Sau khi con trai Hậu Thổ bỏ đi, Cộng Công vẫn tin vào lời của Phù Du, đại tu vũ khí, thi thoảng tiến đánh các nước xung quanh. Chư hầu láng giềng sợ ông ta, không thể không miễn cưỡng nghe theo hiệu lệnh. Vì thế mà Cộng Công có sức mạnh khống chế tình hình Cửu Châu. Một hôm Cộng Công nhận được tin tức từ phương xa báo về, rằng Thiếu Hạo Đế băng hà, ông tỏ ra vô cùng mừng rỡ, trong lòng thầm nghĩ, đế vị này ngoài ông ta ra thì không ai dám ngồi lên. 

Thế nhưng sau một thời gian không thấy các chư hầu tiến cử mình, ông ta trong lòng không khỏi nghi hoặc nên đã sai người đi thám thính. Cộng Công không ngờ rằng Thiếu Hạo đế đã lập cháu của mình là Chuyên Húc kế thừa ngôi vị đế vương, đồng thời thiết lập kinh đô ở Đế Khâu. 

Biết được tin, Cộng Công không khỏi tức giận, lập tức truyền gọi Phù Du tới bàn việc. 

Phù Du nói: “Nếu Chuyên Húc đã lên ngôi, như vậy thì chúng ta phải nhanh chóng khởi binh đánh tới, thời điểm này hắn sẽ không thể chống cự được. Bởi vì hắn vừa mới lên ngôi, lòng dân tất nhiên chưa thể quy phục hoàn toàn, huống hồ tâm tình đang cao hứng, lại thêm việc xây dựng kinh đô mới, dân chúng sẽ không hoàn toàn gắn bó với hắn. Hơn nữa, khi hắn đang cao hứng xây dựng kinh đô mới, tuyệt đối không ngờ chúng ta tấn công mà phòng bị trước. Nghe nói Chuyên Húc còn rất trẻ, mới 20 tuổi, đã có thể soán đoạt ngôi vị lớn này. Khi đôi cánh của hắn được thiết lập vững chắc thì sẽ không dễ lung lay nữa”. 

Cộng Công hỏi: “Chúng ta nên tấn công theo hướng nào?”

Phù Du trả lời: “Hiện tại, Chuyên Húc đang tập trung dựng lập kinh đô Đế Khâu, như vậy thì nhất định hắn sẽ chuyển châu báu và vũ khí đến đó. Chúng ta sẽ đi theo con đường vận chuyển này mà tấn công. Thứ nhất là không phải đi đường vòng. Thứ hai là chúng ta có thể lấy được binh khí quan trọng của hắn. Như vậy chẳng phải quá tốt sao! Cho dù không lấy được binh khí, nhưng nếu hắn nghe được tin binh khí của mình bị đoạt nhất định sẽ sợ hãi thất kinh. Đây gọi là ‘Tin báo đoạt tinh thần’. Hay như vậy đấy. Đại vương nghĩ thế nào?” 

Cộng Công nghe xong tỏ ra vô cùng vui mừng, liền lập tức hạ lệnh, kêu gọi binh sĩ cả nước chuẩn bị khởi binh, hạn trong vòng 22 ngày sẽ tới được Đế Khâu. 

Còn về phía Chuyển Húc Đế thì sao? Bởi vì Chuyên Húc vốn là một vị quân chủ phi thường, từ năm 15 tuổi đã phò tá Thiếu Hạo, sớm đã nắm được cục diện ở các nơi, cho nên âm mưu của Cộng Công như thế nào ông cũng biết từ lâu, đương nhiên sẽ có chuẩn bị phương án phòng bị. Lần này, khi vừa lên ngôi xong, ông đã mời 5 vị thầy đến thương nghị. 5 vị thầy của ông là Đại Khoản, Xích Dân, Bách Lượng Phụ, Bách Di Phụ và Lục Đồ. Họ đều là những người có học thức uyên bác.

Hôm đó, Chuyên Húc đế hỏi: “Tình hình Cộng Công âm mưu làm loạn, chúng ta sớm đã biết tin, cũng có chuẩn bị trước, thế nhưng vẫn chưa có chứng cứ xác thực để ban lệnh rộng khắp. Hiện tại Thiếu Hạo đế vừa mới băng hà, trẫm cũng vừa lên ngôi, kinh đô mới Đế Khâu lại gần với Ký Châu, vạn nhất họ đánh tới, chúng ta sẽ ứng đối thế nào? Nhất thời trẫm chưa đưa ra được sách lược, cho nên muốn thỉnh mời chư vị lão sư tới để thương lượng bàn bạc”.

Bách Di Phụ nói: “Nói về binh pháp, đương nhiên cần phải đánh đòn phủ đầu. Thế nhưng, hiện tại âm mưu phản nghịch của Cộng Công vẫn chưa nổi rõ, giả sử chúng ta khởi binh trước, sợ rằng sẽ trở thành tên đầu sỏ gây chiến, vô cùng không thích hợp. Huống hồ hoàng đế mới lên ngôi, mọi việc chưa xử lý xong, nếu dụng binh thì cũng tạo nên danh tiếng không tốt, cho nên chúng ta nên chờ hắn đến đây đi”

Xích Dân cũng nói: “Di Phụ nói như vậy đúng lắm. Ta nghĩ, Cộng Công xuất binh cũng phải vài tháng mới đến được đây. Chúng ta không nên trở thành kẻ đầu sỏ gây chiến”.     

Chuyên Húc đế lại hỏi: “Như vậy thì kinh đô mới phải làm sao?” 

Xích Dân đáp: “Kinh đô mới đang được xây dựng, mọi thứ cần vận chuyển đến đó một cách từ từ. Thứ nhất là công việc xây dựng bên đó chưa xong, không thể cố thủ; thứ hai là địa thế của Đế Khâu ở gần Hoàng Trạch, không thuận lợi cho ứng chiến, tốt nhất là để hắn đánh tới đây, khi đó chúng ta lấy bình khỏe đánh kẻ mệt mỏi, chỉ một trận là có thể bình định. Chư vị thấy thế nào?”

Ý tưởng mọi người đưa ra đều là cao kiến. Lục Đồ nói: “Theo dự liệu của ta, Cộng Công nhất định sẽ tấn công Đế Khâu trước, lấy được Đế Khâu rồi hắn sẽ nhanh chóng đưa quân tới đây. Bên này gần với Hà Trạch, thủy công là thế mạnh của Cộng Công, chúng ta cần phải cẩn thận”

Chuyên Húc đế nói: “Về phần này, trẫm sớm đã mệnh cho sư muội Thủy Chính Huyền Minh đi chuẩn bị rồi, có thể không cần phải lo lắng”

Bách Lượng Phụ nói: “Ta nghĩ, từ Đế Khâu đến nơi này cần phải đi qua 2 con đường, một là quanh Hà Trạch hướng về phía Bắc, một nữa là quanh Hà Trạch hướng tới phía Nam. Đến lúc đó phải ứng phó thế nào, chúng ta nên đưa ra những quyết sách trước”

Đại Khoản nói: “Ta nhìn thấy ở phía Bắc toàn là đất đồng bằng, dễ công mà khó thủ; ở vùng đất phía Nam thì hướng đông là đồi núi và hướng tây là Hà Trạch, ở giữa chỉ có một cửa ải, dễ thủ mà khó công. Theo lẽ thường thì địch sẽ không chọn, họ sẽ tấn công tới từ phía Bắc. Thế nhưng ta biết Phù Du là người quỷ kế đa đoan, ứng biến liên tục, nói không chừng sẽ từ phía nam đánh tới, tấn công vào chỗ phòng bị lỏng lẻo của chúng ta. Chúng ta cần phải cẩn thận”.  

Xích Dân tiếp lời: “Tài của người dùng binh là luôn có lo liệu trước. Hiện tại, dân chúng của ta có thể nói là người người đều quên mình phục vụ đất nước, không thiếu người góp sức, chúng ta cần phải phòng bị cả hai hướng thật tốt”. 

Bách Lượng Phu nói: “Đây cũng là lẽ tất nhiên, nếu họ tấn công từ phía Bắc, chúng ta sẽ bày trận ở nam Vấn Thủy, chờ một nửa người của họ tiến vào mới bắt đầu công kích, đây cũng là một loại binh pháp. Nếu như họ tấn công từ hướng Nam tới, chúng ta đưa chúng vào cửa ải, dụ địch vào núi, bao vây các hướng mà đồng loạt tấn công, tự nhiên có thể toàn thắng rồi”

Trong lúc mọi người đang cùng nhau bàn bạc thì trên vách nhà bỗng xuất hiện hai luồng ánh sáng lạnh, giống như sắc trắng cầu vồng, bay thẳng theo hướng bắc, thoáng chốc đã lại trở về. Mọi người đều cảm thấy giống như bị đánh bất bất ngờ vậy, lấy làm kinh hãi. Nhìn kỹ thì hóa ra là hai thanh kiếm treo bên tường đã bất ngờ lao ra khỏi bao đựng. Chuyên Húc đế vốn có 2 thanh bảo kiếm, một thanh là Đẳng Không, một thanh là Họa Ảnh, cũng gọi là Duệ Ảnh, là bảo vật thông linh. Nếu như 4 phía có binh dấy khởi, nếu hai thanh kiếm này cùng chỉ về một hướng thì phương đó sẽ giành thắng lợi. Khi ở trong bao, hai thanh kiếm này thường phát ra âm thanh của rồng ngâm hổ gầm, đúng là thần vật. Lần này bỗng nhiên nó xuất ra khỏi bao đựng, cùng phi về hướng bắc, như vậy thì nhất định sẽ đánh thắng Cộng Công rồi. Tất cả mọi người nhìn thấy ai nấy đều vui mừng. 

Bách Di Phụ hướng đến Chuyên Húc nói: “Lần trước ta có tiến cử một hiền tài, hôm qua đã đến nơi, ta có nên gọi người này tới không?” Chuyên Húc đáp: “Trẫm rất muốn gặp người này”. Bách Di Phụ lập tức cho mời nhân tài mà ông tiến cử tới. Một lúc sau người này đến hướng về phía Chuyên Húc mà hành lễ. Chuyên Húc vừa nhìn đã phát hiện người đó có đôi tai to, thân cao lớn, cánh tay vượn, tay trái dường như dài khác lạ, thực đúng là vóc dáng đường đường, tuổi đời cũng không quá 20, liền hỏi: “Ngươi tên là Nghệ sao?” Nghệ gật đầu nói: “Vâng!” Chuyên Húc lại hỏi: “Trẫm bởi vì Di Phụ tiến cử người, nói rằng ngươi rất giỏi bắn tên, cho nên đoán rằng ngươi vô cùng tinh minh. Trước đây Trẫm nghĩ bắn cung là việc của đàn ông nên cũng rất chịu khó luyện tập, thế nhưng không phải lúc nào cũng thu được kết quả tốt. Rốt cuộc có bí quyết gì để có thể làm được bách phát bách trúng?” 

Nghệ trả lời: “Bí quyết đương nhiên là có. Thần từng nghe thầy của mình kể rằng trước có một người tên là Cam Dăng, kỹ thuật bắn tên thực sự thần diệu, chẳng những bách phát bách trúng mà còn chưa cần bắn, mới chỉ dương cung kéo căng mà các loại thú liền chạy nấp không dám động, chim thú liền lập tức ngã xuống, chẳng phải là đạt đến mức độ thần bí sao? Thế nhưng ông ấy lại không truyền thụ lại bí quyết này. Về sau, ông ấy có một đệ tử, tên là Phi Vệ, cũng giỏi bắn cung. Có người nói rằng kỹ thuật bắn cung của người đó cũng xảo diệu tương đương với Cam Dăng. Chuyện này có xác thực hay không thì thần cũng không rõ, thế nhưng người này lại có bí quyết truyền thụ lại.

Phi Vệ có một đệ tử tên là Kỷ Xương, một hôm có tới hỏi ông bí quyết. Phi Vệ hỏi: ‘Ngươi muốn học bắn cung sao? Trước khi muốn học mắt phải làm được không chớp”. Kỷ Xương nghe xong rất muốn học, tuy nhiên làm được không chớp mắt quả rất khó, cho dù như thế nào thì mắt đều muốn chớp. Kỷ Xương trở nên tức giận chạy đến chỗ vợ đang ngủ dệt vải, hai mí mắt đụng phải máy dệt, vợ ông bắt đầu khởi động dệt, hai mắt cứ thế mở trừng trừng nhìn suốt mấy tháng, thế là công phu không chớp mắt ông đã học được.

Lúc này ông liền chạy tới hỏi Phi Vệ bí quyết: “Còn phải học kỹ thuật gì nữa không ạ?’ Phi Vệ nói: “Từ nay ngươi cần học nhìn cho tốt, đem nhìn vật cực nhỏ biến thành cực lớn, vật nhìn không rõ đem nhìn được rõ, vậy sau mới học bắn”. Vừa nghe xong lời này, Kỷ Xương liền nghĩ ra một biện pháp, về nhà bắt một con rận, dùng chiếc lông mao thật nhỏ thật nhỏ buộc con rận rồi treo lên cửa sổ, sau đó luyện nhìn mỗi ngày. Lúc đầu nhìn không rõ ràng nhưng dần dần thấy con rận to lên. Lấy khúc gỗ lớn bằng vành xe và xương trán của chim yến làm cung, rồi dùng ngọn cỏ bông làm mũi tên mà bắn con rận, vừa bắn trúng con rận mà sợi lông mao nhỏ chỉ đung đưa chứ không đứt. Kỷ Xương vui mừng. Từ đó về sau ông nhìn vật dù lớn hay nhỏ cũng đều to như núi lớn vậy, cho nên bắn không sót. Đây là bí quyết truyền lại”.

