị nơi tôi công tác thử hỏi dò tôi: ‘Cô có muốn gặp cha cô không?’ Tôi giật mình, nghĩ đây liệu có phải là một cuộc khảo tra lập trường khác của tổ chức không, liền trả lời không chút do dự: ‘Không muốn gặp.’ ‘Nếu ông ấy muốn gặp cô thì sao?’, ông ta lại truy vấn, tôi kiên quyết trả lời: ‘Vậy cũng không.’ Câu trả lời này xác thực đã phản ánh đúng suy nghĩ thực sự của tôi lúc đó.”

Lục Lan Thẩm sau đó mới biết, “cha tôi, người đã bị giam giữ 10 năm, đến năm 1965 mới bị xét xử, và sau đó có một đoạn thời gian được tạm tha.” Từ thời gian đó mà xét, vừa khớp chính là lúc Lục Lan Thẩm được hỏi có muốn gặp cha mình hay không.

Sau khi Cách mạng Văn hóa bùng phát, năm 1967, Nhiêu Sấu Thạch bị bắt giam trở lại. Vào ngày 2/3/1975, ông bị bệnh mà chết trong tù ở tuổi 72. Lục Lan Thẩm viết: “Có lẽ nào sự thực là cha tôi đã đề xuất được gặp tôi lúc đó? Nhưng vị lãnh đạo đó đã qua đời, tình tiết thế nào đã không còn được biết đến nữa. Tôi có lẽ đã mất đi cơ hội cuối cùng để gặp lại cha mình như thế, trở thành nỗi di hận cả đời!”

Kể từ khi các con trai và con gái của Lưu Thiếu Kỳ đăng những tấm áp phích bêu riếu chính cha họ, những tấn bi kịch bị phản phúc bởi chính người thân của mình như thế này đã không ngừng nổi lên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, trở thành vết sẹo không thể xóa nhòa trong lịch sử Trung Quốc. Đó cũng là quả “bom khí độc” mà ĐCSTQ đã kích nổ để phá hủy mối quan hệ nhân luân đã kéo dài suốt 5000 năm Trung Hoa, còn di họa đến hiện tại.

Tại sao lại xuất hiện hiện tượng này?

Nếu quý vị truy đến tận gốc rễ, sẽ truy đến tổ tông của ĐCSTQ: Karl Marx. Trong Tuyên ngôn Cộng sản, Marx yêu cầu những người Cộng sản phải “quyết đoạn tuyệt triệt để nhất với những quan niệm thực hành truyền thống”.

Khổng Tử đặt nền tảng cho học thuyết Nho gia, là bộ phận tổ thành trọng yếu của quan niệm truyền thống Trung Quốc.

Lúc đầu, Tề Cảnh Công hướng đến Khổng Tử hỏi về việc chính trị, Khổng Tử giảng tám chữ: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”. Ý tứ là nói, bậc vua tôi, cha mẹ, con cái mỗi người đều có quy củ riêng của họ, đều cần tuân thủ quy phạm đạo đức của riêng mình, có vậy, quốc gia mới ra quốc gia, gia đình mới ra gia đình.

Ở Trung Quốc cổ đại, năm loại quan hệ: phụ tử (cha con), quân thần (vua tôi), phu thê (vợ chồng), huynh đệ (anh em), bằng hữu (bạn bè) được gọi là ngũ luân. Mạnh Tử giảng: “Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu thê hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín.” – Giữa cha con có tình ruột thịt, giữa quân thần có nghĩa vua tôi, giữa vợ chồng có sự phân biệt, giữa anh em có thứ tự, giữa bạn bè có tín tâm – đôi bên trong ngũ luân đều cần tuân thủ “quy củ” nhất định, mới có thể “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Ngày 16/5/1966, Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách mạng Văn hóa, chính là án chiếu luận điệu của Marx “đoạn tuyệt triệt để nhất với các quan niệm truyền thống”, “cách” cái “mạng” của 5000 năm văn hóa truyền thống Trung Quốc, làm cho vua không ra vua, tôi không ra tôi, cha mẹ không ra cha mẹ, con cái không ra con cái, khiến cha con trái mắt, vua tôi bất nghĩa, vợ chồng thù hận, anh em tương tàn. Người được gọi là đáng tin cậy nhất, rất có khả năng sẽ trở thành kẻ bán rẻ bạn trong thời khắc then chốt.

Đây cũng chính là lý do sâu xa khiến các con của Lưu Thiếu Kỳ đăng những tấm áp phích bêu riếu chính cha mình.

Theo Epoch Times, Mộc Lan biên dịch