Cổng trời hé mở, ‘bí mật trong bí mật’ về phong thủy được tiết lộ. Huyền cơ vì sao Gia Cát Lượng đoán biết được mệnh Trời từ khi còn ẩn mình trong lều cỏ đã được phơi bày…

Từ thuở hồng hoang khai thiên lập địa, nhân loại đã kinh qua các thời kỳ văn minh dài đằng đẵng. Loài người xưa nay, vẫn luôn luôn lần tìm theo các dấu son lịch sử để khám phá về ngọn nguồn nguyên lai của sinh mệnh và vũ trụ. Đặc biệt là khám phá cổ học phương Đông về triết lý nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Trung Hoa xưa. 

Nói về đất nước Trung Hoa, đây được xem là nơi có bề dày lịch sử lâu đời nhất của nhân loại (văn minh 5000 năm lịch sử). Từ thời ông Bàn Cổ vừa sinh ra đã lập địa, ông tập đi, tập chạy, tập nhảy, hớp gió, nuốt sương, ăn hoa quả mà lớn lên. Khi chết đi, “Đầu của ông biến thành bốn ngọn núi, hai mắt biến thành mặt trời và mặt trăng, mỡ biến thành sông biển, râu tóc biến thành thảo mộc… ”. Ông Bàn Cổ được xem như là Thủy tổ của loài người. Rồi đến Thần Nông nếm đủ các loại dược thảo, dạy cho con người biết làm ruộng, trồng ngũ cốc, sáng chế ra cày bừa, dạy con người làm lễ ‘Tịch điền’ kính trời, tín Thần… Kể từ đó, các vị Thần đã lần lượt giáng hạ xuống nhân gian truyền Đạo, thiết lập nền văn hóa cho nhân loại – “Văn hóa Thần truyền”. Cho đến ngày nay, Trung Quốc đã trải qua biết bao nhiêu thời kỳ hưng vong của các triều đại. Nhưng văn minh Trung Hoa cổ xưa, nền văn hóa ‘Thần truyền’, thì vẫn luôn được lưu giữ trong dân gian, và những người tu Đạo. 

Trung Quốc vốn là một đất nước thuần nông, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào trồng trọt. Vì vậy, việc quan sát các hiện tượng biến đổi của trời đất mà vận hành theo được xem là rất trọng yếu. Quan sát thiên văn có thể biết được thời tiết, thiết lập ra lịch vận hành cho các mùa và quy luật ngày đêm, biết được mưa thuận gió hòa mà chỉ đạo cho việc sản xuất nông nghiệp. Không những thế, quan sát thiên văn còn có thể tiên đoán được thời vận, hưng vong của một triều đại, một quốc gia, biết được sự thịnh suy của một gia tộc, biết được vận mệnh của một người tiền vận, hậu vận có phúc họa như thế nào. Trong lịch sử đã có ghi chép rất nhiều nhân vật nổi tiếng, có tài xem thiên văn. Gia Cát Lượng thời nhà Thục Hán là một người nổi tiếng về tài ‘Chiêm tinh’ và Phong thủy. Vậy rốt cuộc ông là người như thế nào mà được người đời sau ca ngợi là ‘Thánh nhân’?

Dân gian có câu ca rằng:

Nhất đẳng chiêm tinh đẩu
Nhị đẳng khán thủy khẩu
Tam đẳng mãn sơn du
Thượng hạ phân ‘công phu’

Bậc thầy phong thủy thượng hạng thì xem thiên văn, quan sát sự biến đổi của cả các vì tinh tú mà biết được thời vận. Thầy phong thủy hạng hai thì tìm ‘khẩu thủy’ (nơi khởi nguồn của sông ngòi, từ ‘khẩu thủy’ mà tìm được ‘Long mạch’). Thầy phong thủy hạng ba thì đi khắp chung quanh một vòng, leo lên tận non cao để quan sát… Cứ qua cách thi hành của người ta mà biết được cảnh giới, thứ hạng của người hành Đạo.

Nếu theo cách hành sự mà phân ra thứ hạng thì Khổng Minh cũng thuộc về bậc thầy hạng nhất vậy. Vào thời Tam Quốc có rất nhiều câu chuyện về quân sư Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán, liệu việc như Thần như thế.

Khổng Minh xem Thiên văn, đoán biết trên sông Trường Giang sẽ có sương mù dày đặc

Trong tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, ắt hẳn chúng ta hãy còn nhớ mưu kế ‘Thuyền cỏ mượn tên’ của Gia Cát Lượng. Trong trận chiến Xích Bích, để chống lại quân Tào hùng mạnh, Gia Cát Lượng dùng tài hùng biện để thương thuyết Ngô – Thục liên minh. Khi ấy Tào Tháo đích thân đem tám mươi vạn quân tiến đánh Đông Ngô. Quân Ngô vừa mỏng vừa yếu, lại thiếu thốn quân tư trang cho binh sĩ. Đại đô đốc thuỷ quân Đông Ngô khi ấy là Chu Du. Ông ta vốn là người có tâm địa hẹp hòi, biết Khổng Minh có tài trí cao hơn mình, nên đem lòng đố kỵ muốn mượn việc quân để dồn Khổng Minh vào chỗ chết, một là để chiếm vị trí số một trong thiên hạ, hai là trừ hậu họa cho Đông Ngô.

Chu Du muốn mượn mũi tên của Tào Tháo để sát hại Khổng Minh, nên đã giao cho Khổng Minh kỳ hạn mười ngày phải hoàn thành mười vạn mũi tên. Việc này, xem ra còn khó hơn lên trời vậy! Tuy nhiên Khổng Minh lại dám cam kết ‘Quân lệnh trạng’, cấp đủ mười vạn tiễn vỏn vẹn trong ba ngày. Chu Du cho tâm phúc của mình là Lỗ Túc ngày đêm thăm dò động tĩnh của Khổng Minh, nhưng không hề thấy có động tĩnh gì. Ai nấy đều thấy lo lắng cho sự an nguy của Khổng Minh, duy chỉ có Công Cẩn là mừng thầm. Ông ta nghĩ rằng phen này thì Khổng Minh có mọc thêm cánh cũng không thoát được tội… 

Mọi người đều không hay biết rằng, Khổng Minh đã ngấm ngầm cho người chuẩn bị sẵn mười hai chiếc thuyền nhỏ, trên thuyền chở đầy cỏ được kết thành hình nộm. Đến ngày thứ ba, trời vừa rạng sáng thì bỗng nhiên trên mặt sông nổi lên sương mù dày đặc. Bấy giờ Gia Cát Lượng mới cho quân lính xuôi thuyền thẳng tiến về phía thủy trại quân Tào, vừa chèo thuyền, vừa trống rong cờ mở reo hò ầm ĩ như thể đang tiến đánh trại Tào để nghi binh. Vì sương mù dày đặc, nên quân Tào chỉ nhìn thấy thấp thoáng khoảng hơn chục thuyền chiến của Đông Ngô đang tiến lại gần thủy trại.

Trong lúc nguy nan, Tào Tháo cho quân phóng loạn tiễn tới tấp về phía quân địch. Những mũi tên phóng đến cắm chi chít lên những hình nộp cỏ. Cho tới khi trời tang tảng sáng, sương mù cũng đã tan, Khổng Minh mới cho thu binh về doanh trại. Đắc thắng trở về, quân lính vừa chèo thuyền vừa reo hò: “Cảm ơn Tào thừa tướng cấp tên! Cảm ơn Tào thừa tướng cấp tên!”. Tào Tháo lúc này còn chưa hiểu nguồn cơn song có hối thì cũng đã muộn. Việc này khiến Chu Du và bá quan văn võ Đông Ngô không khỏi kinh ngạc. Hơn mười vạn tiễn được cấp đủ. Lúc này Gia Cát Lượng mới tiết lộ, ông quan sát thiên văn đoán biết được một cách chính xác rằng vào ngày hôm đó trên sông sẽ có sương mù nổi lên. Vì thế ông mới dám đem tính mạng ra đánh cuộc với Công Cẩn. Chu đô đốc chỉ còn biết ngậm ngùi, nuốt ức vào lòng mà thực không cam tâm. 

Thuyền cỏ mượn tên (bức họa của Jinxie Zhong).