Chuyên Húc nghe xong gật đầu nói: “Cái này theo như lời cổ nhân nói thì chính là đạo lý ‘không phân tâm, ngưng tụ ở thần’. Người có thể vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thật là không thể nghĩ bàn, nhưng mà không biết sự nghiệp của người này về sau ra sao? Liệu có một phương pháp khác để truyền dạy cho đệ tử hay không?” 

Nghệ nói: “Nói về Kỷ Xương, ông ta thật đúng là người vong ân phụ nghĩa! Nếu như ông ta được Phi Vệ truyền thụ, theo lý thì hẳn là cần cảm kích Phi Vệ, nào ngờ ông ta chẳng những không cảm ơn mà ngược lại còn định giết chết Phi Vệ. Một hôm, hai thầy trò hẹn gặp ở bên ngoài thành, nhân lúc Phi Vệ không đề phòng, Kỷ Xương bắn mũi tên hướng đến Phi Vệ, Phi Vệ vô cùng kinh hãi né sang một bên, hơn nữa còn tưởng Kỷ Xương bắn nhầm hướng. Thế nhưng Kỷ Xương lại cầm lên mũi tên thứ 2 chính diện bắn tới Phi Vệ lần nữa, lúc này Phi Vệ mới biết Kỷ Xương có tâm mưu hại. Phi Vệ lập tức rút mũi tên ra bắn trả. Phi Vệ cố ý cho Kỷ Xương thấy bản lĩnh thật sự của mình, hai mũi tên bay vừa đúng chạm vào nhau cùng rơi xuống đất, bụi lần lượt bay lên. Sau đó các mũi tên bắn tới đều là như vậy, người xem hai bên đều thấy ngây người.

Về sau, vì Phi Vệ có ít mũi tên, khi vừa hết thì Kỷ Xương vừa vặn còn một cái, mọi người trông thấy đều lo lắng cho Phi Vệ, chỉ thấy Phi Vệ tiện tay bứt sợi cỏ bên đường, chờ mũi tên của Kỷ Xương bắn tới, ông dùng sợi cỏ này bắn trả khiến cho sợi cỏ và mũi tên cùng rơi xuống đất. Người xem hai bên lúc này đều hò reo. Kỷ Xương nhất thời thấy xấu hổ, vứt cây cung đi mà nhạy đến trước mặt Phi Vệ rồi quỳ xuống, khóc lóc ăn năn, xin từ đó về sau đối đãi với Phi Vệ như cha mình, không dám nảy sinh ác niệm lần nữa, đồng thời còn cứa tay lấy máu lập lời thề. Phi Vệ thấy Kỷ Xương như vậy liền tha chết, không tính toán gì nữa. Ngài nghĩ xem, Kỷ Xương chẳng phải là người vô cùng phong ân phụ nghĩa sao?”

Sau khi Chuyên Húc và Tương Di Phụ nghe xong, họ đều nói: “Thiên hạ này lại có người mà lương tâm mê muội như vậy, thật đáng ghê tởm! Thực sự lúc đó Phi Vệ không nên tha cho hắn”

Chuyên Húc lại hỏi Nghệ: “Thầy của ngươi là ai? Hiện đang ở đâu? Bản lĩnh của ông ấy thế nào?” 

Nghệ thưa: “Thầy dạy của hạ thần tên là Hồ Phụ, người Kinh Sơn, vốn là cháu của Hoàng Đế. Từ nhỏ ông đã thích cung tiễn, thực sự là tài năng bẩm sinh, không có thầy dạy. Ông ở Kinh Sơn chuyên sống bằng nghề săn bắn, tất cả chim bay cá nhảy, chỉ cần ông hướng mũi tên đến thì chúng đều không thể thoát. Bản lĩnh của thần so với đời trước quả là có cách biệt một trời một vực”.

Chuyên Húc lại hỏi: “Hiện tại đang là lúc dùng người, nếu sư phụ của ngươi có tuyệt kỹ như vậy, liệu ông ấy có nguyện ý ra tay trợ giúp trẫm không?”

Nghệ nói: “Khi thầy của hạ thần còn ở trong bụng mẹ thì cha của ông đã qua đời. Ngay khi ông mới chào đời thì mẫu thân cũng mất. Sư phụ của thần không gặp được phụ mẫu thân sinh nên mỗi ngày đều cảm thấy thống khổ, thật sự có thể nói là ôm hận cả đời. Sư phụ của thần thường nói rằng, tình nguyện sống trọn đời ở chốn sơn lâm, nhất quyết không muốn tới hưởng vinh hoa phú quý chốn nhân gian. Cho nên, dù là Đế có cho mời thì ông cũng sẽ không đến”. 

Chuyên Húc nghe xong không khỏi thở dài, nói với Nghệ: “Hiện tại Cộng Công đang có mưu đồ làm loạn, trẫm mong ngươi chỉ huy quân lính, tiên phong đánh dẹp, ngươi có nguyện ý không?” 

Nghệ đứng dậy đáp: “Thần sẽ tận hết khả năng”. Chuyên Húc vô cùng vui mừng, liền ban cho Nghệ một chức quan. 

Nghệ chắp tay vâng mệnh. Chuyên Húc hỏi tiếp: “Việc Cộng Công thị âm mưu làm loạn không phải ngày một ngày hai. Quân lính của chúng cũng đã được thao luyện trong một thời gian dài, binh sĩ kiên định, vũ khí lợi hại, hơn nữa họ còn chế ra một loại áo giáp mà đao kiếm không thể chọc thủng trong thời gian ngắn, ngươi xem có cách gì để đả thương quân địch không?” 

Nghệ nói: “Áo giáp tuy kiên cố nhưng không thể che lấp toàn thân. Thần sẽ huấn luyện thuộc hạ tập trung đả thương phần mắt của chúng, như vậy thì sẽ có thể thắng được. Hơn nữa, thần còn có một phương thuốc, xin các thầy thuốc điều chế, khi lâm trận, quân sĩ đeo bên người thì quân địch không thể tiến lại gần, như vậy cũng có thể thắng”

Chuyên Húc nghe xong kinh ngạc nói: “Lại có một phương thuốc kỳ lạ như vậy sao? Ai đã phát minh ra nó, ngươi có biết không?” 

Nghệ thưa: “Nghe nói là Vu Thành Tử nghiên cứu ra”. Chuyên Húc nói: “Nghe nói Vu Thành Tử là người sống vào thời Hoàng Đế, hình như vẫn còn sống, nhưng không chắc chắn. Ngươi có biết tin gì mới về Vu Thành Tử  không?” Nghệ nói: “Không ạ! Là một người ở ẩn truyền thụ lại cho thần. Thế nhưng, thật sự là Vu Thành Tử vẫn còn sống, tuy nhiên ông ấy là một người tu luyện, chuyên vân du tứ hải, hiện không biết đang ở phương nào”. 

Nói xong, Nghệ lấy phương thuốc từ trên người ra rồi đưa cho Chuyên Húc. Sau khi xem qua, Chuyên Húc đế thấy trên đó viết: 1 lạng đom đóm, 1 lạng mũi tên lông vũ, 1 lạng cây gai, 2 lạng tinh chất hùng hoàng. 

2 lạng thư hoàng, 2 nửa đầu sừng dê, 2 lạng phèn sống, một hoặc hai nửa sừng cừu đực, 2 lạng phèn chua, 2 nửa cái thiết chùy.

Đối với tám vị thuốc ở trên, dùng gà vàng, một cái mào gà trống đem giã nghìn cái rồi viên thành giống như quả hạnh nhân, sau đó lại tạo thành hình tam giác, bỏ 5 cái vào chiếc túi màu đỏ. Dùng nó buộc vào đai lưng để giảm bị thương do đao kiếm. 

Chuyên Húc nhìn thấy không khỏi vui mừng khôn xiết, liền truyền lại cho năm vị sư phụ, sau đó sai người đi mua dược liệu, bí mật bào chế theo đơn. Một mặt, ông hạ lệnh, điều binh, bố trí tất cả để chờ Cộng Công đánh tới.

Lại nói đến Cộng Công và Phù Du dẫn theo toàn quân trong vòng 20 ngày đã tiến tới Đế Khâu. Tuy nhiên nơi đây chỉ có công nhân làm việc, họ nhìn thấy quân lính của Cộng Công đánh tới thì liền chạy trốn về hướng đông, một binh sĩ nghênh địch cũng không thấy. Cộng Công cười ha ha, quay sang nói với Phù Du: “Quả nhiên không ngoài dự liệu của ngươi, bọn họ đúng là hoàn toàn không có phòng bị gì”

Phù Du nói: “Sau khi những người này bỏ trốn chạy về, họ nhất định biết và đề phòng. Chúng ta nên hỏa tốc tấn công, khiến họ không kịp phòng bị, mới có thể không đánh mà thắng”. Cộng Công nói: “Đúng thế”. Vì vậy Cộng Công lập tức đưa quân tiến đánh về phía trước. 

Phù Du lại nói: “Từ Từ đã! Từ đây đến Khúc Phụ, ta biết có hai con đường. Một đi về phía bắc vòng quanh Hà Trạch, đó là con đường chính mà những người đó vừa bỏ chạy, và một đi quanh Hà Trạch về phía nam, là một con đường nhỏ, nhưng nó được bao quanh bởi một bên là núi và một bên là nước, và chỉ có một cửa ải ở giữa, địa thế vô cùng hiểm yếu. Chiếu theo binh pháp thì nơi này quân phòng thủ của địch sẽ ít và khu vực đồng bằng quân phòng thủ sẽ nhiều. Theo ta nghĩ thì quân địch sẽ phòng thủ nhiều ở đồng bằng mà mỏng ở cửa ải, hơn nữa những người vừa rồi bỏ chạy, họ hướng về vùng đồng bằng, Chuyên Húc nhất định sẽ cho rằng chúng ta sẽ tấn công tới từ vùng đồng bằng. Hiện tại chúng ta nên tiến đánh qua hướng cửa ải, binh pháp gọi là ‘đánh bất ngờ, tấn công chỗ không phòng bị’, chính là cách đánh này. Đại vương nghĩ như thế nào?”

Cộng Công nghe xong khen ngợi hết lời nói: “Ngươi quen thuộc địa hình và binh pháp như vậy, lo gì không phá được Chuyên Húc chứ!” Thế là Cộng Công đã ra lệnh cho một nhóm nhỏ binh lính vẫy cờ hò hét, giống như muốn tiến đánh từ vùng đồng bằng, mặt khác lại đưa lượng lớn quân tiến đánh theo đường núi nhỏ. Qua mấy ngày, quân lính của Cộng Công cũng đến được cửa ải, thấy quân lính canh gác phía trước nhưng số lượng không nhiều. Phù Du liền truyền lệnh: “Đội quân cung tiễn lên tuyến đầu, đội cầm kích theo sau, đội đánh cận chiến sau cùng. Anh dũng tiến tới, cần phải chiếm được đoạn đèo thì này thì mới được ăn cơm”. 

Binh sĩ quả nhiên đều tranh tiến lên trước, dũng mãnh vô cùng. Quân của Chuyên Húc đánh không lại phải lùi về phía sau chiếm lấy cửa ải. Sắc trời đã tối, Cộng Công liền cho binh nghỉ ngơi ở chân núi, một mặt thương lượng cùng Phù Du, hết lời tán dương khả năng dùng binh kỳ diệu của hắn. Bỗng nhiên có mấy người đưa tin tới: “Ở núi đối diện có rất nhiều ánh sáng lửa, chỉ e quân địch đã đến để tập kích, chúng ta không thể không đề phòng”.

Cộng Công và Phù Du đi ra nhìn thì quả nhiên có rất nhiều hỏa quang lóe ra di chuyển không cố định. Phù Du cười nói: “Đây là giả, giả vờ nghi binh, cũng không phải là đột kích chúng ta. Nếu đột kích thì sao lại dùng lửa chứ? Lẽ nào không sợ chúng ta có phòng bị sao!” Cộng Công nghe xong ngẫm nghĩ thấy không sai, liền hỏi lại: “Vậy thì tại sao họ lại thiết kế nghi binh kiểu này?” Phù Du nói: “Có lẽ đại binh của họ đều đóng quân ở phương Bắc, ở đây quân mỏng ít, sợ chúng ta thừa cơ tấn công, cho nên mới nghi binh, khiến cho quân ta không dám khinh thường mà tấn công. Có lẽ là ý tứ này”. Cộng Công nghe xong cũng tỏ vẻ đồng thuận với kiến giải này.

Đêm hôm đó, quả nhiên Chuyên Húc không đưa quân tập kích, Cộng Công nghe có vẻ rất yên tâm. Đến ngày hôm sau, trên đường chỉ thấy bách tính trốn tránh, không thấy một binh sĩ nào. Khi đi được một đoạn, xa xa trông thấy trong rừng núi có tinh kỳ lay động, hơn nữa còn có binh lính. Cộng Công sai lính bắn cung vào binh sĩ. Không ngờ tên bắn xuyên qua mà người vẫn đứng yên không động đậy. Cộng Công rất lấy làm nghi ngờ, truyền lệnh cho quân xung phong. Binh sĩ của Cộng Công hò hét tiến công, khi đến gần mới biết đó toàn là người rơm. Cộng Công liền lập tức hỏi Phù Du: “Quân lính của hắn trống không, hiện tại quan sát tình hình tuyệt không sai, chúng ta đúng là có thể tấn công đánh tới rồi”.

Lời còn chưa dứt thì đột nhiên ở núi phía trước phát ra tiếng la hét nối tiếp nhau, tiếp đến là thấy tiễn vọt tới khiến cho rất nhiều binh sĩ bị thương, trong tích tắc đội quân đã loạn trận. Cộng Công đang muốn chỉnh lý lại quân binh thì thấy quân mai phục của Chuyên Húc ào ào đổ ra từ tứ phía vây khốn quân của Cộng Công chỉ trong thời gian ngắn. Cộng Công hạ lệnh cho quân cung tiễn bắn vào quân của Chuyên Húc, nhưng kỳ lạ là tên chưa bắn tới thì đã rơi xuống đất. Binh sĩ của Cộng Công thấy vậy liền hoảng hốt, không hiểu nguyên do vì sao, cũng không ngăn nổi những mũi tên của quân địch bắn tới, khiến cho bị thương hơn một nửa. Đến lúc này Cộng Công mới biết được quân của y không thể đánh thắng, liền truyền lệnh lui binh, dẫn quân lui về theo đường cũ, quân sĩ chết và bị thương không ít. Vừa quay lại cửa ải thì thấy bốn bề đều có quân mai phục nhao ra. Cộng Công liền vội truyền lệnh nói: “Quân sĩ chúng ta không còn đường khác nữa, nếu không liều mạng thì không thể sống sót”. Mọi người cũng biết đó là thời khắc nguy hiểm, vì thế mà trên dưới một lòng, đánh trả kịch liệt, giống như mãnh thú bị nhốt phản kháng vậy, không thể đương đầu. Tại trận địa này, Chuyên Húc không muốn quân lính của mình bị đả thương quá nhiều nên đã truyền lệnh vây khốn nhưng chừa lại một góc để quân của Cộng Công thoát ra, một mặt cho binh lính đuổi theo từ phía sau. 

Nói về việc Cộng Công liều mạng dẫn quân thoát ra khỏi cửa ải, số binh sĩ đã chết mất hơn một nửa, trong lúc đang muốn nghỉ ngơi và muốn bàn bạc một chút với Phù Du thì chợt nghe thấy tiếng la hét từ phía sau của quân Chuyên Húc đuổi tới. Lúc này, binh của Cộng Công đã mất ý chí chiến đấu, chạy tán loạn mong được sống sót. Biết không chống lại được đại binh của Chuyên Húc đánh tới, nhất thời Cộng Công chia quân thành hai hướng do Phù Du và Cộng Công chỉ huy. Phù Du dẫn theo tàn binh liều mạng tháo chạy, do không nhìn rõ phương hướng đã đưa quân chạy theo đường nhỏ thẳng theo hướng nam, mặc dù giữ được tính mệnh, nhưng đường tới Ký Châu còn rất xa, trong tâm càng mong muốn nhanh trở về. Số tàn binh dần dần bỏ mạng hết, chỉ còn một mình hắn. Lúc đến bờ Hoài Thủy, lộ phí cạn kiệt, đói quá không nhịn được, thấy mình không còn mặt mũi, nhận thức thái độ làm người nông cạn, nghĩ đến không thể thoát thân, chi bằng tìm một cái chết, thế là nhảy xuống sông tự sát. Đây là kết cục của một kẻ tiểu nhân. Về sau, tới thời Xuân Thu, âm hồn của hắn hóa thành một con gấu đỏ, báo mộng cho Bình Công nước Tấn để thực hiện quấy phá. Có thể thấy tâm tà ác của hắn chẳng những không sửa mà còn muốn hành ác. Thật đúng là hình mẫu của kẻ có tâm địa xấu xa. Chuyện về hắn sau này không thấy đề cập tới nữa. 

Còn quân do Cộng Công chỉ huy bị đại quân vây đánh, nhưng nhờ lực lượng của bản thân mạnh, cuối cùng Cộng Công đã phá được vòng vây, dẫn theo tàn quân chạy về Ký Châu. Lúc này Chuyên Húc chiến thắng trở về và thảo luận cùng với quần thần. Đại Khoản nói: “Cộng Công là người kiêu dũng khác thường, lưu hắn ở Ký Châu sau này sẽ gây hậu hoạn, chi bằng thừa thắng tiến lên giết chết hắn, thiên hạ sẽ được yên ổn”

Sau khi nghe điều này, tất cả quần thần đều đồng ý. Chuyên Húc đã lệnh Kim Chính làm thống soái chỉ huy đại binh, Nghệ làm phó soái, mọi người cùng tiến đánh, còn ông dẫn theo Thủy Chính và quần thần cùng nhau xuất phát. Điều bất ngờ là dân chúng Ký Châu bị Cộng Công bạo ngược, rất giận mà không dám kêu than nửa lời, hiện tại nhìn thấy hắn trở về, cha con huynh đệ tử thương hơn một nửa, dân chúng càng hận tới mức nghiến răng, đến khi binh sĩ của Chuyên Húc tới, mọi người lần lượt kéo nhau ra đầu hàng, không ai sẵn sàng quên mình vì Cộng Công nữa.

Cộng Công biết mình thất thế, chỉ dẫn theo thân tín chạy về hướng tây để thoát chết. Kim Chính và Nghệ đã biết, cũng không buông lỏng, chăm chăm đuổi cho kịp. Cộng Công chạy trốn hơn 20 ngày thì đi đến bên một đại trạch, vô cùng mệt mỏi nên đã tạm thời nghỉ chân. Ông hỏi một người địa phương: “Con trạch này có tên là gì?” Người kia trả lời: “Là Bất Chu Sơn, quá khứ gọi là Cơ Sơn, Chung Sơn, trước đó nữa còn có tên là núi Côn Lôn”. Cộng Công thầm nghĩ: “Mình hiện tại nước mất nhà tan, không chỗ để về, nghe nói Núi Côn Lôn là nơi thần tiên ở, bên trong có thuốc trường sinh, chi bằng đến bên kia cầu xin một chút, ha ha”

Tuy rằng đế vị không đến tay nhưng nếu có thể trường sinh bất tử thì cũng đủ rồi. Nghĩ đến đây, mấy ngày sầu muộn không ngủ, ông ta liền đứng dậy định rời đi. Lúc này chợt nghe thấy tiếng người huyên náo ở phía đông, nhìn kỹ thì thấy binh lính của Chuyên Húc đuổi tới, bất giác kinh hãi, ông cuống cuồng chạy về hướng tây, vòng qua con trạch lên Bất Chu Sơn, nhưng đã bị binh lính của Chuyên Húc bao vây. Cộng Công biết bản thân không thể thoát được liền thở dài một tiếng rồi nhớ lại lời của con trai Hậu Thổ khuyên, thực sự trong tâm cảm thấy hối hận vô cùng. Lại nghĩ tới lời gian nịnh của Phù Du, hối hận vì bị hắn lừa. Sau đó lại nghĩ: “Hiện tại bản thân phải chạy trốn tới nơi hoang xa như vậy, binh lính của Chuyên Húc còn chưa buông tha, thật là vô cùng đáng hận!”. Nghĩ tới đây, lửa giận ngút trời nói: “Thôi rồi, thôi rồi!”. Ông ngẩng đầu lên và đập vào ngọn núi thạch bích, tiếng long trời lở đất phát ra. Thì ra Cộng Công thị nứt não mà chết, ngọn núi kia cũng đổ xuống một nửa, như vậy có thể thấy nội lực của hắn mạnh tới mức nào. 

Lại nói đến việc quân của Chuyên Húc bao vây Cộng Công, đang định lên núi tìm kiếm thì thình lình nghe thấy trên núi có tiếng động lớn, đá núi ầm ầm đổ xuống, liền nghi ngờ rằng Cộng Công có cứu binh, không dám tới gần. Qua nhiều ngày không thấy động tĩnh gì mới từ từ tiến vào, họ chỉ thấy ngọn núi đổ xuống, đá vụn ép xuống thân một người. Kim Chính đẩy ra mới phát hiện, người đó chính là Cộng Công, không khỏi vui mừng, liền gọi binh sĩ đào đất để chôn cất, sau đó mới bằng lòng cùng Nghệ khải hoàn quay về.

(Còn tiếp)

Theo Vision Times
San San biên dịch