“Ngồi trong buồng lái, trên bầu trời xanh thẳm, tôi hình dung trong không gian bao la kia, khuất sau những đám mây bồng bềnh có một miền tiên cảnh tươi đẹp, an lành. Không có giành giật bon chen, đớn đau khổ ải, ganh ghét hận thù… đó là nơi chỉ có niềm vui và hạnh phúc”.
(Tự thuật của Cơ trưởng Nguyễn Tuấn Dũng)

Mời nghe bài viết qua Audio:

Con người dành cả đời để tranh đấu ngược xuôi, tìm kiếm bạc tiền, quyền lực, danh vọng… Nhưng đến khi hai mắt khép lại, thành quả phấn đấu đó sẽ tiêu tan, vì chúng chỉ là những vật chất “khi sinh không đem đến, khi tử chẳng mang đi”. Vậy thì điều gì mới có ý nghĩa thực sự trong cuộc đời này?

Nhà tôi ở Hà Nội, đối diện một ngôi chùa. Ngày nhỏ, tôi thường cùng vài đứa bạn sang sân chùa chơi. Ngôi chùa cổ kính phảng phất hương khói tôn nghiêm trở thành miền ký ức tuổi thơ thiêng liêng của tôi.

Nhìn các bà, các chị thành tâm chắp tay khấn vái trước tượng Phật trong khói hương lảng bảng, nhiều lần tôi tự hỏi: Phật là ai? Rồi lại tự trả lời: Chắc là một vị thần vĩ đại như trong những truyện cổ tích mình từng đọc. Nếu xin gì Phật cũng cho, thì tôi sẽ xin cho mẹ khỏi bệnh, xin thật nhiều tiền và có sức lực để giúp đỡ mọi người…

Nguyện ước ngày nào dần chìm vào quên lãng với những lo toan học hành, ngược xuôi vì công danh sự nghiệp. Theo truyền thống gia đình, tôi thi đỗ vào trường đại học Thể dục Thể thao với điểm Á khoa đầu vào và đăng ký học ngành võ thuật. Với khát khao đi du học, tôi lao vào môn tiếng Anh, học say sưa.

Năm 1992, khi đang học năm thứ hai đại học, tôi vẫn nộp hồ sơ ngay khi biết tin Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam tuyển người. Tôi may mắn được chọn vào làm cảnh vệ trên không Đoàn bay 919. Thế rồi, khi Chính phủ Úc tài trợ một khoá đào tạo phi công cơ bản cho Việt Nam, may mắn là con nhà thể thao có sức khoẻ tốt, học lực tốt, tôi trúng tuyển và được gửi qua Úc học lái máy bay. Khóa học mở ra một kho tàng tri thức khổng lồ, tôi cảm thấy mình như một chú cá nhỏ bơi ra biển lớn, thoả sức vẫy vùng.

Cơ trưởng Nguyễn Tuấn Dũng trong thời gian đào tạo phi công tại Úc những năm 90.

Với nhiều nỗ lực, tôi tốt nghiệp khoá học cùng giải thưởng “Kiến thức Xuất sắc” (Academic Excellence) của Cụm cảng Hàng không Liên bang Úc năm đó. Cùng với việc được ghi danh trên chiếc cúp lớn của trường, tôi lọt vào danh sách đào tạo chuyển loại A320 tại thành phố Toulouse, nước Pháp. Tôi trở thành phi công lái máy bay thương mại Airbus A320 ở tuổi 22, đó là vào năm 1996. A320 là loại máy bay dân dụng hiện đại nhất thời đó với nhiều tính năng lập trình tự động, công nghệ và vật liệu mới…

Sau thời gian đầu làm việc cho hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, tôi chuyển sang bay cho những hãng nước ngoài và sự nghiệp thăng hoa từ đó.

Đam mê bay và có ý thức trách nhiệm cao trong công việc, tôi nhanh chóng tạo được uy tín và thành công trong nghề của mình. Có danh vọng, tiền tài, tôi càng say sưa chinh phục những đỉnh cao tiếp theo. Tôi tự tin, cảm thấy như có thể tự quyết định vận mệnh của mình, thậm chí làm chủ được cả bầu trời bao la.

Sự nghiệp thành công, có nhiều tiền nhưng tôi không theo trào lưu ăn chơi hưởng thụ như những thanh niên cùng thời. Tôi không thích những bữa tiệc ồn ào, cũng không quan tâm tới thời trang hay mua sắm hàng hiệu đắt tiền…

Rồi một ngày, người bạn thân và là đồng nghiệp của tôi đột nhiên chuyển qua ăn chay trường, tu Phật giáo và có rất nhiều sách viết về tâm linh. Tôi như “mọt sách” trong thư viện của bạn, đọc và nghiên cứu nhiều sách về tâm linh. Tôi thử ngồi thiền, thấy mình có thể định lại được và giấc ngủ đến với tôi dễ dàng hơn. Từ đó, ngồi thiền trước khi ngủ trở thành thói quen thường nhật của tôi.

“Tuy nhiên, càng đi nhiều, càng đọc nhiều, trong tôi càng nảy sinh những câu hỏi về con người và sinh mệnh. Chưa có cuốn sách nào lý giải được những thắc mắc của tôi về vũ trụ, về cội nguồn nỗi khổ đau của con người… Tôi vẫn miệt mài tìm kiếm, câu hỏi về vũ trụ và sinh mệnh thôi thúc từng ngày…”

Phi công là một nghề có đòi hỏi khắc nghiệt và nguy hiểm, cơ thể luôn phải thích nghi với sự thay đổi môi trường, nhiệt độ, áp suất và bức xạ mặt trời khá cao. Thức trắng đêm trường, ngồi triền miên trong khoang lái nhỏ hẹp, cất và hạ cánh trong thời tiết bất lợi, chỉ một sơ suất nhỏ có thể khiến mình và nhiều người mất đi sinh mạng…

Những chuyến bay xuyên đêm thường làm tôi bị đau khớp hông do tái phát di chứng tập luyện quá độ thời trẻ. Bay về phía mặt trời, ở độ cao, chẳng thi vị chút nào, ánh sáng chói chang như thiêu như đốt. Về nhà, dù có ngủ cả ngày thì lúc tỉnh dậy khớp vẫn đau nhức và mệt mỏi, phải mất mấy ngày mới hồi phục. Cơ thể mất nước, da khô sạm, mặt quắt lại, rất hốc hác…

Sau 25 năm, hơn 15.000 giờ và trên 10 triệu km đường bay, tưởng chừng tôi đã chinh phục được bầu trời bao la này. Nhưng ở tuổi “bất hoặc”, bước sang phía bên kia con dốc cuộc đời, tôi mới thực sự nhận ra rằng không thể định đoạt được tương lai của mình. Vẫn sẽ phải đối diện với các vấn đề muôn thuở, với già nua, bệnh tật và cái chết… Tôi vẫn cất cánh như mọi khi, nhưng bầu trời trở nên mênh mông, rộng lớn quá, chợt thấy mình nhỏ bé, đơn côi…

Trong những năm tháng làm việc xa nhà, điều tôi lo lắng nhất là sức khoẻ của mẹ, bởi vì ngay từ thời trẻ bà đã hay đau yếu. Nhưng rồi một ngày đẹp trời, mẹ gọi điện thoại cho tôi khoe rằng bà đã tìm được một môn tu luyện rất tốt cho sức khoẻ, đã chứng kiến nhiều điều kỳ diệu đến với những học viên, rằng khá đông người trên thế giới cũng theo tập môn này… Và mẹ muốn tôi đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân, tác giả là Sư Phụ Lý Hồng Chí, có nội dung chỉ đạo các học viên Pháp Luân Công tu luyện theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Ngay khi đọc những trang đầu tiên, cuốn sách Chuyển Pháp Luân đã khiến tôi chấn động tới tận tâm can, bởi đó chính là điều mà tôi tìm kiếm bấy lâu… Những dòng chữ cuốn hút tôi, tôi đọc như nhập tâm tất cả những chữ hiện ra trước mắt. Lúc đó, sự hồi hộp khiến cơ thể tôi nóng bừng, tôi chợt hoang mang, những đoạn vừa đọc như thể tan biến mất. Hạnh phúc trào dâng khiến mắt tôi ấm nóng. Cuốn sách giúp tôi hiểu rằng, hạnh phúc là khi con người thấy được căn nguyên của nỗi bất hạnh trong cuộc đời, là tìm được con đường thiện giải khổ đau… Cuốn sách kỳ diệu đã thực sự thay đổi cuộc đời tôi, là chìa khoá mở ra một bầu trời mới.

Cơ trưởng Nguyễn Tuấn Dũng đang đọc cuốn Chuyển Pháp Luân.

Tôi chợt nhận ra, vì quá tập trung xây dựng sự nghiệp, mải mê trong danh lợi mà đã quên đi nguyện ước thuần thiện của mình khi còn là một đứa trẻ chơi trong sân chùa. Cuốn sách Chuyển Pháp Luân đã nhắc tôi về điều đó, mang đến nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn để tu dưỡng thành một người tốt và tốt hơn nữa.

Buông bỏ mục đích chinh phục đỉnh cao và vinh quang nghề nghiệp, giờ đây tôi tự đặt trách nhiệm cao nhất vào công việc. Tôi làm việc với tâm thái phục vụ tốt nhất cho sự an toàn của hành khách. Tôi học cách nhìn vào bản thân để tu sửa những điều mình làm chưa tốt. Đặt mình vào vị trí của người khác để đối đãi mỗi khi có mâu thuẫn nảy sinh.

“Tôi học cách bao dung với sai lầm của đồng nghiệp, biết nhẫn nại và lắng nghe để hiểu được những khó khăn của họ rồi động viên, chân tình giúp đỡ họ. Tôi cũng chia sẻ với họ những điều tốt đẹp của Đại Pháp mà mình đang được cảm nhận mỗi ngày, về vẻ đẹp Chân – Thiện – Nhẫn mà mỗi con người nên hướng tới. Tôi hạnh phúc mỗi khi hạ cánh an toàn trong niềm vui đoàn tụ của hành khách”.

Cơ trưởng Nguyễn Tuấn Dũng và các đồng nghiệp.

Mỗi ngày tôi đều đọc sách, thực hành 5 bài công pháp và từng bước thay đổi tâm tính. Căn bệnh khó ngủ triền miên bởi áp lực công việc của tôi đã biến đi lúc nào. Tôi không còn thấy mệt mỏi sau những chuyến bay dài. Cuốn sách giúp tôi bình tâm và nhẹ nhàng vượt qua những căng thẳng, những mâu thuẫn gay gắt trong cuộc sống thường nhật. Tôi nhận ra rằng, hạnh phúc của đời người không đến từ tiền tài và danh vọng, mà là trạng thái thân và tâm của mình hòa tan vào Đại Pháp.

Giờ đây, trong những chuyến bay giữa không gian bao la, tôi biết rằng bên ngoài bầu trời này, phía sau vầng sáng huy hoàng kia có miền thiên cảnh tươi đẹp, an lành. Nơi đó không có giành giật bon chen, đớn đau khổ ải, ganh ghét hận thù… Chỉ có niềm vui và hạnh phúc.

Phật gia cho rằng, điều tâm niệm lớn nhất của đời người chính là “phản bổn quy chân” – tu luyện để quay trở về với bản tính thuần tịnh, nguyên sơ của sinh mệnh. Và rằng, Chân – Thiện – Nhẫn là cội nguồn của những điều tốt đẹp. Có Nhẫn để tha thứ cho lỗi lầm của người khác, có Thiện để đem điều tốt lành trao cho người khác, có Chân để nói và làm điều gì đều xuất phát từ đáy lòng mình.

Trải qua hơn nửa đời người, đã đi nhiều nơi trên thế giới, tôi từng chứng kiến nhiều sự bất công đằng sau vẻ hào nhoáng của đô thị phồn hoa, thấy được thân phận những con người nghèo khổ, lầm than… Cảm giác bất lực, bế tắc thường lưu lại mãi trong tâm khảm. Chỉ đến khi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, những nút thắt kia mới được giải khai. Tôi tự nhủ, mọi bất hạnh và khổ đau của nhân gian đều có thể được hóa giải bởi phương pháp tu luyện này.

Cũng kể từ đó, trong mỗi chuyến đi, tôi đều tận dụng cơ hội chia sẻ với mọi người về vẻ đẹp Chân – Thiện – Nhẫn. Đồng thời, tôi cũng nỗ lực nói ra sự thật về cuộc đàn áp vô nhân tính của chính quyền Trung Quốc với những người tu luyện Pháp Luân Công.

Cơ trưởng Nguyễn Tuấn Dũng giới thiệu Pháp Luân Công cho mọi người.

Cảm ơn các bạn đã đọc những chia sẻ từ đáy lòng của tôi. Hãy cùng tôi lên tiếng đòi chính quyền Trung Quốc chấm dứt ngay hành động đàn áp đức tin, kết thúc sự đố kỵ và thù địch dẫn đến hành động bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Hãy cùng nhau lên tiếng để thế giới tương lai được sống trong bình an và hạnh phúc, để sự từ bi luôn tràn ngập khắp nhân gian.

Bài viết:
Đạo Nhất

Ảnh trong bài:
Nhân vật cung cấp

Thiết kế:
Bình Bình

Bài viết: Đạo Nhất
Ảnh trong bài: Nhân vật cung cấp