“Văn tế thập loại chúng sinh”, còn được gọi là Văn chiêu hồn hay Văn tế chiêu hồn, là một sáng tác xuất sắc bằng chữ Nôm của đại thi hào Nguyễn Du thế kỷ 19. Bản cổ nhất của bài thơ được phát hiện là bản khắc ván năm 1895 của nhà sư Chính Đại, được tàng trữ ở chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. 

Thi phẩm thể song thất lục bát, gồm 184 câu thơ chữ Nôm, có thể được chia thành bốn phần: Phần mở đầu gồm 20 câu, mô tả lễ cầu siêu tháng Bảy; Phần hai gồm 116 câu, mô tả thập loại chúng sinh cuộc đời đa đoan, kết cục bi thảm; Phần ba gồm 20 câu, mô tả cảnh tượng thê lương cô hồn vất vưởng khắp nơi; Phần kết, gồm 28 câu, tiết lộ con đường chúng sinh hướng tới Phật Pháp, tu hành giải thoát khỏi vòng luân hồi chuyển thế. 

Bài viết này xuất phát từ cuộc đời và tư tưởng của Nguyễn Du, vận dụng nhãn quan của một tu hành giả ánh chiếu trong thi phẩm của ông, những mong lý giải những nội hàm tinh túy ẩn tàng trong câu chữ, giúp độc giả có cái nhìn bao quát, thấu triệt hơn về triết lý nhân sinh và thông điệp mà đại thi hào muốn gửi tới thế nhân. 

Thi nhân Nguyễn Du và bối cảnh của thi phẩm “Văn tế thập loại chúng sinh”

Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; 3 tháng 1 năm 1766 – 1820) tên tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, bút danh Hồng Sơn lạp hộ, Nam Hải điếu đồ, là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn thời Lê mạt Nguyễn sơ ở Việt Nam. Cha ông là Nguyễn Nghiễm, người Hà Tĩnh, tên tự Hy Tư, hiệu Nghị Hiên, biệt hiệu là Hồng Ngự cư sĩ, đậu nhị giáp tiến sĩ, làm quan đến chức đại tư đồ, tước Xuân quận công. Nguyễn Du xuất thân danh gia vọng tộc, theo nghiệp Nho học làm quan, nhưng gặp thời đổi triều hoán đại nên cuộc đời vất vả gian truân. 

Bức tượng đại thi hào Nguyễn Du.

Khi mới 13 tuổi, Nguyễn Du đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với người anh khác mẹ là Nguyễn Khản, hơn ông 31 tuổi. Năm 1783, Nguyễn Du thi hương, đỗ sinh đồ khi 18 tuổi, được bổ nhiệm chức chánh thủ, chỉ huy đội quân hùng mạnh nhất Thái Nguyên cùng Nguyễn Đăng Tiến, một võ sư gốc Hoa, làm quyền trấn thủ Thái Nguyên, thay mặt Nguyễn Khản. 

Năm 1787, Nguyễn Du chiến bại trước nghĩa quân Tây Sơn, bắt đầu mười năm phiêu bạt giang hồ cùng Nguyễn Đăng Tiến. Trong thời gian này, ông cùng Nguyễn Đăng Tiến và Nguyễn Quýnh du hành sang Vân Nam, Trung Quốc.

Đến nơi, Nguyễn Du bị bệnh suốt ba tháng trời. Khi khỏi bệnh, ông xuất niệm tu hành thoát tục, lấy hiệu Chí Hiên, đi chu du Trung Quốc theo gương thi tiên Lý Bạch. Tay trắng vân du muôn dặm, ông đã vượt qua khoảng 5.000 km trong ba năm, từ Liễu Châu qua Quảng Tây, đi đường Trường Sa đến Hán Dương, qua sông Giang Hán đi Trường An, sau đó xuống Hàng Châu. Tại Hàng Châu, ông ngụ tại chùa Hổ Bào, nơi nhân vật lịch sử Từ Hải, tức Minh Sơn hòa thượng từng tu hành.

Nguyễn Du về nước năm 1790. Năm 1796, ông trốn vào Gia Định theo chúa Nguyễn Ánh, nhưng bị bắt giam 3 tháng. Nguyễn Ánh diệt nhà Tây Sơn năm 1802, lên ngôi lấy hiệu Gia Long, mời Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễn, khi ấy ông đã ba mươi tuổi, tóc bạc trắng, bệnh đầy thân. 

Nguyễn Du trong thời kỳ mười năm lưu lạc do chiến tranh loạn lạc, đã xuất nguyện tu hành Phật pháp, lúc trú tạm ở chùa, khi vân du tứ xứ, nếm trải đủ nỗi gian lao thống khổ, chứng kiến đủ loại chúng sinh. Thi phẩm “Văn tế thập loại chúng sinh” thấm đẫm lý niệm Phật gia, thấu tỏ nhân sinh khổ nạn, có lẽ đã phôi thai từ trong bối cảnh này.  

Tiếp theo, chúng ta hãy cùng đọc phần mở đầu của thi phẩm “Văn tế thập loại chúng sinh”. 

Phần mở đầu: Tháng Bảy cô hồn, nhà chùa mở lễ cầu siêu

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.

Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác sương sa,
Lòng nào là chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.

Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
Còn chi ai quý ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?

Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi.
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ, hồn về Tây phương.

Mở đầu bài thơ là cảnh tượng đượm buồn của tiết thu tháng Bảy. Mưa dầm sùi sụt như ai đang khóc, gió heo may mang theo hơi nước giá lạnh quật buốt xương, khung cảnh chiều thu nhuốm bạc bởi ngàn lau, nhuộm vàng bởi đồng ngô lá úa, mang đến một cảm giác não nề. “Đường bạch dương bóng chiều man mác, Ngọn đường lê lác đác sương sa”  tô nhấn thêm màu trắng bạc tang tóc cho khung cảnh, khiến lòng người càng sầu muộn. “Lòng nào mà chẳng thiết tha, Cõi dương còn thế nữa là cõi âm”, nỗi buồn của những vong hồn lang bạt dường như cũng ẩn hiện trong khung cảnh đượm buồn của tháng Bảy, nhà thơ nghe thấu cả tâm tình của họ. 

“Đường bạch dương bóng chiều man mác, Ngọn đường lê lác đác sương sa”…

Tháng Bảy còn được gọi là tháng cô hồn. Vào ngày rằm tháng 7, nhà chùa làm lễ xá tội vong nhân, hướng Phật cầu nguyện cho vong hồn sớm được siêu thoát, nhân gian thắp hương cúng bái, bố thí đồ ăn cho những cô hồn dã quỷ đói khát không nơi nương tựa “Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người”. Phật gia giảng rằng, cô hồn dã quỷ là những vong hồn chưa sống hết thọ mệnh mà không may qua đời. Những sinh mệnh đó không ăn không uống, không có nơi nào để đi, phiêu đãng trong không gian vũ trụ, vô cùng thống khổ, họ phải đợi hết thọ mệnh đã định ở dương thế rồi mới được siêu thoát. 

“Hương khói đã không nơi nương tựa, Hồn mồ côi lần lữa đêm đen”, Nguyễn Du phải chăng đã nhìn thấy rõ cảnh tượng côi cút của vong hồn nơi âm gian thông qua thấu thị? Thấu thị, còn gọi là thiên mục, là khả năng đặc biệt có thể nhìn thấy sinh mệnh và cảnh tượng ở những thời gian không gian khác, xuất hiện ở những người giữ được bản tính tiên thiên trong sáng thuần tịnh và lương thiện; một số trẻ em, người có căn cơ tốt, người tu Phật tu Đạo, phản bổn quy chân mới có bản sự này.  Nguyễn Du thông qua thấu thị đã nhìn thấy những gì, đọc xong thi phẩm này của ông, mọi người đều sẽ sáng tỏ.

Câu hỏi “Còn chi ai quý ai hèn, Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?” biểu đạt cảm ngộ về sự vô thường của nhân sinh. Nhân sinh tại thế cứ mải miết phân tranh cao thấp, vì chút danh lợi mà không ngừng tạo nghiệp, mà lúc phải rời đi, thì một xu cũng chẳng thể mang theo. Phật gia giảng “luân hồi”, giảng “nghiệp lực luân báo”, trót tạo nghiệp thì kiếp này chưa hoàn, kiếp sau phải trả. Con người vì mê muội trong thế gian vô thường mà tạo nghiệp, hoàn nghiệp, mãi chìm đắm trong luân hồi. 

Bồ Tát Quán Thế Âm tay trái cầm bình nước cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu, vẩy nước cam lồ cứu khổ chúng sinh. (Ảnh: Sohu)

“Tiết đầu thu lập đàn giải thoát, Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi”. Thương xót những vong hồn chưa siêu thoát, nhà chùa hàng năm lập đàn giải thoát, hướng Phật cầu siêu. Câu thơ “Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi”: Nước tĩnh bình là linh thủy, chỉ nước cam lồ chứa trong bình ngọc của Quan Thế Âm Bồ Tát, dương chi là Hán tự chỉ cành dương liễu. Bồ Tát Quán Thế Âm tay trái cầm bình nước cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu, vẩy nước cam lồ cứu khổ chúng sinh. Quán Thế Âm được ca ngợi có tấm lòng từ bi, có sức mạnh huyền diệu cứu khổ cứu nạn, phổ độ chúng sinh. Câu thơ hướng tới Bồ Tát từ bi thỉnh cầu cho các cô hồn sớm được “Giải oan, cứu khổ, hồn về Tây phương”.

Nói về nguồn gốc của nước Cam Lồ, có một truyền thuyết kể rằng: Khi Bồ Tát vẫn đang tu luyện giữa thế gian, Ngài đã phải trải qua biết bao nhiêu ma nạn, nếm đủ mọi cái khổ trong những cái khổ của người đời. Một ngày, Phật Tổ hiển linh trao cho Ngài chiếc bình Bạch Ngọc Dương Chi, dặn rằng con cần tu tới khi trong bình nở hoa, gọi là Cam Lộ Dương Chi, lúc đó mới thực sự thành chánh quả, phép thuật vô biên. Vậy nên, cành dương liễu, nước cam lồ và bình tịnh thủy chính là những Pháp bảo của Ngài, đại biểu cho đức kiên nhẫn, chân thành và tấm lòng từ bi của Quan Thế Âm Bồ Tát. (Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Wikipedia, Thivien

Trọn bộ Phẩm đọc thơ cổ     

Hương Thảo