Để đón học sinh trở lại trường an toàn trong mùa dịch, đa số các trường trang bị thêm nhiều vòi nước rửa tay, phân luồng lối đi nghiêm ngặt, khẩu trang y tế… Có trường còn “cẩn thận” hơn nữa khi dự tính cho học sinh đội nón có kiếng chắn.

Lãnh đạo một trường THPT tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) thông tin trên báo Tuổi Trẻ rằng, thứ hai (4/5) gần 800 học sinh tập trung về trường để sinh hoạt phòng chống dịch, phân chia lớp, phân chia chỗ ngồi theo giãn cách quy định, phát khẩu trang, chuẩn bị cho tiết học ngày sau.

“Để yên tâm, trường dự định sẽ cho học sinh làm nón tấm chắn hoặc sẽ thông báo để các em tự trang bị trong lúc ngồi học cho an toàn”, vị này nói thêm.

Hay như Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11, TP.HCM) đã trang bị 2.400 nón chống giọt bắn, để học sinh mang trong ngày đi học lại. Được biết, đây là sản phẩm do Mạnh thường quân là phụ huynh nhà trường tài trợ, với tổng kinh phí hơn 32 triệu đồng.

Hình ảnh học sinh lớp 1.1, Trường Tiểu học Nhị Đồng, đeo tấm chắn giọt bắn trong lớp học. (Ảnh: Facebook)

Trên mạng xã hội Facebook cũng lan truyền hình ảnh các học sinh lớp 1.1, Trường Tiểu học Nhị Đồng (phường Dĩ An, TP Dĩ An, Bình Dương) đeo khẩu trang, đội nón ngăn giọt bắn trong lớp học.

Tuy nhiên, hình ảnh các học sinh đeo cả khẩu trang lẫn tấm chắn trong suốt buổi học nhận được những phản ứng trái chiều.

Chia sẻ trên báo Vietnamnet, chị Thanh Hòa, một phụ huynh có con học lớp 4 tại Quận 3, TP.HCM ủng hộ việc này: “Các con còn nhỏ, nhiều khi vì đeo khẩu trang lâu sẽ khó chịu mà kéo ra, lúc đó sẽ vẫn còn một lớp bảo vệ bên ngoài nữa. Tôi nghĩ rằng sẽ đề xuất với cô giáo chủ nhiệm và các phụ huynh trong lớp của con để mua cho các con sử dụng khi trở lại trường vào đầu tuần sau”.

Chị Hồng Thu có con học lớp 6 và lớp 8 tại Quận Tân Bình, TP.HCM cũng cho rằng đây là một biện pháp phòng dịch đáng lưu ý. Theo chị Thu, mặc dù hơn nửa tháng nay đã không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng phải đến khi nào hết dịch hoàn toàn mới có thể yên tâm. “Còn bây giờ, các con đi học thì vẫn phải đi, nhưng thêm được biện pháp an toàn nào thì người làm cha mẹ như tôi càng đỡ phấp phỏng”.

Tuy nhiên, số người ủng hộ biện pháp này không nhiều. Cũng có con trong độ tuổi tiểu học, đang chờ đi học lại, nhưng anh Thành Nam (Quận 10, TP.HCM) thẳng thắn bình luận đây là biện pháp “dở”.

“Tôi không hiểu sao phụ huynh và nhà trường lại có thể để các cháu nhỏ phải khổ sở đến vậy khi tới trường. Người lớn lẽ ra nên thử tự đeo khẩu trang, tấm chắn rồi ngồi yên một chỗ với thời gian của một buổi học xem có chịu nổi không rồi hãy áp dụng cho trẻ nhỏ. Cá nhân tôi thì chắc chắn là không thể. Đến trường mà khổ thế thà ở nhà học online, còn được hít thở thoải mái, được đi ra đi vào vận động”.

(Ảnh chụp màn hình báo Pháp luật TP.HCM)

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm – nội thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho rằng đeo nón tấm chắn là không cần thiết, không nên.

“Nón này chỉ dành cho những người chăm sóc trực tiếp bệnh nhân, đối diện với người bệnh, khi họ ho thì có kiếng chắn ngăn giọt bắn bất ngờ. Trong khi học sinh ngồi học cùng hướng, không ảnh hưởng.

Nón tấm chắn này chỉ phù hợp cho học sinh lúc ra chơi, các em vui đùa nhiều khi ho thì người đối diện tránh không kịp. Còn sử dụng suốt và liên tục trong giờ học là điều không nên, thời tiết lại nắng nóng, rồi tấm chắn có khoảng cách sát mặt, khiến tầm nhìn bị ảnh hưởng, nhìn không rõ, mỏi mắt, có khả năng ảnh hưởng thị lực.

Đó là chưa kể các em nghịch nhau có thể kiếng tấm chắn bể gãy, sẽ dẫn đến nhiều câu chuyện ngoài ý muốn khác”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.