Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giảm đáng kể trong 4 tháng đầu năm, song các nhà đầu tư nước ngoài lại tăng cường hoạt động góp vốn và mua cổ phần để “thâu tóm” các doanh nghiệp trong nước.  

Theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguồn vốn FDI cam kết mới và điều chỉnh tăng thêm vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay đều sụt giảm mạnh.

Số liệu cho thấy tổng vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào Việt Nam từ đầu năm đến ngày 20/4 chỉ đạt 8,06 tỷ USD, giảm gần 1/4 so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, Việt Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 883 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 3,55 tỷ USD, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 303 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,24 tỷ USD, giảm 48,5% so với cùng kỳ.

Cùng trong khoảng thời gian trên, Việt Nam ghi nhận 1.863 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 2,26 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ 2017. Trong đó có 1.087 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 1,56 tỷ USD và 776 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 703,5 triệu USD.

Như vậy, thay vì đầu tư trực tiếp, các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng đi đường tắt bằng cách đẩy nhanh việc góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước.

Cũng theo báo cáo, giải ngân vốn FDI trong 4 tháng đầu năm ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

4 tháng: Nước ngoài giảm đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, tăng thâu tóm doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI nước ngoài giảm gần 1/4 trong 4 tháng

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 lĩnh vực, trong đó đầu tư nhiều nhất vào công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn 4,52 tỷ USD, tiếp đến là lĩnh vực bất động sản với tổng số vốn 807,5 triệu USD, và lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với 779 triệu USD.

Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất khi đầu tư 2,32 tỷ USD vào Việt Nam trong 4 tháng, tiếp đến là Nhật Bản với 1,29 tỷ USD và Singapore với 808 triệu USD.

Kể từ đầu năm, khu vực FDI tại Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 53,48 tỷ USD (kể cả dầu thô) trong 4 tháng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 72,5% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ở chiều ngược lại, họ nhập khẩu 42,31 tỷ USD hàng hóa, tăng 9,3% và chiếm gần 60,1% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Như vậy, khu vực đầu tư nước ngoài đã xuất siêu 11,17 tỷ USD kể từ đầu năm.

Minh Tuệ