Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa đề xuất cắt giảm thuế suất thuế thu nhập cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để từ đó tăng cường nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào các khoản thu kém bền vững.

Trong báo cáo tình hình tài khóa – ngân sách Việt Nam tháng 9/2018, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng đầu năm 2018 ở mức thấp nhất trong 3 năm gần đây, do tiến độ thu đạt khá so với chi.

Cụ thể, tính đến ngày 30/9, thu NSNN ước đạt 962,5 nghìn tỷ đồng, bằng 73% dự toán và tăng 13,7% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi NSNN ước đạt 989,275 nghìn tỷ đồng, bằng 64,9% dự toán và tăng 9,8% so cùng kỳ.

Thu NSNN đạt khá chủ yếu do thu từ thu dầu thô tăng mạnh (đạt 134% dự toán, tăng 42,5% so với cùng kỳ) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tích cực (đạt 82% dự toán, tăng 3,2% so cùng kỳ).

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng cấu trúc thu NSNN chưa thực sự bền vững, với ba nguyên do chính.

Thứ nhất, thu NSNN còn phụ thuộc ở những mức độ nhất định vào khoản thu không bền vững như thu từ dầu thô. Trong ngắn hạn, thu từ dầu thô bị ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới và sản lượng khai thác. Do đó, sự biến động giá dầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp tới thu từ dầu thô trong những năm qua, từ đó gây tác động không nhỏ lên thu NSNN. Trong dài hạn, thu từ dầu thô cũng không bền vững do giới hạn về trữ lượng khai thác.

Thứ hai, tăng thu nội địa chủ yếu đến từ các khoản thu có tính bền vững không cao như thu từ nhà đất, trong khi các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt thấp so dự toán. Tính đến hết tháng 9/2018, các khoản thu từ nhà đất đạt 104,4% dự toán, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 65,3% dự toán, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,8% dự toán và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 68,7% dự toán.

Thứ ba, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt mức dự toán thấp (50,2% dự toán).

tiep tuc de xuat giam thue thu nhap doanh nghiep
Tình hình thu chi ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2018. (Ảnh: Ủy ban Giám sát tài chính)

Với những phân tích trên, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nghiên cứu cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ kết hợp mở rộng cơ sở thuế để từ đó tăng cường nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào các khoản thu kém bền vững.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đề xuất cần đẩy mạnh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quyết liệt thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công…

Trước đó, hồi cuối tháng 3, người đứng đầu chính phủ cũng từng đề cập đến vấn đề nghiên cứu giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp.

Theo Vneconomy, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) ngày 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng tôi đang cố gắng để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm làm cho Việt Nam trở thành một trong những môi trường cạnh tranh và thuận lợi nhất trong các nước ASEAN. Trong đó, Chính phủ Việt Nam có ý định cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20-22% xuống còn 15-17%”.

Trước “tiết lộ” giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng việc giảm thuế sẽ tác động mạnh tới ý chí kinh doanh, niềm hứng khởi kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới trên 95% tổng số doanh nghiệp. Do vậy, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tiếp thêm động lực phát triển cho một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm một số tiền bổ sung vào nguồn vốn tự có để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Khi doanh nghiệp kinh doanh tốt, kinh tế sẽ phát triển, sự đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách cũng tốt hơn cho dù giảm thuế suất.

Thực tế trong nhiều năm qua, hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn với thuế suất cao, sức cạnh tranh kém, khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng thấp khiến các doanh nghiệp ngày càng sụt giảm về quy mô và không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp FDI lại thường nhận được khá nhiều ưu đãi về thuế.

Chia sẻ trên VOV, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, nhận định đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là một đề xuất tích cực. Giảm thuế đồng nghĩa việc giảm áp lực tài chính, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh có lãi và nộp ngân sách. Như vậy, giảm thuế chưa chắc đã giảm thu.

Vỹ An (Tổng hợp)