“Hoài Nam Tử” là một tác phẩm do Hoài Nam vương Lưu An của hoàng tộc Tây Hán và các môn khách của ông thu thập tài liệu, văn bản biên soạn thành. Tác phẩm còn được biết đến với tên “Hoài Nam Hồng Liệt” hoặc “Lưu An Tử”. Lương Khải Siêu đã nói: “Hoài Nam Hồng Liệt là kho tàng triết lý Đạo gia của Tây Hán, sách này rộng lớn mà có hệ thống mạch lạc, là tác phẩm đỉnh cao trong văn học Trung Quốc thời Hán”.

Hoài Nam Tử hoàn thành qua sự đóng góp của nhiều tác giả, nội dung rất rộng lớn và kết hợp nhiều tư tưởng của các học giả thời Tiền Hán. Tác phẩm này đã có bản dịch toàn bộ sang tiếng Anh và tiếng Nhật vào thế kỷ 20, cùng với các bản dịch rút gọn sang tiếng Pháp và tiếng Đức. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn hóa Trung Quốc.

Bài viết này giới thiệu một phần nội dung trong Hoài Nam Tử, chương “Đạo Ứng” (道应).

[Nguyên văn] Lão Tử viết: “Hậu kỳ thân nhi thân tiên, ngoại kỳ thân nhi thân tồn. Phi dĩ kỳ vô tư tà? Cố năng thành kỳ tư”. Nhất viết: “Tri túc bất nhục”.

[Dịch nghĩa] Lão Tử nói: “Đặt bản thân mình ở sau cùng, kết quả lại có thể đứng đầu; đặt bản thân mình ra ngoài giới hạn, kết quả lại có thể an toàn tồn tại. Điều này không phải là vì không có tư lợi sao? Chính vì vậy mà có thể thành tựu được tư lợi của mình”. Nói cách khác là: “Biết đủ thì sẽ không bị sỉ nhục”.

[Nguyên văn] Lão Tử viết: “Quý tất dĩ tiện vi bản, cao tất dĩ hạ vi cơ”. 

[Dịch nghĩa] Lão Tử nói: “Vinh quang phải lấy hèn yếu làm gốc, cao cả phải lấy thấp làm nền tảng”.

[Nguyên văn] Lão Tử viết: “Thung sự vu đạo giả, đồng vu đạo”.

[Dịch nghĩa] Lão Tử nói: “Ai hành theo Đạo thì sẽ hòa hợp với Đạo”.

Bìa sách Hoài Nam Tử, bản dịch tiếng Việt. (Ảnh: Tiki)

1. Công Nghi Hưu biết đủ nên không bị sỉ nhục

Công Nghi Hưu là tể tướng nước Lỗ, rất thích ăn cá. Người dân trong nước Lỗ ai cũng mang cá đến tặng ông, nhưng Công Tôn Nghi đều từ chối. Các học trò của ông khuyên: “Thầy thích ăn cá, sao không nhận cá người khác tặng?” Công Nghi Hưu trả lời: “Chính vì ta thích ăn cá nên mới không nhận cá của người khác. Nếu nhận cá của người khác, có thể bị vua phế truất khỏi chức tể tướng, lúc đó không còn cá do triều đình cung cấp nữa; nếu không nhận cá, sẽ giữ được chức tể tướng và vẫn có thể ăn cá do triều đình cung cấp lâu dài”. 

Công Nghi Hưu quả là một người hiểu được cách vì người và vì mình. Vì vậy Lão Tử nói: “Đặt bản thân mình ở sau cùng, kết quả lại có thể đứng đầu; đặt bản thân mình ra ngoài giới hạn, kết quả lại có thể an toàn tồn tại. Điều này không phải là vì không có tư lợi sao? Chính vì vậy mà có thể thành tựu được tư lợi của mình”. Nói cách khác là: “Biết đủ thì sẽ không bị sỉ nhục.”

Chú thích: Công Nghi Hưu, cũng gọi là Công Tôn Nghi, là một học giả và tể tướng nước Lỗ thời Xuân Thu. Ông nổi tiếng vì đức hạnh trong sạch, không nhận quà biếu và luôn tuân thủ phép tắc. Các học trò của ông đều là những người có thành tựu.

2. Tôn Thúc Ngao khôn ngoan đối đáp lão nhân ở Hồ Khâu

Một lão nhân ở Hồ Khâu đã nói với Tôn Thúc Ngao: “Có ba điều dễ khiến người khác sinh hận, ông biết không?” Tôn Thúc Ngao hỏi: “Ba điều gì?” Lão nhân đáp: “Được phong tước cao, thì người khác sẽ ghen tị; chức vụ càng cao, vua sẽ càng ghét; lương bổng càng nhiều, sẽ càng có nhiều thù oán”. 

Tôn Thúc Ngao nói: “Càng có tước vị cao, tôi càng khiêm tốn; càng làm chức vụ lớn, tôi càng bớt tham vọng; càng có lương bổng cao, tôi càng rộng lượng bố thí. Tôi dùng cách này để tránh ba điều oán hận, ông thấy sao?” 

Vì vậy, Lão Tử nói: “Vinh quang phải lấy hèn yếu làm gốc, cao cả phải lấy thấp làm nền tảng”.

Chú thích: Tôn Thúc Ngao là lệnh doãn nước Sở thời Xuân Thu, ông không chỉ có thành tựu chính trị nổi bật mà còn có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế và quân sự.

3. Thợ thủ công nước Sở làm theo Đạo

Một thợ thủ công già ở nước Sở đã 80 tuổi vẫn làm móc sắt rất sắc bén. Đại tướng quân hỏi ông: “Ông có tài nghệ gì đặc biệt không? Hay có bí quyết gì không?” Người thợ thủ công trả lời: “Tôi chỉ kiên trì một niềm tin (tín niệm). Từ khi tôi 20 tuổi, tôi đã yêu thích làm móc sắt, từ đó tôi không quan tâm đến những việc khác, chỉ tập trung vào làm móc sắt”. 

Chính vì vậy, người thợ thủ công này đã dành hết năng lực của mình cho công việc, và nhờ vào việc tuân theo Đạo, mọi thứ ông làm đều bền lâu và hữu ích. Nhờ vậy, ông đã tìm thấy sự trợ giúp từ “Đạo” trong công việc của mình. Vì vậy Lão Tử nói: “Ai hành theo Đạo thì sẽ hòa hợp với Đạo”.

Theo Vision Times
Thanh Ngọc biên dịch

Từ Khóa: