Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp! Sau khi chúng tôi kể câu chuyện về phong thủy của Hồng Kông lần trước, mọi người đều thích và để lại lời nhắn khích lệ người Hồng Kông vượt qua bão tố. Cảm ơn tất cả!

Vì vậy, những gì chúng tôi sẽ kể hôm nay là câu chuyện phong thủy của đại lục. Bốn đại sự kiện phong thủy được lưu truyền rộng rãi nhất trên mạng là ngôi miếu Bắc Đỉnh Nương Nương, giếng Tỏa Long ở Bắc Tân Kiều, Trấn Thủy Thú ở Thành Đô và Cửu Long Trụ ở Thượng Hải.

Điều đầu tiên tôi muốn giới thiệu với các bạn là ngôi miếu Bắc Đỉnh Nương Nương, được mệnh danh là “Sử thượng tối ngưu đinh tử hộ” – chiếc đinh hộ móng cứng vững nhất trong lịch sử.

Ngôi miếu Bắc đỉnh Nương Nương nổi cuồng phong thổi bay hiện trường thi công Trung tâm thể thao nước quốc gia TQ Water Cube

Miếu Bắc Đỉnh Nương Nương là một trong ngũ tọa Thái Sơn Thần miếu nổi tiếng ở Bắc Kinh. Năm ngôi miếu Thần này thường được gọi là Ngũ Đỉnh, mỗi đỉnh nhằm hướng đông nam tây bắc, đối ứng với ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; là ngôi miếu đạo gia được xây dựng theo sắc lệnh của Hoàng gia Minh triều. Thời xưa, chùa chiền miếu mạo được xây dựng hết sức thận trọng, của Hoàng gia lại càng cẩn trọng, những địa điểm được chọn đều là phong thủy bảo địa đã qua ba lần khảo sát. Trong số ngũ tọa Thần miếu, Bắc đỉnh thuộc thủy, vì vậy đương niên khi chọn địa điểm Olympic, khối bảo địa miếu Nương Nương nghiễm nhiên trở thành địa điểm có một không hai cho Thủy Lập Phương (Water Cube) – trung tâm thể thao nước quốc gia Trung Quốc.

Về điều này, một số bạn bè có thể nói, Trung Cộng chẳng phải vô thần luận sao? Xây nhà còn bàn đến phong thủy, chẳng phải là mê tín dị đoan? Có lẽ là bạn chưa biết đó thôi.

Nói xa một chút, Quân Giải phóng Nhân dân tiến vào thành Bắc Kinh ngày 31/1/1949, nhưng Mao Trạch Đông tiến vào thành phố ngày nào? Ngày 9/9/1949! Tại sao lại mất nhiều thời gian vậy? Nghe nói ông ta đã đặc biệt thỉnh một vị lão đạo tính toán ngày cát tường. Vị lão đạo này đương thời cũng nói, vận mệnh của Mao Trạch Đông rất khác thường, tương khắc với các bậc đại đế vương trong lịch sử; do cố cung vương khí trọng, ông ta không thể nhập cung. Mao Trạch Đông bất ngờ rất nghe lời, chọn Trung Nam Hải để làm việc, tuy chỉ cách Tử Cấm Thành một bức tường nhưng cả đời ông ta cũng không dám tiến vào nửa bước. Là hữu ý đúng không?

Lại nói gần hơn, Thế vận hội Olympic Bắc Kinh khai mạc vào đúng 8 giờ tối ngày 8/8/2008. Giờ này chọn thế nào thì bạn khỏi cần bàn tới. Trong kỳ Thế vận hội này, Trung Quốc đã giành vị trí nhất bảng về số lượng huy chương vàng, được báo chí trong nước hết lời ca ngợi; trong số đó, có nhiều lời ca ngợi tuyệt giai phong thủy của Sân vận động tổ chim và Trung tâm thể thao nước có lợi cho Trung Quốc đoạt huy chương vàng. Chính phủ không đàn áp, cũng không bác bỏ những tin đồn mà chỉ mỉm cười đón nhận. Tin hay không, bạn sẽ biết sau khi tìm kiếm trên Internet.

Vì vậy, chuyện xây nhà trước tiên xem Phong Thủy, xuất hành trước tiên lật hoàng lịch – từ cổ chí kim đều giảng như vậy, chẳng qua tới Hồng triều (thời đại ĐCSTQ cai trị), thì nó trở thành giống như thứ “đặc sản”, chỉ có thủ trưởng mới được hưởng đặc quyền này.

Lại nói về câu chuyện ngôi miếu Bắc Đỉnh Nương Nương. Vào chiều ngày 27/8/2004, một số công nhân đã được phái đến miếu Nương Nương để thực hiện nhiệm vụ phá dỡ. Kết quả là, vừa tháo cổng miếu, đột nhiên trời đất tối sầm, một trận cuồng phong bắt đầu thổi điên cuồng. Vào thời điểm đó, phương tiện truyền thông nhà nước Tân Hoa Net đưa tin như sau: “Vào khoảng 15:10pm ngày 27, một luồng khí đối lưu mạnh đột phát xuất hiện tại thị trấn Âu Oa, quận Triều Dương, Bắc Kinh, tạo thành một cơn lốc xoáy cục bộ cực mạnh, cuốn sập ba công trình mới xây của công trường Trung tâm Du vịnh Quốc gia, làm 43 người bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng. Theo lý giải, hiện trường thi công lâm thời của Trung tâm Du vịnh Quốc gia được thiết kế để chống lại gió cấp bảy. Cơn cuồng phong đột ngột cục bộ vào khu vực này kéo dài khoảng 20 phút.”

Từ đoạn video trực tiếp khi đó, có thể thấy sức tàn phá của cơn lốc này thật đáng kinh ngạc. Cột gió cao bảy tám mét, dày ba bốn mét, khiến tấm tôn hàng rào bị cuộn lại cao đến chục mét bay lơ lửng trên công trường. Một khu nhà trọ của công nhân bị cuốn phăng và liệng xuống đất rất mạnh, toàn bộ mái của một tòa nhà văn phòng khác bị hất tung.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là ngôi miếu Nương Nương, chỉ được ngăn cách bởi một hàng rào khỏi khu vực công trường, lại không hề bị tổn hại. Xem đoạn video được thực hiện sau thảm họa, thì khu vực công trường xây dựng đã biến thành đống đổ nát và ngổn ngang trên khắp mặt đất. Nhưng mọi người hãy chú ý nhìn khu rừng phía sau hàng rào màu lam này, nó tươi tốt và không có dấu hiệu bị hư hại. Đó chính là lãnh địa của ngôi miếu Nương Nương. Những tòa nhà có thể chịu được cơn gió giật cấp 7 đều đổ rạp, nhưng cái cây nhỏ như cái chén bên cạnh vẫn đứng sừng sững ở đó. Quả là rất thần kỳ phải không?

Từ đó trở đi, không một công nhân nào dám bén mảng đến công trường này. Chủ thầu xây dựng cũng sợ hãi. Việc phá dỡ và di dời các công trình quốc gia do ĐCSTQ thúc đẩy nhìn chung đều khá thuận lợi. Những chiếc xe ủi đất ầm ầm lao tới, kẻ nào chống ta sẽ chết, kẻ nào chặn ta sẽ giết, và ngay cả những cây đinh rắn nhất cũng sẽ phải đầu hàng. Đây là lần đầu tiên nó gặp phải một thứ hung dữ như vậy. Những gì bị phá hủy hôm nay chỉ là lán làm việc, coi như một màn trừng phạt nhỏ; nếu còn không thu tay lại, ngày mai không biết mái nhà sẽ bị hất tung đi đâu.

Người ta nói rằng các quan chức chủ quản Thế vận hội cũng đã rất hoảng sợ; sau khi tham khảo ý kiến ​​của những người được gọi là “chuyên gia văn hóa dân gian”, họ quyết định giữ lại miếu Nương Nương, phân bổ kinh phí để trùng tu, đồng thời di chuyển Trung tâm Thể thao nước Thủy Lập Phương 100 mét về phía bắc. Tất nhiên, tuyên bố chính thức của quan chức là để bảo vệ các di tích văn hóa. Đây là một lập luận nghe có vẻ rất đường hoàng tử tế, nhưng khi suy nghĩ kỹ lại, người dân vẫn cảm thấy có điều gì đó bất đối kính, vì kể từ năm 1949, đã có vô số văn vật cấp bảo vật quốc gia đã bị phá hủy trong tay của ĐCSTQ, cái nào nó nói phá là phá, nó có bao giờ biết nhức nhối con tim, biết mềm lòng? Làm sao mà ngôi miếu nhỏ đổ nát này có thể trở thành đối tượng trọng điểm bảo hộ?

Ngôi miếu Bắc Đỉnh Nương Nương đã thành danh kể từ trận chiến đầu tiên, là cây đinh cứng rắn nhất, ổn tọa Thiên triều, duy hộ đệ nhất đế chế. Bây giờ nó đã được trùng tu lại mới, đứng uy nghi bên cạnh Thủy Lập Phương, tươi cười chào đón những khách hành hương từ mọi phương.

Vậy cây đinh rắn thứ hai tọa ở đâu? Tiếp theo, bạn phải biết đến “Giếng Tỏa Long” ở Bắc Tân Kiều.

Giếng Tỏa Long ở Bắc Tân Kiều, đường tàu điện ngầm phải vòng qua mà tránh

“Giếng Tỏa Long” cũng ở thành Bắc Kinh, nằm ở góc đông bắc của ngã tư Bắc Tân Kiều. Thành giếng buộc một sợi xích sắt lớn. Tương truyền dưới đáy giếng có hải nhãn, nước có thể thông tới biển lớn. Trong hải nhãn có một con Giao Long. Giao Long đương thời không phục Yên vương Chu Lệ tiến vào Bắc Kinh, muốn yểm thủy làm tràn ngập thành Bắc Kinh, kết quả bị Lưu Bá Ôn hàng phục, dùng một dây xích sắt lớn khóa nhốt nó trong giếng này. Người dân Bắc Kinh đời này sang đời khác tương truyền rằng giếng này không thể động tới; nếu động tới, Giao Long sẽ xuất thế, hút lũ về nhấn chìm thành Bắc Kinh.

Tuy nhiên, luôn có những người không tin, muốn động vào giếng. Đương thời khi người Nhật nghe nói đến chuyện này thì rất tò mò, muốn xem trong giếng có rồng hay không, nên cưỡng bức nhiều người kéo xích sắt trong giếng. Xích sắt còn chưa kéo lên tới đầu, mà nước đen bắt đầu trào ngược từ dưới lên trên, kèm theo tiếng nước chảy ầm ầm là mùi hôi thối bốc lên. Người Nhật kinh hãi nên vội thả xích sắt xuống giếng, đậy nắp cống lại và không bao giờ dám động vào nữa.

Vào thời Cách mạng Văn hóa, những Hồng vệ binh “phá tứ cựu” trẻ tuổi “không sợ trời không sợ đất” đã phá tới chiếc giếng cổ này. Có một vị đương thời đã tham gia, sau đó kể lại trải nghiệm cá nhân của bà ta. Nó tương tự như câu chuyện của người Nhật, nhưng cuối cùng bà ta sợ hãi đánh rơi cả dây chuyền mà bỏ chạy.

Sau nhiều biến thiên, một trung tâm mua sắm đã được xây dựng trên Giếng Tỏa Long; khi trung tâm mua sắm này hoàn thành thì giếng đã không còn tung ảnh, và mọi người dần dần lãng quên nó.

Mãi đến năm 2003, nó mới trở lại tầm nhìn của mọi người một lần nữa. Vào ngày 17/6, “Bắc Kinh Thanh niên báo” đăng một đoạn tin – “Đào được một giếng cổ trên đường số 5”. Bài báo cho biết, một giếng cổ được đào trên công trường phía đông bắc ngã tư Bắc Tân Kiều, đó có phải là giếng Tỏa Long huyền thoại hay không đang được cục di tích văn hóa xác minh. Công trường vì thế mà bị đình chỉ. Tin tức này đã được chuyển tiếp trên các trang web cổng thông tin lớn, dẫn đến náo động. Những người Bắc Kinh cao tuổi lần lượt nói: “Không thể động đến giếng Tỏa Long, động bất đắc!”

Sau đó, quả nhiên tàu điện ngầm phải đi đường vòng, không thể không thuận theo dư luận.

Trên thực tế, ngay từ năm 2001, “Bắc Kinh Nhật báo” đã đưa tin rằng giếng cổ Bắc Tân Kiều, còn được gọi là giếng Tỏa Long, nằm trong danh sách các di tích văn hóa được bảo vệ dọc theo đường tàu điện ngầm. Lúc đó, có hai phương án bảo vệ, “Một là thay đổi địa điểm nhà ga; hai là “mời” giếng cổ tiến vào nhà ga, khiến nó trở thành một phần của nhà ga”. Bài báo tiêu đề là “Tá trợ ngoại lực để đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà ga tàu điện ngầm”. Hiện tại trên mạng vẫn có thể tìm thấy bài báo.

Có vẻ như đối với giếng Tỏa Long, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã chuẩn bị từ lâu, thà tin vào điều đó mà đi đường vòng thay vì mạo hiểm giải phóng Giao Long. Hữu tiên kiến chi minh, họ đã biết trước như vậy, có lẽ trên tầng ra quyết sách có hồng vệ binh từng kéo xích sắt giếng Tỏa Long từ hồi đó sao?

Giếng Tỏa Long, chiến binh “không chiến mà khiến con người phải khuất phục” – xứng đáng với vị trí thứ hai trong số những cây đinh móng rắn nhất. Sau khi nói về hai đinh móng nổi tiếng này, chúng ta hãy cùng nhìn lại hậu quả của việc cưỡng chế phá dỡ là như thế nào.

Thành Đô Trấn Thủy Thú bị dỡ bỏ dẫn đến đại bạo vũ 

Đầu năm 2013, tại công trường xây dựng Đại Kịch viện Tứ Xuyên ở trung tâm Thành Đô, đã đào được một con tê giác đá có hàm thái biểu cảm thân thiện. Các nhà khảo cổ tin rằng nó ít nhất là một vật phẩm có từ trước thời Đông Hán.

Theo ghi chép trong “Thục Vương bổn ký” được truyền từ thời cổ Thục quốc, Thái thú Lý Băng trên Thục địa của Tần triều khi xây dựng Đô Giang Yển, ông đã hạ lệnh chế năm con tê giác đá làm Trấn Thủy Thú. Các linh vật được đặt chính xác ở các vị trí khác nhau theo những cách khác nhau để tạo thành một “Thần thủ Phong Thủy trận” để ngăn lũ lụt. Do đó, một số nhà sử học tin rằng những gì được đào lên có lẽ là một trong những Thần thú huyền thoại.

Khi đó, nhiều người cho rằng, không thể động vào Trấn Thủy Thú của Lý Băng, nhưng chính quyền cố tình phớt lờ chuyện này. Tê giác đá bị trói và kéo vào bảo tàng để trưng bày. Thần thú bị đào lên, trận đồ Phong Thủy chẳng phải sẽ bị phá vỡ sao? Quả nhiên như vậy, vào tháng Bảy năm đó, đã có những trận mưa xối xả và lũ lụt lớn ở Tứ Xuyên, 90 vạn người bị ảnh hưởng, và hơn một chục cây cầu bị sập cùng ngày. Người dân Thành Đô hô hào đưa linh thú trở lại nhưng không ai lĩnh hội.

Những năm sau đó, Tứ Xuyên luôn mưa rất nhiều. Năm 2018, Tứ Xuyên hứng chịu một trận mưa lớn khác. Một người dân nhiệt huyết đề xuất với thị trưởng Thành Đô “đưa tê giác đá từ bảo tàng hồi về nguyên vị”. Chính quyền thành phố đã đăng bức thư lên Internet kèm theo lời hồi đáp, và không có gì ngạc nhiên, câu trả lời đó là “không”. Không ngờ, nội dung bức thư lại được truyền bá rộng rãi trong cư dân mạng ở Tứ Xuyên cùng với cơn mưa xối xả.

Kết quả bạn đoán xem? Tê giác đương nhiên không được hồi khứ, nhưng người phát tin là cô Dương đã bị trừng phạt vô tội vạ. Vào ngày 11/7, Weibo chính thức của đồn cảnh sát địa phương “Bình An Thanh Dương” đã phát hành một thông báo nói rằng cô Dương đã bị phạt hành chính vì tung tin đồn trên Internet rằng “Trấn Thủy Thú đã bị đào lên gây ra mưa lớn ở Thành Đô trong nhiều năm”. Cư dân mạng càng phẫn nộ hơn. Chính quyền thành phố Thành Đô đã đăng công khai bức thư, cuối cùng thì ai đang tung tin đồn thất thiệt?

Cứ như vậy, sự kiện Thành Đô Trấn Thủy Thú lại càng lên men trên mạng, khiến ngày càng nhiều người biết đến, nhất cử chen vào danh sách tứ đại sự kiện Phong Thủy của Trung Quốc.

Thượng Hải Cửu Long Trụ khiến pháp sư đuổi rồng mất mạng

Vì vậy, điều tiếp theo tôi muốn nói với bạn là vị trí cuối cùng trong danh sách này, Thượng Hải Cửu Long Trụ.

Cửu Long Trụ nằm ở cầu vượt đường Diên An, Thượng Hải, đường kính khoảng 5m, thân được bọc bằng thép trắng, trên dưới đều có khảm rồng vàng (kim long).

Người ta đồn rằng vào năm 1995, khi đang làm móng cầu vượt, cọc móng “PM109” không thể đóng được sau 10 tháng thi công, ban ngày bị đóng xuống, thì đến sáng nó lại nổi lên, dùng bất kỳ biện pháp nào cũng không đóng được. Đến lúc sơn cùng thủy tận, thì Chân Thiền Pháp sư, trụ trì chùa Phật Ngọc, đã nhận lời giúp đỡ. Lão pháp sư kể rằng có một con rồng ở dưới cây cọc, ông làm pháp sự trong vài ngày để đuổi con rồng đi. Sau đó, cọc đã được hạ xuống thuận lợi. Sau đó, con rồng màu vàng trên nền thép bạc quấn bên ngoài cây cột cũng được khảm lên theo lệnh bài của lão pháp sư.

Không lâu sau, vị chân thiền Pháp sư đột nhiên viên tịch. Dân gian nói rằng con rồng trụ tại đó là có nhiệm vụ, lão pháp sư đã đuổi con rồng và đả loạn an bài của Thiên Thượng, nên cuối cùng chỉ có thể dùng mạng mà đền. Tất nhiên, tuyên bố chính thức là bị một cơn đau tim đột ngột. Chùa Phật Ngọc sau này đã in tập sách nhỏ này để khách hành hương tưởng niệm vị Chân Thiền Pháp sư, trong đó ghi chép lại việc làm pháp sự cho rồng trụ. Vì vậy, mà việc này đã lan truyền trong công chúng.

Sau đó, chính quyền đã đứng ra bác bỏ tin đồn, cho rằng việc không thể đóng cọc lúc đầu là vấn đề kỹ thuật và không liên quan gì đến con rồng. Kim long chỉ là một vật trang trí. Tuy nhiên, thị dân Thượng Hải không dễ bị lừa, vì có quá nhiều người biết sự việc này. Có người nói ở Thượng Hải có rất nhiều trụ cầu vượt, tại sao lại chỉ trang trí cái trụ này? Một số khác lại cho rằng rất đơn giản để xóa tan tin đồn, hãy thử dỡ bỏ con rồng vàng trên nền thép bạc trên cây cột và thay thế nó bằng một thứ khác. Hãy để sự thật tự nó lên tiếng.

Vì vậy, nếu bạn đến Thượng Hải vào một ngày nào đó và hỏi người dân địa phương về câu chuyện liên quan đến Kim Long Trụ, tám chín phần mười khả năng bạn sẽ nghe thấy một phiên bản của câu chuyện pháp sư đuổi rồng.

Chà, bốn sự kiện đại Phong Thủy ở đại lục sẽ dừng lại ở đây hôm nay. Nếu bạn có bất kỳ suy nghĩ nào, hãy để lại bình luận bên dưới để cùng thảo luận nhé.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch