Trần gia trọng nghĩa, gặp được lão ông khinh lợi 

Ở huyện Vọng Giang, Thư Châu (nay là Vọng Giang, tỉnh An Huy), có một phú ông tên là Trần Quốc Thụy. Ông bắt đầu gia nghiệp bằng nghề luyện quặng sắt, cuối cùng trở nên cực kỳ giàu có. Trần Quốc Thụy muốn nhờ thầy địa lý tìm táng địa cho mẹ mình. Nghe phong thanh tin tức này, một số đồ đệ của Thanh Điểu lần lượt đến, nhưng đáng tiếc là những nơi họ chọn không hợp ý Trần Quốc Thụy. (Chú thích: Thanh Điểu là tên của một phương sĩ Lục triều, tương truyền ông rất giỏi táng thuật, có cuốn ‘Tướng gia thư’, được những thầy địa lý sau này suy tôn là sư tổ). 

Vương Sinh ở Kiến Ninh (nay là Kiến Âu, Phúc Kiến) nổi danh về tìm mộ địa. Gia đình họ Trần thỉnh Vương Sinh đến khảo sát, phải mất hơn một năm mới chọn được một khối cát địa ở một thôn làng gần đó. Chủ sở hữu mảnh đất là Trương ông.

Pháp trị gia của Trần Quốc Thụy rất độc đáo, mọi chuyện trong nhà, ông gần như không nghe không hỏi, giao hết cho con trai lo liệu. Công tử của Trần gia đã thảo luận với Vương Sinh về cách làm sao để mua được khối phong thủy bảo địa này. Vương Sinh nói: “Chuyện Trần gia tìm táng địa này, trong phạm vi trăm dặm không ai không biết, lời thực nói thực, Trương gia sẽ đòi thêm rất nhiều tiền, không dễ khiến ông ấy thỏa mãn.” Thế là công tử Trần gia bèn tìm đến một công nhân trong xưởng luyện thép, nhờ cậy người này đến nhà họ Trương, giả trang ngắm núi ngắm rừng, rồi thương lượng với họ Trương: “Chúng tôi luyện thép, đang thiếu than gỗ, nếu xây một lò than ở nơi đây, sẽ có được than gỗ, không biết bác có đồng ý không?” Trương ông không biết ý đồ bên trong, bèn nói: “Không vấn đề”. Qua vài ngày, công tử Trần gia lại đến, lấy ra ba vạn tiền và văn bản đã ký sẵn. Trần Quốc Thụy lúc đó mới đến xem đất, vừa nhìn đã thấy rất hài lòng. Sau đó phải mất ba tháng để xây tường và xây nhà, khi việc chuẩn bị hoàn tất, mẹ Trần được táng tại đây.

Năm sau, vào dịp Tết Thanh Minh, Trần gia đến nghĩa trang tảo mộ, công tử Trần gia và Vương Sinh đều đến. Trần Quốc Thụy đột nhiên hỏi con trai mình: “Ngọn núi này đã mua từ ai? Mua hết bao nhiêu tiền?” Con trai ông kể lại sự tình đã xảy ra. Trần Quốc Thụy lại hỏi Vương Sinh: “Giả sử không dùng mưu kế để mua mảnh đất này, thì giá là bao nhiêu?” Vương Sinh đáp: “Dựa theo giá hiện tại, rẻ nhất cũng là 30 vạn tiền.”

Trần Quốc Thụy nghe xong không nói gì, vội vàng về nhà, ra lệnh cho người hầu chuẩn bị bữa tiệc, sau đó phi nước đại đến nhà họ Trương gặp Trương ông, mời Trương ông đến ở nhà mình ở. Trong liền mấy tháng, đãi Trương ông hảo tửu mỹ thực, nhưng không hé một lời về lý do. Khi Trương ông thấy mình đã ở lại nhà họ Trần hơi lâu, bèn nói lời tạm biệt với Trần Quốc Thụy.

Lúc này, Trần Quốc Thụy mời Trương ông đến chính điện, bày tiệc chia tay, sau năm ly rượu, Trần Quốc Thụy đặt ba trăm chuỗi tiền ở bên trái Trương Ông, lại dùng thúng trúc bọc lụa đựng bạc, dùng chóe ngọc đựng rượu, rồi nói với Trương Ông: “Tôi đã chôn cất mẹ tôi ở chỗ đất đó, mọi người nói tiền đưa quá ít, xin bác hãy dùng số tiền này chúc thọ bác.” 

Trương ông ngạc nhiên nói: “Tôi đốn hạ tất cả cây trên núi, mang lên chợ bán, thì cũng bán không nổi một nghìn, trước đây đã đưa tôi ba mươi nghìn, số tài vật này tôi vạn vạn lần không dám nhận!”

Trần Quốc Thụy nói: “Không đúng! Đất táng mộ mẹ tôi nên phải mua đúng giá. Giả vờ nói là luyện thép, quá sai rồi. Con trai tôi nhất thời hám lợi, đã lừa dối bác. Người ta nói sơn địa của bác đáng bao nhiêu tiền, tôi mới đưa cho bác bấy nhiêu, là để cho con trai tôi biết xấu hổ vì bản thân đã thấy lợi quên nghĩa.”

Trương ông vẫn từ chối, nói: “Lúc đó tôi đã đồng ý rồi, con trai của bác đã đưa tôi không ít tiền. Bác muốn làm quân tử, ông già này tuy hạ tiện, nhưng làm sao có thể nhận món tiền tài bất nghĩa này?” Một bên, Trần Quốc Thụy không đưa không chịu, còn bên kia, Trương ông kiên quyết không nhận, tay không mà đi. 

Sau khi Trương ông rời đi, Trần Quốc Thụy phát hỏa với con trai mình: “Tất cả là do con, con đã tống cho cha những thứ này!” Công tử nhà họ Trần không còn cách nào khác, đành bí mật tìm đến con trai của Trương ông, đưa cho anh ta những thứ này. Trương ông hoàn toàn không biết.

Chà! Thế nhân đều coi lợi ích vật chất là nguyên tắc sống, thường vì tiền bạc mà tranh chấp nảy lửa, nhưng nhìn thấy hành động của Trần Quốc Thụy và Trương ông, có lẽ cũng nên xét lại bản thân. 

Thuật phong thủy ứng nghiệm thần kỳ

Ngô Ông, ông cố của Ngô Bỉnh ở huyện Toàn Tiêu (nay là một phần của thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy), từng thỉnh thầy phong thủy Phúc Kiến Giản Nghiêu Ba tìm kiếm một táng địa có phong thủy tốt cho cha. Giản đã đi tìm ba năm nhưng không tìm thấy, chuẩn bị nói lời từ biệt để về nhà, nhưng Ngô Ông cực lực thuyết phục thầy ở lại.

Một ngày nọ, Ngô Ông và thầy phong thủy cùng nhau đi đến núi Mai Hoa, gặp phải tuyết rơi dày đặc trên núi, nên cùng nhau dừng lại ở tửu lầu của Trần gia để uống rượu. Khi đó, Giản Nghiêu Ba đang tựa vào ngưỡng cửa nhìn về phía xa, bỗng nhiên như phát hiện điều gì đó, ngừng uống rượu, đứng dậy nói với Ngô Ông: “Tôi cầu tìm được mảnh đất tốt này đã ba năm mà không được, không ngờ lại được gặp ở đây.” Thế là hai người cùng nhau đi thêm ba dặm nữa, Giản kiểm tra hồi lâu một nơi rồi nói: “Chính là nơi này.”

Sau khi tuyết ngừng rơi, trời trong xanh trở lại, hai người lại đi xem. Giản Nghiêu Ba nói với Ngô Ông: “Quả là Trời ban mảnh đất đẹp. Nhưng sau khi chôn cất, ông và con trai ông sẽ không phát, mà đến thế hệ cháu trai của ông mới đại phát. Và một khi đã phát, cả hai anh em nhất định sẽ đồng thời trúng bảng. Bởi vì nơi đây hai bên đỉnh núi văn phong tú lệ, hễ phát là ắt trúng khoa cử. Nhưng vì núi này hơi lệch, không thể trúng trạng nguyên, nhưng trúng nhị, tam danh thì không thành vấn đề. Mà phát không chỉ một đời, sẽ kéo dài vài thế hệ.”   

Ngô Ông chôn cất cha mình theo lời chỉ dẫn của thầy phong thủy. Sau này quả nhiên đến đời cháu thì đại phát, đầu tiên là Ngô Quốc Đỉnh trúng tiến sĩ năm Sùng Trinh Quý Mùi (1643), sau đó Ngô Quốc Tấn trúng tiến sĩ năm Thuận Trị Kỷ Sửu (1649), Ngô Quốc Đối và Ngô Quốc Long là một cặp song sinh, Quốc Đối trúng thám hoa, Quốc Long trúng tiến sĩ, cho đến đời Ngô Bỉnh, anh em ông trước sau đều thành tiến sĩ, còn Ngô Bỉnh thì trúng bảng nhãn. Thuật phong thủy của thầy Giản Nhiêu Ba thật thần kỳ. (Nguồn: “Doanh sử”, “Hy triều tân ngữ”)

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch