Sau khi Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại, Lý Lam Thanh, khi đó là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, Phó Thủ tướng, và Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Giải quyết Vấn đề Pháp Luân Công, đã đích thân đã đến Đại học Thanh Hoa để trấn áp. Kể từ đó, Đại học Thanh Hoa trở thành khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng quý vị đón xem “Trăm Năm Chân Tướng“!

Vào ngày 10/7/2015, 35 cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa cư trú tại Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc đã thuê luật sư người New Zealand Kerry Gore gửi chuyển phát nhanh bản Cáo trạng Hình sự đối với Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của ĐCSTQ, lần lượt đến Pháp viện Tối cao Bắc Kinh, Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ Công an Trung Quốc.

Đại học Thanh Hoa là một trong những trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc đại lục. Tại sao 35 cựu sinh viên của trường đại học này kiện Giang Trạch Dân?

Trong tập này, chúng tôi sẽ nói chuyện với các bạn về vụ kiện tập thể trải dài khắp bốn châu lục: Châu Á, Châu Âu, Hoa Kỳ và Úc.

Trong số 35 người tố cáo có 1 giáo sư, 3 phó giáo sư, 1 giảng viên, 5 nghiên cứu sinh, 8 học viên cao học và 1 kỹ sư công trình cao cấp.

Bản cáo trạng trần thuật cuộc bức hại tàn bạo mà những người tố cáo đã phải chịu kể từ khi Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20/7/1999. Trong đó, họ đã bị kết án phi pháp, hoặc bị cưỡng bức lao động cải tạo, bị tước đoạt tự do trong thời gian tổng cộng (35 người) là hơn 110 năm. Họ bị giam giữ trong 8 nhà tù, 9 trại lao động, cũng như nhiều trung tâm tẩy não và những nơi giam giữ bí mật ở Trung Quốc.

Bản Cáo trạng dày 208 trang, từng chữ từng chữ thấm đẫm máu và nước mắt của những người tố cáo.

Học sinh thiên tài Vương Vi Vũ

Vương Vi Vũ là người Thái An, Sơn Đông, từ nhỏ đã tài năng thông tuệ, học thức và phẩm chất ưu tú. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1991, Vương Vi Vũ được nhận vào 5 trường đại học danh tiếng bao gồm Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc mà không cần thi đầu vào, nhờ đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi toán học, vật lý và hóa học quốc gia, đồng thời lại là “Học sinh ba giỏi” cấp tỉnh. Cuối cùng, ước mơ trở thành một công trình sư ưu tú đã thôi thúc ông chọn Đại học Thanh Hoa.

Tại Đại học Thanh Hoa, Vương Vi Vũ xuất sắc cả về phẩm hành lẫn học thuật, ông được trao Học bổng Sinh viên Ưu tú, Giải thưởng Tốt nghiệp Xuất sắc, Học bổng Đặc biệt của Hiệp hội Công cụ Trung Quốc CIS, Học bổng Philips v.v. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1996, ông được miễn thi và trực tiếp học thẳng học vị tiến sĩ.

Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 20/7/1999, Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, đã huy động toàn bộ bộ máy quốc gia để phát động cuộc bức hại đẫm máu đối với Pháp Luân Công. Bởi vì Vương Vi Vũ kiên định tu luyện Pháp Luân Công, ông đã phải trải qua 8 năm rưỡi tuổi thanh xuân quý giá nhất của mình trong giám ngục của ĐCSTQ.

Theo bài báo “Sinh viên thiên tài Đại học Thanh Hoa Vương Vi Vũ bị oan trái phải ngồi tù 8 năm rưỡi”, vào ngày 12/8/2002, Vương Vi Vũ, người đang làm việc cho một công ty nước ngoài, đã bị An ninh Nhà nước của ĐCSTQ bắt giữ trong một chuyến công tác. Từ đó cho đến đầu năm 2004, ông bỗng “bốc hơi” không tăm tích.

Trong thời gian này, Vương Vi Vũ bị giam giữ tại “Trung tâm Bồi huấn Pháp chế” của Bắc Kinh hơn nửa năm, nơi ông đã trải qua những tra tấn khốc hình khắc cốt ghi tâm.

Ông nhớ lại: “Tôi đã trải qua một đêm bị tra tấn bằng dùi cui điện. Toàn thân tôi chỗ nào cũng bị dí điện. Cả mười đầu ngón tay đều bị phóng điện. Chúng dí dùi cui điện vào cổ tôi cho đến khi nó phóng hết điện, cuối cùng hết sạc, chúng lại cắm trực tiếp vào ổ cắm 220V, và căn phòng tràn ngập mùi thịt cháy cho đến khi giật đến bất tỉnh!”

Sau đó, Vương Vi Vũ bị bí mật kết án 8 năm tù, và bị giam tại Nhà tù Tiền Tiến Bắc Kinh. Ở đó, ông cũng bị tra tấn bằng đánh đòn độc, cấm ngủ trong một thời gian dài, bị bắt làm nô lệ lao động và các loại tra tấn khốc hình khác, còn bị giam giữ vượt thời hạn nửa năm, thân tâm đều tàn tạ nghiêm trọng.

Năm 2013, Vương Vi Vũ trốn khỏi Trung Quốc và đoàn tụ với gia đình tại Hoa Kỳ.

Giáo sư ưu tú Tu Dần

Vào tháng 5/1995, Tu Dần, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Vào tháng 7 cùng năm, ông tốt nghiệp với bằng tiến sĩ, và lưu lại trường giảng dạy.

Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, chứng mất ngủ hành hạ Tu Dần trong nhiều năm đã được chữa khỏi mà không cần dùng thuốc. Đồng thời, ông chiểu theo nguyên tắc “Chân Thiện Nhẫn” của Pháp Luân Công để làm một người tốt, đã nhận được nhiều giải thưởng như: “Công tác tiên tiến”, “Giải thưởng giáo sư ưu tú” của Đại học Thanh Hoa, “Giải nhất về thành quả giáo dục và giảng dạy (giáo dục đại học cao đẳng)” thành Bắc Kinh, “Giải nhất về thành quả giảng dạy cấp quốc gia”, “Giải thưởng Cống hiến lớn trong Thúc đẩy Tiến bộ khoa học và công nghệ” của Bộ Giáo dục, v.v.

Theo bài báo “Các giáo sư từ Đại học Thanh Hoa thoát ly sự khống chế của ĐCSTQ và phơi bày chân tướng về cuộc bức hại” đăng trên Minghui.com, vào sáng ngày 13/3/2006, Tu Dần đưa con gái đến trường như thường lệ, và quay về chuẩn bị bắt đầu một ngày làm việc. Đột nhiên, hơn một chục cảnh sát xông vào nhà ông, lục tung tủ mà không xuất trình bất kỳ chứng từ công văn nào, sau đó tìm thấy một số cuốn sách của Pháp Luân Công, và sau đó bắt giữ Tu Dần và vợ ông.

Không lâu sau đó, Tu Dần đã bị “cải tạo lao động” phi pháp trong hai năm, với lý do ông kiên trì tu luyện Pháp Luân Công, và có sách Pháp Luân Công ở nhà.

Ngày 3/11/2006, Tu Dần bị áp giải đến Trại lao động cưỡng bức Đoàn Hà Bắc Kinh. Sau đó, ông bị nhốt trong một “phòng giam nhỏ” đơn độc trong tám tháng, chỉ được phép ngồi trên một phần ba chiếc ghế đẩu chỉ cao 30cm, cả ngày quay mặt vào tường, không được cử động, không được nhắm mắt.

Đây là một kiểu tra tấn cực kỳ tà ác, nhìn bề ngoài thì cảnh sát không đánh, nhưng vì chiếc ghế đẩu vừa nhỏ vừa thấp, diện tích chịu lực cũng nhỏ, mà phải ngồi suốt 8 tháng dưới sự giám sát nghiêm ngặt. Đừng nói là 8 tháng, ngồi 8 ngày cũng đã khiến người ta vạn phần thống khổ.

Trong tình huống phải chịu đựng nỗi thống khổ cực đại cả về thể chất và tinh thần, Tu Dần và cảnh sát trại lao động bắt đầu một cuộc thi “chuyển hóa” và “chống chuyển hóa”.

Ông hồi ức lại: “Tôi cố gắng nói bằng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được, đặc biệt khi tôi là giáo sư khoa học kỹ thuật. Tôi sử dụng logic tư duy khoa học chặt chẽ để phản kháng lối tư duy với logic chính trị kiểu lưu manh Trung Cộng của cảnh sát. Tôi chứng minh Pháp Luân Công với họ từ góc độ của khoa học tự nhiên, rằng đó là một công pháp tốt vô cùng. Họ không thể lật ngược logic khoa học tự nhiên mà tôi đã sử dụng, và cảnh sát cũng cảm thấy rằng tôi là một người có tư duy lý trí”.

“Phải mất một thời gian rất dài để nói chuyện với họ. Theo cách này, một cảnh sát tự xưng là ‘trình độ chuyển hóa cao nhất cả nước’ đã phải khuất phục, cạn lời trước lý lẽ của ông. Theo lời anh ta, ‘Không ai trong số cảnh sát của chúng tôi ở đây có thể thuyết phục ông. Video và sách của chúng tôi ở đây là vô dụng đối với ông.’ Sau đó, không ai trong số họ muốn nói chuyện với tôi”.

Ngày 13 tháng 3 năm 2008, Tu Dần bước ra khỏi trại lao động. Cảnh sát nói với các lãnh đạo của Đại học Thanh Hoa đã đến đón ông ấy: “Không phải ai ở trại lao động cũng giống như vậy, ông về phải cẩn thận”.

Sau khi Tu Dần trở lại Đại học Thanh Hoa, lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu ông viết một bản tường trình thừa nhận sai lầm, và không luyện công, nếu không, hợp đồng giáo sư sẽ không được gia hạn. Tu Dần không muốn viết một tuyên bố sai trái với lương tâm của mình, vì vậy ông không thể tiếp tục giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa.

Ngày 27/8/2008, gia đình ba người của Tu Dần bay đến Hoa Kỳ và đưa ra một tuyên bố rằng:

“Tôi yêu nghề của mình, tôi yêu học sinh của mình, tôi yêu người thân của mình. Tôi không muốn rời Trung Hoa đại địa nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi không muốn rời giảng đường quen thuộc và sự kỳ vọng của học sinh. Nhưng, chừng nào tín ngưỡng và lợi ích mâu thuẫn với nhau, tôi muốn làm gương cho các sinh viên của mình: Để nói lên sự thật, vạch trần cuộc bức hại của ĐCSTQ và thức tỉnh những dân chúng bị lừa dối bởi những hoang ngôn tà ác của ĐCSTQ, tôi chỉ có thể từ bỏ mọi thứ mình yêu thích, rời khỏi Trung Quốc và đến một nơi mà tôi có thể nói lên sự thật”. Ông nói: “Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, tôi muốn nói với các sinh viên và người dân trên toàn thế giới rằng: ĐCSTQ có tội”.

Du Bình, người đã nhận được học bổng toàn phần của 21 trường đại học ở Hoa Kỳ và Canada

Du Bình, người đã học tại Đại học Thanh Hoa để lấy bằng đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, từng là chủ tịch hội sinh viên hệ nghiên cứu, và giành được học bổng Siemens, học bổng 12.9, học bổng Quang Hoa, v.v.

Trước cuộc đàn áp, Du Bình đã nộp đơn xin du học và nhận được học bổng toàn phần từ 21 trường đại học ở Hoa Kỳ và Canada. Nhưng sau khi cuộc bức hại xảy ra, kế hoạch du học đã thất bại.

Theo The Epoch Times, đầu tháng 6/2000, Du Bình tham gia bảo vệ luận án tiến sĩ, đề tài là dự án công nghệ cao trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của Chương trình 863 quốc gia. Bài đáp biện của ông đã được ban giám khảo nhất trí thông qua, và luận văn của ông được trao giải “Luận văn tốt nghiệp ưu tú”. Nhưng vì ông đã đến Quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện ôn hòa cho Pháp Luân Công vào ngày 20/6/6 năm 2000, Đại học Thanh Hoa đã từ chối cấp bằng cho ông và chỉ coi ông như một nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Cũng chính vì tu luyện Pháp Luân Công, tin vào “Chân-Thiện-Nhẫn” và kiên trì giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho mọi người dân, mà Du Bình và gia đình đã bị ĐCSTQ bức hại tàn khốc.

Du Bình nhớ lại: “Tôi đã bị kết án phi pháp bốn năm tù, từ năm 2000 đến năm 2004, và bị kết án phi pháp hai năm lao động cưỡng bức từ năm 2008 đến năm 2010; vợ tôi bị kết án phi pháp hai năm rưỡi lao động cưỡng bức; mẹ vợ tôi bị kết án phi pháp hai năm lao động cưỡng bức; em dâu tôi cũng bị kết án hai năm lao động cưỡng bức; chị dâu tôi bị kết án ba năm tù, hai lần lao động cưỡng bức, một lần trong hai năm, và một lần trong hai năm rưỡi; cả gia đình bị kết án phi pháp trong trại lao động tổng cộng hơn 20 năm”.

Trong trại lao động, Du Bình bị sốc điện bởi sáu cảnh sát cùng một lúc. Những viên cảnh sát này đã cột chặt tay chân của ông, bắt đầu sốc điện ông ở một bên, sau đó lật ngược lại và sốc điện ông ở phía bên kia, sau đó sốc điện ông từ đầu đến chân, và cả lòng bàn chân. Ông nói: “Tôi thực sự cảm thấy như có hàng ngàn mũi kim đang châm vào mình cùng một lúc, phi thường thống khổ”.

Năm 2013, Du Bình cùng vợ và con gái rời khỏi Trung Quốc và sống ở Úc.

Pháp Luân Công hồng truyền tại Đại học Thanh Hoa, Lý Lam Thanh chủ trì cuộc bức hại

Trong quá khứ, Pháp Luân Công đã được hồng truyền rộng rãi ở Đại học Thanh Hoa, và điểm luyện công đầu tiên là trong hội trường hình chữ I, nơi có văn phòng hiệu trưởng. Theo một báo cáo từ Minghui.com, trước ngày 20/7/1999 khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại, tại Đại học Thanh Hoa có 11 điểm luyện công, những người tham gia học Pháp luyện công bao gồm từ các giáo sư, giảng viên cho đến nghiên cứu sinh tiến sĩ, học viên cao học, sinh viên đại học, v.v., số lượng đông nhất vượt 500 người.

Sau khi Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại, Lý Lam Thanh, khi đó là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, và Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Giải quyết Vấn đề Pháp Luân Công, đã đích thân đã đến Đại học Thanh Hoa để trấn áp. Kể từ đó, Đại học Thanh Hoa trở thành khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ít nhất 4 người ở Đại học Thanh Hoa đã bị bức hại đến chết, 1 người bị tra tấn đến tàn tật, 1 người mất tích, 23 người bị kết án phi pháp, 25 người bị đưa đến trại lao động cưỡng bức một cách phi pháp, và tổng cộng gần 100 người bị buộc đình chỉ học tập, ra lệnh thôi học, đuổi học, cưỡng bức từ chức, buộc thôi việc, giam giữ trong các lớp tẩy não, bỏ tù phi pháp, v.v.

Lời buộc tội Giang Trạch Dân của 35 cựu sinh viên Thanh Hoa thực sự là sự phản ánh một mô hình thu nhỏ của cuộc bức hại tất cả các học viên Pháp Luân Công trong 23 năm qua.

Ngày 30/11/2022, ĐCSTQ tuyên bố Giang Trạch Dân chết vì bệnh tại Thượng Hải. Sau đó, Nhóm Luật sư Nhân quyền Pháp Luân Công Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố gồm 5 điểm, trong đó nêu rõ: Trong hai thập kỷ qua, Giang Trạch Dân đã bị cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người, diệt chủng và tra tấn các học viên Pháp Luân Công ở 18 quốc gia trên thế giới, bốn triệu người ở 37 quốc gia trên thế giới đã tố cáo tội bức hại Pháp Luân Công, và hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã kiện Giang Trạch Dân bằng tên thật của họ. 

Nhưng cuối cùng Giang Trạch Dân đã không thể sống sót để tiếp thụ đại phán hình, đối với các học viên Pháp Luân Công, đặc biệt là các học viên bị bức hại và gia đình của họ mà nói, đây là điều đáng tiếc to lớn, cũng là điều đáng tiếc to lớn cho toàn Trung Quốc, dưới thời cai trị của ĐCSTQ, đã bị cuốn vào cuộc bức hại kéo dài hàng chục năm của Giang Trạch Dân. Tuy nhiên, cuộc bức hại hàng trăm triệu học viên Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân sẽ được lịch sử ghi nhớ, và tất cả những tội ác không thể kể xiết khi ĐCSTQ bức hại hàng trăm triệu học viên Pháp Luân Công sẽ vĩnh viễn lưu lại vết nhơ trong lịch sử để không bao giờ được phép lặp lại.

Mời quý vị xem video gốc tại đây.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch