Trong xã hội ngày nay thịnh hành một câu nói: “Vô gian bất thương” – nghĩa là không gian dối, không xấu xa thì không làm được thương nhân. Tất cả thương nhân đều gian, không gian xảo thì không kiếm được tiền. Còn có cách nói “vô thương bất gian”, ý nói rằng, không có thương nhân nào là không gian dối. Thế nhưng, câu nói này nguyên ban đầu không phải ý như vậy. 

Trong tiếng Trung, chữ “gian” 奸 (nghĩa là gian xảo, kẻ ác) phát âm giống với chữ “tiêm” 尖 (nghĩa là đỉnh, ngọn), đều đọc là jiān. Nguyên ban đầu có câu nói là: “Vô tiêm bất thương”. “Vô tiêm bất thương” nghĩa là gì? Trong các quán ăn đều cúng thờ Thần tài, Quan Công được gọi là thần tài Võ, còn thần tài Văn tên là Triệu Công Minh. Thần tài Văn, Triệu Công Minh khi mới buôn bán thì bán lương thực, trước kia những người bán lương thực thường dùng những dụng cụ chứa như đấu và thăng để cân. Khi người ta trao đổi lương thực, bên trên có một miếng gạt, đổ vào đầy rồi thì gạt một cái, chỉ cần phẳng là được, không nhiều không ít, không có gạt thì dùng tay, lòng bàn tay gạt ngang qua. Có người giảo hoạt thì lòng bàn tay hơi hạ thấp một chút, số lượng liền ít đi. Người có đức sẽ cong mu bàn tay để nhọn lên trên một chút, để cho người mua được nhiều thêm chút. Triệu Công Minh khi bán lương thực đều đong thành có ngọn, ngày nay gọi là cân nhiều hơn. Thế nên mới gọi là “vô tiêm bất thương”, người thương nhân có phúc hậu, thành tín, thế thì người ta mới bằng lòng mua hàng của người ấy, đây chính là “vô tiêm bất thương”, người không đong đầy có ngọn thì không thể trở thành một thương nhân tốt.

Ảnh minh hoạ: Cái đấu đong gạo.

Có một câu chuyện vào thời nhà Thanh, một thương nhân Sơn Tây là Kiều Trí Dung kinh doanh có đức. Sau biến loạn Thái Bình Thiên Quốc, ông gom góp tiền rồi đi về phía Nam để buôn trà, muốn khôi phục lại con đường buôn trà đã bị gián đoạn. Sự việc này rất nguy hiểm, làm tốt thì sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Ông dẫn theo người đến phương Nam và đã thật sự vận chuyển lá trà trở về. Khi ông giao lá trà cho người đầu tư, ông chủ kia liền nói: “Hãy cân những lá trà này cho ta, xem xem có đủ cân không”. Người hầu liền mang đi cân, lúc quay lại vui vẻ nói: “Ông chủ, mỗi bao là một cân hai lượng”. Đáng ra là một cân, Kiều Trí Dung đã giao cho ông ta một cân hai lượng. Ông chủ này nghe xong vô cùng cao hứng, “Mau mau đóng gói lại, đóng thành một cân một bao!” Bên cạnh có một ông lão liền nói: “Thôi xong rồi, sau này con đường buôn trà này toàn là của Kiều Trí Dung rồi!”

Vì sao con đường buôn trà là của Kiều Trí Dung hết rồi? Cùng một giá tiền, người ta bán lá trà một cân hai lượng, bạn bán một cân, chính là đạo lý này. Bạn thử nghĩ xem ai mua của bạn một cân? Chính là nói việc cân thiếu, cân bớt, bạn lừa người ta một lần thì lần thứ hai người ta sẽ không đến chỗ bạn mua hàng nữa. Vào cuối thời nhà Thanh vẫn còn đạo đức kinh doanh “vô tiêm bất thương”, chính là chữ “tiêm” (尖) này. Một cân hai lượng, ông ta bán giá như một cân, vô cùng đức hạnh, đó là ông ấy đong đầy lên. Trước cửa lớn của Kiều gia có buộc con la, người trong thôn đều có thể kéo đi cấy hoặc làm việc khác, tự ý sử dụng, dùng xong tối lại đưa trả về, ông thật phúc hậu biết bao.

Có năm mất mùa, nhà họ Kiều lại xây nhà. Thật ra họ không cần xây ngôi nhà này, xây nhà là để cứu trợ thiên tai. Hơn nữa họ có một nguyên tắc, dù cho hôm nay người ta chỉ đến bê một viên gạch thì cũng phải cho người ta ăn cơm. Vì mất mùa, có người không có cơm ăn, phải đi xin ăn hoặc nhận bố thí. Người nghèo xin ăn cũng không có vấn đề gì, nhưng những người có chút trí thức, có chút thân phận, bảo họ đi xin ăn là điều vô cùng mất thể diện. Vậy mà Kiều gia lại có thể cân nhắc đến vấn đề này, nên đã dùng cách xây nhà để cứu tế người khác, chỉ cần bê một viên gạch thì cũng được ăn, không phải là xin ăn mà phải giúp làm việc mới được ăn bữa cơm này, giữ lại thể diện này cho người khác, lương thiện biết bao!

Khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, lúc giặc đến Sơn Tây thì không động đến khoảnh sân của Kiều gia. Vì khi liên quân tám nước xâm lược, Thái Nguyên tìm giết người nước ngoài, bảy nữ tu người Ý chạy đến đây, Kiều gia đã giúp họ trốn trong kho bạc để cứu họ, thế nên chính phủ Ý đã tặng quốc kỳ Ý cho Kiều gia. Khi người Nhật đến, họ treo quốc kỳ Ý lên. Người Nhật vừa thấy quốc kỳ Ý, cho rằng là người bên liên quân của mình, thế nên không động vào, còn nhà của những người có tiền khác đều bị phá hủy. Đến thời cách mạng văn hóa, hồng vệ binh muốn phá hủy căn nhà này, nhưng những người già từng nhận sự giúp đỡ của Kiều gia đã khóa cửa bên trong mắng chửi những thanh niên nhà mình, không ai dám vào, nên đã giữ lại được.

Đại trượng phu không nhất thiết phải là người dũng mãnh, mà là người có tấm lòng rộng lớn. (Ảnh minh hoạ)

Còn có một câu, gọi là “vô độc bất trượng phu”, ý là làm người nếu không tàn nhẫn thì không được, phải tàn nhẫn một chút. “Lượng tiểu phi quân tử, vô độc bất trượng phu” (không nhỏ nhen thì không phải quân tử, không độc ác thì không phải trượng phu), hôm nay đạo đức đã trượt dốc thành thế này. Câu này chính xác phải là “Vô độ bất trượng phu” (không độ lượng thì không phải trượng phu). Đại trượng phu không nhất thiết phải là người dũng mãnh, mà là người có tấm lòng rộng lớn, bác đại tinh thâm, có tầm nhìn xa trông rộng. Không phải ý nói phải tàn nhẫn, phải xấu xa; tàn nhẫn, xấu xa làm tổn thương người ta, cuối cùng ngược lại sẽ tổn thương chính mình. Thế nhưng ngày nay, những câu có ý nghĩa phụ diện như “vô độc bất trượng phu” này lại cực kỳ phổ biến, đây là vấn đề xã hội, có người cố ý làm thế, kỳ thực là đang đầu độc con người, hủy diệt con người. 

Ngày nay, mọi người chúng ta nên vững tin rằng, xã hội của chúng ta sẽ càng ngày càng tốt hơn. Mục tiêu của chúng ta là thánh hiền, tuy nhiên nhất thời có thể chưa làm được tốt đến thế, nhưng chúng ta có thể bắt đầu làm từ những việc nhỏ. Ngay từ khi là sinh viên đại học, đang tuổi thanh xuân, chúng ta nhất định phải nghiêm khắc yêu cầu bản thân, làm tốt từng chút một, như thế đạo đức sẽ đề cao, cuộc sống nhân sinh sẽ ngày càng tốt đẹp. Khi mọi người đều nghĩ như thế, làm như thế, thì xã hội của chúng ta sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Theo Đồng Hân, Chánh Kiến Net
Thanh Ngọc biên tập