Người bình thường chúng ta, đối với một suy nghĩ, một ý niệm nào đó thông thường không quá để tâm. Một niệm thiện hay một niệm ác có sức mạnh lớn đến thế nào, mang đến điều gì cho bản thân thì lại càng không ai bận tâm. Nhưng trong Tây Du Ký, chỉ một niệm thiện, Quận hầu quận Phượng Tiên đã hóa giải được đại hạn, cứu giúp dân chúng khỏi cảnh khô hạn, ly hương.

Tây Du Ký, hồi thứ 87: “Quận Phượng Tiên khinh trời bị hạn, Tôn Đại Thánh khuyến thiện làm mưa”, thầy trò Đường Tăng tiến vào quận Phượng Tiên, nước Thiên Trúc, nhìn thấy quan sai đang dán bảng cáo thị. Bốn thầy trò nhìn bảng cáo thị mới biết được rằng quan sai đang tìm kiếm pháp sư cầu mưa cho dân chúng. Đường Tăng nói với ba đồ đệ:

– Ai biết cầu đảo thì cầu một trận mưa ngọt cho họ để cứu muôn dân. Đó là một việc rất thiện đấy. Bằng không thì đi ngay kẻo nhỡ độ đường.

Hành Giả nói: 

– Cầu đảo có gì là khó! Lão Tôn đây lật sông dốc biển, đổi vật dời sao, phun mây nhả mù, đuổi trăng gánh núi, lật trời đào giếng hô gió gọi mưa. Những việc ấy chỉ là trò trẻ con, có gì là ghê gớm?

Thế là thầy trò Đường Tăng bèn lưu lại nơi đây, tới của Quận hầu bàn đại sự. Trong truyện kể rằng, Ngộ Không bắt quyết niệm chân ngôn đã mời được lão long vương Đông Hải là Ngao Quảng tới, nhờ cho một trận mưa lành. Nhưng bởi vì không có thánh chỉ của Ngọc Đế, Long Vương không dám tùy tiện cho mưa xuống. Ngộ Không liền tìm tới Thiên cung xin thánh chỉ. Chẳng ngờ lên tới nơi, Hành Giả mới hiểu được nguyên nhân thực sự vì sao quận Phượng Tiên gặp đại hạn lâu như vậy.

Thượng đế nói: 

– Ba năm trước đây, vào ngày hai mươi nhăm tháng mười hai, trẫm xuất hành đi du lãm muôn phương, ngao du ba cõi, trẫm thấy tên Thượng Quan ấy đang làm việc bất nhân, quẳng những thứ để thanh khiết cúng Thượng Đế cho chó ăn, miệng lại nói những lời bẩn thỉu, mắc tội mạo phạm. Trẫm lập tức sai làm ba việc ở trong điện Phi Hương. Các ngươi hãy dẫn Tôn Ngộ Không vào xem, nếu thấy ba việc đó đổ hỏng cả thì sẽ xuống chiếu cho phép làm mưa. Bằng không thì đừng có nói cho rườm lời.

Chính là bởi vì vợ của Quận Hầu quận Phượng Tiên dùng lời ác ngôn tranh cãi với chồng. Hai vợ chồng họ sau một hồi tranh cãi đã nhất thời giận dữ đẩy ngã bàn thờ, bài vị, đập vỡ bát hương. Vợ ông không ngừng dùng lời lẽ xú uế, bẩn thỉu mạo phạm Thượng đế và cuối cùng đã gọi chó đến ăn mâm cỗ cúng tế Thần linh bị xô đổ xuống đất. Hai vợ chồng họ quả thực đã phạm tội với Thượng Thiên. Vậy ba việc mà Ngọc Hoàng lập ra là gì?

Trong truyện kể rằng, khi bốn Thiên sư dẫn Hành Giả vào trong điện Phi Hương xem xét, thấy có một tòa núi gạo cao chừng mười trượng, một tòa núi bột cao chừng hai mươi trượng. Bên tòa núi cao có một con gà nhỏ bằng nắm tay đang thủng thẳng mổ gạo ăn. Bên tòa núi bột có một con chó sư tử lông vàng đang thong thả liếm bột. Bên trái kê một chiếc giá sắt, trên giá treo một chiếc khóa vàng dài chừng một thước ba bốn phân. Cần khóa to bằng ngón tay, bên dưới đặt một chiếc đèn đang thắp sáng, ngọn lửa cháy tới cần khóa.

Các Thiên sư giải thích với Hành Giả rằng:

– Người ấy xúc phạm Thượng Thiên, Thượng Đế bèn nghĩ ra ba việc này. Chừng nào con gà mổ hết gạo, con chó liếm hết bột, ngọn đèn đốt đứt cần khóa, lúc ấy mới làm mưa.

Tôn Ngộ Không nghe xong sợ hãi tái mặt, không dám thưa chuyện, đành xấu hổ bước ra ngoài điện. Tôn Ngộ Không trước đây từng vì “đại náo thiên cung” mà phạm tội bất kính với trời, cuối cùng bị Phật Tổ Như Lai bắt nhốt ở dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm. Hơn ai hết, Hành Giả hiểu rõ rằng không có tội nào lớn hơn tội bất kính với Thượng Thiên. Chính vì hiểu được điều đó nên Ngộ Không cũng chẳng dám đi bái kiến Ngọc Đế. Nhưng nếu không cầu được mưa thì dân chúng quận Phượng Tiên phải chịu cảnh khổ cực mà chết dần. Phải làm sao đây? 

Lúc bấy giờ, bốn Thiên sư cười cũng nhắn nhủ lại với Hành Giả một điều quan trọng, có thể giúp Quận hầu quận Phượng Tiên “đoái công chuộc tội”: 

– Đại Thánh đừng buồn. Việc này chỉ có làm việc thiện mới giải được thôi. Một ý nghĩ thiện, kinh động cả Thượng Thiên, núi gạo núi bột khi ấy sẽ sụp đổ, cần khóa cũng sẽ đứt. Đại Thánh cứ về khuyên hắn theo thiện, thì phúc quả tự khắc sẽ đến.

Ngộ Không trở về hạ giới liền nói nguyên nhân cho Quận hầu và khuyên nhủ rằng: 

– Ngài đã hồi tâm hướng thiện thì hãy niệm Phật tụng kinh ngay đi, có gì ta sẽ giúp cho. Còn nếu cứ giữ thói cũ chẳng chịu sửa đổi, thì ta chẳng thể cứu nổi, và chẳng bao lâu nữa, chính ngài cũng bị trừng phạt, tính mạng khó toàn.

Quận hầu vốn là người tốt, lập tức lĩnh ngộ ra ngay, cúi đầu lạy thề nguyện quy y. Ngay hôm ấy cho mời hết tăng đạo trong vùng, dựng một đạo tràng, mọi người thảo bức sớ tâu với tam thiên. Quận hầu dẫn mọi người tới thắp hương lễ bái, tạ ơn trời đất nhận hết lỗi lầm. Tam Tạng cũng tụng kinh giúp họ. Mặt khác, lại phi báo cho dân chúng khắp thành, bất kể già trẻ gái trai đều phải thắp hương niệm Phật. Từ lúc ấy, tiếng thiện vang khắp nơi.

Thiện niệm ấy một khi khởi lên thì đã kinh động đến tận Thượng Đế. Chỉ trong chớp mắt núi gạo, núi bột bỗng nhiên sụp đổ, xích khoá cũng tự đứt rời. Ngọc Đế thấy Quận hầu thành tâm sửa đổi tâm tính nên lập tức truyền chỉ cho các chính Thần ban mưa cho dân chúng nơi đây.

Ảnh chụp phim Tây Du Ký 1986.

Tích truyện nổi tiếng này của Tây Du Ký có lẽ đã được nhiều người biết đến. Nhưng ý nghĩa thâm sâu của nó thì lại không mấy người tỏ tường. Câu chuyện cho ta thấy rằng, mỗi một khổ nạn, tai hoạ mà người ta phải chịu đều không hề ngẫu nhiên, đều là có nguyên nhân sâu xa cả. Khi đạo đức bại hoại, chuẩn mực tâm tính của con người đi xuống, làm sao mà Trời cao có thể nhắm mắt làm ngơ đây? Mọi khổ ải trong đời người đều là do tự mình chuốc lấy. Cái lý nhân quả báo ứng cũng cùng là một ý như thế này.

Tuy nhiên, là con người xuống đến thế gian này ai mà không gây tội nghiệp đây? Ở trong cõi mê, người ta thậm chí không thể tự ý thức được rằng mình đang tạo ra tội lỗi. Nhưng Trời cao có đức hiếu sinh, Thần Phật cũng luôn mở một lối quay về cho con người. Khi con người thực sự có thể xuất ra thiện niệm thì sức mạnh ấy là to lớn vô cùng, có thể đánh động đến cả Thần linh. 

Thần Phật luôn từ bi và luôn cho con người thật nhiều cơ hội để tự cải biến nhân tâm của mình. Mọi khổ nạn trong đời, chỉ có thể dùng thiện niệm, lòng từ bi để hoá giải. Vậy nên người xưa mới có câu: “Phật tính nhất xuất chấn động thập phương thế giới” (Phật tính một khi xuất ra thì chấn động mười phương thế giới). 

Tiểu Lý – Mai Trà
Tham khảo: Secret China