Rất nhiều loài động vật, đặc biệt là những loài động vật di cư như chim, có một giác quan thứ 6 cho phép chúng tìm đường nhờ từ trường Trái Đất. Nhà địa vật lý GS Joe Kirschvink từ Viện Công nghệ California (Caltech) tin rằng con người cũng có khả năng này, và ông muốn chứng minh điều đó.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng các loài động vật sẽ thay đổi tập quán của chúng nếu từ trường xung quanh chúng bị thay đổi. Điều này chứng tỏ các loài động vật có giác quan thứ 6 – là khả năng cảm thụ từ trường, nhưng cơ chế sinh học của nó vẫn còn là bí ẩn.

Một giả thuyết được đưa ra là các tế bào thụ cảm của chúng chứa các magnetit, một loại khoáng vật sắt từ, có thể đóng vai trò như cái la bàn. “Magnetite là thứ gì đó điển hình có trong các loại đá lửa, theo các nhà địa chất. Nếu tìm được nó trong một loài động vật thì sẽ quả là điều dị thường trên phương diện sinh hóa”, GS Kirschvink trao đổi với tạp chí Science.

Magnetite đã được tìm thấy ở người

GS Kirschvink (trong hình) đang đội một chiếc nón điện não đồ, là đối tượng thí nghiệm đầu tiên trong các thí nghiệm "từ giác" của mình. Ông cho rằng ông đã khám phá ra giác quan thứ sáu ở người. (Ảnh: Internet)
GS Kirschvink (trong hình) đang đội một chiếc nón điện não đồ, là đối tượng thí nghiệm đầu tiên trong các thí nghiệm “từ giác” của mình. Ông cho rằng ông đã khám phá ra giác quan thứ sáu ở người. (Ảnh: Internet)

Chuyên môn của GS Kirschvink là đo đạc từ trường trong đá, nhưng ông đã áp dụng những kiến thức từ học của mình cho lĩnh vực sinh học. Ông đã đăng một bài viết trên tạp chí Bioelectromagnetics Supplement vào năm 1992, trong đó miêu tả chất magnetite trong các mô của cơ thể người.  

Tạp chí Science đã đăng một bài viết vào tháng 6 vừa qua, trong đó đề cập đến lý thuyết về sự cảm thụ từ trường (magnetoreception) và các thí nghiệm của GS Kirschvink. Mặc dù ông chưa hoàn thiện nghiên cứu của mình nhưng ông đã có những bước tiến đầy hứa hẹn.

(Ảnh: Andrey VP/Shutterstock)
(Ảnh: Andrey VP/Shutterstock)

Thực ra nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu về chủ đề giác quan từ trường này từ trước đó rất lâu, tiêu biểu là nhà sinh học TS Robin Baker từ Đại học Manchester khi ông từng cố gắng chứng minh rằng con người có thể cảm thụ từ trường. TS Baker gần như đã chứng minh được điều này vào những năm 1970, khi cho thấy rằng các đối tượng thí nghiệm có thể chỉ đúng 4 phương hướng chính hay một địa điểm xác định sau khi bị xoay vòng để làm mất phương hướng (một thanh nam châm có thể tác động đến khả năng này, cho thấy nó có liên hệ với một giác quan cảm thụ từ trường).

Nhưng khi các nhà nghiên cứu khác lặp lại thí nghiệm đó thì họ không thu được kết quả tương tự.

Khả năng định vị từ trường ở người đã trở thành một chủ đề cấm đối với rất nhiều nhà khoa học. Nhưng GS Kirschvink đã tiếp nối chỗ TS Baker bỏ lại.

Ông đã bổ sung các biện pháp đề phòng, ví như dùng một cái lồng Faraday để ngăn chặn hiện tượng nhiễu xạ điện từ. Người ta đã biết rằng hiện tượng nhiễu xạ điện từ có thể khiến một con chim mất khả năng định vị từ trường, nên đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến các nhà nghiên cứu khác đã thất bại khi cố gắng lặp lại các thí nghiệm của TS Baker.

GS Kirschvink đã sử dụng một cái lồng Faraday, như trong hình trên, để tránh hiện tượng nhiễu xạ điện từ trong quá trình nghiên cứu khả năng định vị từ trường. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Internet)
GS Kirschvink đã sử dụng một cái lồng Faraday, như trong hình trên, để tránh hiện tượng nhiễu xạ điện từ trong quá trình nghiên cứu khả năng định vị từ trường. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Internet)

Sau khi tạo ra một số sự thay đổi trong các từ trường xung quanh các đối tượng thí nghiệm là người, GS Kirschvink đã ghi nhận được sự thay đổi trong các mức sóng não của họ. Cho đến nay các thí nghiệm của ông đã xác nhận được rằng não người sẽ phản ứng trước những sự thay đổi trong từ trường xung quanh, do đó ủng hộ thuyết về sự cảm thụ từ trường.

Tác giả Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải lược dịch

Xem thêm: