Trong khu chợ vốn náo nhiệt có một quán trọ tên là “Tín Thành”, nơi khách trọ đến đến đi đi như sông không ngừng chảy.

Một ngày nọ, một ông lão y phục đơn giản bước vào quán trọ. Chỉ thấy ông ấy thần sắc có chút lo lắng, vừa bước vào cửa đã nói muốn tìm một vị thương nhân Sơn Tây. Tiếp theo, ông lão tím thấy người hầu của vị thương nhân, nói với anh ta: “Tôi muốn tìm chủ nhân của cậu.” Nhưng người hầu hoàn toàn phớt lờ ông lão, không báo cáo cho chủ nhân. Ông lão không còn cách nào khác, đành phải đứng đợi ở cửa.

Vị “thương nhân Sơn Tây” theo lời ông lão vừa mới nghỉ tại quán trọ “Tân Thành” cách đây không lâu. Vị này y phục lộng lẫy,  từ Sơn Tây đến kinh thành, mang theo người hầu, thậm chí cả ngựa xe cũng rất hoa lệ. Ông ấy dự định quyên góp tiền theo quy định chương trình quyên góp của triều đình, mưu cầu một chức quan.

Ngay sau đó, thương nhân Sơn Tây xuất hiện, nhưng khi vị này nhìn thấy ông lão, anh ta tỏ ra lãnh đạm. Thương nhân kêu người mang chén trà nóng đến cho ông lão, nhưng sau khi ông lão uống trà xong, vẫn không thấy doanh nhân hỏi thăm mình.

Lúc này, ông lão cúi thấp đầu, chậm rãi nói, cầu xin thương nhân giúp ông hồi hương.

Thì ra vị thương nhân Sơn Tây này từng là một cậu bé nghèo khó, nhưng năm đó khi ông lão làm quan, cảm thấy thương hại chàng trai trẻ, ông đã không ngừng tiếp tế cho anh ta, chàng trai mới có thể có cái ăn, cứ tiếp tục như vậy trong hơn mười năm.

Sau đó, chàng trai lấy một trăm lượng bạc được ông lão trợ cấp để bắt đầu kinh doanh, dần dần tích lũy của cải, mới thành người giàu có như ngày nay. Nhưng ông lão vì bãi quan mà phải lưu lạc ở kinh thành, lâm vào khốn cảnh. Cách đó không lâu, ông lão rất vui mừng khi biết thương nhân đã đến kinh thành, ông nghĩ rằng cuối cùng mình cũng đã chờ được cơ hội để bắt đầu lại cuộc đời.

Ông lão vừa dứt lời, thương nhân liền nạt nộ: “Số tiền tôi quyên quan còn không đủ, làm sao tôi có thể giúp lão được?”

Ông lão mở to mắt ngạc nhiên nhìn thương nhân, trầm mặc không lời, một lúc sau, ông lão bi phẫn kể cho những vị khách trong quán trọ về quá khứ bản thân từng trợ cấp cho thương nhân, nói rằng ông chỉ hy vọng doanh nhân có thể trả lại một trăm lượng bạc mà ông đã tài trợ trước đó, để ông có thể trở về nhà sau khi trả hết mấy món nợ, ngoài ra ông không có kỳ vọng quá đáng nào.

“Tôi bãi quan lưu lạc tha hương, chính là vì nghĩ cậu có thể giúp một lão già tàn niên như tôi là đủ rồi.” Ông lão buồn bã đến mức khóc lóc thảm thiết. Quán trọ vốn là nơi luôn huyên náo tiếng người bỗng chốc biến trở nên vô thanh bặt tiếng. Mọi người nhìn ông lão, không khỏi đồng cảm. “Đúng vậy, nên giúp đỡ ông lão về quê.” “Ông lão đáng thương quá!” “Hãy để ông lão về quê trước, rồi số tiền còn lại để quyên quan mới đúng!”

Lúc này, một vị tiên phong đạo cốt đứng lên hỏi thương nhân: “Việc này có đúng không?” Người này tự xưng mình họ Dương, đến từ Giang Tây.

“Chuyện này xác thực là có, nhưng rất đáng tiếc, năng lực của tôi không thể hồi báo ông lão”, thương nhân đỏ mặt nói.

Họ Dương suy nghĩ một chút rồi nói: “Cậu chỉ muốn làm quan, không phải lo không vay được tiền. Nếu có người nguyện ý cho cậu vay một trăm lượng bạc, một năm mới phải trả nợ, không cần một xu lợi tức, cậu có bằng lòng dùng số tiền này trả cho lão phu không?”

Doanh nhân do dự một lúc rồi miễn cưỡng nói: “Có, tôi bằng lòng.”

“Vậy thỉnh cậu viết giấy nợ, tôi sẽ cho cậu mượn một trăm lượng này”, Dương mỗ nói.

Trước sự chứng kiến ​​đầy đủ của mọi người, thương nhân không còn cách nào khác đành phải lấy giấy bút viết giấy nợ, đưa cho Dương mỗ.

Sau đó Dương mỗ lấy ra một chiếc rương cũ nát, mở rương lấy ra một trăm lượng bạc. Thương nhân lấy số bạc, miễn cưỡng giao lại cho ông lão.

Sau đó Dương mỗ tổ chức tiệc rượu mời ông lão dùng bữa, còn mời thương nhân đi cùng. Ông lão ăn uống vui vẻ, nhưng thương nhân chỉ miễn cưỡng bầu bạn với ông lão cho đến khi tiệc tàn, ông lão cảm ơn rồi rời đi, mấy ngày sau Dương mỗ cũng rời đi, không rõ đi đâu.

Một ngày nọ, thương nhân Sơn Tây kiểm kê những chiếc rương của mình, sau khi mở từng chiếc một ra, anh ta phát hiện một chiếc rương thiếu mất một trăm lượng bạc, nhưng ổ khóa và tem niêm phong trên rương vẫn y nguyên như thường lệ, không có dấu hiệu gì nó đã được mở. Sau đó, thương nhân phát hiện, trong rương cũng bị mất một chiếc áo khoác, nhưng có một tờ giấy cầm đồ có ghi: Hai nghìn xu.

Hả?! Chuyện gì vậy?

Nguyên lai Dương mỗ là một thuật sĩ trong thân có phép thuật. Người ta nói: “Lộ kiến bất bình, bạt kiếm tương trợ”, Dương mỗ cảm thấy thương xót cho hoàn cảnh của ông lão, nên đã ra tay thi triển phép thuật để trêu chọc doanh nhân, giúp đỡ ông lão.

Một trăm lượng bạc mà ông lão nhận được thực ra đã được lấy ra khỏi rương của thương nhân này, và bữa tiệc dành cho ông lão cũng được trả bằng cách cầm đồ áo khoác của anh ta. Nhưng vị thuật sĩ Giang Tây ấy đã làm như thế nào thì không ai biết.

Sau khi tin tức truyền đi, khách trọ trong quán đều cười thầm, còn vị thương nhân tự cảm thấy xấu hổ, cũng rời đi mất.

Tục ngữ có câu: “Tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo” – Một giọt ân tình báo đáp cả dòng suối, nếu nhận ân đức từ người, hãy nỗ lực báo đáp ân tình, huống chi ân nhân lại đang rơi vào khốn cảnh, làm sao có thể buông tay mặc kệ? May mắn thay, ông lão được Dương mỗ giúp đỡ, lật ngược kết cục. (Nguồn: “Duyệt vi thảo đường bút ký”)

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch