Hai lần bình định Cộng Công Thị đã được ghi chép lưu truyền sử sách, quay trở lại nội dung câu chuyện chính dưới đây. Vào thời Cốc Đế, tại sao Cộng Công Thị lại nhất quyết không chịu khuất phục?

Bách tính Cộng Công vốn dĩ cường hãn, dễ sinh tâm phiến loạn, dưới quyền thống lĩnh của Khang Hồi, Cộng Công Thị với hai lần ấp ủ âm mưu hô vương xưng bá, toan tính này đã thấm nhuần trong tư tưởng và nếp sống, luôn khao khát làm bá chủ Cửu Châu. Vào thời điểm Chuyên Húc Đế băng hà, Cốc Đế vừa tiếp quản ngôi vị, họ cho rằng đây là một cơ hội tốt có thể nắm bắt, liền rục rịch lên kế hoạch khởi binh. Tuy nhiên trong hàng ngũ quân đội lại không tìm thấy một nhân tài kiệt xuất có thể đứng lên dẫn dắt, vì vậy phiến loạn nổ ra cũng không quá cam go, gay gắt.

Cốc Đế nghe tin, liền phái cử Hỏa Chính Trùng Lê điều binh lên đường chinh phạt. Trước lúc khởi hành còn nhắc nhở: “Cần giải quyết triệt để gốc rễ, không thể lưu lại tội nghiệt”. Trùng Lê tuân mệnh, dẫn đầu đoàn đại binh trực tiếp công kích Ký Châu. Đám đạo quân ô hợp về căn bản không thể chống cự, đối địch với sư đoàn của Trùng Lê, vậy nên chưa đến một tháng đã hoàn toàn bình định. Tuy nhiên, Trùng Lê là một người nhân từ, không dứt khoát hạ độc thủ, đã trừng trị bách tính Công Công một cách nhân nhượng nhẹ tay.

Thật không ngờ rằng khi Trùng Lê vừa khải hoàn trở về, bách tính Cộng Công lại trở mặt tiếp tục dấy khởi phiến loạn. Cốc Đế hay tin vô cùng giận dữ, đã chọn một ngày Canh Dần hạ lệnh xử trảm Trùng Lê, lấy sinh mạng ông ta để đền tội cho sai lầm với đất nước. Đồng thời, Cốc Đế giao phó trọng trách cho Ngô Hồi – em trai ruột của Trùng lê thay thế đảm nhiệm chức quan Hỏa Chính Chúc Dung, chỉ thị Ngô Hồi lãnh đạo đại quân tiếp tục công cuộc chinh phạt dẹp loạn một lần nữa.

Hơn ai hết, Ngô Hồi hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của Trùng Lê, chính là do bè lũ loạn dân đó. Tâm báo thù trỗi dậy, ông thực thi nghiêm túc mệnh lệnh của hoàng đế, không hề khoan nhượng, vừa đặt chân đến Ký Châu đã thi triển hỏa công, thiêu đốt hết thảy đám loạn dân, kể từ đây danh xưng Cộng Công Thị đã không thể xuất hiện trở lại trong sử sách, cũng xem như hoàn toàn không còn tai họa. Đến khi Ngô Hồi khải hoàn trở về, Cốc Đế thở dài: “Trẫm không phải nhẫn tâm, hạ tuyệt thủ cũng chỉ vì do bất đắc dĩ mà thôi!”

Mặc dù bình định được Cộng Công Thị, song Cốc Đế vẫn chẳng thể yên lòng, dự định xuất cung tuần thú (Hoàng đế đi tuần thị sát các nước chư hầu), nhằm tìm hiểu khảo sát hiện trạng đời sống bách tính tại các nước chư hầu lân cận. Đúng vào thời điểm chuẩn bị xuất phát thì Thường Nghi hạ sinh được một nhi tử, đây chính là trưởng tử của Cốc Đế, nên mọi người vô cùng hân hoan vui mừng. Ba ngày sau Cốc Đế đặt cho hoàng tử một cái tên, là Tác Chí, hoàn toàn trùng tên với ông cố Khảo Thiếu Hạo Thị. Trường hợp như vậy có thể xuất hiện vào thời thượng cổ, không bị coi như một điều cấm kỵ.

Vài ngày sau, Cốc Đế quyết định cùng với hậu phi Khương Nguyên khởi hành, mọi công việc chính vụ trong triều giao phó cho Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ – năm vị đại thần cùng nhau gánh vác. Chuyến khảo sát này đến hai miền Đông và miền Bắc, do vậy hành trình trước tiên di chuyển về phía đông. Băng qua Hà Trạch, đến Khúc Phụ, thăm viếng mộ phần của Thiếu Hạo Thị và sắp xếp nghi thức tế lễ, lần lượt cử hành tất cả các phong tục tuần vấn theo lệ thường. Sau khi công sự hoàn tất, Cốc Đế cùng Khương Nguyên lên núi Thái Sơn, ngao du trong hai ngày, rồi từ mặt bắc Thái Sơn di chuyển xuống núi, từ xa xa phóng tầm mắt ngắm nhìn, trông thấy dưới chân núi mênh mông một dải, toàn bộ là bình nguyên, trong bình nguyên thấp thoáng hiển lộ một gò đất lẻ loi. Cốc Đế lập tức hỏi hạ nhân tháp tùng: “Địa phương kia có tên gọi là gì?” Người tháp tùng đáp: “Nơi đó là Chương Khâu”. Cốc Đế chỉ thị: “Hãy đi lên gò đất đó nghỉ ngơi một chút nhé”. Di chuyển chưa được bao xa, nhận thấy hai bên đường đều là bờ ruộng, xe ngựa không thể băng qua, Cốc Đế liền hạ lệnh dừng xe, nói với Khương Nguyên: “Trẫm và nàng cùng bộ hành qua đó, thử xem được không nhé?” Khương Nguyên đồng ý, xuống xe đồng hành cùng hoàng đế, đoàn tháp tùng theo sau hộ tống.

Khương Nguyên mặc dù đứng trên cương vị hậu phi, song đối với công việc đồng áng lại vô cùng thuần thục. Thường ngày tại nơi đô thành Bặc Ấp, bà sắp xếp mấy trăm mẫu đất ở địa phương Tây Bắc, mướn mười mấy nhân công, trồng dâu trồng lúa, gieo ngũ cốc phân mạ, thường xuyên quản lý trông coi, chỉ điểm hướng dẫn, đích thân thao tác thực nghiệm các công việc đồng áng. Có lẽ vì vậy mà đường bờ ruộng này đã quá quen thuộc với bà, có thể đi một mạch mà không hề tốn sức mỏi mệt.

Thời tiết lúc này vừa đúng dịp cuối xuân, một con đường bằng phẳng với cánh đồng ruộng cỏ xanh mướt, cao thấp so le, sóng lúa dập dềnh đón gió, cành đào còn vương đọng sương mai, càng điểm thêm khung cảnh đặc biệt lên thơ ý vị. Lác đác một số người nông phu đang chăm chỉ cặm cụi làm việc, ngước mắt trông thấy đoàn người đông đúc đi qua, bất giác vô cùng kinh ngạc, có người vác cuốc lên xem, có người dừng tay cấy cày đứng ngóng, họ đều chưa biết Cốc Đế là người nào.

Một lát sau, Cốc Đế đặt chân đến Chương Khâu, quan sát thấy vô số hộ gia đình cư ngụ xung quanh, tuy đều là mái nhà tranh, nhà cỏ, song vô cùng gọn gàng sạch sẽ. Đang ngắm nhìn quang cảnh, đột nhiên vang lên tiếng chó sủa, có đến 3 – 4 chú chó dữ tợn đang gầm gừ, bộ dạng hùng hổ như chực lao về phía Cốc Đế, nghiến răng há miệng như muốn cắn. Đoàn người tháp tùng nhanh chóng tiến lên phía trước ngăn cản, xua đuổi chúng, hầu hết đã chạy trốn vào trong nhà nhưng vẫn hướng ra cửa cất tiếng sủa gâu gâu inh ỏi. Từ trong các căn nhà bước ra mấy vị phu nhân, người bồng bế con nhỏ, người đang cầm trên tay chiếc giày cỏ còn dệt dang dở chưa hoàn thiện, trông thấy đoàn quân thần của Cốc Đế liền hỏi: “Các chư vị từ đâu đến đây? Đến làm gì vậy?” Những người tháp tùng bước tới, trò chuyện với họ.

Những người phụ nữ đó vừa nghe đến hoàng đế và hậu phi, liền luống cuống lui vào trong nhà. Một số người sau khi lui về vẫn ôm con nhỏ dựa sau cánh cửa lén nhìn, một số khác nhanh chóng di chuyển xuống cửa sau đi tìm các nam nhân trong nhà. Trong chốc lát, vô số người nông phu với bàn chân trần còn lấm lem bùn đất đã nườm nượp tập hợp trên gò đồi, hướng về phía Cốc Đế bái kiến. Cốc Đế lần lượt thăm hỏi từng người từng người, chia sẻ với họ về thiên tai hạn hán cũng như những câu chuyện được mùa, mất mùa, sau đó tâm sự rằng: “Trẫm từ Thái Sơn đến đây, đi qua miền đất này thấy phong cảnh tuyệt mỹ, liền ghé thăm vãn cảnh, ngoài ra không có việc gì khác. Hiện tại đang là thời điểm công việc nông vụ bận rộn, mọi người nên khẩn trương tiếp tục canh tác, đừng để vì Trẫm mà bị trì hoãn, Trẫm cũng rời đi ngay đây”.

Trong những người nông phu bản địa có vài vị trưởng lão đại diện lên tiếng: “Chúng hạ thần lớn lên trên mảnh đất hoang vu khuất nẻo này, từ trước đến nay chưa từng được diện kiến hoàng đế, hậu phi. Hôm nay, thật hiếm có dịp được Hoàng đế và hậu phi nhất tề giá lâm, đây thực sự là đại phúc của bách tính, vì vậy hoàng đế và hậu phi nhất định phải nán lại đây nghỉ ngơi một lát trước khi khởi giá. Bách tính chúng thần nơi đây tuy còn nghèo khó, không thể cống hiến được gì, nhưng một chút nước mật ong thì luôn luôn sẵn có”. Dứt lời, liền thỉnh mời Cốc Đế vào trong phòng an tọa. Cốc Đế cảm nhận được sự thành tâm thành ý của họ nên vui vẻ đồng ý.

Đồng thời, hậu phi Khương Nguyên cũng được rất nhiều phụ nữ đến tham kiến, mời đến nghỉ ngơi tại một gian phòng khác. Khương Nguyên cùng họ chia sẻ hàn huyên, trao đổi xoay quanh các công việc nông vụ, trồng dâu nuôi tằm. Sau cuộc trò chuyện, hầu hết phụ nữ nơi đây đều vô cùng kinh ngạc, một số người thầm ngưỡng mộ: “Vị ấy vốn xuất thân là một hậu phi tôn quý, tại sao đối với các công việc nông vụ lại thuần thục đến vậy, thậm chí rất nhiều kỹ năng trong đó chúng ta còn chưa biết, quả thật hậu phi là một người đại trí tuệ, nên mới có thể được thụ hưởng đại phúc khí!”. Một số khác cũng thầm thán phục: “Dù đứng trên cương vị hậu phi, song đối với kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm bà lại dụng tâm nghiên cứu chuyên sâu đến như vậy, có thể thấy những người nông dân theo nghề nuôi tằm trồng dâu đã đảm nhận một trọng trách vô cùng cao quý, chúng ta là những bách tính nhỏ bé vốn dựa vào công việc này kiếm sống, càng nên nghiên cứu chuyên sâu hơn như vậy mới phải lẽ”.

Tạm bỏ qua những lời cảm thán và dòng suy nghĩ trong nội tâm của đại bộ phận quần chúng, quay trở lại câu chuyện. Khương Nguyên ngồi chia sẻ được một lát, Cốc Đế phái người qua thông báo đã không còn sớm nữa, cần bắt đầu khởi hành. Bà lập tức ra ngoài, cùng Cốc Đế bộ hành theo con đường cũ rời đi, quần chúng nam nữ bách tính theo sau tiễn biệt, Cốc Đế chỉ thị không cần câu nệ song họ vẫn nhất tề cung kính, nên đành thuận theo.

Đang đi trên đường, Cốc Đế hướng mắt xa xăm trông thấy trên góc phía đông nam có một ngọn núi, trên núi bao phủ bởi nhiều rừng cây um tùm, rậm rạp, ẩn hiện thấp thoáng bóng một tòa nhà vô cùng cao lớn. Cốc Đế quay lại hỏi bách tính: “Phía trên kia là nơi ở của ai?” Mọi người đáp: “Phía bên kia là Long Bàn sơn, trên núi có một Bế Cung”. Cốc Đế lấy làm lạ: “Tại sao lại gọi là Bế Cung?” Mọi người giải thích: “Đó là miếu thờ, chúng hạ thần chỉ mở cửa miếu khi tổ chức tế tự, hoặc có sự kiện trọng đại thì mọi người mới tụ họp thảo luận tại đó, hầu hết thời gian còn lại đều đóng cửa, vậy lên gọi là Bế Cung”.

Cốc Đế hỏi “Trong đó thờ cúng vị Thần nào vậy?” Mọi người đáp: “Là Nữ Oa nương nương. Chúng hạ thần tại nơi đây, đối với những người không có nhi tử, chỉ cần thành tâm đến Bế Cung tế tự thỉnh cầu, liền lập tức có con, quả thực vô cùng linh nghiệm!” Cốc Đế nghe thấy vậy, bất giác trong lòng có chút lay động, liền ngoảnh lại nhìn Khương Nguyên, lặng thinh không nói lời nào.

Đến cổng ra đại lộ, Cốc Đế cùng Khương Nguyên lên xe đồng thời hạ lệnh cho đoàn tháp tùng ban tặng gấm vóc tơ lụa cho bách tính địa phương, mọi người hân hoan phấn khởi hành lễ rồi ra về. Buổi tối hôm đó, Cốc Đế tá túc tại khách quán, tâm sự với Khương Nguyên rằng: “Trẫm nghe danh Nữ Oa nương nương từ thuở cổ kim đã được tôn xưng là Thần mai mối, là người chuyên quản nhân duyên nam nữ trong thiên hạ. Nam tử kết hôn, cũng vì mong muốn sinh nhi tử. Nếu là người gánh vác trọng trách chuyên quản chuyện hôn nhân đại sự, bà ấy nhất định cũng kiêm quản an bài việc sinh con, theo như lời bách tính địa phương thì tâm nguyện xin con cầu tử rất linh nghiệm, nên có thể hoàn toàn tin tưởng. Nàng năm nay đã 40 tuổi, vẫn chưa sinh con, trong lòng Trẫm thực sự cũng có đôi chút ưu phiền. Trẫm dự tính bắt đầu từ sáng ngày mai sẽ trai giới chay tịnh trong ba ngày, sau đó cùng nàng đến Bế Cung cầu tử, nàng thấy thế nào?”

Khương Nguyên cười đáp: “Thần thiếp năm nay đã 46 tuổi, cũng lớn tuổi rồi, làm sao có thể sinh con được chứ!”

Cốc Đế tiếp tục động viên: “Không phải vậy đâu. Lời cổ nhân nói luôn đúng đắn, chân thành có thể lay động đất trời, chuyện phụ nữ 50-60 tuổi sinh con cũng không hiếm gặp, huống hồ nàng bây giờ còn chưa đến 50 tuổi! Hơn nữa Nữ Oa nương nương là đại nữ hào kiệt không tiền khoáng hậu, sinh ra mang mệnh anh hùng, thác xuống cũng là thần tiên, Trẫm chắc rằng chỉ cần cung kính thành tâm đến đó, nhất định sẽ linh nghiệm”. Dứt lời, liền hối thúc Khương Nguyên tắm gội, trai giới trong ba ngày, chỉ thị cho hạ nhân lựa chọn một con trâu có màu lông đen nhánh làm vật tế lễ, đồng thời đổi lấy hai chiếc xe tứ mã nhỏ hơn, men theo đường mòn di chuyển về hướng Long Bàn sơn.

Đến Sơn Vong, tại đây có thể quan sát Bế Cung từ hướng nam, khu vực phía sau bao phủ bởi cây cối, phía trước áp sát đối diện Thái Sơn, thì ra Long Bàn sơn này chính là một gò đất nhỏ dưới chân núi Thái Sơn. Hoàng đế đỡ hậu phi xuống xe, cùng nhau bước vào miếu. Cách cửa miếu không quá mấy bước, trên lớp bùn nhão ven đường in hằn một vết chân rất lớn, rõ ràng hình dạng của năm ngón chân, đạt đến chiều dài hơn tám thước, quả đúng là ngón chân khổng lồ, so sánh với toàn bộ bàn chân của người bình thường cũng lớn hơn. Quan sát phương hướng của nó, gót chân ở phía sau, ngũ chi hướng về cửa miếu, chính là lúc đi vào miếu đã giẫm lên. Lúc đó, Cốc Đế đang chăm chú quan sát kết cấu kiến trúc của ngôi miếu nên ngẩng đầu nhìn về phía trước không biết đến sự tồn tại của vết chân. Còn Khương Nguyên trong lúc cúi đầu bước đi, vừa đưa mắt đã trông thấy, cảm giác vô cùng kinh ngạc, thầm nghĩ: “Trong thiên hạ sao lại có bàn chân to lớn đến vậy, người này không biết cao đến mức nào, đáng tiếc chưa từng diện kiến”. Còn đang trôi theo dòng suy nghĩ đã bước chân vào cửa miếu, tượng thần Nữ Oa nương nương ngự ở chính giữa với y phục trang nghiêm, phong thái long trọng.

Lúc này, đoàn tháp tùng đã bày biện toàn bộ lễ vật một cách chu đáo, Cốc Đế cùng Khương Nguyên nhất tề cung kính hành lễ, thành tâm cầu nguyện. Bái tạ xong họ đứng dậy, đưa mắt quan sát xung quanh, cách bài trí có chút đơn sơ, thuần giản, có lẽ người dân địa phương nơi đây vẫn theo phong tục cổ xưa. Sau khi nghi lễ tế tự kết thúc, Cốc Đế cùng hậu phi tiếp tục ra phía sau miếu thăm quan, trông thấy những rừng dâu bạt ngàn, phía xa xa ngoài rừng cây là một gò đất đơn độc, trên đó tọa lạc nhiều ngôi nhà, có lẽ đây chính là Chương Khâu.

Sau đó hai người quay trở lại phía trước, bước ra cửa miếu, Khương Nguyên muốn kể cho Cốc Đế câu chuyện về dấu chân to lớn kỳ lạ kia, nhưng Cốc Đế lại chăm chú ngước lên quan sát núi Thái Sơn, lại trỏ ngón tay để Khương Nguyên nhìn rõ cảnh vật rồi giải thích: “Nàng xem nơi cao nhất là chính phong của núi Thái Sơn, còn ngọn núi tương đương kia là thứ phong, thung lũng trong núi chính là nơi dừng chân của Trẫm mấy ngày trước, rất nhiều phòng ốc hiện đang bị núi che khuất, không thể nhìn thấy rõ. Trẫm và nàng vừa hôm kia còn đứng trên đỉnh núi, hướng đông ngắm đại dương, phía tây trông Hà Trạch, hướng bắc thấy đại lục, phía nam vọng Trường Hoài, quả đúng là cảm giác có thể thâu tóm hết thảy thiên lý ngàn dặm trong tầm mắt. Nhưng lúc đó tựa hồ như không cảm nhận được đang ngự ở một nơi cao đến vậy, sáng hôm nay trẫm từ đây quan sát, mới cảm thụ được khí tượng trang nghiêm hùng vĩ, thật hiếm có cơ hội được ngắm nhìn”.

Cốc Đế vừa chỉ trỏ vừa tâm đắc trình bày, Khương Nguyên cũng nhìn theo hướng tay, chăm chú lắng nghe, luôn miệng đáp lời đồng thuận, chầm chậm khoan thai di chuyển, vô tình dẫm lên vết chân của người khổng lồ kia, lại trùng hợp bước vào ngón cái. Không ngờ rằng ngay sau khi đặt chân lên đó, Khương Nguyên cảm giác dường như có một luồng điện khí đang thông thấu khắp thân thể, lập tức thần phi tâm đãng, nhất thời như say như loạn, như mơ như tỉnh, tựa hồ như muốn nằm trên mặt đất. Đến lúc này, chẳng những không thể nghe rõ lời nói của Cốc Đế, mà thậm chí thân thể đang ở nơi đâu, bà cũng không nhận thức được. Cốc Đế chờ một hồi lâu không thấy bà phản ứng đáp lời, bèn quay đầu ngoảnh lại, trông đôi mắt bà nhắm nghiền uể oải, như mở như khép, khuôn mặt ửng hồng, như say như e thẹn ngượng ngùng, hốt hoảng bất lực, Cốc Đế không rõ căn nguyên do đâu, lo lắng hỏi dồn: “Nàng sao thế? Nàng làm sao vậy? Cơ thể cảm thấy thế nào?” Liên tiếp hỏi mấy câu cũng không thấy Khương Nguyên trả lời, Cốc Đế gấp gáp: “Không ổn rồi, trúng gió độc rồi!” Lập tức lệnh cho cung nhân dìu đỡ hậu phi lên xe, đồng thời cởi bỏ y phục trên mình, choàng cho Khương Nguyên. Sau khi lên xe, Cốc Đế tiếp tục hỏi: “Nàng bây giờ cảm thấy thế nào? Trong người còn khó chịu không?”

Sau một hồi được Cốc Đế không ngớt lời hỏi han, Khương Nguyên dần dần tỉnh lại, chỉ là cơ thể còn mềm yếu, toàn thân rã rời, không thể cử động, không thể mở miệng đáp lời. Lần này nghe thấy Cốc Đế hỏi thăm, nhưng nghĩ đến tình huống vừa xảy ra, bất giác lúng túng, e ngại, khuôn mặt ửng đỏ, xung lên cổ, thông lên đầu, đến một câu cũng không cất thành tiếng, chỉ có thể gật gật đầu mà thôi. Cốc Đế hiểu ý không tiếp tục hỏi han, hối thúc đoàn tháp tùng nhanh chóng di chuyển xuống núi. Sau khi đến khách quán, có thể xuống xe, Cốc Đế liền hỏi Khương Nguyên: “Bây giờ nàng sao rồi? Cảm thấy ổn hơn chút nào chưa? Muốn uống một chút thuốc không?” Khương Nguyên lúc này thần sắc đã dần hồi phục, tâm tư cũng trấn tĩnh lại, nhưng vẫn cảm thấy khó mở miệng, chỉ đành miễn cưỡng đáp lời: “Hiện tại thiếp ổn rồi, không cần uống thuốc, có thể vừa rồi bị say nắng thôi”. Cốc Đế nghe xong không nói thêm gì nữa, dặn dò bà nhanh chóng vào phòng nghỉ ngơi.

Không ngờ rằng đêm hôm đó Khương Nguyên nằm mộng, mơ thấy một người vô cùng cao lớn nói bà rằng: “Ta là Thương Thần trên thiên thượng, vết chân khổng lồ phía trước Bế Cung chính là của ta. Nàng đã dẫm lên ngón chân cái, thật sự hữu duyên với ta. Ta phụng mệnh Nữ Oa nương nương cùng nàng kết duyên phu thê, hôm nay nàng đã mang thai rồi đó!”

Những lời Khương Nguyên nghe thấy trong mộng khiến bà vừa thẹn thùng vừa sợ hãi, bất giác choàng tỉnh, càng suy nghĩ, càng thêm kinh ngạc, song bà vẫn e ngại không dám tâm sự với Cốc Đế, chỉ đành giấu kín trong lòng. Mấy ngày sau, khi thân thể Khương Nguyên đã hoàn toàn bình phục trở lại, Cốc Đế liền hạ lệnh khởi hành, theo hướng tây bắc thẳng tiến. Địa thế trên đường phần lớn là bùn lầy ẩm ướt, phân bổ nhiều đầm hồ, dân cư thưa thớt. Đến Đại Lục Trạch mọi người chuyển sang ngồi thuyền, băng qua bờ bắc, bách tính nơi đây tương đối phồn thịnh, nghe tin Hoàng đế, Hậu phi giá lâm, họ nô nức ra nghênh đón. Cốc Đế vẫn như thường lệ thăm hỏi mọi người, lắng nghe họ chia sẻ về những khó khăn trong đời sống, những vấn đề khác không hề đề cập tới.

Mấy ngày sau, một số người tháp tùng đến bẩm báo, Y Kỳ Hầu đang ở bên ngoài xin yết kiến Cốc Đế. Cốc Đế mừng rỡ hoan nghênh, lập tức hạ lệnh triệu mời ông. Vốn dĩ Y Kỳ Hầu chính là Y Trường Nhụ, kể từ khi dưỡng nữ Khánh Đô của ông trở thành thê tử của Cốc Đế, hoàng đế nhận thấy con người này tài năng bất phàm, liền phong ông trở thành hầu quốc quân tại địa phương Y Thủy. Quả nhiên ông gặt hái được nhiều thành tích trị an xuất chúng, đồng thời có khả năng cảm hóa khuyên bảo bách tính thông qua nhiều phương pháp. Trong công cuộc bình định loạn dân Cộng Công, trước tình thế cấp bách đòi hỏi một vị trưởng quan tài đức sáng suốt có thể tìm ra phương cách khắc phục hậu quả, Cốc Đế liền sắc phong Y Trường Nhụ trở thành hầu quốc tại Kỳ địa phương, giao phó cho ông trọng trách cảm hóa dẫn dắt nhân dân Ký Châu, vì vậy ông được tôn xưng là Y Kỳ Hầu.

Y Kỳ Hầu bước vào tham kiến Cốc Đế, sau khi hành lễ, Cốc Đế liền hỏi ông: “Vì sao khanh lại đến nơi này?” Y Kỳ Hầu đáp: “Thần mấy ngày trước đã đến đây để thăm hỏi một người bằng hữu, nghe được tin Hoàng đế – Hậu phi giá lâm, thần đặc biệt đến đây nghênh đón”. Cốc Đế tiếp tục hỏi: “Bằng hữu của khanh là ai?” Y Kỳ Hầu đáp: “Bằng hữu của thần là Triển Thượng Công, vốn là một đạo sĩ mới đắc đạo gần đây”. Cốc Đế ngạc nhiên: “Chính là Triển Thượng Công sao? Trẫm đã nghe danh từ lâu, cũng muốn một lần được diện kiến, không ngờ lại ở địa phương này, khanh có thể giới thiệu cho ta không?” Y Kỳ Hầu đáp: “Thật đáng tiếc ngày hôm qua anh ta đã rời đi rồi”. Cốc Đế gấp gáp hỏi: “Anh ta đi đến nơi nào?” Y Kỳ Hầu nói: “Anh ta vốn dĩ là người vân du vô định, lần này nghe nói muốn ra nước ngoài tìm hiểu con người đất nước Tiễn Môn Tử Cao và Xích Tùng Tử, một chuyến đi dài quả thật cũng không rõ cần bao nhiêu năm mới có thể trở về! Thần đến đây trước vài ngày, cũng bởi vì biết anh ta đang chuẩn bị cho một chuyến viễn du, nên mới dụng tâm đến gặp gỡ và tiễn biệt”. Cốc Đế than thở: “Thiên hạ lại có chuyện trùng hợp đến vậy, Trẫm quả thực đã lỡ mất cơ hội gặp gỡ rồi”. Dứt lời, sắc mặt vô cùng rầu rĩ. Sau đó, Cốc Đế trịnh trọng mời Y Kỳ Hầu nán lại khách quán cùng thưởng thức tiệc tối, Y Kỳ Hầu vốn là một chư hầu đã lập được nhiều công trạng thành tích an dân, nên Cốc Đế cũng đặc biệt bố trí một buổi lễ tiếp đãi long trọng. Trong khi cử hành buổi tiệc, Khương Nguyên cũng cùng tham dự, ngồi ở bên Cốc Đế.

Vào thời thượng cổ thuở ban sơ, giữa nam nữ tuy trong cách cư xử có đôi chút phân biệt, song cũng không quá nghiêm khắc như thời hậu thế, vì vậy trong các nghi lễ thiết đãi, hậu phi phu quân luôn luôn cùng xuất hiện ngồi bên cạnh nhau. Sau này đến thời nhà Chu, một chư hầu của Dương Quốc đến thăm hỏi Mậu Hầu, Mậu Hầu tổ chức yến tiệc thiết đãi anh ta, như thường lệ Mậu Hầu phu nhân sẽ cùng ngồi bên cạnh. Dương Hầu trông thấy diện mạo mỹ miều xinh đẹp của Mậu Hầu phu nhân, nhất thời sinh lòng bất hảo, liền xuống tay sát hại Mậu Hầu, chiếm đoạt phu nhân. Từ đó về sau, vì tồn tại một tiền lệ xấu như vậy nên mọi người quyết định phế bỏ lễ nghi phu nhân ngồi bên cạnh gia chủ khi tiếp đãi khách, đến triều đại nhà Thanh cũng như vậy. Khi có khách đến thăm nhà, ông chủ trực tiếp chào đón thiết đãi, bà chủ sẽ không xuất hiện. Hiện tại văn hóa nước ngoài cũng du nhập vào Trung Hoa, vợ chồng gia chủ thường ngồi đối diện nhau khi tiếp khách, mọi người gọi đó là Âu hóa, kỳ thực chỉ là đi ngược lại với lễ tiết cổ xưa mà thôi.

Quay trở lại câu chuyện. Hôm đó, Cốc Đế long trọng tổ chức thiết đãi Y Kỳ Hầu, sau khi lễ nghi hoàn tất vào dự yến tiệc, Khương Nguyên cũng ngồi bên cạnh Cốc Đế. Cốc Đế hỏi thăm Y Kỳ Hầu: “Gần đây đời sống nhân dân của khanh như thế nào? Bộ phận di dân từ Cộng Công Thị có thể cảm hóa quy thiện được không?” Y Kỳ Hầu đáp: “Kể từ khi đặt chân lên đất Kỳ, thần luôn kiên định tuân theo mệnh lệnh của hoàng đế, khích lệ bách tính chuyên cần trồng dâu nuôi tằm, tận dụng và phát huy tối đa lợi thế về địa lý. Cũng khuyên họ tiết kiệm tiêu dùng tài vật, dù nghèo khổ túng quẫn cũng không thể không làm việc, thần trợ cấp vật dụng, của cải, hỗ trợ họ. Hiện tại đời sống đã tương đối an cư lạc nghiệp, không còn thiếu thốn nữa. Hơn nữa tâm tính cũng dần cải thiện theo chiều hướng nhân hậu, tương thân tương ái. Lúc dồi dào thực phẩm, mọi người chia sẻ cùng nhau; Khi gặp nguy nan, mọi người cùng giang tay tương trợ; Lúc đau ốm bệnh tật, mọi người cùng chăm sóc, nâng đỡ, quả thật so với trước đây đã có sự chuyển biến vô cùng to lớn. Về phần những dân cư Cộng Công còn lại di tản đến Kỳ Quốc nơi thần quản lý cũng không nhiều, hiện tại họ đều cải đổi quy tâm hành thiện, xin hoàng đế yên tâm”.

Cốc Đế nhận được tin tốt lành vui vẻ nói: “Trẫm lần này từ phương bắc đến đây, theo kế hoạch ban đầu vốn sắp xếp đến chỗ khanh trước, tiếp tục di chuyển đến Thái Nguyên rồi lên núi Hằng Sơn, nay đã có dịp gặp mặt, vậy trẫm cũng không nhất thiết đến địa phận quản lý của khanh nữa. Trẫm dự tính từ Trác Lộc, Phủ Sơn di chuyển đến Hằng Sơn, rồi qua Thái Nguyên, có vẻ như vậy lộ trình sẽ tương đối thuận lợi hơn”. Y Kỳ Hầu đáp: “Hoàng đế đến Hằng Sơn, thần nguyện theo hộ tống”. Cốc Đế từ chối: “Không cần. Trẫm và khanh tương lai vẫn còn nhiều dịp tái ngộ”. Y Kỳ Hầu chỉ đành tuân mệnh.

Mấy ngày sau, Cốc Đế khởi hành, Y Kỳ Hầu đến tiễn biệt, đồng thời thỉnh xin Cốc Đế: “Thê tử của thần tuổi tác ngày càng lớn, thời gian gần đây cơ thể lão hóa, đau ốm bệnh tật, rất muốn được gặp nữ tử Khánh Đô, thần dự định một thời gian nữa sau khi hoàng đế hồi đô, sẽ phái người đến đón Khánh Đô về thăm phụ mẫu, thỉnh xin Hoàng đế chấp thuận!” Cốc Đế đáp: “Cũng là lẽ thường tình, trẫm không thể không đồng ý. Sau khi trẫm trở về, khanh có thể cử người đến đón”. Dứt lời, cáo biệt rồi phân thành hai ngả, Y Kỳ Hầu trở về Kỳ Quốc. Cốc Đế và Khương Nguyên trước tiên di chuyển đến Trác Lộc, du lãm cố đô của hoàng đế, rồi đến Phủ Sơn, tìm lại di tích ấn tín hoàng đế chư hầu đại hội với tâm trạng quyến luyến cảm phục, sau đó tiếp tục di chuyển lên núi Hằng Sơn. Hằng Sơn là ngọn núi cao phía bắc trong Ngũ Nhạc, với thế núi kỳ vĩ đồ sộ. Bạt ngàn cây cối, trong đó đa số là các loại tranh gai, cây gai, đàn hương, Cốc Đế thầm nghĩ: “Chả trách cung tiễn của Cộng Công lại lợi hại đến vậy, thì ra những nguyên liệu tốt nhất để chế tạo cung tên ở nơi đây nhiều vô kể”.

Đang trôi theo dòng suy nghĩ, bất chợt một âm thanh cầu cứu từ phía xa xa vọng lại, đoàn tháp tùng bảo hộ phía trước sớm đã trông thấy, trình báo: “Bên kia có một con dã thú đang đả thương người”. Dứt lời những hộ vệ trang bị vũ khí nhanh chóng di chuyển lên cứu trợ người bị hại. Con dã thú trông thấy quá nhiều người bao vây, bèn bỏ lại nạn nhân vội vàng lẩn trốn, miệng không ngừng phát ra một loại thanh âm, tựa như tiếng kêu của chim nhạn. Đoàn tháp tùng vì lo ngại con quái thú tẩu thoát nên nhanh chóng dương cung bắn tiễn, thoáng chốc hơn mười mũi tên đã găm trên mình dã thú, nhưng nó còn ngoan cố chạy qua lại trên rất nhiều con đường trước khi phủ phục trên mặt đất mà chết. Mọi người đến xem tình trạng của nạn nhân, tuy nhiên đã thiệt mạng với khuôn mặt khiếm khuyết bất toàn, phủ tạng cũng không còn nguyên vẹn, vô cùng thương xót mà tìm một nơi đất trũng đào huyệt, rồi chôn cất an táng cho nạn nhân xấu số, sau đó mọi người kéo con dã thú đến trình diện Cốc Đế. Cốc Đế thoạt nhìn, trông thấy hình dạng tựa như con bò mà có đến bốn chiếc sừng, đôi mắt tựa như con người, hai tai giống tai heo, sau khi quan sát hồi lâu, quả thực cũng không thể biết nó là loại dã thú gì, liền quyết định đưa thi thể nó lên trên núi, để hỏi người bản xứ.

May thay, vừa đến lưng chừng núi thì vô tình bắt gặp một đoàn người đang từ trên núi đi xuống, trông thấy dã thú họ đồng loạt reo lên: “Tốt rồi tốt rồi, lại đánh chết được một con Chư Hoài rồi”. Đoàn tháp tùng đưa họ đến diện kiến Cốc Đế. Nhóm người bản xứ này biết Cốc Đế là quân chủ, liền vội vàng hành lễ. Cốc Đế hỏi: “Con dã thú vừa rồi các khanh đã từng gặp qua chưa? Tên gọi của nó là gì?” Mọi người đáp: “Nó gọi là Chư Hoài, vô cùng hung mãnh, luôn muốn ăn thịt người. Chúng hạ thần ở đây không biết đã bao nhiêu người thiệt mạng vì nó rồi. Nửa năm trước chúng thần đã triệt hạ được một con, hôm nay lại tiêu diệt thêm một con nữa, quả là đại vận khí đến địa phương ta rồi”. Cốc Đế tiếp tục hỏi: “Loài Chư Hoài này sinh ra từ trong núi này sao?” Mọi người đáp: “Đúng vậy, phía tây ngọn núi này có một con sông, gọi là sông Chư Hoài, hai bên bờ phân bố rất nhiều sơn động và rừng cây um tùm, loài dã thú này vốn sinh trưởng ở đó, vì vậy mới đặt tên cho nó là Chư Hoài”. Cốc Đế băn khoăn: “Ngoài ra còn loại dị thú gì khác không?” Mọi người đáp: “Ngoài các loại hổ báo lang sói, thì không còn dị thú gì khác, chỉ là trên sông Chư Hoài có một loại cá, tên là cá nghệ, hình dạng thân thể là cá, nhưng cái đầu giống loài cẩu, có tiếng kêu tựa như trẻ sơ sinh, trông khá kỳ quái. Tuy nhiên loài cá này có thể trị chứng bệnh động kinh, không những vô hại mà ngược lại đem đến nhiều lợi ích”. Cốc Đế nghe xong đã phần nào lý giải được bèn nói: “Thì ra là như vậy”. Sau khi thăm hỏi người dân địa phương, Cốc Đế cùng đoàn tháp tùng tiếp tục hành trình lên núi.

Ngự trên đỉnh núi cao nhất là từ đường Bắc Nhạc, bên ngoài cửa kê một khối đại thạch tinh xảo sáng long lanh, cao chừng hơn hai thước, sừng sững ở đó. Trên khối đá khắc hai chữ “An Vương”, không rõ bao chứa hàm nghĩa gì và được ai điêu khắc vào khoảng thời gian nào. Cốc Đế nghiên cứu hồi lâu song không thể lý giải, chỉ đành bỏ qua. Hành lễ xong ở Bắc Nhạc, Cốc Đế cùng với Khương Nguyên du ngoạn phong cảnh xung quanh rồi xuống núi, di chuyển đến Thái Nguyên. Đài Đãi sớm đã nghênh đón tại đó, Cốc Đế thăm hỏi đời sống nhân dân địa phương, Đài Đãi trình tấu với nội dung sơ lược cũng tương tự như Y Kỳ Hầu. Sau đó Cốc Đế tiến hành khảo sát khắp các vùng miền một chuyến, nhận thấy kênh mương đê điều được bố trí rất tốt, xuôi theo dòng sông Phần dần hiển lộ một vùng bình nguyên rộng lớn. Đài Đãi có một người anh ruột, tên là Doãn Cách, cũng thường xuyên lui tới tham kiến đàm luận với Cốc Đế. Đài Đãi tuy bản thân từ lâu đã đảm trách chức vị chư hầu, song anh ruột vẫn là một thứ nhân, trong lòng quả thực có chút bất an, vì vậy đã thay mặt Doãn Cách thỉnh xin Cốc Đế phong quyền được cai quản một địa phương. Cốc Đế trả lời: “Anh trai của khanh dù chưa có thành tích, song xét thấy phụ thân Huyền Minh sư đã lập công cống hiến cho quốc gia, bản thân khanh đến hiện tại cũng luôn tận tâm tận lực chăm lo cho nhân dân, dựa trên mối quan hệ này, hoàn toàn có thể phong cho anh ta một địa phương!” Liền sắc phong Doãn Cách cai quản vùng đất Nhược, Doãn Cách cúi đầu bái tạ rồi rời đi.

Vài ngày sau, Cốc Đế nhận được phong thư từ Ác Bầu, nội dung viết: “Phụ mẫu của thứ phi Giản Địch thương nhớ con gái, đã cử người đến đón, có nên phê chuẩn cho Giản Địch trở về hay không?” Cốc Đế xem xong, lập tức hồi âm, cho phép thê tử về thăm phụ mẫu. Một thời gian sau, đã tới tiết Thu phân (ngày 22, 23, 24 tháng 9), Cốc Đế hạ lệnh khởi hành, men theo dòng sông Phần thẳng hướng Lương Sơn. Cốc Đế tâm sự với Khương Nguyên: “Trẫm từ lâu đã nghe nói trên mảnh đất Lương Sơn có một dòng suối, bất kể mùa đông hay mùa hạ nhiệt độ nước luôn ấm áp, có thể ngâm mình tắm gội, lần này qua đó nhất định Trẫm phải trải nghiệm một lần”. Khương Nguyên băn khoăn: “Thiếp thấy những dòng suối bắt nguồn từ núi luôn mang nhiệt độ thấp mát lạnh, tại sao lại có suối nước ấm, quả thật khó lý giải”. Cốc Đế đáp: “Trời đất bao la ở đâu không có chuyện lạ cơ chứ! Trẫm còn nghe nói ở một vài địa phương, nhiệt độ nước suối ở đó không chỉ ấm mà còn nóng như nước sôi, có thể đun nấu gà hay lợn sữa, chẳng phải càng thêm phần kỳ lạ hay sao! Từ góc nhìn của Trẫm, cổ nhân từng nói trong đất có ba thứ là nước, lửa, gió, rất có thể những nguồn nước này chảy trong lòng đất, đã được địa tâm hỏa lực chưng nóng, cũng ko biết chừng”.

Mấy ngày sau đã đặt chân đến Lương Sơn. Quả nhiên tìm được dòng suối nước ấm đó ở ngoài phía tây nam mấy trăm dặm, xuất phát từ ba đầu nguồn, đến hạ lưu hội tụ lại rồi chảy tới Sơn Tữ Thủy. Như dự định, Cốc Đế tháo bỏ y phục ngâm mình xuống nước tắm gội. Không ngờ rằng kể từ đó về sau dòng suối này có tiếng vang ngày càng lớn, với tên gọi suối Cốc Đế, quả thật tiếng đất theo danh người truyền.

Quay trở lại câu chuyện. Thấy Khương Nguyên đã gần đến kỳ sinh nở, Cốc Đế liền thảo luận với Khương Nguyên: “Theo kế hoạch ban đầu, Trẫm vốn dự định sẽ từ phương bắc di chuyển đến Kiều Sơn, để thăm viếng bái tạ lăng mộ ông cố Khảo Hoàng đế, nhưng nay nàng đã đến kỳ sinh nở, e rằng đường đi quanh co bất tiện. Trẫm thấy nơi này cách quê nhà của nàng cũng không xa, hay là chúng ta đến đó sinh con, đồng thời chuẩn bị sửa soạn cho lễ mừng năm mới, nàng thấy như vậy được không?” Khương Nguyên cười đáp: “Như vậy thì quá tốt rồi!” Sau đó Cốc Đế hạ lệnh cho đoàn tháp tùng tiếp tục đi đến Hợp Quốc. Không ngờ vừa di chuyển chưa được mấy ngày, thời tiết bất ngờ trở lạnh, một trận tuyết lớn đổ xuống trắng trời, khiến đường đi càng thêm cách trở. Đành phải nán lại chờ đến khi tuyết tan, trời quang đãng trong xanh mới có thể tiếp tục hành trình, đã khiến chuyến đi bị trì hoãn nhiều ngày.

Một hôm khi đang trên đường đến địa phương Mân Ấp, một bên là Tữ Thủy, một bên là Tất Thủy, Khương Nguyên đột nhiên trở dạ, Cốc Đế bất an lo ngại bà chuẩn bị hạ sinh, lập tức hạ lệnh dừng xe, lưu trú tại nơi này.

(Còn tiếp)

Theo Vision Times
Minh Ngọc biên dịch