Khổng Minh làm phép mượn gió Đông, Chu Du tật đố hận ôm lòng

Lại nói về Lưu Huyền Đức, khi biết tin tám mươi vạn quân Tào đang chuẩn bị tiến đánh, Lưu Bị vội vàng xuôi dòng Trường Giang thân chinh đến Đông Ngô hối thúc Chu Du cùng hợp sức kháng cự. Về phần mình, Chu Du đã liên tục bày mưu tính kế lừa Tào Tháo. Ban đầu Chu Công Cẩn ‘tương kế tựu kế’, khiến Tào Tháo trúng mẹo phản gián, xử trảm hai viên tướng thủy binh điêu luyện nhất. Tiếp đó lại nhờ lão tướng Hoàng Cái chịu đòn khổ nhục dụng ‘mật kế’, sai Hám Trạch dâng thư trá hàng, thêm Bàng Thống khéo léo hiến kế ‘Liên hoàn’ lừa Tào A Man dùng dây xích sắt cột các thuyền chiến nhỏ lại với nhau hợp thành một khối, để tiện bề cho Chu đô đốc dùng hỏa công.

Mọi việc đã chu toàn, Chu Du đi thám thính tình hình quân địch, bỗng chốc nhận ra có thiếu sót lớn. Đó là toàn bộ tám mươi vạn đại quân Tào đều đóng trại ở Phía Tây Bắc cửa sông Trường Giang, trong khi đó quân Đông Ngô lại nằm bên bờ phía Nam. Vào thời điểm đó thời tiết lại đang là mùa đông, nên chỉ có gió Tây Bắc. Nếu muốn dùng hỏa công đánh Tào, phải có gió đông nam thì mới phát huy tác dụng. Điều này đã khiến Chu Du vô cùng lo lắng, không biết phải làm thế nào. Vì thế, Đại đô đốc từ khi đi thám thính trại Tào về, suốt ngày chỉ nằm lì trên giường giả bệnh mà không tiếp xúc với bất kỳ ai. 

Rõ là: 

Vừa mới cười xong sao đã ngất?
Quân Nam đâu dễ phá quân Tào

Quân sư Gia Cát Lượng sớm đã biết bệnh của Chu đô đốc, bèn đến thăm. Khổng Minh phán: “Bệnh của đại đô đốc là khí bệnh, trước hết phải thuận khí”. Khổng Minh mượn giấy bút, cho tả hữu lui ra, rồi viết:

Muốn phá Tào công
Phải dùng hỏa công
Muôn việc đủ cả
Chỉ thiếu gió đông

Chu Du nghe xong vỡ lẽ, thì ra Khổng Minh sớm đã biết hết mọi dự liệu của mình. Chu Du thầm nghĩ: “Gia Cát Lượng quả là Thần cơ diệu toán!”. Chu đô đốc khẩn khoản xin quân sư Khổng Minh bày cho kế sách phá Tào Tháo. Khổng Minh tươi cười, nói với Chu Du rằng: “Lượng tuy bất tài, nhưng may mắn gặp được cao nhân truyền cho phép thuật có thể gọi được gió, hô được mưa… Đô đốc cần gió đông nam, thì phải lập ‘Thất tinh đàn’ trên núi Nam Bình. Tôi xin dùng phép mượn gió đông ba ngày ba đêm để đô đốc dụng binh, ngài nghĩ sao?”

Chu du nghe thấy vậy, khác nào phá mây mù thấy trời cao, nói: “Đừng nói là ba ngày ba đêm, chỉ một đêm gió đông nam mạnh, thì đại sự ắt thành công”.

Chu Du tức tốc sai người làm theo lời dặn của Gia Cát Lượng, lập ‘Thất Tinh Đàn’ trên đỉnh núi Nam Bình, một mặt chuẩn bị chiến thuyền sẵn sàng tấn công thủy trại quân Tào. Song cũng không quên bày mưu tính kế với Tử Kính hại Khổng Minh. Đêm hôm ấy, Chu Du ngồi đợi trong trướng đi đi lại lại, đứng ngồi không yên, nghi nghi, hoặc hoặc không biết Khổng Minh có thực sự cầu được gió đông nam hay không.

Đến khoảng canh ba giờ Tý, quả nhiên có gió đông nam nổi lên ầm ầm. Chu Du ra lệnh cho ba quân dùng hỏa công đốt trại Tào. Chỉ trong nháy mắt đã khiến cho thuyền chiến quân Tào biến thành một biển lửa giữa cửa khẩu Tam Giang. Quân Tào hoảng loạn, kêu khóc dẫm đạp lên nhau để chạy thoát thân trong lửa đỏ rực trời, tiếng reo dậy đất…  Liên quân Lưu – Tôn trong ứng ngoài hợp với tướng Ngô là Hoàng Cái, đánh cho Tào Tháo tan tành không còn mảnh giáp để che thân. Trận chiến Xích Bích khiến cho Tào Tháo thất bại thảm hại, thiên hạ từ đây được chia làm ba. Thế ‘chân vạc’ về cơ bản đã hình thành. 

