Đã từng đau khổ và tuyệt vọng, nhưng chị không thôi hy vọng và kiếm tìm lời giải, bởi những điều tưởng chừng cay đắng đang trải qua có thể lại chính là phúc lành chờ đón ở phía trước.

Chị là giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường trung học cơ sở. Anh có một xưởng gỗ lớn ở đất Từ Sơn (Bắc Ninh). Cuộc sống của vợ chồng anh chị là mơ ước của nhiều người nhưng cũng khó tránh khỏi đau ốm bệnh tật, nỗi buồn mất mát người thân…

Sau những tháng năm dài tìm kiếm lời giải cho những câu hỏi cuộc đời, chị đã may mắn tìm thấy người thầy chị hằng cầu mong, người thay đổi thế giới quan và nhân sinh quan của chị. Sau bước ngoặt cuộc đời đó, anh chị đã tìm được niềm hạnh phúc tự tại.

“Trời thương con thế sao bây giờ lại để con như thế này?”

Tôi là một phụ nữ nhạy cảm, dễ động lòng trắc ẩn. Từ khi còn nhỏ, mỗi lần nghe tiếng lợn, gà kêu khi bị giết thịt, tôi lại chui vào chăn bịt kín tai, khóc ròng… Tôi lớn lên trong tình yêu thương, bao bọc của cha mẹ và anh trai cùng những người thân yêu mà không phải lo lắng điều gì. Tôi cảm thấy hài lòng và luôn tự nhủ: “Trời thương mình thế!”

Rồi tôi cưới chồng, nhà chồng tôi đều là những người làm ăn kinh tế. Tôi hoàn toàn lạ lẫm trong một môi trường mới. Các mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, chị em chồng luôn khiến tôi buồn phiền. Có những buổi sáng đến trường vừa đi vừa khóc vì không tìm được sự cảm thông, thấu hiểu. Để nhẹ lòng, tôi thường tìm đến âm nhạc, hy vọng hóa giải được các mối quan hệ. Nhưng dù cố gắng thế nào, trong tâm tôi vẫn luôn cảm thấy nặng nề.

Năm 2005, tôi sinh một bé trai. Những tưởng rằng cuộc sống của mình sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn nhưng cơn bão cuộc đời lại ập xuống. Con trai tôi qua đời chỉ sau 20 ngày đến thế gian do bị tim bẩm sinh. Giữa những ngày mưa gió bão bùng, tôi đứng lặng nơi hành lang bệnh viện, nước mắt chảy ra ngoài, nước mắt chảy vào trong. Ngước lên bầu trời, lần đầu tiên tôi than trách: “Trời thương con thế, sao bây giờ lại để con như thế này?”

Chị Quỳnh chụp ảnh cùng với bố trong thời gian mang bệnh phải cắt tóc ngắn.

Năm 2012, người anh trai cả, người gần gũi và thân thiết với tôi nhất bị ung thư gan giai đoạn cuối. Nghe tin từ bác sĩ mà trời đất quay cuồng, tôi đã khóc rất nhiều. Nghe lời bác sĩ, gia đình tôi giấu anh bởi vì nếu để anh biết thì sẽ suy sụp rất nhanh. Thẫn thờ đi các chùa chiền, tôi và mẹ làm lễ các nơi, không tiếc tiền đặt lễ làm lễ, cho dù có lễ đến 40 triệu cũng không tiếc, chỉ cần có thể kéo anh ở lại mà không được. Anh ra đi để lại vợ và con thơ 3 tháng tuổi…

Tại sao, Trời thương con thế lại để con khổ thế này?

Sau những biến cố lớn trong cuộc đời, những vấn đề về sức khỏe dồn dập đến với tôi: dạ dày, đại tràng, tim mạch, cột sống thoái hóa. Sáng tỉnh giấc là đã thấy đầu và mắt nặng trịch. Tôi cũng đến khám tại các bệnh viện lớn như viện Quân y 108, bệnh viện Bạch Mai… Chồng tôi tìm đủ mọi cách, cứ nghe đâu có thuốc hay, thầy giỏi, anh đều tìm về chữa bệnh cho tôi. Tuy nhiên bệnh tật của tôi không hề thuyên giảm, tâm tư tôi ngày thêm phiền não.

3 năm tụng kinh niệm Phật mà chẳng biết tu luyện là gì

Cuộc sống chẳng thấy gì vui, thân tâm mệt mỏi…tôi tìm đến chùa chiền, quyên tiền đúc chuông, hành thiện…

Ba năm trời, tối nào cũng áo nâu sồng đến chùa tụng kinh niệm Phật. Tôi cầu xin Phật cho tôi sức khỏe, cho tôi sự đủ đầy về nhiều mặt, tôi đặt lễ đặt tiền để cúng dường. Rồi tôi tự hỏi nếu ai đến chùa cũng cầu như mình, vậy tại sao có người cầu được, có người không? Thôi, mình chuyển sang cầu bình an. Được vài hôm lại nghĩ: con người ta ai cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử, không ai có được bình an mãi.

Chị Quỳnh khi còn lên chùa tụng kinh và đi các nơi làm từ thiện.

Thế rồi dưới chân tượng Phật, tôi không cầu danh, lợi, cũng chẳng cầu bình an nữa. Tôi chuyển sang cầu xin Phật cho tôi trí tuệ để biết con đường đúng đắn mà đi. Tôi đi nhiều chùa và đến đâu cũng để ý, cũng tìm xem ai xứng là vị Sư phụ về mặt tâm linh. Đến chùa tìm mỏi mắt cũng không thấy người nào để mình bái Sư. Sáng nào mở mắt dậy tôi cũng xin: Quan âm Bồ Tát cho con gặp một vị Minh Sư, một vị Sư phụ bằng xương thịt ở thế gian… Ba năm đến chùa tụng kinh niệm Phật nhưng tôi vẫn mơ hồ chẳng biết tu như thế nào.

Lời khẩn cầu ứng nghiệm:
Tôi tìm được Sư phụ
ngay trong đời này

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 3 năm nhanh chóng trôi qua. Hàng ngày đi dạy về là tôi tập aerobics, zumba, yoga, tối đến lại lên chùa tụng kinh niệm Phật. Sức khỏe tôi không cải thiện mà ngày một kém đi: đầu, mắt, dạ dày, tim… cứ liên tục hành hạ; đến chùa cũng không tĩnh được nữa. Một ngày bỗng dưng không nuôi con nhỏ mà tôi lại thấy có sữa. Đi khám bác sĩ kết luận tôi bị u tuyến yên, một tuyến được xem như nhạc trưởng của cơ thể nằm trong não sau hai hố mắt. Đầu tôi đau đến nỗi mái tóc dài cũng trở thành gánh nặng. Tôi đành phải cắt tóc ngắn, hàng tháng sang viện lấy máu làm xét nghiệm, uống thuốc thường xuyên mỗi lọ tiền triệu. Đọc trên mạng nhiều người phẫu thuật u xong, u lại mọc. Bạn chồng tôi làm ở viện K nói: “Thôi, xác định sống chung với thuốc”. Do tác dụng phụ của thuốc, cơ thể tôi phát phì, thịt da như rạn nứt, đầu và mắt cứ hết thuốc là đau. Mỗi buổi sáng thức giấc là một cực hình với tôi.

Chị Quỳnh tập yoga trong thời gian mắc bệnh.

Một ngày tháng 9/2016, tôi lang thang trên mạng đọc được bài viết có 3 chữ Chân-Thiện-Nhẫn khiến tôi chấn động. Tôi tò mò tìm hiểu thì biết Chân-Thiện-Nhẫn là nguyên lý tu luyện của Pháp Luân Đại Pháp. Tôi vào mạng mở bài tập, tập theo rồi đọc sách Chuyển Pháp Luân. Bao nhiêu câu hỏi trong quãng thời gian từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành đều được giải đáp. Ví như trước đó, tôi đã luôn băn khoăn khi được học khỉ vượn tiến hóa thành người, sao bao nhiêu năm qua tôi không thấy khỉ vượn thành người nữa? Rồi tôi cũng biết tôi đã sai khi trách cứ ông trời không thương tôi. Tất cả đều có nguyên do và sau cùng tôi biết là ông trời vẫn rất thương tôi. Những hỉ nộ ai lạc trong đời mà tôi trải qua là những trải nghiệm để tôi biết trân quý cơ duyên tôi được làm người và hiểu được ý nghĩa của việc được làm người. Tôi cũng đã thấu tỏ được cội nguồn của mọi khổ đau, bệnh tật. Con người không thể cứ cầu sức khỏe được sức khoẻ, cầu bình an được bình an, tất cả đều có nguyên do cả.

Tôi như bừng tỉnh sau một giấc mộng dài. Tâm tôi ngập tràn hạnh phúc, tôi đã tìm được Sư phụ rồi! Thế là tôi đọc sách và tập 5 bài công pháp mỗi ngày. Ba tháng sau tôi đi vệ sinh ra sỏi, đầu và mắt trở nên nhẹ nhàng không còn đau, dạ dày, đại tràng cũng không thấy khó chịu nữa. Tôi không còn phải ăn kiêng, tôi thay đổi cả tâm lẫn thân mình. Chứng kiến những chuyển biến tích cực của tôi, bà nội và ông bà ngoại, các con tôi đều bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Chị Quỳnh đang luyện một bài công pháp của Pháp Luân Công.

Hạnh phúc khi được
tu luyện giữa đời thường

Suốt 3 năm tụng kinh niệm Phật, tôi đã không hiểu tu luyện là gì. Cuốn sách Chuyển Pháp Luân của Sư phụ Lý Hồng Chí đã giải khai cho tôi khúc mắc ấy một cách nhẹ nhàng. Trong những mâu thuẫn nơi cuộc sống thường nhật, tôi cần liên tục nhìn vào bản thân, đối chiếu với tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn để hành xử. Tôi không còn phải lên chùa tụng kinh niệm Phật nữa, ở bất kỳ nơi đâu tôi cũng có thể có được môi trường để thực tu.

Tôi áp dụng những gì học được vào cuộc sống gia đình. Khi gặp phải mâu thuẫn tôi học cách tự tìm thiếu sót của bản thân, không đổ lỗi cho người khác. Tôi học cách đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông, thấu hiểu. Thật kỳ lạ! Khi tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình, các mối quan hệ và mâu thuẫn đều được hóa giải nhẹ nhàng. Những khó khăn, khổ nạn tôi đều có thể vượt qua nhờ 3 chữ Chân, Thiện, Nhẫn. Tôi cảm nhận được hạnh phúc mỗi ngày khi được làm người tu luyện.

Sau một thời gian tu luyện, tôi trở thành người phụ nữ khác. 15 năm sống cùng gia đình nhà chồng, mãi cho đến khi tu luyện Pháp Luân Công, hành xử theo Chân – Thiện – Nhẫn, tôi mới thực sự biết làm tròn bổn phận làm dâu. Đối chiếu với Chân Thiện Nhẫn, tôi thấy trước đây mình thật tệ. Về nhà chồng lúc nào mặt cũng cau có, khó chịu. Không những thế tôi còn ích kỷ nhỏ nhen, tính toán thiệt hơn, chưa bao giờ biết nghĩ cho người khác. Tôi đã từng luôn muốn chồng đối xử tốt với bố mẹ đẻ của mình nhưng bản thân mình lại không cư xử đúng mực với gia đình anh.

Chị Quỳnh đang luyện bài thiền định của Pháp Luân Công.

3 năm trở lại đây, tất cả đã thay đổi. Mỗi khi đối diện với những mâu thuẫn trong gia đình tôi thường soi lại bản thân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và học cách nhìn vào điểm tốt của người khác. Tôi nhớ lại những lúc mẹ chồng chăm mình khi sinh con, lúc mẹ bế mình ra khỏi phòng sinh, nhớ những lúc chị chồng, em chồng vui vẻ quan tâm đến mình, sẵn lòng chiều theo sở thích của mình… Khi nghĩ được vậy tôi chợt thấy thương mọi người, và mọi bức xúc đều tan biến.

Tôi trở thành người phụ nữ dịu dàng và hòa ái hơn. Con gái tôi nói “sao dạo này mẹ hiền thế?” Tôi mỉm cười vì biết rằng tôi đang ngày càng trở nên tốt hơn.

Có lẽ do nhiều điều thay đổi như vậy, chồng tôi cũng thấy lạ. Anh cũng bắt đầu quan tâm đến việc tôi đọc sách gì, và tập như thế nào… Sau lần đầu đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, anh thốt lên với tôi: “Trời ơi! Sư phụ thật xuất chúng. Ngài không phải là người bình thường đâu em”. Rồi anh chính thức bước vào tu luyện. Hàng ngày anh cùng tôi ra công viên gần nhà tập, cùng đọc sách và bắt đầu tu sửa tâm tính. Từ một người gia trưởng, nói chuyện với vợ vài câu là nhiều, chỉ quan tâm tới việc kiếm tiền, giờ thì anh đã biết quan tâm chia sẻ với vợ ngay cả những việc nhỏ. Mấy chục năm hút thuốc lá, uống rượu bia, ai nói cách nào anh cũng không chịu bỏ. Nhưng giờ đây Pháp Luân Đại Pháp đã thay đổi anh ấy. Hơn hai năm qua, anh không động đến một điếu thuốc, một giọt rượu nào, mỗi ngày chăm chỉ đọc sách, luyện công. Công việc làm ăn của anh vẫn như xưa, chỉ có điều anh thực sự đặt tâm vào việc làm ra nhiều sản phẩm tốt, có uy tín trên thị trường, vấn đề lợi nhuận chỉ là điều đi sau. Sau khi tâm tính thay đổi, sức khỏe của anh cũng được cải thiện rõ rệt, cái u sau lưng anh cũng biến mất, trông anh lúc nào cũng vui vẻ, bình hòa.

Gia đình tôi thật may mắn khi được Đại Pháp cứu độ!

Chị Quỳnh cùng chồng và con trai đang tập Pháp Luân Công.

Sống theo Chân-Thiện-Nhẫn, có lý tưởng và trách nhiệm với thế hệ tương lai

Trước áp lực của nghề giáo và tình trạng sức khỏe, nhiều lúc tôi thấy chán nản. Bạn bè nhiều người khuyên “cậu bỏ nghề về làm cùng chồng đi, cả cửa hàng lớn thế không ai trông nom để mình chồng làm, không ổn đâu, chưa kể nghề giáo viên bây giờ bạc lắm”. Không tìm thấy niềm vui trong công việc, ý nghĩ bỏ nghề luôn lảng vảng trong đầu tôi.

Sau khi học 9 bài giảng trong sách Chuyển Pháp Luân và bước đi trên con đường tu luyện, tôi nghĩ rằng, đây chẳng phải ngôi chùa lớn để mình tu tâm sao? Môi trường phức tạp, nhưng chỉ cần có Chân-Thiện-Nhẫn trong tâm, tôi tin rằng mình sẽ vẫn tu luyện được tốt và lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người.

Sau khi thay đổi tâm thái của mình, tôi thấy con đường phía trước rõ ràng hơn. Mỗi bước chân đến trường giờ đây trở nên nhẹ nhàng chứ không còn cảm giác nặng nề nữa. Trước đó, khi học trò chưa ngoan, tôi lại quát mắng, đe nẹt, không khí nặng nề, cô mệt mỏi, trò cũng áp lực.

Giờ đây, mỗi khi học sinh uể oải không muốn nghe, hay không làm bài tập, chưa chăm học, tôi nhìn lại mình, xem lại phương pháp giảng bài của mình đã phù hợp chưa? Trong mọi việc, tôi đều nhìn lại bản thân, nhìn học sinh với ánh mắt bao dung hơn, thấu hiểu hơn…Giờ học bớt áp lực, trò được học thoải mái hơn, vui vẻ hơn, tiếp thu bài học nhanh hơn. Có những trò chạy đến trước mặt tôi dù mới một buổi chưa gặp “cô ơi, con nhớ cô!” Bao nhiêu năm đi dạy, giờ tôi mới cảm nhận được: mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Trước sự xuống cấp của đạo đức học sinh, tôi luôn nghĩ mình phải làm gì để giúp học sinh không bị cuốn theo dòng. Tôi cảm thấy đây là công việc mà người giáo viên như tôi cần phải gánh vác. Đây là trách nhiệm đối với thế hệ tương lai mà tôi không thể chối bỏ. Tôi cần giúp các em quay về với những giá trị đạo đức truyền thống

Chị Quỳnh và các em học sinh của mình.

Bên cạnh việc dạy cho học sinh tiếng Anh, trong mỗi bài giảng, tôi đều hướng đến việc dạy học sinh làm người có đạo đức.

Giờ sinh hoạt lớp, sau khi kết thúc việc nhận xét công việc học tập trong tuần của lớp, tôi đều đọc thơ về đạo đức truyền thống sau đó kể cho các em những câu chuyện minh họa về: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín… Cứ như thế, mưa dầm thấm lâu, từng chút một tôi hướng học sinh sống có trách nhiệm, tự ý thức và tự kỷ luật. Từ chỗ thấy bạc bẽo, giờ đây tôi thấy nghề dạy học trở nên thật ý nghĩa.

Một tấm thiệp chúc mừng của học sinh viết tặng cô giáo Mộc Quỳnh nhân ngày 8/3.

Có người cho rằng tôi thật khờ khạo khi muốn lan tỏa những giá trị đạo đức tốt đẹp cho thế hệ trẻ: “Mình Quỳnh làm sao thay đổi được, cứ hoang đường!”. Nhưng tôi không nản, tôi tin rằng, chỉ cần có Chân-Thiện-Nhẫn trong tâm, tôi sẽ kiên định con đường của mình. Dù chỉ có một học sinh thay đổi tốt lên tôi vẫn thấy rất đáng để mình làm.

Đứng trước vấn nạn đạo đức xã hội ngày càng trượt dốc nhanh chóng, nhiều trẻ nghiện mạng xã hội, chơi game, thích giam trong phòng một mình với chiếc điện thoại hoặc máy tính, nói tục chửi bậy, vô cảm… Người lớn mải kinh doanh, bận rộn phó mặc con cho nhà trường và các thầy cô, việc gì cũng “trăm sự nhờ thầy, trăm sự nhờ cô”. Lúc ngồi cùng nhau lại dúi cho trẻ cái điện thoại hoặc ipad để mình được yên không bị quấy rầy. Trẻ em không có sân chơi lành mạnh và thiếu hụt nghiêm trọng những giá trị đạo đức truyền thống cơ bản…

Tôi trăn trở làm sao có thể giúp các em có được một tuổi thơ đúng nghĩa. Muốn các em học được những phẩm chất như chân thành, nhẫn nại, thiện lương, biết quan tâm, yêu thương người khác, biết vì người khác… Tôi muốn tập hợp một số em nhỏ trong khu vực để dạy các em những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã bị mai một. Tôi chia sẻ ý tưởng này với một vài phụ huynh và một số đồng nghiệp. Họ đã nhiệt tình ủng hộ và chúng tôi mở khóa bồi dưỡng miễn phí văn hóa truyền thống ngay tại xưởng gỗ nhà mình.

Vậy là tranh thủ dịp hè năm 2019, chúng tôi bắt đầu công việc của mình. Khóa bồi dưỡng văn hóa truyền thống được mở với số lượng dao động từ 15-20 cháu mỗi buổi. Trong các buổi bồi dưỡng, các bạn nhỏ sẽ được học các bài học đạo đức truyền thống, cách đối nhân xử thế qua những tấm gương thời xưa, các bài học về Chân-Thiện-Nhẫn….Nội dung chủ yếu chúng tôi dạy các bạn nhỏ là những bài học đạo đức, những tấm gương hiếu học đời xưa, cách đối nhân xử thế… Ngoài ra các bạn nhỏ được chơi các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, kéo co, chơi chuyền, học kịch, các kỹ năng mềm…

Chị Quỳnh trong một buổi bồi dưỡng văn hóa truyền thống cho các bạn nhỏ.

Vào dịp hè, chúng tôi duy trì các buổi bồi dưỡng cho các bạn nhỏ vào mỗi buổi sáng. Khi vào năm học, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ vào mỗi Chủ nhật. Các bạn nhỏ rất thích thú mỗi khi đến lớp. Từ ngày học, các bạn nhỏ đã có những tiến bộ đáng kể. Mỗi khi mắc lỗi, các bạn biết tự nhìn lại bản thân và học cách đối chiếu với các giá trị Chân-Thiện-Nhẫn để tìm thiếu sót của mình chứ không đổ lỗi cho người khác như trước đây.

Nhiều phụ huynh rất vui vì có những buổi học như thế này cho con em họ. Có phụ huynh khi nói về lớp học cứ rơm rớm nước mắt vì sự thay đổi sống tốt hơn, quan tâm người khác hơn của các con. Nhiều người thể hiện sự cảm ơn chân thành và mong muốn lớp học được duy trì thường xuyên.

Nhìn lại những gì đã trải qua, tôi nhận ra rằng mình đã may mắn biết chừng nào khi đọc được cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Tôi đã tìm được hạnh phúc tự tại trong cuộc sống đời thường. Cuộc sống của tôi đã thật sự có ý nghĩa với mỗi giờ, mỗi ngày trôi qua. Bởi vậy tôi mong rằng: “Mọi người, chí ít hãy dành thời gian đọc một lần từ đầu đến cuối cuốn sách Chuyển Pháp Luân, những điều tốt đẹp nhất có thể đang đợi chờ bạn”.

Bài viết:
Ngọc Khánh

Ảnh trong bài:
Tác giả cung cấp & DKN

Thiết kế:
Bình Bình

Bài viết: Ngọc Khánh
Ảnh trong bài: Tác giả cung cấp & DKN