Ngày hôm sau, Cốc Đế khởi hành như dự định ban đầu, đoàn tháp tùng bẩm báo: “Đã đến ngọn núi cao nhất rồi”.

Mọi người tiếp trục hành trình. Sau khi lên đến đỉnh núi, thực hiện nghi thức bái tạ từ miếu của Hoàng đế, Cốc Đế quay sang trò chuyện cùng công chúa:

“Danh sơn trong thiên hạ có tám ngọn núi, nhưng ba ngọn núi nằm trên vùng đất Man Di không thể dễ dàng đến du ngoạn. Năm ngọn núi tại Trung Quốc, chính là Hoa Sơn ở Ung Châu, Thái Sơn ở Duyễn Châu, Đông Lai Sơn ở Thanh Châu, Thái Thất Sơn ở Dự Châu và ngọn núi thứ năm này – nơi chúng ta đang đặt chân đến đều là những địa điểm mà Cao Tổ Hoàng Khảo thường xuyên lui tới ngao du, cũng là nơi gặp gỡ giao lưu của các vị thần tiên.

Sau này khi Cao Tổ Hoàng Khảo đắc đạo thành tiên, mọi người mang y quan của ông an táng tại Kiều Sơn, có một vị hạ thần danh tính là Tả Triệt, vì luôn tâm niệm tưởng nhớ không quên, đã dùng y quan, cơ trượng của Cao Tổ Hoàng Khảo thành kính kiến lập lên miếu đền. Bên trong miếu bài trí tượng gỗ điêu khắc dung mạo của Cao Tổ Hoàng Khảo, khoác trên mình y quan cùng cơ trượng bên cạnh, sớm chiều đến thăm viếng bái phụng, tựa như Cao Tổ Hoàng Khảo còn tại thế.

Sau này miếu thần khắp nơi nơi đều theo phương thức như vậy mà được thành lập. Đến nay hễ là những địa phương – nơi Cao Tổ Hoàng Khảo từng có dịp đặt chân đến, đều lập miếu thờ tự. Ngôi miếu này chính là một trong số đó”.

Thường Nghi khen ngợi: “Vị hạ thần này quả thật trung thành, giàu tâm ý”. Cốc Đế tiếp lời: “Sau này Tả Triệt cũng trở thành thần tiên nơi thiên thượng. Có người nhận định rằng chắc hẳn Tiên Đế cảm nhận được thành tâm thành ý sâu sắc, mà dẫn độ cho ông ấy, tuy nhiên điều này cũng không chắc chắn”. Công chúa nói: “Nữ nhi thường nghĩ: ở những nơi cung kính, bái tế thần linh sẽ được gọi là “Miếu”, chưa hiểu đúng cách lý giải của họ, thì ra miếu thờ chính là dùng ý nghĩa trong từ “mạo” (diện mạo). Cốc Đế gật đầu đáp: Đúng vậy, không sai”. Dứt lời, trời đã về chiều, mọi người khởi hành xuống núi.

“Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh. Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh” (Lưu Vũ Tích)

Đến khách quán, Thường Nghi và công chúa nhân lúc Cốc Đế có chút thời gian rảnh rỗi, liền bày tỏ ý nguyện được nghe tiếp câu chuyện tối qua còn dang dở. Cốc Đế cất lời:

“Sau khi Cao Tổ Hoàng Khảo lấy được Quỳ Ngưu, đã theo hướng Hữu Hùng quay trở về, trên đường đi liền lấy tấm da Quỳ Ngưu kéo căng rồi phủ lên một vài mặt trống, tuy nhiên khi gõ lại không phát tiếng lớn, âm thanh chỉ vang vọng hơn chiếc trống bằng da trâu thông thường một chút ít, khiến mọi người không tránh khỏi hoài nghi. Huyền Nữ trấn an: ‘Xin đừng gấp gáp, khí cụ vẫn chưa được kết hợp, phối tề toàn vẹn’.

Một ngày nọ, khi di chuyển đến địa phương Lôi Trạch, trông thấy phía trước mặt là một mô đất lớn, Huyền Nữ liền hạ lệnh cho quân sĩ san phẳng mô đất đó, rồi đào xuống mấy thước sâu, đã tìm thấy rất nhiều bộ hài cốt, trông tựa như người nhưng không phải là người, giống thú vật mà cũng không phải là thú vật. Cao Tổ Hoàng Khảo hiếu kỳ hỏi: ‘Đây là hài cốt gì? Chúng có tác dụng gì chứ?’ Huyền Nữ đáp: ‘Đây là xương cốt của Lôi Thần. Được sinh ra vào thế kỷ trước, phần đầu giống loài rồng, gò má tựa như con người, vỗ lên phần bụng của nó thì âm thanh như tiếng sấm vang, vì vậy mới đặt cho nó cái tên Lôi Thần. Do không phải là người, nên còn được gọi là Lôi Thú. Nơi đây cũng có trạch mang tên Lôi Trạch, chính là phỏng theo tên gọi của loài này. Dùng hài cốt của nó để gõ trống quỳ, mới có thể hiển lộ được sự thần kỳ của chúng’.

Trong lúc Huyền Nữ đang giải thích, thì một vài quân sĩ đã đi thu lượm hài cốt của Lôi Thú, theo như lời Huyền Nữ, họ dùng hài cốt Lôi Thú, gõ lên mặt trống được phủ căng bởi da Quỳ Ngưu, quả nhiên âm thanh chấn động vang xa, đinh tai nhức óc, lúc này mọi người mới càng thêm tin tưởng lời nói của Huyền Nữ. Trên đường trở về cứ thi thoảng lại gõ trống. Sau đó tiếp tục chế thành 80 mặt trống quỳ, nhất tề đồng loạt gõ liên hồi, khiến chư hầu bốn phương nghe thấy mà khiếp sợ, tuy còn chưa xuất binh mà âm thanh đã như đoạt hồn đoạt mệnh người trước rồi. Trở về đến Hữu Hùng, chúng thần đã nô nức xin bái kiến trình bẩm.

Một người mang họ Xích Tương, tên gọi Tử Dư, anh ta là Mộc Chính, đã chế tạo ra xe chỉ nam (xe chỉ phương hướng thời xưa ở Trung Quốc), chỉ khác miếng nam châm một chút. Huyền nữ từ bên thân lấy ra, đặt trên ngón tay của tiên nhân, quả nhiên bốn mặt xoay tròn, luôn chỉ hướng nam. Mọi người chứng kiến, reo hò không ngớt. Một người khác mang tên Ấp Di, đã sáng chế ra xe Ký Lý Cổ, sau khi thử nghiệm quan sát, cũng vô cùng chuẩn xác. Ấp Di vừa phỏng theo quy cách hai loại xe của Huyền Nữ, vừa kết hợp phỏng theo vòng xoay chuyển của sao Bắc Đẩu, để sáng chế một loại xe khác, mang tên là Đại Lộ, chuyên dụng cho Cao Tổ Hoàng Khảo. Cao Tổ Hoàng Khảo tận mắt trông thấy những thành quả này, vô cùng hân hoan vui mừng. Lại có một người mang tên Huy Đích, là nhi tử thứ 5 của Thiếu Hạo Đế, đã chế tạo thành công cây cung”.

Kế đến đây, công chúa bỗng cất tiếng hỏi: “Xin phép ngắt lời phụ thân, trước đây nữ nhi cũng từng nghe danh về một người có sở trường giăng lưới vây bắt muông thú, tên là Huy, phải chăng chính là anh ta?” Cốc Đế đáp: “Đúng vậy, chính là anh ta. Bởi vì thành công chế tạo ra cây cung, dây nỏ, tấm lưới, nên hậu nhân tôn tử của anh ta đều mang họ Trương. Sau khi Huy chế tác được cung nỏ, lại xuất hiện một người tên gọi Di Mâu, đã tạo ra mũi tên, chỉ riêng đầu mũi tên bằng đồng là chưa xuất hiện, vì hai vị Thái Sơn Kê và Lão Long Cáo lúc này vẫn đang trên đường đến Côn Ngô Sơn khai thác đồng chưa trở về. Huyền Nữ tiếp tục rút ra một vài bức vẽ tấu trình lên Cao Tổ Hoàng Khảo, trên đó khắc họa một số đồ vật hình tròn, dài, có một tấm rất giống hình ngưu giác (sừng trâu). Huyền Nữ trỏ vào vật hình tròn giải thích: “Đây là cái chiêng”. Rồi chỉ sang vật dài nói: “Còn đây là lục lạc”. Hai loại khí cụ này khi đồng thời gõ lên, thanh âm tựa như mưa đá, đại khái có thể mô phỏng hào khí của đại đội binh sĩ tinh nhuệ, hùng cường”. Cô tiếp tục trỏ vào hình ngưu giác nói: “Vật này có tên gọi là kèn, ngài hãy chế tác hai mươi bốn chiếc, sau này ắt đại hữu dụng”. Cao Tổ Hoàng Khảo thụ giáo từng lời từng lời, cẩn trọng phó thác cho Thiên Sư Kỳ Bá thực thi công việc chế tác.

Một ngày nọ, trong thời gian rảnh rỗi Tố Nữ đang thảo luận cùng Cao Tổ Hoàng Khảo, bỗng trông thấy ngay bên cạnh có một cây đàn sắt 50 dây, Tố Nữ đưa tay lướt nhẹ trên cung đàn. Cao Tổ Hoàng Khảo thấy vậy liền hỏi: “Người còn có tài nghệ gảy đàn sắt nữa ư?” Tố Nữ khiêm tốn: “Ta chỉ biết một chút ít”. Cao Tổ Hoàng Khảo liền ngỏ ý thỉnh mời cô diễn tấu một bản nhạc tao nhã, Tố Nữ đến bên cây đàn, ngẫu hứng tấu một khúc. Giai điệu cất lên da diết thê lương, Cao Tổ Hoàng Khảo vốn đang đứng giữa ranh giới bại vong, tâm trạng não nề, trước những thanh âm âu sầu thống thiết, bất giác rơi lệ, ngập tràn bi thương. Đoàn người tháp tùng hộ tống cũng không khỏi thương tâm, đau xót. Sau khi bản nhạc kết thúc, Cao Tổ Hoàng Khảo thắc mắc hỏi Tố Nữ: “Thanh âm cảm động da diết! Tuy nhiên giai điệu chua xót não nề đến thế, quả thật trẫm chưa từng nghe qua, tại sao lại có thể phô diễn được tâm trạng nhuốm màu sầu bi đến như vậy?”

Tố Nữ đáp: “Có lẽ là do cây đàn này có quá nhiều dây. Nhiều dây sẽ khiến thanh âm được phối tạo phức tạp, phong phú, mà càng phong phú thì càng dễ dàng khơi gợi sự đồng điệu cùng những dòng xúc cảm đa chiều của người thưởng thức”. Sau này phỏng theo lời của Tố Nữ, Cao Tổ Hoàng Khảo liền phân đôi cây đàn sắt, mỗi chiếc còn 25 dây. Hiện nay có thể thấy phần lớn các loại đàn sắt đều có cấu tạo 25 dây, đây chính là kết quả do Cao Tổ Hoàng Khảo điều chỉnh lại. Hai ngày sau, Thái Sơn Kê và Lão Long Cáo đã tìm thấy kim loại đồng trên núi Côn Ngô Sơn, Huyền Nữ tiếp tục truyền thụ lại phương pháp quạt lò nung đúc chế tác kim loại, sau khi hoàn tất mọi việc cô cùng Tố Nữ xin cáo biệt Cao Tổ Hoàng Khảo, để trở về phục mệnh. Cao Tổ Hoàng Khảo tận lực níu giữ hai người họ, song Huyền Nữ đáp: “Quả thực vào lúc này việc chúng tôi ở lại đây là không còn cần thiết nữa, tương lai khi đặt chân đến miền thôn dã Trung Ký, thuận theo tự nhiên ắt sẽ lại có dịp cống hiến sức lực, sau này còn gặp lại. Dứt lời liền cáo biệt, lướt đi như gió, chớp mắt đã biến mất. Cao Tổ Hoàng Khảo vừa cảm kích, lại vô cùng kinh ngạc, liền cung kính chắp tay về hướng tây tạ tiễn. Một tháng sau, quân khí các loại đã được chế tạo hoàn tất, Cao Tổ Hoàng Khảo lên kế hoạch sẵn sàng cho lễ tuyên thệ khởi binh.

Trước tiên ông hạ lệnh cho Bốc Thệ Quan Vu Hàm gieo một quẻ. Sau khi nhìn thấy nội dung quẻ bói, Vu Hàm phán: “Là điềm lành, sẽ giành chiến thắng, chỉ có điều trong suốt quá trình sẽ gặp phải không ít bất trắc gian nan, hơn nữa khó tránh khỏi thăng trầm”. Cao Tổ Hoàng Khảo hùng hồn khẳng định: “Điều này đâu có phương hại gì chứ”. Dứt lời lập tức phát lệnh hiệu triệu quân sĩ khởi binh.

Không ngờ rằng lúc này lực lượng của Xi Vưu đã từng bước tiếp cận, áp sát. Thì ra ngay sau khi Cao Tổ Hoàng Khảo di chuyển từ Thái Sơn lui về Hữu Hùng, Xi Vưu Thị đã vô cùng kinh ngạc, đồng thời cảnh giác, lo sợ trong đó có cơ mưu, liền hạ lệnh hoãn binh không dám tiến quân, bí mật thám thính dò xét trong một khoảng thời gian khá lâu, sau khi nhận thấy không có động tĩnh bất thường, bèn tiếp tục dẫn binh công kích. Đi đến giữa chặng đường, chợt nghe thấy tiếng trống vang rền chấn động, Xi Vưu tưởng rằng quân sĩ của Cao Tổ Hoàng Khảo đã gần trong gang tấc, liền lệnh cho hạ nhân thám thính bốn phương, song vẫn không tìm thấy bất kì dấu tích. Tuy nhiên tiếng trống vẫn như vậy ngày ngày không ngừng vang lên, hơn nữa càng gần càng chấn động. Trong lòng Xi Vưu Thị rối ren, ngờ vực, thận trọng từng bước, không dám tiến nhanh, nhờ vậy mà Cao Tổ Hoàng Khảo có thêm khoảng thời gian mấy tháng để sửa soạn quân trang sẵn sàng nghênh chiến, đây chính là công dụng to lớn mà chiếc trống Quỳ Ngưu của Huyền Nữ chế tạo mang lại. Vào thời điểm Cao Tổ Hoàng Khảo chỉ huy quân sĩ xuất phát, cũng là lúc binh lực của Xi Vưu Thị đã áp sát Hữu Hùng. Hai bên đối đầu giao chiến.

Xét về tương quan lực lượng, so với trước đây tác phong quân đội của Cao Tổ Hoàng Khảo đã có sự thay đổi to lớn, xe chỉ nam phía trước, xe Ký Lý Cổ yểm trợ phía sau, Hoàng đế đích thân ngự giá trên chiếc Đại Lộ tại vị trí trung tâm. Đao trượng được nung luyện, chế tác sắc bén, trước ánh nhật quang phản chiếu, lấp lánh rực rỡ, bên cạnh đó là năm loại đại kỳ, năm chủng tinh huy, tung bay hiên ngang trước gió, rạch ròi phân chia ngũ phương; cùng với sáu mặt đại kỳ phân phối đến khắp mọi nơi, trận pháp thiết lập cực kỳ uy nghiêm hùng tráng, hết thảy đều do thượng tướng Phong Hậu nắm trong tay pháp kỳ binh mà dàn xếp bố trí và khai triển. Binh sĩ từng người từng người với nhuệ khí chiến đấu tựa như hổ như gấu, như cọp như báo. Lực lượng tả hữu phía trước phía sau cũng trang bị vô số tiểu kỳ, trên đó khắc họa hình tượng chim điểu chim ưng uy vũ hung hãn, cùng với nhiều loại nhạc cụ mà thiên sư Kỳ Bá chế tác như chiêng, lục lạc, trống, kèn, linh bễ, thần chiêng phối kết hợp trong đó. Đại trống Quỳ Ngưu thoáng chốc lại gióng lên liên hồi, quang cảnh tráng lệ với tinh kỳ rợp trời, cùng thanh âm chấn động. Xi Vưu Thị dù hung hãn tàn ác đến mấy, đứng trước ranh giới này cũng thẫn thờ ngơ ngẩn.

Thêm nữa, điều kỳ diệu nhất là, Cao Tổ Hoàng Khảo kể từ khi khoác trên mình chiếc áo lông cáo, đeo linh phù (bùa chú) mà Tây Vương Mẫu ban tặng, phía trên đỉnh đầu luôn xuất hiện những đám mây ngũ sắc cát lành bảo vệ che chở, bên trong từng tầng mây cũng ẩn hiện bao chứa nhiều loại hoa kim chi ngọc diệp. Con người hiện đại sau này khi bước ra ngoài cửa đón xe, trên xe là một mái che xanh biếc, có lẽ chính là phỏng theo câu chuyện này mà chế tác. Quân đội của Xi Vưu Thị chứng kiến cảnh tượng này, hoài nghi không thể đoán định là người hay là Thần, bất giác sợ hãi, hoang mang, hoàn toàn tiêu biến mọi tinh thần chiến đấu. Ngược lại, binh sĩ của Cao Tổ Hoàng Khảo sau nhiều lần hứng chịu sự tàn sát bức hại của Xi Vưu mà dồn nén nhiều nỗi phẫn uất căm hờn, vào thời khắc giao tranh này, lòng báo thù xả hận luôn thôi thúc, có người giương cung căng tiễn, sẵn sàng chờ lệnh. Có người nắm chắc vũ khí sắc bén, nóng lòng nghênh chiến.

Ngay khi nhận được hiệu lệnh của thượng tướng Phong Hầu, tướng quân Lực Mục, Thần Hoàng Trực… anh dũng dẫn đầu, đại đội binh sĩ nhất tề xông lên. Quân đội Xi Vưu Thị nhanh chóng bị tiêu diệt vô số. Nhận thấy tình thế bất ổn, Xi Vưu Thị lập tức thi triển pháp biến hóa, chỉ trong tích tắc, mây đen kéo đến ngập trời, yêu khí sương mù bao phủ, không gian tối sầm lại, xòe bàn tay trước mắt cũng không thể nhìn thấy năm ngón. Tuy nhiên quân binh của Cao Tổ Hoàng Khảo đã trang bị xe chỉ nam phía trước, cùng với chiêng, trống, cờ chỉ huy, v.v. hết thảy đã trở thành những công cụ hữu ích thay thế cho tai mắt, có thể xác định chuẩn xác phương hướng, nhờ vậy mà tinh thần chiến đấu không hề mê lạc hay nao núng, dưới lớp sương mù dày đặc mọi thứ vẫn được xếp sắp như kế hoạch đã định, mọi người tận lực hi sinh, liều mạng tấn công về phía trước.

Một điều kỳ lạ là đám mây ngũ sắc ngự trên đỉnh đầu của Cao Tổ Hoàng Khảo vào thời điểm đó đột nhiên phát sáng rực rỡ, chiếu rọi lên không trung tựa như một chiếc ô khổng lồ, ánh hào quang len lỏi xuyên qua rồi xé tan lớp sương mù dày đặc, chỉ thoáng chốc mây đen dần tản đi rồi tiêu biến hoàn toàn. Lực lượng quân sĩ tứ phương khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng này, vạn chúng hò reo, khích lệ tinh thần chiến đấu thêm kiên cường, phấn chấn. Trải qua trận giao chiến cam go với quân binh Xi Vưu Thị, thi thể ngổn ngang khắp chốn, máu chảy thành dòng. Sau khi tiến hành điều tra thống kê lại, trong số 81 huynh đệ vào sinh ra tử cùng Xi Vưu Thị thì 45 người đã tử trận, đây đều là những quái tướng của Xi Vưu Thị vốn không có chốn dung thân trong nhân gian, vì quá tàn ác nên mọi người căm phẫn vô cùng, đã phân cắt cánh tay và vai của 45 thi thể thành 360 phần rồi đưa đi chôn cất ở nhiều địa điểm khác nhau, hậu nhân sau này đặt tên cho những nơi đó là kiên bễ mộ. 36 tàn binh còn lại của Xi Vưu Thị đã nhanh chóng tháo chạy theo hướng Ký Châu.

Cao Tổ Hoàng Khảo quyết không buông lỏng, lập tức điều động đại binh áp sát truy đuổi, đồng thời hiệu triệu lực lượng các nước chư hầu bốn phương, phối hợp cùng cánh quân Trác Lộc. Khi đặt chân lên miền đất hoang dã Ký Châu, quang cảnh phía trước trải dài đầm trạch mênh mông, những con đường chìm trong sóng nước, vô cùng bất tiện cho xe cộ qua lại. Cao Tổ Hoàng Khảo bèn hạ lệnh cho Ứng Long hấp thụ toàn bộ phần nước này chuyển đến nơi khác, lưu trữ lại, đợi đến khi chiến sự kết thúc, sẽ khôi phục lại nguyên trạng. Ứng Long vốn không phải là người, mà là bạch long với bốn móng vuốt và hai chiếc cánh, nó sở hữu năng lực đặc biệt như vậy, có thể hấp thụ và lưu trữ nước. Cao Tổ Hoàng Khảo kể từ khi nhận được cuốn cổ thư hiệu triệu quỷ thần của Huyền Nữ, đã sở hữu thần pháp khống chế bách linh. Vài ngày sau, toàn bộ quân sĩ chư hầu bốn phương đã tập trung tề tựu. Mọi người tiến vào Trác Lộc, kết thành hàng trăm huyết đạo tấn công từ các hướng.

Đang sục sôi tinh thần chiến đấu, sẵn sàng phá tan sào huyệt, bất ngờ thay từ trong nội thành Trác Lộc xuất hiện vô số kỳ thú xông ra, chúng đều có bốn chân nhưng lại mang khuôn mặt giống như con người, không thể định nghĩa được loài dị thú gì. Chỉ trông thấy dáng vẻ xông lên tiền tuyến, một số lắc đầu dao động sang hai phía, một số khác hướng mặt về các quân sĩ bốn phương rồi mỉm cười châm biếm, khiến họ bất giác bị mê hoặc, như say như si, như tỉnh như mơ, muốn chạy cũng không thể chạy, muốn cử động cũng không thể cử động, bị khống chế toàn bộ khả năng giao chiến.

Lợi dụng thời cơ này, lực lượng Xi Vưu Thị thừa thế xuất binh ra khỏi nội thành, khí thế hung hãn không thể ngăn cản. Trước tình huống cấp bách, ngàn cân treo sợi tóc, Cao Tổ Hoàng Khảo chợt nhớ đến lời căn dặn của Huyền Nữ: “Đây vốn là nơi sinh ra sơn lâm dị khí, có khả năng gây tổn hại cho con người, tên gọi Si Mị, tuy nhiên ắt có pháp để hóa giải”. Ông lập tức truyền lệnh cho 24 hạ nhân phía sau bắt đầu thổi kèn, âm thanh vang lên du dương trầm bổng, tha thiết nghẹn ngào, tựa hồ như long ngâm đại trạch, cảm động kinh tâm. Giai điệu này do đích thân Tố Nữ truyền thụ lại. Thật là kỳ diệu, ngay khi tiếng kèn tấu lên, chỉ trong nháy mắt, vô số loài Si Mị đã tháo chạy bặt vô âm tín. Quân sĩ bốn phương cũng dần chuyển sang trạng thái thanh tỉnh trở lại, trong quân phát ra hiệu lệnh, mọi người nhất tề xông lên tấn công giao chiến.

Xi Vưu Thị cầm cự chống đỡ không nổi, chỉ đành thi triển pháp biến hóa, khiến cuồng phong nổi lên, mưa như trút nước, nhằm giam chân Cao Tổ Hoàng Khảo và binh sĩ chư hầu bốn phương mà không hao tổn sức lực, xối nước khiến người người ướt đẫm, tinh kỳ cuốn ngược trở lại, chiêng trống vô thanh. Tình thế tưởng chừng như thất bại thật rồi, bỗng nhiên một nữ tử bay đến, bước vào trong trận địa, y phục không hề vấy nước, ống tay áo cùng thắt lưng không hề lay động, sau khi quan sát tỉ mỉ thì ra chính là Cửu Thiên Huyền Nữ. Cao Tổ Hoàng Khảo vui mừng khôn xiết, đang chuẩn bị hành lễ thỉnh cầu cứu độ, Huyền Nữ đã đưa tay trỏ lên trời, hô lớn một tiếng, trên không trung đột nhiên giáng hạ một thanh y nữ tử, trong chớp mắt, mưa ngừng rơi, cuồng phong tiêu biến hoàn toàn, bầu trời quang mây trong xanh yên bình, diện mạo của vị thanh y nữ tử quả thật khiến người người sợ hãi, chiều cao không quá ba thước, trên đầu, tay, chân đều xuất hiện bạch mao, thêm nữa khuôn mặt chỉ có một con mắt, con mắt còn lại ngự phía đỉnh đầu, lưu lại chốc lát, cô hướng về dãy núi phía tây rồi rời đi, lướt nhanh như gió, chớp mắt đã biến mất. Mọi người chứng kiến không khỏi bàng hoàng, kinh ngạc.

Cao Tổ Hoàng Khảo liền thỉnh giáo Huyền Nữ: “Vị này là thần tiên phương nào?” Huyền Nữ đáp: “Đây không phải là thiên thần, cô ấy được gọi là Hạn Bạt (Dị vật gây hạn hán). Những nơi mà cô ấy đi qua sẽ trở thành vùng đất cằn ngàn dặm, một rãnh nước nhỏ cũng không thể tồn tại, đó là điều đáng sợ nhất, vốn dĩ ta không định hiệu triệu cô ấy xuống đây, song tình thế cấp bách, ngoài cô ấy ra, thì không còn phương cách nào khác để hóa giải trận pháp bão tố mưa giông mà Xi Vưu thi triển, vì vậy đành triệu cô ấy hạ phàm. Tuy nhiên sau khi cô ấy xuống đây, trong một thời gian ngắn sẽ không thể quay trở về. Địa phương Ký Châu sau này e rằng thường xuyên phải đối mặt với nạn hạn hán”. Cao Tổ Hoàng Khảo thắc mắc: “Chẳng phải cô ấy đã rời đi rồi sao?” Huyền Nữ giải thích: “Cô ấy đang ngự trong dãy núi Sơn Lâm, chưa quay về thiên thượng. Từ nay về sau nếu cô ấy không đi ra thì vô sự, ngược lại nếu xuất sơn, ắt hẳn sẽ gây nên nạn hạn hán ở Dực Châu”. Cao Tổ Hoàng Khảo lo lắng hỏi: “Bách tính chịu tổn hại, trẫm có thể làm được gì? Liệu có phương pháp bổ cứu nào không, thỉnh xin chỉ giáo?” Huyền Nữ đáp: “Đây cũng là kiếp vận của bách tính Ký Châu, không thể né tránh. Song vào thời điểm nạn hạn hán diễn biến cùng cực nhất, thì trục xuất cô ấy cũng là một phương cách”. Dứt lời, liền tiếp tục phân tích tường tận tỉ mỉ từng biện pháp. Cao Tổ Hoàng Khảo vô cùng vui mừng, bái tạ thụ giáo. 

Huyền Nữ tiếp lời: “Hiện tại hai chủng pháp thuật biến hóa của Xi Vưu Thị đã bị phá giải bài trừ, chắc hẳn y cũng không còn năng lực đặc biệt nào khác. Trong vòng bốn năm tới, rất có khả năng Xi Vưu Thị sẽ bị tiêu trừ truy diệt đến tận cùng gốc rễ, đại công có thể cáo thành. Ta tạm thời quy về núi, đợi đến một trăm năm sau, khi Hoàng đế đắc đạo thành thần tiên, chúng ta sẽ gặp lại nhau trên thiên thượng!” Dứt lời liền vui vẻ cáo từ, lướt đi nhanh như gió, trong chớp mắt đã biến mất.

Cao Tổ Hoàng Khảo lắng nghe từng lời của Huyền Nữ, trong lòng không khỏi băn khoăn, kinh ngạc, thầm nghĩ Xi Vưu Thị đã thất bại thảm hại, chỉ một vùng đất nhỏ bé này, lại phải dùng đến bốn năm mới có thể đại công cáo thành? Cảm thấy vô cùng ngờ vực, khó hiểu, đang chuẩn bị mở lời hỏi thêm thì Huyền Nữ đã rời đi, nên đành bỏ qua. Sau này quả nhiên Nữ Bạt (thần hạn hán) thường xuyên xuất hiện, địa phương Ký Châu lâm vào tình cảnh đại hạn nghiêm trọng, ruộng đồng lúa mạ không thể phát triển sinh sôi. Cao Tổ Hoàng Khảo chiểu theo phương pháp Huyền Nữ truyền thụ mà thi hành, trục xuất cô ấy đến phía bắc Xích Thủy, từ đó Ký Châu mới có thể xuất hiện mưa trở lại. Tuy nhiên phương pháp mà Huyền Nữ truyền giảng, hậu thế không lưu lại trọn vẹn, chỉ truyền lại mười hai từ, gọi là: “Lệnh đi phương bắc, tiên trừ thủy đạo, thông dẫn kênh mương”, chỉ như vậy mà thôi. Dựa trên quan điểm lý tưởng hóa nhìn nhận, Nữ Bạt vốn là một dị vật, e rằng không thể vận dụng phương pháp giản đơn như vậy để trục xuất, cũng không cần khảo cứu sâu thêm nữa.

Về phần Xi Vưu Thị, sau khi trận pháp mưa giông bão tố ngày hôm đó bị hóa giải bởi Nữ Bạt, lực lượng tàn dư liều mạng gấp rút tháo chạy về phương bắc. Trước vòng bao vây truy quét của binh sĩ bốn phương, chúng không thể cầm cự, 27 huynh đệ Xi Vưu Thị cùng vô số binh sĩ đã bị tiêu diệt. Huynh đệ Xi Vưu Thị vẻn vẹn còn lại 9 người hung ác nhất, dẫn theo tàn binh, thoái lui về địa phận Phản Tuyền, đây là sào huyệt ẩn náu cuối cùng của bọn chúng. Quân sĩ bốn phương tiếp tục thắt chặt vòng vây, tận lực tấn công. Tuy nhiên trước thành trì kiên cố, cùng với sự kiên cường chống cự, cố chấp phòng thủ của Xi Vưu Thị, kết quả cuối cùng không thể phá thành đánh bại triệt để lực lượng của hắn ta. Phong Hậu tuy mưu trí, Lực Mục, Thần Hoàng Trực tuy dũng mãnh, song đứng trước tình cảnh này cũng đành bất lực, vô phương vô sách.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, đã ba năm trôi qua, Cao Tổ Hoàng Khảo nôn nóng vạn phần, không ngừng phái cử sứ thần đến mọi địa phương nhằm chiêu mộ cao nhân tài ba, giàu năng lực. Một ngày nọ, xuất hiện một vị nho sinh đến cầu kiến. Cao Tổ Hoàng Khảo vui vẻ tìm hiểu danh tính của anh ta, vị nho sinh đáp: “Tiểu nhân họ Ngũ tên Tư”. Cao Tổ Hoàng Khảo tiếp lời: “Khanh có cao kiến gì để đập tan thành lũy cố thủ của Xi Vưu không?” Ngũ Tư từ tốn đáp: “Có ạ, Hoàng Đế đã truy quét thành trì này ba năm song không thể công phá, theo quan điểm nhìn nhận của tiểu nhân, nguyên nhân không phải là do binh sĩ không tinh nhuệ, tướng lĩnh không anh dũng, càng không phải do mưu trí tài lược không thâm sâu, hay binh khí quân trang không chu toàn đầy đủ, mà nguyên nhân là do không lựa chọn đúng đắn phương hướng từ thời điểm bắt đầu tấn công.

Phàm là khi xuất chinh giao chiến, chẳng những cần binh hùng tướng dũng, mưu trí tài lược vẹn toàn, khí cụ quân trang đầy đủ, hơn hết còn cần minh bạch, thấu hiểu đạo lý cô hư vượng tương, sinh khắc chế ngự. Hiện tại chủ tướng Xi Vưu Thị trong thành, bạch sắc mà thương âm, là thuộc tính kim; Chủ tướng quân đội ta là Hoàng đế, sắc xanh mà giác âm, là thuộc tính Mộc. Kim có thể khắc Mộc, song Mộc không thể khắc Kim. Huống hồ vào thời điểm bắt đầu khai chiến, trời đã chuyển sang thu, chính là lúc kim khí dồi dào, hưng thịnh nhất, mà Hoàng đế lại lựa chọn phương hướng tấn công xuất phát từ phía đông, phương đông thuộc tính mộc, kim có thể khắc chế mộc, chính vì lẽ đó mà tuy quân số đông gấp trăm lần, tấn công trường kỳ trong suốt thời gian ba năm, song cũng không thể chiếm lĩnh thế thượng phong.

Lúc này cần nhanh chóng thay thế một đối sách khác, phân tách binh sĩ bốn phương thành năm cánh quân, dùng cờ ngũ sắc phân bổ đến ngũ phương. Mỗi cánh quân tiếp tục chia nhỏ thành năm đội. Năm cánh quân tấn công từ bốn phía, năm tiểu đội luân phiên tác chiến, xuyên suốt ngày đêm, tuyệt đối không để một canh giờ nào đình chiến. Ròng rã suốt ba ngày, ắt sẽ gặp được một thời thần kiêng kị với ông ta, cũng ắt sẽ hiển lộ một điểm yếu nhược xung khắc với ông ta, như vậy chúng ta có thể giành thắng lợi rồi”. Cao Tổ Hoàng Khảo nghe thấy vậy vui mừng khôn xiết, lập tức phái cử Phong Hậu tiến hành an bài mọi việc.

Quả nhiên đến ngày thứ ba, lũy thành đã bị công phá, quân sĩ bốn phương thừa thế tiến vào. Chín huynh đệ Xi Vưu Thị chống cự vô cùng quyết liệt, cố chấp liều lĩnh, đến khi tận mắt chứng kiến hết thảy quân sĩ đã bị thổ binh của Cao Tổ Hoàng Khảo bắt giữ hoặc tiêu trừ, nhận thấy dù tiếp tục chiến đấu cũng vô ich, bèn thi triển tuyệt kỹ phi không thoát hiểm đào tẩu, xông thẳng về phía trước, theo hướng nam bay vút lên trời cao.

Trước cảnh tượng đó chư hầu bốn phương phẫn nộ gào thét: “Xi Vưu tháo chạy rồi! Xi Vưu tháo chạy rồi!” Mọi người bất lực nhìn nhau, không thể tìm ra phương cách gì để ngăn cản. Bỗng trong không trung vang lên tiếng vỗ cánh, mọi người ngẩng mặt trông lên, thì ra là Ứng Long, đang giương nanh múa vuốt, ráo riết bay về hướng tây nam truy đuổi. Cao Tổ Hoàng Khảo thống lĩnh đại binh, tiếp tục áp sát theo sau…”

Nói đến đây, công chúa xin phép ngắt lời: “Xi Vưu vốn có bản lĩnh phi không thoát hiểm, vậy tại sao 72 người huynh đệ trước đây lại bị tiêu diệt?” Cốc Đế đáp: “Vì tình thế tại mỗi thời kỳ là không giống nhau, Xi Vưu ngày trước dù bại trận, song quân sĩ sống sót rất nhiều, thân làm chủ soái đâu thể gạt bỏ quần thần mà một mình đào tẩu, chỉ có thể liều mạng xả thân chống cự, vì vậy mới bị tiêu diệt. Hôm nay lực lượng vẻn vẹn còn chín người, họ lại có năng lực tẩu thoát, hà cớ gì mà không trốn chạy cơ chứ?” Công chúa nghe xong trầm ngâm im lặng. Cốc Đế tiếp tục câu chuyện:

“Đại binh kiên trì truy đuổi phía sau, ròng rã suốt ba ngày, đến bến Sơn Hải,  Ứng Long đã bắt được Xi Vưu Thị rồi, tuy nhiên dưới bốn móng vuốt là bốn người, vẫn còn năm người nữa không biết đã tháo chạy đến chốn nào. Nhận thấy bốn người dưới long trảo, tay chân vẫn còn cử động, chắc hẳn còn sống sót, Cao Tổ Hoàng Khảo liền hạ lệnh lấy ra vô số cùm gông, trói tay chân lại nhằm vô hiệu khả năng phản kháng. Trong lúc hạ nhân đang gông xích bè lũ Xi Vưu, Ứng Long lại tiếp tục bay vút lên không trung. Một thời gian sau đã quay trở về, dưới móng vuốt mang theo năm huynh đệ còn lại của Xi Vưu Thị, ném xuống đất. Mọi người trông thấy năm thi thể, huyết nhục lẫn lộn, tứ chi không còn toàn vẹn, chắc hẳn đã liều mạng với Ứng Long.

Cao Tổ Hoàng Khảo hết sức vui mừng, vậy là 81 huynh đệ Xi Vưu Thị đã tận số thiệt mạng. Sau đó ông cho gọi bốn kẻ sống sót tới, cùng các chư hầu tiến hành thẩm vấn điều tra, quở trách định tội, rồi lệnh cho hạ nhân đưa đi hành quyết, trảm đầu từng người từng người. Quân sĩ bốn phương căm phẫn tột độ, liền phanh thây thi thể bọn chúng, máu đổ thành dòng, hậu nhân vì vậy đã đặt cho địa phương này một cái tên là Giải, vùng phụ cận có một hồ chứa nước làm muối, mọi người tương truyền rằng chính là máu của Xi Vưu Thị ngưng đọng kết thành, song điều đó hoàn toàn không có căn cứ.

Sau khi xử trảm toàn bộ lực lượng Xi Vưu Thị, Cao Tổ Hoàng Khảo xét thấy Duyễn Châu là địa phương đã hứng chịu sự bức ép, chà đạp khốc liệt nhất, liền lệnh cho hạ nhân đưa chín thủ cấp truyền thị tại Duyễn Châu, nhằm trấn an lòng dân, sau đó tiến hành chôn cất, vì vậy địa phương này cũng có một mộ phần của Xi Vưu. Đây chính là câu chuyện lịch sử Huyền Nữ trợ giúp Cao Tổ Hoàng Khảo đánh bại Xi Vưu.

Chiểu theo câu chuyện này mà nhìn nhận, điều kiện thứ ba để thành tiên chẳng phải là đã đầy đủ vẹn toàn rồi hay sao? Về điều kiện thứ tư, Cao Tổ Hoàng Khảo đã có công chế tạo ra các loại khí cụ, mang đến lợi ích lớn lao cho bách tính muôn đời, việc thiện này, quả thực không chỉ dừng lại ở 1300 việc. Huống hồ cũng giống như Thiên Lôi, Kỳ Bá – những người đặt nền móng cho học thuật y dược, đúc kết nhiều cuốn sách y thuật như “Linh Khu”, “Tố Vấn”, lưu trữ bí mật thâm sâu trong thiên địa, giúp bách tính muôn đời giảm bớt thống khổ, tiêu trừ tai họa, việc thiện này đặc biệt to lớn! Bàn đến điều kiện thứ 5, bên cạnh sự truyền thụ của Huyền Nữ, sau đó đến Thanh Khâu, qua Phong Sơn, gặp gỡ Tử Phủ tiên sinh, nhận được Tam Hoàng nội văn, từ đó có khả năng hiệu triệu vạn thần; Từ phía nam đi đến Viên Lũng Âm Kiến Mộc, trèo lên quan sát trăm hang bách cốc, thu thập tinh hoa nhã càn, uống nước đan bí, nhờ vậy mà trường sinh bất lão. Theo hướng tây gặp được hoàng tử, thu nạp cửu gia. Lại đi qua động Đỉnh Hồ, bước lên Không Động Sơn, hỏi Quảng Thành Tử theo đại đạo, rồi thuận theo tự nhiên mà kinh qua. Từ phương bắc đến Hồng Đê, lên Từ Sơn, gặp gỡ Đại sứ quân Hoàng Cái đồng tử, nhận lấy thần chi đồ. Quay trở về núi Vương Ốc, đắc được thần đan kim quyết. Lại nhân kim cốc động, vấn đạo tại Hoạt Tử. Rồi đến núi Nga Mi, bái kiến Thiên hoàng chân nhân tại Ngọc Đường, kinh qua mọi phương pháp phục thực dẫn đường, mới có thể lĩnh hội hết thảy. Khanh xem Cao Tổ Hoàng Khảo đã bôn ba nếm trải biết bao nhiêu chặng đường gian nan thống khổ, có cơ duyên hội ngộ biết bao nhiêu danh sư, năm điều kiện hội tụ đủ đầy, mới có thể thành tiên, vô cùng khó khăn, Trẫm nào có thể đạt được cơ chứ! “

Công chúa chăm chú lắng nghe, dường như vẫn còn nhiều điều thắc mắc hoài nghi, bỗng Thường Nghi lên tiếng: “Hoàng đế vừa rồi nhấn mạnh rất nhiều lần về năng lực lướt đi nhanh như gió, biến mất trong nháy mắt, điều này là sự thật sao? Thiếp nghĩ khi một người đi bộ, cần dùng hai chân di chuyển, sao có thể nhanh như vậy chứ?” Cốc Đế đáp: “Đây gọi là đắc đạo, sau khi đắc đạo, mới có thể như vậy. Tự thân trong đó tồn tại điều huyền diệu, phàm nhân tục nhãn không thể biết được.

Ví dụ như kim chỉ nam mà trẫm vừa nhắc đến, khanh cũng từng có dịp được chiêm ngưỡng, hai cực từ tuy khoảng cách xa nhau mấy vạn dặm, bị non sông gỗ đá điệp trùng ngăn trở, kim la bàn nhỏ bé, lại có lực hút mạnh mẽ, đâu là lý do, khanh có thể lý giải được ko? Dùng vật gì để hình thành lực hút, khanh có thể nhìn thấy không? Đây chính là những điều huyền diệu mà ta không thể tưởng tượng được. Huyền Nữ, Tố Nữ vốn là hai vị thiên tiên, phi hành tuyệt tích, điều này khỏi cần bàn tới. Sau này Cao Tổ Hoàng Khảo đắc đạo, cũng có năng lực tương tự như vậy. Trong lúc tuần hành tứ hải, lệnh cho Phong Hậu phụ trách ghi chép, Thượng Bá Hà Kiếm tháp tùng theo sau, sáng du ngoạn Hoàn Lưu, chiều tà trở về Âm Phổ, di chuyển vạn dặm trong chớp mắt, há chẳng phải rất kỳ diệu sao? Quả thật có một số sự việc, há chẳng phải chân lý hay sao”.

Công chúa đang định mở lời hỏi thêm, song Cốc Đế ngăn lại: “Đã muộn rồi, đi ngủ thôi”. Vậy là từng người từng người liền trở về phòng ngơi nghỉ.

(Còn tiếp)

Theo Vision Times
Minh Ngọc biên dịch