Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng những gì hoàn hảo nhất là những điều tốt đẹp nhất, vì vậy chúng ta thường cố gắng phấn đấu để có được nó. Tuy nhiên, câu chuyện vô cùng sâu sắc dưới đây sẽ giúp bạn nhận ra đâu mới là những giá trị chân thành, bền vững cần gìn giữ, và biết trân trọng hơn những gì mình đang có, ngay cả những điều tưởng chừng không hoàn hảo trong cuộc sống.

Laura đeo ba chiếc nhẫn trên cùng một ngón tay, và bất kì ai khi nhìn thoáng qua lòng bàn tay cô cũng sẽ phát hiện: một trong những chiếc nhẫn đó đã bị vỡ.

Điều này thực sự khiến nhiều người tò mò. Người ta tự hỏi tại sao cô lại đeo một chiếc nhẫn bị khuyết một phần như thế? Điều đó chẳng phải mang lại sự đen đủi hay sao, hay còn điều gì khác trong đó? Và sau khi biết được sự thật đằng sau chiếc nhẫn không hoàn hảo ấy, mọi người đều vô cùng xúc động.

Chiếc nhẫn bị “vỡ” ấy thực ra là “sản phẩm” trong quá trình Laura sinh đứa con đầu lòng. Lúc ấy, Laura mang thai và lâm vào tình trạng tiền sản giật – căn bệnh xảy ra trong khoảng thời gian giữa thai kỳ đến cuối thai kỳ. Chứng bệnh này thường ảnh hưởng đến huyết áp, gan, thận của người mẹ và gây ra các triệu chứng sưng phù mặt và tay; đôi khi nó còn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai nhi. Đây là một tình trạng rất nghiêm trọng, và trong trường hợp của Laura, cô phải cắt một phần chiếc nhẫn để không gây ra thương tổn tới các mô trên ngón tay bị sưng phù của cô. Và chiếc nhẫn cưới “khiếm khuyết” cũng xuất hiện từ đó…

“Chồng tôi đã mua cho tôi một chiếc mới nhưng tôi không thể nào vứt bỏ chiếc nhẫn bị cắt đi được,” cô chia sẻ. “Vợ chồng tôi kết hôn khi tôi 19 tuổi, còn anh ấy 21. Cặp nhẫn cưới đầu tiên của chúng tôi trị giá khoảng 300 đô-la. Khi đó chúng tôi còn trẻ, cuộc sống hôn nhân có cả yêu thương và đổ vỡ. Với tôi, chiếc nhẫn cưới đầu tiên, chiếc nhẫn bị cắt một mảnh ấy, là minh chứng của tình yêu, sự thủy chung và niềm tin không bao giờ thay đổi mà chúng tôi dành cho nhau.”

“Chúng tôi đã trải qua rất nhiều điều trong suốt 10 năm qua, nhưng tôi sẽ không đánh đổi anh ấy hay chiếc nhẫn cưới đã bị vỡ này lấy bất kì điều gì,” Laura Floyd tâm sự. “Tôi sẽ luôn luôn đeo chiếc nhẫn bị vỡ này. Nó sẽ là bằng chứng chứng minh rằng dù bạn có làm điều gì đó không phù hợp với tiêu chuẩn xã hội và dù có thay đổi hay mất mát gì xảy đến thì điều đó cũng chẳng nghiêm trọng. Điều quan trọng và ý nghĩa nhất là tình yêu thuần khiết và sức mạnh mà chúng ta truyền cho nhau.”

Đối với cô, chiếc nhẫn là một vật không tuân theo những chuẩn mực xã hội, mà chứa đựng ký ức, vẻ đẹp và ý nghĩa riêng của nó. Cô nói rằng giá trị vật chất không bao giờ có thể thay thế được những cảm xúc và trải nghiệm đáng quý.

Cô đã từng trả lời những người tò mò về chiếc nhẫn “khuyết” ấy rằng: “Chiếc nhẫn ấy chỉ bị mất đi một mảnh nhỏ, còn đối với tôi, nó vẫn lành lặn, trọn vẹn và hoàn hảo. Nó không hề bị vỡ, không hề kém hoàn hảo chút nào.”

Laura Floyd đã đăng tấm hình chụp ba chiếc nhẫn cưới, trong đó có một chiếc bị vỡ.

Câu chuyện của Floyd sau khi đươc chia sẻ đã khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều người. Họ kể về tình yêu của họ và cả những chiếc nhẫn “không hoàn hảo” vì những lý do rất đặc biệt.

Một người chồng đã chia sẻ rằng, vợ của anh ấy cũng tên là Laura, cũng có thói quen đeo cả nhẫn cũ và nhẫn mới. “Vợ tôi là Laura Olson Daniells, cô ấy cũng đã phải cắt bỏ chiếc nhẫn cưới đầu tiên có giá khoảng 50 đô-la khi cô ấy mang thai đứa con thứ hai. Tôi đã mua cho cô ấy một chiếc nhẫn mới, nhưng hơn 31 năm qua, cô ấy vẫn đeo chiếc nhẫn đầu tiên ấy dù nó đã không còn nguyên vẹn.”

Một người mang tên Tana Le Clair cũng chia sẻ về câu chuyện hôn nhân và chiếc nhẫn không hoàn hảo của mình. “Chúng tôi đã có giai đoạn vô cùng khó khăn, khi phải đưa ra những quyết định tồi tệ nhất. Chúng tôi đã tranh cãi với nhau trong một thời gian dài. Trong một lần mâu thuẫn, khi không kiềm chế được bản thân, tôi đã hét vào mặt anh ấy: “Nếu anh thấy chán ghét vì đã kết hôn với tôi thì anh hãy lấy lại chiếc nhẫn cưới mà anh đã đeo vào tay tôi đi!” Anh ấy vô cùng tức giận nên đã cố gắng làm vậy còn tôi thì nắm chặt tay lại, nên chiếc nhẫn bị bẻ cong.”

“Đó là lần cuối cùng chúng tôi xảy ra mẫu thuẫn. Bây giờ chúng tôi đang sống vô cùng hạnh phúc với hai thiên thần xinh đẹp. Mọi người thường hỏi tại sao tôi không sửa lại chiếc nhẫn cho tròn trịa. Tôi đã trả lời nó sẽ giống như lời nhắc nhở chúng tôi rằng đừng bao giờ để xảy ra tranh cãi hay chán ghét nhau nữa.”

Từ xưa tới nay, mối quan tâm, lo lắng của người phụ nữ là làm sao có được một đám cưới “hoàn hảo”, một cuộc hôn nhân “hoàn hảo” và một chiếc nhẫn cưới “hoàn hảo”. Còn đối với những người đàn ông, họ trăn trở về việc bằng cách nào có thể mang lại những thứ hoàn hảo đó cho người phụ nữ của họ.

Phần lớn chúng ta đều mong muốn sự hoàn hảo, nhưng ta lại không tỉnh táo để nhận ra đâu mới là hoàn hảo thực sự. Chúng ta mơ hồ nhìn nhận rằng hoàn hảo sẽ giống như những hình ảnh lung linh trên những trang tạp chí, hoàn hảo nằm trong một bộ phim tình cảm lãng mạn như lọ lem – hoàng tử, hoàn hảo khi chúng ta có được cuộc sống giàu có, sung túc như những ngôi sao, tỷ phú…Nhưng chúng ta đã quên mất rằng đó chỉ là thứ vỏ ngoài nông cạn, chúng không thể phản ánh con người thật sự của chúng ta, và những thăng trầm mà chúng ta đã trải qua trong cuộc sống.

“Mỗi người chúng ta đều đang bước đi trên hành trình cuộc đời của riêng mình và điều tốt đẹp nhất dành cho mỗi chúng ta là thời gian để một mình suy ngẫm và khám phá….Giá trị của một điều gì đó không nằm ở chỗ nó đáng giá bao nhiêu tiền. Giá trị thực sự của nó nằm ở chỗ nó có ý nghĩa như thế nào với BẠN.”

Laura Floyd và những người như cô đã kể cho chúng ta câu chuyện cuộc đời họ, giúp chúng ta nhận ra rằng cuộc sống không phải là một bức tranh hoàn hảo, nhưng cuộc sống sẽ trở nên hoàn hảo theo cách riêng của mỗi người. Và khi chúng ta hiểu được câu chuyện và ý nghĩa đằng sau những sự “không hoàn hảo”, chúng ta sẽ thấy rằng: khi chúng ta hạnh phúc và hài lòng với sự “không hoàn hảo” của chính mình, chúng ta đã đang hoàn hảo theo cách mà mình lựa chọn.

Video xem thêm:

Theo Littlethings

Thủy Linh biên dịch 

Xem thêm: