Vào thời nhà Thanh, có một thư sinh tên là Trần Ỷ ở núi Vũ Tích, Hoài Nam, gia đình làm nông vụ và buôn bán nhỏ, cuộc sống khá giả. Trần Ỷ mười lăm tuổi rất thích đọc sách. Mẹ chàng, bà Hoàng, chỉ có một người em trai tên là Hải Khách, sống ở Quảng Tây, kinh doanh ở đó, kiếm được không ít tiền. Sau đó, khi mẹ Trần Ỷ lâm bệnh sắp chết, bà nói: “Sau khi mẹ mất, cha con nhất định sẽ tái hôn, nếu mẹ kế đối xử không tốt với con, cuộc sống khó khăn, con có thể đến Quảng Tây tìm cậu của con làm chỗ dựa.” Nói rồi, bà bí mật đưa cho con trai hàng chục lượng bạc mà bản thân đã tích cóp làm chi phí đi lại, Trần Ỷ đã khóc và nhận lời.

Sau khi mẹ qua đời, cha chàng tái hôn với Ô thị, quả nhiên hung dữ ác độc, đúng như lời mẹ nói, một khắc cũng không thể dung hòa. Trần Ỷ đến bên mộ mẹ, khóc lóc thảm thiết, để lại một phong thư bên gối cha rồi bỏ nhà đi.

Chàng băng núi vượt sông, đi nửa năm mới đến được một huyện nào đó ở Quảng Tây, nhưng chi phí đi lại đã cạn kiệt mà vẫn không có tin tức gì về người cậu. Một ngày nọ, khi đi đến phía đông ngoại thành, chàng gặp một ông lão, ông lão hỏi: “Sao cháu lại rơi vào hoàn cảnh này?” Chàng liền kể về quê quán của mình, và tình huống đi tìm cậu ruột. Ông lão trầm mặc nhìn chàng và nói: “Cậu của cháu họ Quảng, tên Hải Khách, có khuôn mặt rỗ, phải không?” Trần Ỷ đáp: “Đúng rồi ạ.” Ông lão lại nói tiếp: “Vị khách ấy đã chết ở đây từ rất lâu rồi, tôi quen uống rượu với ông ấy, mua cho ông ấy một cái quan tài, chôn dưới gốc cây liễu lớn cạnh Đông Quách Ni Am, trên mộ có một tấm bia ngắn.”  Trần Ỷ quỳ xuống đất bái tạ, rồi đi thẳng đến chỗ ông lão chỉ, quả nhiên tìm thấy mộ phần của cậu. Hôm đó chẳng có nơi nào để đi, chàng bèn tá túc một đêm tại ni am.

Vì không còn kế sinh nhai, Trần Ỷ đành quay lại cầu cứu ông lão giúp đỡ. Ba ngày sau, ông lão đưa cho Trần Ỷ một chiếc áo choàng thô sơ, nói với chàng: “Ta vốn thanh bần, chẳng có nhiều thứ để cho, mong cháu lượng thứ. May mắn thay, ở quận vùng núi lân cận có một gia đình giàu có, họ Khâu tên Tử Mộc, là họ hàng xa của ta. Lão phu nhân có một cô con gái tên là Lệ Ngọc, tầm tuổi của cháu, vô cùng xinh đẹp. Cháu tuy bần cùng, nhưng tài mạo thanh lệ, hành vi văn nhã, ở đây không ai sánh được với cháu. Ta sẽ viết cho cháu một bức thư làm ông tơ bà nguyệt, giới thiệu cháu đến phủ đệ của viên ngoại họ Khâu.” Trần Ỷ nghĩ rằng bản thân đang ở hoàn cảnh khó khăn, không còn lối thoát, nên đã cầm lá thư và đến đó.

Trần Ỷ đi tới trước một cánh cổng cao lớn trang nghiêm, người gác cổng mang bức thư vào bên trong.

Chàng đến trước một cánh cổng cao lớn trang nghiêm, sẽ phải đối mặt với tiền trình như thế nào khi không còn con đường nào để đi? (Shutterstock)

Vợ chồng viên ngoại họ Khâu bước ra đón tiếp, nói: “Tiểu nữ Lệ Ngọc của chúng ta luôn được chúng ta vô cùng yêu thương, không muốn con gái lấy chồng xa, nhưng lại không tìm được chàng rể phong độ anh tuấn. Hôm nay tơ hồng dẫn lối, điều này quả là kiếp trước hữu duyên, hy vọng các con có thể kết duyên vợ chồng.” Trần Ỷ bèn rời chỗ ngồi, quỳ xuống bái tạ, rồi lễ phép nói:

“Con rất xấu hổ vì bản thân là một kẻ bất tài, mà lại có thể với tới thiên kim tiểu thư nhà phú gia, đây là điều con vô cùng hy vọng. Tuy nhiên, trên thực tế con đến đây để tìm cậu ruột, ba bốn ngày sau khi kết hôn, con dự định tạm thời về nhà, sau khi giải quyết xong chuyện sẽ về lại quý phủ. Do đó không thể không báo cáo trước với trưởng bối.” 

Khâu viên ngoại nói: “Hiếu tâm của công tử sao có thể vi bội được, hãy để ta thay con chuẩn bị năm trăm lượng bạc làm chi phí đi lại.” Trần Ỷ vui mừng khôn xiết, cung kính nói vâng.

Đến ngày thành hôn, kèn sáo tấu vang, đèn nến thắp lên, mấy nô bộc dẫn chàng vào phòng trong, khoác lên mình quần áo mũ miện mới tinh. Khâu Lệ Ngọc từ phòng trong đi ra, cùng Trần Ỷ bái lạy nhau, rồi đưa nhau vào phòng tân hôn. Trần Ỷ mở rèm thêu ra nhìn cô dâu, ngay cả giọt sương trên hoa sen, ráng mây trên hoa đào cũng không tươi sáng quyến rũ như vậy, chàng đã tâm thần phấn chấn, Lệ Ngọc cũng ngước mắt nhìn chú rể, nhưng giữa đôi lông mày của nàng có chút thần sắc bi thương tiều tụy. Trần Ỷ không biết nguyên do, nên bước đến gần nàng nhẹ nhàng an ủi, tẩy trang cho vợ. Khâu Lệ Ngọc dùng tay đẩy ra, đến gần hơn thì nàng bắt đầu khóc. Đợi khi xung quanh không còn ai, nàng mới đóng cửa lại và nhỏ giọng nói: “Lang quân có biết rằng cái chết đang đến gần không?” Trần Ỷ nói. “Tôi không biết.” Cô dâu lại nói: “Lang quân đến từ đâu? Chàng sẽ đi đâu? Tại sao chàng không nói rõ cho thiếp biết?” Trần Ỷ kể hết cho vợ. Khâu Lệ Ngọc thở dài ngừng nói. Trần Ỷ biết có gì đó không ổn, quỳ xuống đất cầu xin sự thương xót.

Khâu Lệ Ngọc nói: “Em nhìn thấy lang quân phong thái quyến rũ, trong tâm không nhịn được, nên nói cho chàng biết bí mật. Em là một nữ hủi. Nơi này nằm ở biên giới Quảng Tây, qua nhiều thế hệ có rất nhiều mỹ nữ, nhưng đều mắc phải một căn bệnh kỳ lạ. Khi người nữ lên năm tuổi, những gia đình có tiền sẽ dùng ngàn lượng bạc dụ khách phương xa đến làm hôn nhân giả, đợi sau khi động phòng, độc khí truyền đến người nam, người nữ mới bàn chuyện hôn nhân, tìm đến một người phối ngẫu thực sự. Nếu sau mười lăm tuổi mà vẫn không thể truyền bệnh độc, thì lập tức bệnh căn sẽ tái phát, da khô nứt, tóc quăn queo, sẽ không ai lấy cô ấy. Nếu có người ở phương xa tham tiền tài mà cưới cô ấy, ba bốn ngày sau trên cổ sẽ nổi nốt đỏ, bảy tám ngày sau sẽ toàn thân ngứa ngáy, một năm sau, tay chân tê cứng, không thể duỗi ra tự do. Ngay cả danh y như Biển Thước, Hoa Đà cũng không cách nào chữa khỏi.”

Trần Ỷ nghe xong, đột nhiên tỉnh ngộ, khóc nấc: “Tôi một mình từ cách xa ngàn dặm tới đây, trọng trách rất lớn, cầu xin nàng thương hại tôi, để tôi bí mật trốn thoát được không?” Khâu Lệ Ngọc nói: “Không được! Ở đây tìm được đàn ông rất khó khăn. Khi lang quân bước vào cửa, rất nhiều trai tráng đã mai phục xung quanh phòng ngoài, cầm đao cầm gậy ngăn cản chàng trốn thoát.” Trần Ỷ vừa khóc vừa nói: “Tôi chết cũng không có gì phải hối tiếc, điều đáng buồn là trong nhà không ai chăm sóc cho cha già của tôi.” 

Khâu Lệ Ngọc bèn nói: “Mặc dù em là phụ nữ, nhưng em cũng biết thế nào là danh dự và tiết tháo. Em thường rất ghét bản thân mình vì được sinh ra ở một nơi như thế này, em nguyện chết không nguyện sống. Thỉnh lang quân hãy tạm thời ngủ với em trong xiêm y trong ba ngày, đến khi có được tiền hãy về quê. Sau khi em phát bệnh, không lâu sau sẽ chết. Cầu xin chàng khi về nhà hãy đặt một tấm bia tưởng niệm, viết lên dòng chữ ‘Vợ cả kết tóc Khâu Lệ Ngọc’, rồi em sẽ yên nghỉ dưới nấm mộ.” Nói xong, nàng khoanh tay khóc thầm.

Người dân địa phương coi bệnh hủi (bệnh phong) là một căn bệnh lạ không thể chữa khỏi bằng thuốc hay đá. (Shutterstock)

Trần Ỷ bi phẫn, buồn bã nói: “Nàng ơi! Kết hôn thì tôi chết, không hết hôn thì nàng chết, sao mình không uống thuốc độc để chết cùng nhau, rồi kiếp sau ta tái duyên.” Lệ Ngọc nói: “Không được. Thỉnh chàng hãy viết địa chỉ nhà của chàng, để em khâu vào quần áo, để một ngày nào đó khi em đi cả quãng đường ngàn dặm về thăm bố mẹ chồng, em có thể nhận được một bát cơm nhạt của chồng em.” Mặc dù Trần Ỷ đã ghi địa chỉ của mình cho vợ, nhưng nước mắt chàng vẫn không ngừng chảy. Đôi vợ chồng trẻ lên giường chung chăn, Trần Ỷ mấy lần không kiềm chế được bản thân, nhưng Lệ Ngọc đều an ủi và ngăn chàng lại.

Ngày hôm sau, vợ chồng Khâu viên ngoại quả nhiên coi chàng rể mới như một người xa lạ. Đêm đó, Khâu Lệ Ngọc hút cổ chồng, tạo ra ba bốn vết đỏ hồng trên cổ chồng và nói: “Được rồi.” Nàng còn đưa cho chàng hai chiếc vòng tay bằng vàng và bạch ngọc làm quà riêng, ước định sau này sẽ gặp lại nhau. Lệ Ngọc bi thương nói: “Em chỉ sợ khi chồng quay lại, cây cối trước mộ em đã lớn rồi.” Ngày hôm sau, Khâu viên ngoại quả nhiên thực hiện lời hứa của mình, đưa cho Trần Ỷ năm trăm lượng bạc, vẫy tay chào tiễn chàng đi.

Trần Ỷ vội vàng dùng tiền thuê một chiếc thuyền lớn, mang theo quan tài của cậu mình đưa về phương nam. Trần Ỷ trở về nhà, nhìn thấy mẹ kế đã chết, cha lại cưới một nữ nô làm thiếp. Cha già cảm thấy rất an ủi khi nhìn thấy con trai mình. Ông cũng nhìn thấy tiền bạc và đồ đạc con mang về, nghi là di sản của em vợ, nên không hỏi thêm nữa. Trần Ỷ chôn cất quan tài của cậu, mua rất nhiều đất, Trần ông lại giỏi nấu rượu, nên họ trồng lúa và mở quán rượu, thu được rất nhiều lợi nhuận. Trần Ỷ lại tiếp tục đi học.

Khi Khâu viên ngoại nhìn thấy Trần Ỷ rời đi, ông nghĩ rằng chất độc của con gái mình chắc chắn đã trôi hết, định nhờ bà mối chọn con rể mới, nhưng bệnh của Khâu Lệ Ngọc lại đột nhiên phát tác, được chẩn đoán là bệnh hủi. Khâu viên ngoại vặn hỏi con gái, nhưng Lệ Ngọc chỉ khóc mà không nói, phu nhân kiểm tra thân thể, phát hiện con gái vẫn còn trinh. Vợ chồng Khâu viên ngoại luân phiên nhiếc móc: “Con đúng là một đứa con gái vô dụng, không muốn sống sao?” Hơn một tháng sau, bệnh tình của Khâu Lệ Ngọc ngày càng nặng, họ gửi nàng đến phòng bệnh phong.

Khâu Lệ Ngọc vào phòng, mấy lần định treo cổ tự tử, thì thấy một lão nhân có khuôn mặt rỗ, nói giọng miền Nam đến cứu nàng. Sau đó, nàng lại muốn chạy trốn, ông lão vui vẻ đồng ý dẫn đường và nói: “Lão phu họ Hoàng, người Hoài Nam, tiểu nương chẳng phải muốn đi tìm Trần Ỷ sao? Ta đã gặp cậu ấy rồi. Chúng ta có thể đi cùng nhau, ta cũng muốn đến Hoài Nam.” Lệ Ngọc ngại ngùng vì cảm thấy mình mắc phải chứng bệnh nan y, nhưng vì ông lão tuổi đã cao, nên nàng vui vẻ đi cùng ông lão.

Với tia hy vọng le lói, cô gái hủi rời bỏ quê hương, lên đường đi tìm chồng. (Shutterstock)

Vừa đến đất Sở, lộ phí đã tiêu hết, họ bèn kiếm sống bằng nghề ăn xin. Ông lão thổi sáo, Khâu Lệ Ngọc sáng tác một bài hát tên là “Nữ trinh mộc khúc” và hát nó trên đường đi. Họ đi nửa năm mới đến Hoài Nam, khi sắp đến làng, ông lão chỉ về phía xa và nói: “Hãy đi về phía nam, đó là ngôi nhà có cửa đá màu vàng, cháu có thể tự đi, ta từ đây còn đi rất xa, chỉ mong cháu có thể chuyển lời cho bố con Trần Ỷ, nói rằng Hải Khách bái tạ.” Nói xong, ông lão biến mất không dấu vết.

Khâu Lệ Ngọc bước tới cửa ngôi nhà có cửa đá màu vàng, nhìn thấy một ông già đang ngồi ở cửa, trông ông lão rất giống Trần Ỷ, nàng nghĩ đó là bố chồng mình. Lệ Ngọc kể cho ông nghe chi tiết về chuyến đi ngàn dặm tìm Trần Ỷ. Trần ông nói: “Trần Ỷ là con trai của ta, ta lập tức khó có thể tin tình huống cháu nói, nó tham gia kỳ thi mùa thu ở Kim Lăng, mấy ngày sau sẽ trở về. Chỉ có ở trước mặt Trần Ỷ, ta mới có thể biết được thật giả.” Sau khi nghe điều này, Lệ Ngọc cúi đầu hành lễ với bố chồng, rồi nàng tạm trú ở một ni am.

Không lâu sau, Trần Ỷ trở về, Trần ông hỏi về chuyện của Khâu Lệ Ngọc, chàng rất kinh ngạc, không biết nên nói cái gì. Trần ông nói: “Con không thể phụ bạc người ta, nhà chúng ta cũng không thiếu chỗ ăn ở, cho dù không ngủ chung giường, cũng phải nuôi dưỡng nàng ấy cả đời.” Trần Ỷ quỳ phục xuống đất bái tạ cha, rồi vội đến ni am thăm Lệ Ngọc, Lệ Ngọc vội vàng kéo áo chồng lại, vừa khóc vừa nói: “Em từ xa đến không phải để thành thân với chàng, chỉ là sau khi em chết, em muốn chôn nắm xương của mình trong mộ tổ tiên nhà họ Trần.” Trần Ỷ vừa khóc vừa an ủi vợ, tự hỏi làm sao nàng đến được đây? Khâu Lệ Ngọc kể cho chồng biết Hoàng lão nhân trông như thế nào, đã dẫn nàng tới đây như thế nào. Trần Ỷ kinh ngạc đáp: “Ông ấy là cậu ruột của tôi, ông ấy là địa tiên sao!”

Trần Ỷ đưa Lệ Ngọc về nhà, tìm một chỗ trống trong kho rượu để ở, ngủ giữa rất nhiều vò rượu. Tất cả các nữ nô đều đứng xa xa nàng, không dám lại gần. Chỉ có một cô hầu trẻ tên là Cam Tiêu mới dám hầu hạ nàng, giúp nàng những việc vặt. Thức ăn và thuốc men của vợ đều do chính tay Trần Ỷ điều chế. Qua một thời gian, Trần Ỷ mang chăn gối đến ngủ bên cạnh Lệ Ngọc, nhưng không hề nhiễm bệnh.

Kết quả kỳ thi mùa thu được công bố, Trần Ỷ thi hương trúng cao, người trong làng đổ xô đến bàn luận với chàng về chuyện kết hôn, nhưng chàng đều cực lực từ chối. Cha già thuyết phục con, chàng vừa khóc vừa nói: “Con trai của cha mới hai mươi mốt tuổi, người bệnh hủi không thể sống lâu được. Sao không đợi nàng chết rồi con mới kết hôn? Lúc đó vẫn chưa muộn mà!” 

Chàng lại sợ mình đi thi, Khâu Lệ Ngọc không có người chăm sóc, bèn giả cáo bệnh, không tham gia kỳ thi Bộ Lễ ở Bắc Kinh. Khâu Lệ Ngọc đập đầu vào chiếc bình, buồn bã nói: “Vì chuyện của em mà lang quân phải trì hoãn việc nối dõi tông đường, lại còn cản trở con đường thăng tiến của chàng. Sau khi em chết, em làm sao còn mặt mũi nào nhìn thấy tổ tiên của mình dưới đất? Thực là chết thì tốt hơn!” Nói xong, nàng lại đập đầu vào bình, chỉ nhờ Cam Tiêu ngăn cản, nàng mới đành chịu.

Một ngày nọ, Trần Ỷ đến nhà một người họ hàng uống rượu, nhưng trời mưa to chưa thể quay về, Cam Tiêu lại đang ốm, nên ngủ trong phòng. Lệ Ngọc một mình trong phòng rượu, nghe tiếng mưa rơi, ngứa ngáy không chịu nổi. Rồi nàng đột nhiên nghe thấy tiếng gió rít trên xà nhà, một con rắn đen to lớn như cánh tay, dài bảy tám thước từ trên không trung từ từ hạ xuống. Lệ Ngọc ban đầu rất sợ hãi, nhưng sau đó nàng nghĩ, thà bị con rắn ăn thịt còn hơn tự sát, nên nàng mặc kệ. Thân rắn cuộn tròn trên xà nhà, đầu rũ xuống phía dưới, mở nắp gỗ của thùng rượu, hút rượu trong thùng, kêu chít chít, một hồi là no căng bụng. Con rắn muốn thò đầu lên trên xà, nhưng xà nhà đột nhiên gãy rụng như một cành cây khô, con rắn rơi vào trong hũ rượu, cựa quậy lên xuống, dùng hết sức giãy giụa, một lúc bỗng im bặt.

Lệ Ngọc thắp đèn, bất đắc dĩ đứng dậy nhìn, con rắn đã chết. Nàng cho rằng nọc rắn có thể thay thế rượu độc, nên đã uống hơn một thăng, nào ngờ nàng lập tức cảm thấy tỉnh táo, nỗi phiền muộn trong lồng ngực được giải tỏa. Da của nàng trở nên rất ngứa ngáy, nàng rửa bằng rượu thì cơn ngứa lập tức biến mất. Ngày hôm sau, nàng lại lén uống rượu và tắm rửa bằng rượu, bệnh tình dường như biến mất. Làn da khô trở nên mịn màng như ngọc, mái tóc quăn queo trở nên đen bóng như tóc mây. Những vùng da nứt nẻ trên mặt, tay chân trở nên tươi tắn như nụ hoa. Cam Tiêu vạn phần kinh ngạc, chạy đi nói với Trần Ỷ, Trần Ỷ hỏi Lệ Ngọc chi tiết, Lệ Ngọc kể cho chồng nghe về việc uống rượu và tắm rượu rắn. Trần Ỷ bước tới nhìn con rắn, nó có màu đen với vân màu trắng, hoa văn như đám mây, trên đỉnh đầu có một chiếc sừng duy nhất màu đỏ, đây là xà vương của núi Vũ Tích, gọi là Điểu Phong.

Trần Ỷ ngay lập tức mang váy áo xiêm y sáng bóng lộng lẫy, những chiếc kẹp tóc, đồ trang sức ngọc bích, bảo Lệ Ngọc trang sức thật đẹp, ra ngoài gặp bố chồng và mẹ kế. Mọi người đều kinh ngạc vì nàng đẹp như tiên nữ. Trần ông nói: “Khi ta còn nhỏ, ta từng nghe nói rằng xà vương đã sống ở núi Vũ Tích hàng nghìn năm. Các hòa thượng ngoại quốc muốn xin ít vảy rắn để chữa bệnh hắc lào và bệnh ghẻ, nhưng họ không lấy được. Ai biết rằng đây là ông Trời đã đặc biệt dành riêng để trị liệu cho con dâu hiền đức của ta!”

Cùng ngày, việc chuẩn bị cho lễ cưới được thực hiện. Có rất nhiều khách, một bữa tiệc lớn được tổ chức, trống và nhạc nổi lên, nam nữ từ hàng trăm dặm đến chiêm ngưỡng sắc đẹp của Lệ Ngọc, khi trở về, họ lấy làm vinh dự.

Ba năm sau, Khâu Lệ Ngọc sinh ra một bé gái, nàng cảm kích ân đức của Cam Tiêu, muốn nạp nàng hầu làm thiếp, Trần Ỷ nhiều lần từ chối, nhưng Lệ Ngọc nói gì cũng không chịu. Mùa xuân năm đó, Trần Ỷ thi vào Lễ Bộ, đỗ kỳ thi tiến sĩ, vào học viện Hàn Lâm, sau đó xuất kinh làm tri phủ. Không lâu sau, chàng lại được thăng nhiệm làm lưỡng việt chế quân, chàng phái thị vệ võ quan của mình đến nhà Khâu viên ngoại, yêu cầu họ cho gặp Khâu Lệ Ngọc. Khâu viên ngoại giả vờ khóc lóc, nói: “Tiểu nữ bạc mệnh, đã chết từ lâu. Đại nhân còn tìm người vợ đầu tiên của mình ư?” Trần Ỷ nói muốn thu thập xương cốt vợ đưa về quê hương để chôn cất. Khâu viên ngoại sợ hãi, nói rằng sẽ cho chàng một ngàn lượng bạc để chúc thọ phụ thân của Trần Ỷ, nhưng Trần Ỷ từ chối. Sau đó, chàng lại phái người đi tìm ông già từng làm mai mối cho mình, ông lão nói nàng ấy đã sợ hãi bỏ chạy, rơi xuống suối sâu rồi tử vong. Trần Ỷ không khỏi mỉm cười nói: “Bọn họ quả nhiên nhìn ta bằng ánh mắt của kẻ tiểu nhân.” Rồi chàng lập tức sai nô tì đưa phu nhân ra ngoài, Khâu Lệ Ngọc mặc y phục nhất phẩm phu nhân, khuôn mặt nàng rạng rỡ, Khâu viên ngoại kinh ngạc đến mức suýt ngã xuống đất, nhìn kỹ hơn, hóa ra đó chính là con gái Lệ Ngọc của ông.

Khâu Lệ Ngọc rơi nước mắt, hỏi: “Cha mẹ khỏe không?” Khâu viên ngoại xấu hổ đến mức không dám nói gì. Sau đó, Khâu Lệ Ngọc thường xuyên về nhà bố mẹ đẻ thăm họ hàng, lấy rượu rắn chế thuốc, đồng thời thành lập phòng trị bệnh phong để cứu trợ những người mắc bệnh phong ở Quảng Tây, cứu sống vô số người. Khi Trần Ỷ ở tuổi bốn mươi, Trần ông vẫn còn rất khỏe mạnh, Trần Ỷ đã viết thư cho hoàng đế, cầu xin về nhà dưỡng lão. Sau khi về nhà, chàng đã tu sửa lại ngôi mộ của cậu mình, lập bia tưởng niệm phu nhân, ghi chép tóm tắt sự việc. Sau này, rượu thuốc núi Vũ Tích đã trở nên nổi tiếng khắp thiên hạ. (Nguồn “Dạ vũ thu đăng lục”)

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch