Dân gian lưu truyền sự tích “cá chép hóa rồng” hay “cá chép vượt Vũ Môn” để nói đến việc cá chép hóa thành rồng bay lên trời. Cá chép hóa rồng mang ý nghĩa thăng hoa, là biểu tượng của tinh thần vượt khó, kiên trì, bền bỉ, đồng thời tượng trưng cho nhân cách thanh cao, tiềm ẩn, hướng đến một kết quả tốt đẹp. 

Nhân ngày tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp, hãy cùng tìm hiểu sự tích và ý nghĩa thâm sâu sau sự tích “cá chép vượt Vũ Môn”. 

Hai câu chuyện thần thoại về sự tích “cá chép vượt Vũ Môn”

Tương truyền, tại vùng đất Thần Châu có một con sông linh thiêng được đặt tên là sông Hoàng Hà. Từ trên cao nhìn xuống, sông Hoàng Hà chảy từ tây sang đông, uốn lượn, khúc khuỷu tựa như con rồng đang bay lượn giữa ngàn mây.

Ở vùng trung du Hoàng Hà có một ngọn núi tên là Long Môn, nghĩa là ‘‘Cửa rồng’’. Vì sao lại có tên gọi này? Tục truyền rằng khi Đại Vũ trị thủy, ông đã xẻ núi cho nước chảy xuyên qua khe đá, tạo lên cảnh tượng vô cùng hùng vĩ. Vì chỉ có Thần Long mới có thể vượt qua, nên có tên gọi là Long Môn.

Người ta nói, cá chép trên sông Hoàng Hà mà có thể nhảy qua Long Môn được thì sẽ hóa rồng. Nhưng Long Môn lại là một vách đá cao sừng sững, sông Hoàng Hà đổ đến đây tuôn trào như thác, dòng nước ồ ạt đổ xuống mãnh liệt như thiên binh vạn mã. Cá chép muốn bơi ngược được thác nước ấy mà vượt qua được Long Môn thì khó hơn cả lên trời. Bởi vậy đó phải là một con cá chép có nội lực siêu phàm, sự bền bỉ và kiên trì, có cả trí và dũng.

Tích xưa kể rằng, con cá chép ấy có ngậm một viên thần châu, và phải mất hàng vạn năm, hàng nghìn, ức năm mới có thể xuất sinh một con cá chép như vậy. Và cá chép ấy đã vượt Vũ Môn quan thành công, đã hóa rồng. 

Câu chuyện về chú cá chép vượt Vũ Môn và được hóa rồng khiến cho tất cả những con cá chép khác trên sông Hoàng Hà ngày đêm cố gắng nỗ lực để vượt được Vũ Môn. Có những chú bị trầy vây, tróc vẩy, có những chú bị chết, và có cả những chú cá vừa nhìn thấy liền bỏ cuộc.

Tranh gỗ cá chép hóa rồng (ảnh: Tranhgobuigia).

Từ sông Hoàng Hà đi về phía tây nam có một khu danh lam thắng cảnh tên gọi Miếu Hiệp, còn được gọi là Diệu Hiệp. Miếu Hiệp nổi tiếng với hình ảnh hai ngọn núi phượng hoàng cao chót vót bên bờ sông, nổi bật trên nền trời, trông giống như một bức tranh sống động miêu tả những chú cá chép vượt vũ môn. Đó là hai ngọn núi tráng lệ, hùng vĩ với những vách đá xếp chồng lên nhau, tựa như đang đâm thẳng lên trời. Những mỏm núi đá kỳ lạ giống cánh cửa đang mở ra làm du khách cảm nhận như lạc vào xứ sở thần tiên. 

Ngoài sự tích cá chép vượt Vũ Môn kể trên còn có một câu chuyện cảm động và tuyệt đẹp trong thung lũng tuyệt vời này:

Cách đây lâu lắm rồi, người dân cư ngụ dọc hai bờ sông Long Khê đều có một cuộc sống vô cùng đầm ấm no đủ, an cư lạc nghiệp. Nam thì làm ruộng, nữ thì ươm tơ dệt vải. 

Một năm nọ, không biết từ đâu bay tới một con ác long vô cùng độc ác. Nó không chỉ hô mưa gọi gió phá hoại mùa màng, mà còn ăn thịt người dân, sát hại sinh linh vạn vật, làm cả vùng thung lũng không khí ngột ngạt, không còn cảnh yên bình như xưa. Hằng năm cứ vào ngày mùng 6 tháng 6, nó bắt dân làng phải cống nộp một bé trai và một bé gái, 10 con bò lớn, 100 con lợn, dê và nhiều lễ vật khác. Nếu không làm theo yêu cầu, nó sẽ há miệng phun lửa nuốt chửng người và động vật, phá hủy thôn làng. Sự hung ác của nó làm dân chúng oán thán thấu trời thấu đất, mong được Thần Phật bảo hộ. 

Ở trấn Long Khê Hạp Khẩu có một cô bé rất thông minh và xinh đẹp tên gọi Ngọc Cô. Với quyết tâm tìm cách trừ bỏ con ác long này, cô bé đã nhiều lần lên Vân Đài tìm kiếm sự giúp đỡ của tiên tử nhưng đều không thấy. Dù thất bại nhiều lần, cô bé vẫn không nản lòng và tiếp tục hạ quyết tâm tìm kiếm. Cảm động trước sự thành tâm kiên định ấy, ngày nọ Vân Đài tiên tử đã xuất hiện và chỉ cho cô bé cách diệt trừ con ác long. Tiên tử nói: “Cách thôn khoảng hơn ngàn dặm có một động cá chép, con hãy đi tới đó tìm gặp cá chép tiên tử, vị ấy có thể trợ giúp con hoàn thành ý nguyện”. 

Ngọc Cô nói lời từ biệt với Vân Đài tiên tử, trèo đèo lội suối, không quản gian nan vất vả tìm tới động cá chép và gặp cá chép tiên tử trình bày nguyện ý của mình. Cá chép tiên tử nói với cô: “Con muốn trừ hại cho bách tính muôn dân là việc làm vô cùng tốt đẹp, tuy nhiên con phải hy sinh bản thân mình. Con có đồng ý làm như vậy không?”. Ngọc Cô không do dự trả lời: “Chỉ cần có thể trừ hại cho dân làng, thịt nát xương tan con cũng cam lòng”. Cảm động trước sự chân thành và cương quyết của cô bé, cá chép tiên tử gật đầu hài lòng, phun ba giọt nước trắng lên người cô bé. Bỗng nhiên cô bé biến thành một chú cá chép đỏ vô cùng xinh đẹp. 

Ảnh minh họa: Prntr.

Cá chép nhỏ bơi ngược dòng mà lên, trải qua bảy bảy bốn mươi chín ngày đã bơi về tới quê nhà. Đó là vào sáng sớm ngày 6 tháng 6, cá chép lắc mình biến trở lại hình dáng ban đầu thì thấy người dân trong thôn đang chuẩn bị đồ cúng tế ác long: Một bé trai một bé gái, 10 con bò lớn, 100 con lợn, dê. Người dân trong thôn khua chiêng đánh trống, một trận cuồng phong thổi đến như thể con rồng hung ác sắp xuất hiện. Nhìn thấy cảnh tượng này, hai bé trai và gái mặc quần áo đỏ sợ hãi khóc òa.

Nhìn thấy dân làng mang tới bữa ăn thịnh soạn, con ác long sớm đã chảy nước miếng bèn đắc ý há miệng. Vào đúng khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc này, Ngọc Cô tiến về phía trước, ngăn cản các bậc phụ lão hương thôn trong làng và nói với họ: “Mọi người hãy tạm đợi ở đây, để tôi đi thu phục con yêu tinh hại người này”. 

Vừa dứt lời, Ngọc Cô liền nhảy xuống nước và biến thành một con cá chép đỏ to lớn, bay vọt lên nhằm hướng con ác long mà lao tới, chui thẳng vào bụng nó. Ở trong bụng con rồng độc ác, cá chép nhỏ đâm vào phía đông lại đâm vào phía tây, làm lục phủ ngũ tạng của nó bị dập nát. Con ác long liều mình giãy giụa, lăn lộn khắp nơi nhưng đều vô ích, cuối cùng bị Ngọc Cô kết liễu. Tuy nhiên bản thân cô bé cũng bị chôn vùi trong bụng con ác long này. 

Từ đó trở đi, dân chúng mới được sống an cư lạc nghiệp. Để tưởng nhớ Ngọc Cô đã không quản tính mạng bản thân mà hy sinh cho bách tính, người dân đã xây dựng một ngôi đền cá chép trên sườn núi Hạp Khẩu. Cho đến nay tại khu vực Ninh Hà, câu chuyện về cá chép vượt Long Môn này vẫn được lan truyền rộng rãi.

Hàm ý ẩn sâu của hình tượng cá chép vượt Long Môn

Cá chép là con vật mang lại sự sung túc, tài lộc, may mắn. Không những vậy cá chép còn là con vật của Trời vì đã thắng cuộc thi và trở thành rồng, nên là vật cưỡi của ông Táo khi ông Táo về Trời. Rồng là con vật truyền thuyết, linh thiêng, nên nó có được sự tôn sùng của con người, nhưng cá chép cũng không kém phần.

Ảnh minh họa: Hiephoitranhviet.

Theo quan niệm phương Đông, cá chép tượng trưng cho sức khỏe và tài lộc. Trong đường quan lộ, cá chép là biểu tượng của sự thăng tiến, công danh. Bởi vậy người ta thường xem hình ảnh cá chép hóa rồng là biểu tượng của sự an lành và sung túc, thịnh vượng, thăng tiến trong học hành, thi cử, công danh và may mắn về tài lộc trong thương mại.

Cá chép cần phải “bơi ngược dòng”, còn con người thì cần học cách “phản bổn quy chân”, rũ bỏ những cái xấu xa bại hoại mà tìm về với bản tính ban sơ của mình, đó là Chân, Thiện, Nhẫn. Con người từ khi sinh ra ai cũng mang trong mình những phẩm chất ấy. Nhưng cùng theo sự phát triển của xã hội, ai cũng cho rằng mình đang tiến lên nhưng kỳ thực là thụt lùi. Khi đạo đức không còn, chuẩn mực của bản thân bị hạ thấp, con người sẽ mãi mãi giống như loài cá, chịu hạn chế trong sông hồ mà không thể thoát ra ngoài.

Giống như cá chép muốn hóa rồng thì phải vượt Vũ Môn. Con người muốn nhảy thoát khỏi nơi trần thế để trở thành một sinh mệnh cao tầng thì phải tu luyện. Quá trình tu luyện là một chặng đường gian khổ, nhưng khi khó khăn qua đi thì huy hoàng sẽ tới. Người chân tu cuối cùng sẽ đắc Đạo, thăng thiên, như cá chép hóa rồng.

Kiên Định
Theo Secretchina

Video: Nguồn gốc, ý nghĩa của các điệu múa Lân – Sư – Rồng

videoinfo__video3.dkn.tv||aa66e0b89__