Vào triều đại nhà Thanh, Tô Đấu Nam người huyện Giao Hà, năm Ung Chính thứ mười một trên đường thi Hội trở về, khi đến sông Bạch Câu thì gặp một người bạn trong quán rượu. Người bạn này vừa mới bị cách chức, sau khi chè chén, kêu than uất ức, đã hận rằng làm thiện làm ác không có báo ứng tương xứng.

Vừa vặn lúc có một người mặc thường phục buộc ngựa ở gốc cây, vào ngồi đối diện với hai người, sau khi nghe hai người nói chuyện một hồi lâu, đã hành lễ với người bạn của Tô và nói: “Ngài hoài nghi nhân quả có sai lầm sao? Người háo sắc tất sinh bệnh, ham mê đánh bạc sẽ nghèo khó, đây là thế (hình thế vốn có); cướp bóc tiền tài tất nhiên bị trừng phạt, giết người phải đền mạng, đây là Lý (Đạo lý).

Nhưng cùng là háo sắc mà thiên chất lại có mạnh có yếu, cùng đam mê đánh bạc lại có kỹ thuật tinh xảo hay vụng về, như vậy “Thế” là không thể giống nhau; cùng là cướp bóc tài vật lại có cầm đầu, có tòng phạm bị cưỡng bức, cùng là giết người lại có lỡ tay, có cố ý, như vậy “Lý” có lẽ còn có thuyết pháp khác, biến hóa trong đó đã trở nên vô cùng vi diệu rồi.

Trong đó nếu công và tội đền bù nhau được, đó là lấy không báo ứng làm báo ứng; tội hoặc phúc còn chưa có nhận hết, sẽ là có báo ứng mà chưa báo ứng ngay. So sánh từng chút từng chút, càng thêm thâm sâu và tinh vi. Ngài xem những gì nhìn thấy trước mắt mà hoài nghi Thiên Đạo khó giải, không phải là sai lầm sao?

Hơn nữa ngài còn oán trách Thiên Đạo, mệnh của ngài vốn nên làm quan từ Cửu phẩm, về sau thăng lên Thất Phẩm. Vì tâm ngài có nhiều mặt xảo trá, phương pháp dò xét lại nhiều, giỏi về tránh dữ tìm lành, thâm mưu lật đổ người khác, vì vậy bị cắt giảm thành Bát phẩm. Lúc ngài được thăng Bát phẩm, tự cho là do tâm kế tinh tế tỉ mỉ mà được thăng từ Cửu phẩm lên, nhưng lại không hề biết chính vì cái gọi là tâm kế linh xảo tỉ mỉ kia mà bị giáng hạ từ Thất phẩm xuống đó.”

Sau đó kề sát lỗ tai anh ta mà bí mật nói một hồi, nói xong lớn tiếng nói: “Ngài quên hết rồi sao?” Người bạn kia kinh hãi quá mồ hôi chảy ướt đẫm cả lưng, hỏi: “Sao ngươi biết được?” Người nọ mỉm cười quay trở lại gốc cây, nói: “Há chỉ có tôi biết rõ, trong Tam Giới người nào mà không biết?” Nói xong quay đầu lên ngựa, chỉ thấy bụi vàng cuồn cuộn – một lát sau liền biến mất không thấy bóng dáng.

Phần này ghi lại một đạo lý rất chân thật: “Rất nhiều người cho rằng, trong chốn quan trường tranh đấu kịch liệt, muốn được thăng quan tiến chức, thì phải dùng hết các loại thủ đoạn, tâm kế, để lật đổ người khác, có thể tránh dữ tìm lành, mà giành được cơ hội thăng chức, làm được cái gọi là mạnh được yếu thua, người thắng làm vua.

Nhưng chân tướng sự việc lại hoàn toàn trái lại, chính bởi vì loại tâm xảo trá, tâm kế sâu xa giảo hoạt, nhằm lật đổ người khác này, ngược lại đã làm cắt giảm và hạ thấp phúc lộc vốn được hưởng trong số mệnh của mình. Lại lấy thêm một ví dụ tương tự để làm chứng:

Có một người tinh thông thuật đoán mệnh tên là Ngu Xuân Đàm, chuyên đoán mệnh giúp người khác, hơn nữa còn đoán vô cùng chính xác. Có lần ông dạo chơi ở Tương Dương Hán Khẩu, có một nhân sĩ (người có học) cùng thuyền, nói chuyện khá hòa hợp. Một thời gian lâu sau, Ngu thấy kẻ sĩ kia không ngủ không ăn, hoài nghi người này là tiên hoặc quỷ.

Vì vậy trong đêm bí mật tới hỏi anh này, nhân sĩ kia nói: “Tôi không phải tiên, cũng không phải quỷ, là quan quản lý bổng lộc và chức quyền dưới trướng Văn Xương Đế Quân, có việc đến Nam Nhạc, có duyên với ngài, cho nên mới được vài ngày kết giao ở chung mà thôi.”

Ngu vì thế mới hỏi anh này: “Tôi đối với tướng mệnh tự cho là hiểu được rất sâu, đã từng suy tính một người vốn nên được đại quý vậy mà không hiểu sao lại không ứng nghiệm, ngài làm trưởng quan sổ sách thực lộc, chắc biết nguyên nhân trong đó.” Nhân sĩ nói: “Người đó vận mệnh vốn rất tôn quý, nhưng vì vô cùng khát khao danh lợi, cho nên bị cắt giảm bảy phần mười rồi.” Ngu nói:” Truy cầu làm quan, đây cũng là thường tình, vì sao Âm Phủ lại giáng chức nặng như vậy?“

Kẻ sĩ nói: “Truy cầu làm quan, nếu là loại người cường hoành hung bạo tất nhiên sẽ muốn dựa vào quyền lực sẵn có mà hung ác bảo thủ; người nhu nhược nhát gan ắt muốn củng cố chức vị, dùng tâm mà củng cố chức vị tất nhiên sẽ âm hiểm gian trá. Hơn nữa dù là muốn có quyền lực dựa vào, hay củng cố chức vị, hết thảy đều là muốn tiến thủ mà cạnh tranh, nóng lòng cạnh tranh đấu đá loại trừ lẫn nhau, nên tất nhiên sẽ lật đổ người khác.

Về phần lật đổ người khác, liền không cần hỏi xem người đó có tài đức hay không, mà hỏi có cùng phe hay khác phe; không xem xét sự việc có nên hay không, mà chỉ quan tâm bản thân mình được hay mất. Việc xấu, đã không nói hết rồi. Tâm tham lam tàn khốc như vậy, tuổi thọ còn phải cắt giảm, chứ đâu chỉ là bổng lộc và quan tước!”

Ngu âm thầm nhớ kỹ lời nhân sĩ kia nói, hơn hai năm sau, người kia quả nhiên chết thật.


Phần ghi chép này cho thấy càng rõ ràng hơn, số mệnh của người truy cầu danh lợi, nóng lòng tiến thủ cạnh tranh, đấu đá, lật đổ người khác, tham lam vô độ, thì tuổi thọ còn phải bị cắt giảm, chứ đâu chỉ là bổng lộc và chức quyền!

Xem những vụ chấn động chốn quan trường ở Trung Quốc hôm nay: Theo tư liệu thống kê công khai, từ năm 2000 đến nay, Trung Quốc ước chừng có 151 nhân viên cấp tỉnh cấp bộ và quan chức cao cấp đã bị cắt chức, trong đó thủ tướng có 1 người, phó thủ tướng 4 người, bộ trưởng 24 người. Thống kê theo năm, từ năm 2000 đến 2012 có 8 người bị cắt chức, mà sau kế hoạch “Đả hổ”, có vài chục người bị cắt chức, năm nay là Chu Vĩnh Khang, Tô Vinh, Từ Tài Hậu, sự việc này càng khiến cơn cuồng phong “Đả hổ” được đẩy lên cao trào.

Mà những quan viên bị cắt chức này, phải hay không đều có cùng đặc điểm đã kể trên: Không cần hỏi ai có tài đức hay không, mà hỏi cùng phe hay khác phe; không quan tâm sự tình nên hay không, mà chỉ quan tâm mình được hay mất, tham lam vô độ, vì để leo lên trên, hãm hại không thương tiếc một quần thể người tu luyện tay không tấc sắt. Có thể nhìn ra pháp lý ở thế gian thì mới có thể thật sự có lựa chọn đúng đắn cho số mệnh của mình.

Tác giả: Thái Nguyên
Biên dịch: Bình Minh, Biên tập: Tuệ Minh