Xì mũi không đúng dẫn tới đẩy dịch nhầy lẫn với các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn vào tai và xoang gây viêm, thậm chí điếc tai…

Khi trẻ bị sổ hoặc nghẹt mũi, nhiều cha mẹ thường hay động viên con xì mũi thật mạnh cho hết dịch sẽ cảm thấy dễ chịu.

Bé Thiên An (7 tuổi, Hà Nội) bị viêm mũi dị ứng. Mẹ của bé thường xuyên mua thuốc nhỏ mũi để vệ sinh mỗi ngày. Tuy nhiên, bé thường xuyên rơi vào tình trạng bị ù tai. Sau khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán bé An bị viêm tai giữa do xì mũi không đúng cách.

Trường hợp bé Đức Hiếu (6 tuổi, Hải Dương) phải nhập viện điều trị do màng nhĩ phồng đỏ, viêm tai giữa cấp. Trước đó mẹ của bé thường xuyên bịt hai cánh mũi và bắt con xì thật mạnh. Bé nhập viện trong tình trạng bị sốt, đau tai.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu xì mũi quá mạnh hoặc bịt hai lỗ mũi khi đang xì sẽ làm dịch nhầy bị đẩy ngược lên tai, gây viêm hoặc ù.

Trao đổi với Sức khỏe và Đời sống, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai, bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương, tư vấn cách vệ sinh mũi đúng cách cho trẻ:

– Cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý nhỏ từng giọt để dịch mũi loãng dần, làm ẩm lỗ mũi rồi dùng dụng cụ hút mũi.

– Có thể dùng nước muối biển dạng xịt mũi, sau đó làm sạch từng bên lỗ mũi cho trẻ một cách nhẹ nhàng.

Xì mũi không đúng cách, có thể khiến trẻ bị viêm xoang, điếc tai

– Khi nhỏ mũi cho trẻ, cần đặt bé thẳng đầu, hai lỗ mũi hướng lên trần nhà. Tư thế này giúp toàn bộ niêm mạc mũi được tráng rửa sạch sẽ.

– Trường hợp cho trẻ xì mũi, nên để bé hơi cúi đầu, ngậm miệng, tay ấn giữ một bên cánh mũi, và xì mũi bên còn lại.

– Nên dùng khăn giấy đặt trước lỗ mũi để ngăn các chất dịch bẩn bắn ra xung quanh, tránh lây lan các vi khuẩn, dịch bệnh. Việc lau chùi mũi nhiều có thể làm rát đỏ phần da xung quanh mũi của trẻ.

Xì mũi không đúng cách, có thể khiến trẻ bị viêm xoang, điếc tai

– Với trẻ lớn, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ bịt một bên và xì bên mũi còn lại. Xì mũi với lực vừa phải, không nên làm quá mạnh sẽ gây áp lực, tổn thương khoang mũi.

Ngoài ra, lưu ý khi xì mũi không nên bịt 2 tai, bởi việc này chỉ gây thêm áp lực làm dịch nhầy mũi tràn lên xoang hoặc ống tai.

Lan Phương