Lại nói về Lưu Bị đóng quân ở Hạ Khẩu, theo lời dặn của quân sư Gia Cát: Khi thấy gió đông nam nổi lên thì cho Triệu Tử Long lái một chiếc thuyền nhỏ đến phía núi Nam Bình đón quân sư quay trở về.

Mới hay Gia Cát Lượng quả là ‘Thần cơ diệu toán’! Khổng Minh đã biết một cách minh xác vào ngày đó sẽ có gió đông nam nổi lên từ trước khi sang Đông Ngô. Lập đàn tế trời hẳn không phải là để cứu nguy cho Chu Du mà là để cứu chính mình thoát khỏi sự ám hại của Công Cẩn. Ngọa Long tiên sinh không những biết được ý Trời, mà còn thấy rõ cả lòng người vậy!

Ảnh: Epochtimes.

Gia Cát Lượng quan sát Thiên văn, biết Chu Du qua đời

Sau trận chiến Xích Bích, Chu Du nhiều lần dụng mưu không qua mắt được Khổng Minh lại còn bị ông ta chọc tức lộn cả ruột gan, thổ huyết ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng!?”. Nói đoạn ngất đi, qua đời ở tuổi 36… 

Chính vì thế nhiều người cho rằng Chu Du bị Gia Cát Lượng dùng kế châm chọc, uất khí mà chết. Đó là một nhận định hết sức sai lầm, nếu số mệnh của Chu Du chưa hết thì liệu Khổng Minh có khiêu khích được anh ta tức chết không? Kỳ thực Khổng Minh ở Kinh Châu, đêm xem thiên văn thấy một ngôi sao tướng tinh rơi xuống, mà nói rằng: “Chu Du chết rồi!”.

Khi trời sáng, Lưu Huyền Đức cho người đi do thám thì quả nhiên là vậy. Huyền Đức bèn hỏi Khổng Minh: “Chu Du chết rồi, bên ấy bây giờ ra sao?”.

Khổng Minh đáp: “Người thay Chu Du thống lĩnh binh quyền chắc là Lỗ Túc. Tôi xem thiên văn thấy tướng tinh tụ ở phương Đông. Vậy, Lượng xin đi Giang Nam một chuyến, mượn cớ viếng tang để tìm hiền sĩ về giúp chúa công”. (Trích Tam Quốc diễn nghĩa)

Gia Cát Lượng nhìn thấy thiên thạch rơi xuống phía Tây, biết mệnh Bàng Thống đã hết. Đêm xem thiên văn, biết việc quân bất thành

Ngọa Long tiên sinh biết rõ kết cục của Bàng Sỹ Nguyên, hiềm nỗi không đủ lực xoay chuyển mệnh trời! 

Chuyện kể rằng: Khi Gia Cát Lượng ở Kinh Châu đêm mở tiệc mừng tết ‘Thất tịch’ (ngày 7 tháng 7 âm lịch). Mọi người đều vui vẻ đến dạ tiệc, nhân tiện bàn việc nhập Xuyên. Bỗng nhiên, thấy có một ngôi sao phía chính Tây rớt xuống, to như cái đấu, tỏa ánh hào quang sáng rực. Khổng Minh thất kinh, buông chén rượu rơi xuống đất, vừa ôm mặt khóc òa: “Than ôi! đau đớn thay!”. Bá quan hốt hoảng, hỏi nguyên do vì sao? Khổng Minh nói: “Ta đã toán một quẻ Thái Ất, năm nay là năm Quý Tỵ; sao Thiên Cang nằm ở Phía Tây, điều đó rất bất lợi cho quân sư. Lại xem thiên văn thấy sao Thiên Cẩu phạm vào quân ta, sao Thái Bạch lâm vào Lạc Thành, nên đã biên thư dặn dò chúa công phải cẩn thận đề phòng. Ai ngờ đêm nay lại nhìn thấy có ngôi sao lớn từ phương Tây rớt xuống. Vậy là mệnh của Bàng Sĩ Nguyên không xong rồi!”. (Trích Tam Quốc diễn nghĩa, hồi thứ 63: “Gia Cát Lượng đau lòng khóc Bàng Thống / Trương Dực Đức vì nghĩa tha Nghiêm Nhan”).

Tư Mã Ý biết trước thời hạn tận số của Khổng Minh, Gia Cát Lượng nói: ‘Ta chết cũng là ý trời!’

Một đêm, Gia Cát Lượng sai người dìu ra cửa Bắc xem sao Bắc Đẩu. Ông trỏ lên một ngôi sao và nói: “Đó là ngôi sao chiếu mệnh của ta”. Ngôi sao trông rất u ám, ánh sáng chỉ lờ mờ như sắp rụng xuống. Khổng Minh dùng một thanh kiếm chỉ lên nó, miệng lầm rầm niệm chú. Sau khi niệm chú xong liền sai người lập tức quay về, vừa vào trong trướng liền bất tỉnh nhân sự. 

Lại nói về Tư Mã Ý, một đêm xem thiên văn thấy một ngôi sao lớn màu đỏ, tỏa ánh hào quang màu đỏ, các tia sáng phát ra lấp lánh có góc nhọn hình tam giác, di chuyển từ phía Đông Bắc sang hướng Tây Nam, rồi rơi vào doanh trại quân Thục, bay lên rớt xuống ba lần, tàng ẩn dư âm. Tư Mã Ý mừng thầm, nói với Hạ Hầu Bá rằng: “Ta xem thiên văn, thấy tướng tinh đổi ngôi Khổng Minh chắc chắn đang lâm bệnh, không còn sống được bao lâu nữa”. (Trích Tam Quốc diễn nghĩa).

Kỳ thực Khổng Minh sớm đã biết trước được số mệnh của mình không còn được bao lâu, nên đã gắng hết sức phò tá nhà Hán. Trong sách “Mã Tiền khóa” ông viết: “Vô lực hồi thiên, cúc cung tận tụy” (không thể xoay chuyển được mệnh trời, chỉ còn biết một lòng tận tụy). Đây cũng chính là cuộc đời và số mệnh của Khổng Minh đã được an bài. Từ khi Ngọa Long còn ẩn mình trong lều cỏ thì sớm đã biết thiên hạ sẽ chia ba thành “thế chân vạc”. Tiên sinh sớm cũng đã biết rằng, mình ắt cầu được minh chúa xong chẳng gặp thời. Vậy vì sao ông vẫn nhận lời xuống núi phò trợ Lưu Bị? Có lẽ phần vì cảm kích thịnh tình của Lưu Huyền Đức ba lần đến lều tranh cầu hiền sĩ, phần vì định mệnh đã an bài. Đó cũng là hành sự thuận theo ý Trời vậy!

Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tổng hợp.

Không chỉ vậy, trong Tam Quốc diễn nghĩa còn kể rằng, thông qua xem thiên văn, Gia Cát Lượng còn biết được Lưu Biểu sắp lìa đời, và Quan Vân Trường gặp nạn ở Kinh Châu. Cổ nhân tín Thần, vì họ biết rằng sinh mệnh con người vốn sinh ra từ trên thiên thượng. Vốn sinh mệnh ban đầu đều là Thần Tiên, do phạm phải Thiên lý mà đạo xuống nhân gian, chịu tội khổ hoàn trả nợ nghiệp rồi mới có thể quay trở về. Khắp cõi hồng trần kẻ tranh người đoạt, người giàu sang kẻ nghèo khó đều là trong bể khổ. Tất cả chỉ như một màn kịch lớn, và mỗi một người đang sắm những vai diễn khác nhau mà thôi! 

Lê dân xem thiên văn đoán biết hoàng đế vi hành, Chu Nguyên Chương nghe thấy thất kinh vội vã hồi cung

Cổ nhân có rất nhiều người biết xem thiên văn, dù có thể họ không phải là người chuyên tâm nghiên cứu về lĩnh vực này. Qua việc tích lũy kinh nghiệm và truyền khẩu qua các thời đại thì cũng có một số người có thể biết đôi chút về thiên văn hay đẩu số… Trong sách Tạp viên tạp chí của Lưu Đình Ký đời nhà Thanh có ghi chép về chuyện hoàng đế Chu Nguyên Chương cải trang thành thứ dân đi vi hành, tình cờ nghe được câu chuyện của bách tính, thất kinh vội vã hồi cung.

Chuyện kể rằng, một đêm nọ, Chu Nguyên Chương đi ra khỏi cung và nghỉ trọ qua đêm ở nhà một thường dân. Hiềm nỗi nhà này cũng thật cùng đinh, nghèo đến nỗi không có lấy một chiếc gối cho khách ngủ. Chu Nguyên Chương tìm mãi chung quanh không thấy có vật dụng gì có thể dùng làm gối đầu được, bất đắc dĩ vua bèn lấy tạm cái đấu đong gạo làm gối. Nhưng vừa nằm xuống, ông liền nghe thấy có một đám người tụ tập rượu chè, bàn tán xôn xao đủ các thứ chuyện núi mây bể mù. Vua lấy làm thú vị, tò mò lắng nghe xem họ buôn những chuyện gì? 

Nghe qua dăm ba câu chuyện trên trời, dưới biển, rồi có một tên đi tiểu tiện về vừa hớt ha hớt hải mà rằng: “Sợ quá, sợ quá các bác ạ! Đêm nay thiên tử vi hành, anh em ta nói năng cần phải cẩn thận kẻo vạ từ miệng mà ra!”.

Mọi người nghe xong, bèn hỏi: “Làm sao mà anh biết được?”.

Anh ta nói: “Mọi người chắc đã từng nghe qua câu: “Huỳnh hoặc nhập nam đẩu, thiên tử hạ điện tẩu” rồi chứ! (sao Huỳnh Hoặc vào chỗ sao Nam Đẩu thì thiên tử ắt đi ra khỏi cung điện)

Nghe thấy vậy Chu Nguyên Chương không khỏi kinh ngạc, không ngờ rằng ngay nơi thôn dã lại có cao nhân ở ẩn. Vua bỗng thấy lo sợ, bèn vội vàng dựng cái đấu lên. Lúc này, ông lại nghe thấy người kia phán: “Li đẩu khẩu thượng viễn, tức đương quy vị dã” (cách miệng đấu còn xa, lập tức trở về vị trí cũ). Ý tứ rằng, Hoàng đế sẽ lập tức lên ngựa hồi cung. 

Vua nghe thấy thế càng thêm phần kinh hãi, tức tốc hồi giá… Đến ngày hôm sau, vua cho mời Lưu Bá Ôn vào triều nghị luận việc đã nghe thấy khi vi hành. Lưu Bá Ôn nói: “Thần xem thiên văn cũng thấy có hiện tượng y như vậy, đều là dựa vào những hiện tượng như vậy, mà biết được sự việc sẽ xảy ra”.

Chu Nguyên Chương lúc này mới vỡ lẽ, những tưởng lâu nay mình hành sự cẩn mật, Thần không biết, quỷ không hay, ai ngờ lại có không ít người thông qua xem thiên văn mà thông tỏ mọi việc. Nếu vậy thì việc quân cơ chẳng thể nào giữ được! Chu Nguyên Chương thấy rất lo ngại về việc đó. Vua bèn hạ chiếu chỉ bách tính, lê dân không ai được học xem toán quái, thiên văn…

***

Đối với người Trung Hoa xưa mà nói, thì xem thiên văn rất được xem trọng. Người xưa thường nói “Thiên nhân hợp nhất” hay “Thiên thời – địa lợi – nhân hòa”. Đạo gia cũng cho rằng “thân thể người là một tiểu vũ trụ”. Vậy nhất định giữa trời, đất và người có những mối liên hệ mật thiết với nhau. Trải qua một tiến trình lịch sử lâu dài, kinh qua các thời đại, cao nhân xưa đã thành người thiên cổ, có rất nhiều điều đã bị thất truyền, có rất nhiều điều còn được lưu giữ trong dân gian, hoặc tiềm ẩn trong các sách cổ. Ngày nay, rất nhiều cuốn sách bí mật đã được giải mã. Ví như bộ sách Mã Tiền Khóa của Gia Cát Lượng, Thôi Bối Đồ của Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang, Thiêu Bính Ca của Lưu Bá Ôn… đều là kết quả của việc quan sát thiên văn mà biết được hết thảy mọi sự việc lớn nhỏ một cách minh xác. Xem thiên văn, lớn có thể biết được biến hóa của thiên tượng, sự thay đổi của các triều đại, nhỏ có thể biết được vận mệnh của một đời người…  

Vậy cũng nói, sống ở đời trên phải thuận theo ý trời, dưới nên hợp với lòng người, trước cần hành thiện tích đức, sau mới được hưởng phúc báo vậy!

Theo Sound Of Hope
Thái Bảo biên dịch