“Hoài Nam Tử” là một tác phẩm do Hoài Nam vương Lưu An của hoàng tộc Tây Hán và các môn khách của ông thu thập tài liệu, văn bản biên soạn thành. Tác phẩm còn được biết đến với tên “Hoài Nam Hồng Liệt” hoặc “Lưu An Tử”. Lương Khải Siêu đã nói: “Hoài Nam Hồng Liệt là kho tàng triết lý Đạo gia của Tây Hán, sách này rộng lớn mà có hệ thống mạch lạc, là tác phẩm đỉnh cao trong văn học Trung Quốc thời Hán”.

Hoài Nam Tử hoàn thành qua sự đóng góp của nhiều tác giả, nội dung rất rộng lớn và kết hợp nhiều tư tưởng của các học giả thời Tiền Hán. Tác phẩm này đã có bản dịch toàn bộ sang tiếng Anh và tiếng Nhật vào thế kỷ 20, cùng với các bản dịch rút gọn sang tiếng Pháp và tiếng Đức. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn hóa Trung Quốc.

Bài viết này giới thiệu một phần nội dung trong Hoài Nam Tử, chương “Đạo Ứng” (道应).

[Nguyên văn] Lão Tử viết: “nhân khí nhân, vật khí vật, thị vị tập minh”.

[Dịch nghĩa] Lão Tử nói: “Con người không có ai là vô dụng, vật phẩm không có thứ gì là bỏ đi, đó chính là sự khôn ngoan ẩn tàng”.

[Nguyên văn] Lão Tử viết: “công thành nhi bất cư. Phu duy bất cư, thị dĩ bất khứ”.

[Dịch nghĩa] Lão Tử nói: “Khi thành công mà không cưỡng cầu, chính vì không cưỡng cầu công lao, cho nên công lao đó cũng sẽ không bị phai mờ”.

[Nguyên văn] Lão Tử viết: “yểu hề minh hề, kỳ trung hữu tinh, kỳ tinh thậm chân, kỳ trung hữu tín” cố “mỹ ngôn khả thị tôn, mỹ hành khả gia nhân”.

[Dịch nghĩa] Lão Tử nói: “Trong sự sâu thẳm và tối tăm, lại có sự tinh túy của nó; sự tinh túy đó rất chân thật, trong chân thật có sự tín nhiệm”. Do đó, “Lời nói đẹp có thể được tôn trọng, hành động đẹp có thể vượt lên trên người khác”.

Đạo lý Thánh hiền có thể cải biến con người trở thành tốt đẹp. (Ảnh minh hoạ: Star River Meditation Center)

1. Không có người vô dụng, không có vật bỏ đi

Ngày xưa, Công Tôn Long ở nước Triệu đã nói với các đệ tử: “Một người nếu không có tài năng, ta sẽ không kết giao với họ”. Lúc đó, có một người khách mặc áo thô, thắt dây thừng bằng vải bố, đến gặp Công Tôn Long và nói: “Tôi có thể hét to”. Công Tôn Long quay lại hỏi các đệ tử: “Trong môn hạ của ta có ai có thể hét to không?” Các đệ tử trả lời: “Không có”. Thế là Công Tôn Long nói: “Vậy hãy để vị khách này vào môn hạ của ta!”

Vài ngày sau, Công Tôn Long dẫn đệ tử đến nước Yên du thuyết. Khi đến bên bờ sông Hoàng Hà, nhìn thấy chiếc thuyền qua bên kia sông, Công Tôn Long bảo người đệ tử có thể hét to gọi người lái thuyền. Người đệ tử chỉ cần hét lên một tiếng, chiếc thuyền đã được điều đến. 

Cho nên, người trí thức đối nhân xử thế không từ chối bất kỳ ai có tài năng. Đây chính là điều Lão Tử nói: “Con người không có ai là vô dụng, vật phẩm không có thứ gì là bỏ đi, đó chính là sự khôn ngoan ẩn tàng”.

Chú thích: Công Tôn Long, tự Tử Bỉnh, người nước Triệu, thuộc phái Danh gia, từng làm môn khách của Bình Nguyên Quân. Danh gia phát triển vào giữa và cuối thời Chiến Quốc, chủ trương “chính danh thực”, tức là “chỉnh đốn đúng đắn cái đúng và cái sai, làm cho danh và thực phù hợp”. Ông là bậc thầy biện luận, nổi tiếng với khả năng tranh biện và phân tích logic ngôn ngữ, do đó còn được gọi là “Biện giả”, vào thời Tây Hán được gọi là “Danh gia”.

2. Tướng quân Sử Phát không tự khoe công

Tướng quân Sử Phát của nước Sở dẫn quân đánh nước Thái, chiến thắng trở về. Sở Tuyên Vương tự mình ra ngoài nghênh đón Sử Phát, phong cho ông trăm mẫu ruộng tốt và tước vị cao. Sử Phát từ chối không nhận, nói: “Quản lý tốt việc nước Sở, khiến các chư hầu đều đến triều bái, đó là nhờ đức hạnh của vua; ra lệnh, quân đội chưa kịp hội tụ đã thấy quân địch bỏ chạy, đó là nhờ uy tín của tướng quân; binh lính ra trận đánh bại quân địch, đó là nhờ sức mạnh của dân chúng. Lợi dụng công lao của dân chúng để nhận chức tước là không có đạo lý”. Vì vậy, Sử Phát kiên quyết từ chối nhận.

Do đó, Lão Tử nói: “Khi thành công mà không cưỡng cầu, chính vì không cưỡng cầu công lao, cho nên công lao đó cũng sẽ không bị phai mờ”.

Chú thích: Sở Tuyên Vương, họ Mị, tên Lương Phu, là vua nước Sở thời Chiến Quốc, là con trai của Sở Điệu Vương và em trai của Sở Túc Vương.

3. Tấn Văn Công giữ lời hứa

Tấn Văn Công xâm lược Nguyên ấp, và đã cùng các đại phu thỏa thuận là sẽ chiếm được trong ba ngày. Nhưng sau ba ngày tấn công, người Nguyên vẫn không đầu hàng, thế là Văn Công quyết định rút quân đúng theo thỏa thuận. Các quan quân nói: “Nếu kiên trì thêm một hai ngày nữa, người Nguyên sẽ đầu hàng”. Văn Công nói: “Lúc đầu ta không biết Nguyên ấp có thể chiếm được trong ba ngày, nhưng ta đã thỏa thuận với các đại phu là sẽ chiếm được trong ba ngày, nay đã hết ba ngày, nếu tiếp tục tấn công thì sẽ mất tín nhiệm, dù có chiếm được Nguyên ấp, ta cũng không làm như vậy”.

Việc này được người Nguyên biết đến, họ nói: “Có vị vua giữ tín như vậy, sao không đầu hàng?” Thế là họ đều đầu hàng. Người ở Ôn ấp nghe tin người Nguyên đầu hàng cũng xin được đầu hàng. 

Vì vậy, Lão Tử nói: “Trong sự sâu thẳm và tối tăm, lại có sự tinh túy của nó; sự tinh túy đó rất chân thật, trong chân thật có sự tín nhiệm”. Do đó, “Lời nói đẹp có thể được tôn trọng, hành động đẹp có thể vượt lên trên người khác”.

Chú thích: Tấn Văn Công, họ Cơ, tên Trùng Nhĩ, là vị vua thứ 22 của nước Tấn trong thời Xuân Thu. Vì loạn Ly Cơ, ông lưu vong ở nước ngoài 19 năm, đã trải qua nhiều gian khổ. Trùng Nhĩ nổi bật với cả văn trị lẫn võ công, ông đã mở ra một kỷ nguyên hưng thịnh cho nước Tấn kéo dài suốt hơn một trăm năm, và trở thành một trong năm bá chủ của thời Xuân Thu, đứng thứ hai trong số các bá chủ, cùng với Tề Hoàn Công được gọi chung là “Tề Hoàn, Tấn Văn” hay “Hoàn Văn”. Sử gia Tư Mã Thiên trong tác phẩm Sử Ký đã khen ngợi ông là “vị minh quân mà người xưa nhắc đến”. Ngoài công lao xuất sắc trong sự nghiệp chính trị và quân sự, Tấn Văn Công còn để lại nhiều câu nói nổi tiếng, như “Lùi ba bước”, “Ý chí rộng lớn”, “Tham công chuộc lỗi” v.v.

Theo Vision Times
Thanh Ngọc biên dịch

Từ Khóa: