Người đời thường nói: “Nguyện được một lòng người, bạc đầu chẳng lìa xa”. Đây không chỉ là kỳ vọng về tình yêu, mà còn là cảm thán về sự vô thường của nhân thế.
Tình yêu, có lẽ là tình cảm lay động lòng người nhất trên đời, cũng là duyên phận khó nắm bắt nhất. Khi hai lòng tương duyệt, như hoa xuân rực rỡ; nếu tâm sinh ý khác, liền như sương tuyết phủ cành. Chân tình chưa chắc đổi được thiên trường địa cửu, nhiệt tình đến nhanh, nhưng cũng đi vội vàng, chỉ có người có thể cùng bạn vượt qua phong ba, nắm tay đến bạc đầu, mới là chân ái.
“Bạch đầu ngâm”, ý nghĩa cổ xưa sâu xa, chỉ tình cảm sâu đậm giữa vợ chồng có thể nắm tay nhau, cùng nhau đến bạc đầu. Bài thơ này lưu truyền ngàn năm, tương truyền là do tài nữ nhà Hán Trác Văn Quân sáng tác, kể lại một đoạn bi hoan tình yêu khắc cốt ghi tâm.
Một khúc “Phượng cầu hoàng”, giai nhân vì tình yêu
Tư Mã Tương Như đời Hán, tuổi trẻ tài cao, nhưng nhiều lần hoài tài bất ngộ. Ông nghe nói con gái của phú hào Trác Vương Tôn ở Lâm Cung là Trác Văn Quân, không chỉ dung mạo tuyệt trần mà còn tài hoa hơn người, trong lòng âm thầm ngưỡng mộ. Tuy nhiên, thân không một xu dính túi, không thể với tới. May mắn được bạn bè Vương Cát hiến kế, đối đãi ông như thượng khách, nhất thời gây chú ý cho giới danh sĩ địa phương.
Quả nhiên, Trác Vương Tôn cũng mời Tư Mã Tương Như đến dự tiệc. Tại buổi tiệc đó, Tư Mã Tương Như cố làm ra vẻ phong lưu, gảy một khúc đàn “Phượng cầu hoàng”. Tiếng đàn triền miên da diết, giống như thư tình gửi gắm, mỹ nhân động lòng, tình ý âm thầm nảy sinh. Đêm đó, Văn Quân liền kiên quyết bỏ nhà theo ông, làm kinh động cả làng. Người cha giận dữ không nguôi, mắng nhiếc hai người, cắt đứt quan hệ. Đôi tình nhân đành phải mở quán rượu ngoài thành, tự lực mưu sinh, sống bằng nghề bán rượu.
Sau phú quý, thử thách của chân tình đã đến
Vài năm sau, Trác Vương Tôn cuối cùng cũng gác lại khúc mắc trong lòng, thấy con gái kiên trinh không hối hận, mới đồng ý chấp nhận người con rể nghèo này, và hỗ trợ ông chuyên tâm viết lách. Tài hoa của Tư Mã Tương Như cuối cùng cũng được phát huy, được Hán Vũ Đế trọng dụng, quan vận hanh thông, danh tiếng nổi như cồn, trở thành người nổi tiếng trong triều đình.
Tuy nhiên, phú quý mang đến lại không hoàn toàn là hạnh phúc. Ông bắt đầu sinh lòng khác, nghe đồn phụ nữ ở Mậu Lăng xinh đẹp, liền động lòng muốn nạp thiếp. Tin tức truyền đến tai Trác Văn Quân, người tài nữ từng vì tình yêu bỏ nhà theo chồng, cam tâm bán rượu mưu sinh, trong lòng như tuyết lạnh xâm nhập cốt tủy. Thế là, bà đã viết bài thơ “Bạch đầu ngâm” lưu truyền ngàn đời này, gửi cho chồng. Mỗi chữ, mỗi câu, đều là dấu lệ:
Trắng như tuyết trên núi,
Sáng tựa trăng giữa mây.
Nghe lòng chàng hai ý,
Thiếp đành đoạn tình này.
Hôm nay chén sum họp,
Đầu sông tiễn sớm mai.
Lững thững theo dòng nước,
Nước mãi chảy đông tây.
Buồn đau lại buồn đau,
Vợ chồng chẳng nên than.
Mong người lòng chỉ một,
Bạc đầu chẳng xa nhau.
Chiếc cần sao lay động,
Đuôi cá sao cong cong.
Nam nhi trọng ý khí,
Sao tiền bạc thay lòng.
(Bản dịch của Như Quy, Thi viện)
Tình cảm trong thơ chân thật lay động lòng người, ngôn từ uyển chuyển nhưng lại quyết liệt, thẳng thắn chỉ ra sự thay lòng của phu quân. Bà nói, tình cảm của mình trong sạch như tuyết trên núi, sáng sủa như ánh trăng, nhưng nghe nói chồng có ý ngoài, đành phải đến quyết biệt. Hôn nhân nếu không có trung thành và tình nghĩa, phú quý có ích gì? Đàn ông nếu trọng tiền khinh nghĩa, liền mất đi khí phách và tôn nghiêm thực sự.
Nghe nói Tư Mã Tương Như đọc xong bài thơ này, liền bỗng tỉnh ngộ, tự thẹn không bằng, từ đó dẹp bỏ ý định nạp thiếp, cùng Văn Quân nối lại tình sâu, cuối cùng sống đến bạc đầu.
“Bạch đầu ngâm” không chỉ là một bài thơ, mà còn là một hồi chuông cảnh tỉnh – nhắc nhở thế nhân: tình dễ đổi, ơn nghĩa dài lâu. Vợ chồng vì tình yêu nảy sinh ái mộ, nhưng vì biết ơn nhau, mà bạc đầu giai lão. Người xưa và người hiện đại khác nhau, người xưa chú trọng ơn nghĩa phu thê hơn: tương kính như tân, cử án tề mi. Dưới đây xin kể cho mọi người câu chuyện về cử án tề mi.
“Cử án tề mi”: Đạo vợ chồng tương kính lưu truyền ngàn đời

Thời nhà Hán, có một ẩn sĩ tên Lương Hồng, chí hướng cao xa, không muốn làm quan, tính tình đạm bạc, không ham danh lợi. Ông học rộng tài cao, nhưng cam tâm cày ruộng ở Nam Dương, lấy việc cày đọc làm vui. Người như vậy, tự nhiên không chịu cưới những người phụ nữ chỉ yêu xa hoa hưởng lạc. Ông từng nói: “Tôi nếu cưới vợ, phải là người có thể cùng tôi chịu nghèo khổ, cùng tôi sống thanh tĩnh”.
Có người nghe lời này, liền nói với ông: Tôi biết một nhà, có con gái cực kỳ hiền đức, nguyện gả cho ông. Lương Hồng gật đầu, liền hứa hẹn hôn nhân. Đến ngày thành hôn, ông mới phát hiện, cô dâu này lại là con gái của cựu Thái thú Mạnh Công, tên là Mạnh Quang. Bà thân hình cao lớn, dung mạo bình thường, khác xa hình ảnh mỹ nhân thế tục. Xung quanh đều chế giễu ông cưới một “người phụ nữ béo mập”. Nhưng Lương Hồng lại nói: Tôi cưới là đức hạnh của nàng, không phải dung mạo của nàng.
Sau khi kết hôn, Mạnh Quang không chỉ không hề oán thán, ngược lại quần áo thô sơ, cơm rau đạm bạc, tự tay lo liệu việc nhà, cùng chồng đồng cam cộng khổ. Mỗi khi cơm nước chuẩn bị xong, bà luôn cung kính bưng mâm, hai tay giơ cao ngang mày, đưa đến trước mặt Lương Hồng – đây chính là nguồn gốc của “cử án tề mi”. Bà lấy chồng làm tôn, kính như thượng khách, không một lời oán trách.
Lương Hồng cũng chưa từng cậy mạnh bắt nạt vợ. Ông kính trọng đức hạnh và sự kiên nhẫn của Mạnh Quang, chưa từng quát mắng chỉ trích. Giữa vợ chồng với nhau, đối xử bằng lễ nghĩa, như khách quý vậy, đây chính là ý nghĩa chân thực của “tương kính như tân”. Sau này Lương Hồng tự xưng là “Mạnh Quang phu”, đủ thấy ông kính trọng vợ đến cực điểm.
Cuộc hôn nhân này, không lấy phú quý làm nền, không lấy dung mạo làm gốc, mà lấy đức hạnh tương thủ, lấy lễ tiết tương kính, ngàn năm qua, đã lập nên điển hình cho “đạo vợ chồng” cho hậu thế.
Người xưa trọng ơn nghĩa, người hiện đại bị tình yêu trói buộc

Người xưa coi trọng ơn nghĩa và trách nhiệm. Trong văn hóa truyền thống, vợ chồng không chỉ là sự kết nối tình cảm, mà còn là sự đảm nhận luân lý và trách nhiệm. “Ân nghĩa phu phụ” bao gồm cùng nhau vượt qua khó khăn, nương tựa lẫn nhau, đến bạc đầu không rời, là lời hứa trọn đời với nhau. Còn xã hội hiện đại thì nhấn mạnh tự do và cảm giác. Tình yêu là sự đồng cảm của tâm hồn và cảm xúc, là kết quả của sự tự nguyện kết hợp giữa hai người. Hôn nhân được xem là sự mở rộng và khế ước của tình yêu, chỉ cần cảm giác đúng thì bắt đầu, cảm giác sai thì kết thúc. Dưới quan niệm này, sự ổn định của hôn nhân chịu ảnh hưởng lớn hơn bởi những thăng trầm của tình cảm.
Người xưa chú trọng tiên hôn hậu ái, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy là trạng thái bình thường của hôn nhân, nhưng tình cảm thường dần dần nảy mầm trong sự mài giũa và nâng đỡ trong cuộc sống hàng ngày. Tình cảm thực sự, không nằm ở sự rung động lúc mới gặp, mà là tình sâu đậm nương tựa vào nhau trong năm tháng. Đây cũng là lý do vì sao người xưa nhấn mạnh “chấp tử chi thủ, dữ tử giai lão” (nắm tay con, cùng con đến bạc đầu). Người hiện đại thì đa số là tiên ái hậu hôn, tình yêu là tiền đề của hôn nhân, lãng mạn là điểm khởi đầu của mối quan hệ. Tuy nhiên, đam mê đến nhanh cũng đi nhanh. Khi cơm áo gạo tiền của hiện thực làm tiêu tan nhiệt độ của tình yêu cuồng nhiệt, hôn nhân cũng có thể tan vỡ theo.
Người xưa cực kỳ lên án kẻ thay lòng đổi dạ, coi đó là suy đồi đạo đức. Thi Kinh có câu: “Sĩ chi đạm hề, do khả thuyết dã; nữ chi đạm hề, bất khả thuyết dã” (Nam nhi chìm đắm, còn có thể thoát ra; nữ nhi chìm đắm, không thể thoát ra), phản ánh yêu cầu cao về sự chung thủy trong tình cảm. Một khi vợ chồng mất nghĩa, sẽ bị gọi là “phụ tâm hán, bạc tình lang” (kẻ bạc tình, kẻ tệ bạc), danh tiết bị tổn hại, khó mà đứng vững. Còn người hiện đại thì có thái độ cởi mở hơn đối với việc thay lòng đổi dạ, cho rằng tình cảm là biến động. Chỉ cần hai bên hòa bình chia tay, tôn trọng lẫn nhau, thì không có gì đáng trách. Xã hội hiện đại khuyến khích cá nhân theo đuổi giá trị và hạnh phúc bản thân, hoàn toàn trở thành tình riêng, mọi thứ đều lấy sự yêu thích của mình làm trên hết.
Người xưa nói ơn nghĩa trọng hơn tình yêu, bởi vì ơn nghĩa là tình sâu đậm nhìn thấy lòng người theo năm tháng. Ân nghĩa phu phụ là một sự tích lũy, là sự bao dung và thấu hiểu đằng sau vô số lần cơm áo gạo tiền. Người hiện đại nói tình yêu trọng hơn ơn nghĩa, quan tâm là cảm giác, lãng mạn và sự hòa hợp tâm lý. Tình yêu này dễ đốt cháy đam mê, nhưng cũng mong manh hơn, khó chống lại sự thử thách lâu dài của hiện thực. Giây phút trước còn như keo sơn, giây phút sau đã thành người dưng.
Bạn thấy ơn nghĩa và tình yêu, cái nào đáng tin cậy hơn? Người xưa không nói về tình yêu, nhưng có thể bạc đầu giai lão. Người thời nay ngày nào cũng nói về tình yêu, thoáng cái đã phân ly, gia đình tan vỡ. Tình yêu không hiếm, còn người có ơn nghĩa thì trăm dặm mới tìm được một.
Theo Vision Times
Thanh Ngọc biên dịch