Đầy trang những chuyện hoang đường,
Tràn tít nước mắt bao nhường chua cay.
Đừng cho chỉ giả là ngây,
Ai hay ý vị chỉ đầy ở trong?

(Tào Tuyết Cần)

Truyện Kiều gồm 3254 câu thơ lục bát kể lại quãng đời lưu lạc truân chuyên của nàng Vương Thuý Kiều, một trang “quốc sắc thiên hương” thời nhà Minh, Trung Quốc. 15 năm đoạn trường “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” của Thuý Kiều xoay quanh mối tình giữa nàng với chàng Kim Trọng, Thúc Sinh và người anh hùng Từ Hải, đều thắm thiết đắm say nhưng chan đầy nước mắt. Có lẽ bởi thế nên nguyên tác câu chuyện về nàng Kiều có tên là “Phong Tình Cổ Lục” (bộ sách chép truyện phong tình thời cổ). Còn riêng thi hào Nguyễn Du thì đặt tên cho tiểu thuyết bằng thơ của mình là “Đoạn Trường Tân Thanh” (tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột). Đó là nỗi đau gì? Nỗi đau của người con gái như cánh hoa bị gió dập sóng vùi, là nỗi xót thương cho “thân phận người phụ nữ thời phong kiến” theo lời một số nhà phê bình hiện đại, hay là một nỗi đau gì khác?

“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa sáng tác văn chương là để truyền tải Đạo lý, nhất là một kiệt tác như Truyện Kiều thì nội hàm khó lòng xét đoán chỉ qua câu chữ bề ngoài. Thêm vào đó, hoàn cảnh Nguyễn Du gặp được cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân cũng vô cùng đặc biệt. Theo một số nhà nghiên cứu, đó là những năm ly loạn cuối triều Lê, Nguyễn Du vốn làm quan nhà Lê nhưng triều đình lại bị thất thủ trước quân Tây Sơn, ông lênh đênh trong cảnh không cửa không nhà, lưu lạc bôn ba khắp Việt Nam rồi sang Trung Quốc. Đến nơi, Nguyễn Du bị bệnh suốt ba tháng xuân, hết bệnh ông muốn thoát vòng trần tục nên cải danh thành nhà sư Chí Hiên đi chu du khắp Trung Hoa theo gương ‘thi Tiên’ Lý Bạch. “Giang Nam, Giang Bắc túi tiền không”, đến Hàng Châu, Nguyễn Du ngụ tại chùa Hổ Bào – nơi nhân vật lịch sử Từ Hải, tức Minh Sơn hoà thượng từng tu hành. Chính tại đây, ông có được quyển “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân và quyết chí diễn ca thơ Nôm. Phải là một tác phẩm có nội hàm thâm sâu thế nào mới có thể xúc động tâm hồn vị thi sĩ có chí tu hành đến thế?

Một phần bức tranh miêu tả cảnh chị em Thúy Kiều gặp Kim Trọng trong ngày Tết Thanh minh của họa sĩ Lê Chánh, treo trong Dinh Độc Lập cũ. (Nguồn: Wikipedia)

15 năm lưu lạc của nàng Kiều…

Mở đầu câu chuyện, nàng Vương Thuý Kiều ở tuổi: “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” đã dành trọn tình yêu đầu ngây thơ say đắm cho chàng Kim Trọng, tới nỗi chỉ thoáng nhìn thấy nhau trong tiết Thanh Minh mà hai bên đã:

Tình trong như đã mặt ngoài còn e
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn.

Và rồi, tình yêu ấy mãnh liệt tới nỗi một tiểu thư khuê các như Kiều mà dám “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để “đánh đường tìm hoa”. Họ cùng nhau uống rượu, ngắm trăng, ước hẹn, thề nguyền cho một cuộc vui sánh bước trăm năm còn trải dài trước mặt.

Thế nhưng, cơn gia biến bất ngờ ập tới, Thuý Kiều vì bán mình chuộc cha mà cam tâm làm lẽ mọn cho người, chấm dứt giấc mộng đẹp cùng chàng Kim trong nỗi xót xa tuyệt vọng:

Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gởi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Phận sao phận bạc như vôi,
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.

Tưởng rằng đời mình đến thế thì thôi, ngờ đâu đám cưới với Mã Giám Sinh chỉ là một trò lừa, một phút sa chân đẩy Kiều vào chốn lầu xanh nhơ nhớp. Phản kháng rồi vô vọng, Kiều chỉ còn có thể ngậm ngùi “lấy thân mà trả nợ đời cho xong”. 

Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?
Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì.

Trong những cuộc truy hoan dường như bất tận, Thuý Kiều vẫn cảm thấy trơ lì như gỗ đá, cho đến khi nàng gặp được Thúc Kỳ Tâm:

Trướng tô giáp mặt hoa đào,
Vẻ nào chẳng mặn nét nào chẳng ưa?
Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng!
Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng,
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng!
Lạ gì thanh khí lẽ hằng,
Một dây một buộc ai giằng cho ra!
Sớm đào tối mận lân la,
Trước còn trăng gió sau ra đá vàng.

Thì ra, trong lòng Kiều vẫn ôm một chữ ‘Tình’. Chỉ là chữ Tình ấy trước đây Kiều dành riêng Kim Trọng, còn bây giờ nàng đã gửi gắm sang Thúc Sinh. Thúc Sinh cứu Kiều khỏi chốn lầu xanh, cho nàng được hưởng niềm hạnh phúc ấm áp của người làm vợ, dù chỉ là vợ lẽ:

Một nhà sum họp trúc mai,
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.

Cảnh sum họp càng đầm ấm bao nhiêu, thì cuộc chia ly càng lưu luyến bấy nhiêu. Thúc Sinh chia tay Kiều để trở về quê nhà, Nguyễn Du miêu tả cảnh đoạn này mà dường như rưng rưng cả khối tình trong đó:

Người lên ngựa kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
..

Cảm giác cô đơn quạnh quẽ của Thuý Kiều cho thấy nàng chưa bao giờ thôi ôm mộng ước về một cuộc hôn nhân êm đềm tươi đẹp, ‘tài tử giai nhân’, được yêu thương và trân trọng… Chẳng thế mà trong bước đường cùng phải lấy kẻ thô bỉ như Mã Giám Sinh, nàng đã: “Phần căm nỗi khách phần dơ nỗi mình”. Thế nhưng, dường như càng mong cầu lại càng không có được, ngày nàng tiễn biệt Thúc Sinh ngờ đâu cũng là ngày vĩnh biệt cuộc tình duyên với chàng.

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, Thúy Kiều bị vợ cả của Thúc Sinh là Hoạn Thư bắt cóc và đọa đày. Sau bao cơn sóng gió dập vùi, nàng hoảng sợ chạy trốn khỏi nhà Hoạn Thư, tưởng rằng sẽ được sống những ngày “Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong” trong Chiêu Ẩn Am, thì nàng lại sa vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh. Thuý Kiều chỉ còn biết thở than cho kiếp người đen bạc, và đành “Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”. Ở hành viện Châu Thai, nàng có duyên may mắn gặp được người anh hùng Từ Hải, người đã yêu thương trân quý nàng bằng cả tấm lòng chân thành không nghi ngại. Thế mới là:

Trai anh hùng gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng.

Không những cứu Kiều thoát khỏi lầu xanh, Từ Hải còn đem đến cho nàng vinh hoa phú quý tột bậc của một vương phi, hoàng hậu: 

Còn đang dùng dắng ngẩn ngơ,
Mái ngoài đã thấy bóng cờ tiến la.
Giáp binh kéo đến quanh nhà,
Đồng thanh cùng gởi: Nào là phu nhân?
Hai bên mười vị tướng quân,
Đặt gươm cởi giáp trước sân khấu đầu.
Cung nga thể nữ nối sau,
Rằng: Vâng lệnh chỉ rước chầu vu quy.
Sẵn sàng phượng liễn loan nghi,
Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng.
Dựng cờ nổi trống lên đàng,
Trúc tơ nổi trước kiệu vàng kéo sau…

Quả là:

Vinh hoa bõ lúc phong trần,
Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày.

Đến lúc này, nàng Kiều vẫn ôm một chữ “Tình”. Tình yêu với Từ Hải càng sâu đậm bao nhiêu, thì nỗi đau khi chứng kiến Từ Hải chết giữa trận tiền càng sầu thảm bấy nhiêu! Có thể nói, trong ba đấng tình quân, thì Từ Hải là người có ân với Thuý Kiều nhất. Chàng không chỉ vớt nàng lên khỏi vũng bùn ô nhục, giúp cho nàng một bước thành phượng tiên, mà còn giúp nàng báo ân báo oán; thiết nghĩ, tột cùng hạnh phúc của đời người phụ nữ cũng chỉ như 5 năm Kiều chung sống với Từ Hải mà thôi. Để rồi cuối cùng, nàng phải khẩn khoản cầu xin Hồ Tôn Hiến cho chồng mình một doi đất con con “Gọi là đắp điếm lấy người tử sinh”. Tiếng đàn của Kiều khi thị yến dưới màn đã lột tả nỗi đau cùng cực:

Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!
Ve ngâm vượn hót nào tày,
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
..

Trong tột cùng đau khổ, Thuý Kiều trẫm mình xuống sông Tiền Đường, những mong kết thúc kiếp đoạn trường mà nàng đã dự cảm từ hồi thơ dại. Cả một đời, nàng Kiều ôm mộng thoả một chữ Tình; ngày vui thường quá ngắn, mà nỗi đau lại quá dài.

Chỉ để ngộ ra một điều này thôi…

Cổ ngữ có câu: “Âm cực dương hồi, bĩ cực thái lai”, Thuý Kiều được sư Giác Duyên cứu vớt, bỗng một ngày hội ngộ tất cả người thân xưa. 15 năm xa cách, Kim Trọng vẫn dành cho nàng tình yêu nồng nhiệt. Lẽ ra, đây có thể là cái kết viên mãn cho mối tình Kim – Kiều, nhưng lạ thay, nàng miễn cưỡng nhận lời thành thân, và lựa lời từ chối chuyện gối chăn, để “Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”. Có người hỏi, vậy cuộc hôn nhân của Thuý Kiều và Kim Trọng còn có ý nghĩa gì? Có người lại cho rằng Kiều đã đủ ê chề sau chừng ấy năm làm gái lầu xanh nên thẹn mình chẳng xứng đôi với Kim Trọng, và xót thương cho thân phận nàng. Nếu cuộc đời chỉ để thoả một chữ Tình, thì đời Kiều quả đã muôn phần thua thiệt. Vậy nhưng, Nguyễn Du viết Truyện Kiều có đơn giản chỉ để thương khóc cho những đời người con gái: “Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng” hay chăng?

Ảnh: Shutterstock

Địa vị của Truyện Kiều trong lịch sử văn học Việt Nam cũng tựa hồ như địa vị của Hồng Lâu Mộng trong văn hóa Thần truyền Trung Hoa. Là một trong “Tứ đại danh tác”, Hồng Lâu Mộng thoạt nhìn ngỡ tưởng chỉ là tiểu thuyết ái tình, kể chuyện tình yêu nam nữ, nhưng thực ra chính là một hành trình giác ngộ. Hồng Lâu Mộng xoay quanh cuộc đời của Giả Bảo Ngọc, vốn là hòn đá nơi thiên thượng chuyển sinh thành người, trong hồng trần đã mê mất bản tính, đắm chìm trong tình cảm trai gái và tình cảm dành cho các chị em trong phủ. Trong giấc mộng, Bảo Ngọc được điểm hoá về số phận của những người phụ nữ bên cạnh mình. Ban đầu, chàng không giác ngộ được; cuối cùng đến khi tận mắt chứng kiến vận mệnh không thể cưỡng lại của mỗi từng chị em mà chàng lưu luyến, người thì gả chồng xa, người thì bệnh chết, hoặc là xuất gia, hoặc là mất tích, thì Bảo Ngọc mới hiểu ra mỗi từng quyển sổ ghi chép vận mệnh mà chàng thấy trong mơ chính là điểm ngộ đối với chàng: Đời người là do Trời định. Cuối cùng, Bảo Ngọc đã buông bỏ chấp trước với thế gian, quay trở về chân ngã, đắc Đạo trở về trời. Nên mới có thơ rằng:

Làm quan đấy, gia nghiệp điêu linh
Phú quý đấy, bạc vàng tán tận
Có âm đức, thấy chết lại sống
Vô tình đấy, phân minh báo ứng
Vay mạng đấy, ắt phải đền mạng
Nợ nước mắt, khóc khô nước mắt
Oan oan tương báo chớ coi thường
Bi hoan ly hợp số định xong
Muốn biết đời nay, xem đời trước
Về già phú quý, thật may mắn
Hiểu rõ đời, tiến nhập Không môn
Còn mê mết, uổng cho một kiếp
Thoát cõi tạm, trở về chốn cũ
Tâm dứt hết, ấy chân thanh tịnh.

Cuộc đời của Vương Thuý Kiều chẳng phải cũng vậy đó sao? Vì nợ nghiệp kiếp trước nên đời này có tên trong sổ đoạn trường, 15 năm chìm nổi lênh đênh có cảnh nào nàng chưa từng nếm trải? Làm gái lầu xanh, thân con hầu con ở, cho đến một người vợ hiền hạnh phúc, một hoàng hậu quyền uy… vai diễn nào nàng cũng đã đều sắm cả. Cay – đắng – ngọt – bùi chốn nhân gian cũng chỉ ngần ấy thôi, con người đến thế gian với hai bàn tay trắng, lúc ra đi cũng lại hoàn trắng tay. Ái tình dẫu thắm thiết nhường nào, sau trăm năm cũng tan thành mây khói. Vậy mà con người bao đời bao kiếp cứ đắm đuối không buông, để rồi vùng vẫy không thoát khỏi luân hồi bể khổ. Đó có lẽ mới là “nỗi đau đứt ruột” thực sự của nhân sinh. Đúng như lời Tam Hợp đạo cô, khi giải thích lý do vì sao Thuý Kiều hiếu nghĩa đủ đường mà vẫn phải chịu kiếp đoạn trường như thế:

Sư rằng: Phúc họa đạo Trời,
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có Trời mà cũng tại ta,
Tu là cội phúc tình là dây oan.
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành,
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong,
Ở không yên ổn ngồi không vững vàng.
Ma đưa lối quỷ đem đường,
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

và:

Oan kia theo mãi với tình,
Một mình mình biết một mình mình hay.
Làm cho sống đọa thác đày,
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!

Nếu như nói “Hồng Lâu Mộng” thức tỉnh thế nhân về sự hư ảo của ái tình, thì 15 năm lưu lạc của nàng Kiều cũng chỉ là để điểm ngộ thế nhân buông bỏ một chữ ‘Tình’ ấy mà thôi. Ví như Kiều chẳng gặp cơn gia biến, sống đề huề hạnh phúc bên chàng Kim, thì trăm năm cũng chỉ như một cái chớp mắt. Hai mắt kia nhắm lại, kiếp sau ai biết ai là ai? Quả đúng là:

Lụy chi lắm tình kia vướng vấy
Nghĩa tào khang được mấy mươi năm?
Chia lìa trối trối trăng trăng
Âm dương cách biệt ai hằng theo ai…

[Vô danh cư sỹ].

Mỗi kiếp mỗi đời đều trôi lăn trong bể tình ái, thành bại hưng suy, vạn kiếp không thể trở về thiên thượng. Nhờ chịu khổ chịu nạn, Thuý Kiều cuối cùng đã giác ngộ sự huyễn ảo của ái tình, buông bỏ chấp trước dục tình, thân trong thế tục nhưng tâm đã ra ngoài thế tục. 

Cũng như bài thơ trong Tây Du Ký:

Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu,
Đời người, bọt nước khác gì đâu.
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má,
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.
Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả,
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu.
Xưa nay làm phúc đều tăng thọ,
Ở thiện trời thương, lọ phải cầu.

Thanh Ngọc