Trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học dài ngày vì dịch corona (nCoV), giáo viên có thể sử dụng nhiều ứng dụng để tương tác với học sinh, đảm bảo chương trình học tập. Rất nhiều nhà trường đã tính đến giải pháp tình thế là học từ xa.

Tham khảo ứng dụng dạy học

Nếu như việc sử dụng e-learning để dạy học đã quen thuộc với bậc đại học thì việc này vẫn còn xa lạ đối với bậc học phổ thông. Trong tình huống khẩn cấp như hiện nay, các trường phổ thông không đủ thời gian để chuẩn bị các điều kiện cần thiết ứng dụng e-learning để dạy học.

Vậy có giải pháp thích hợp nào cho nhà trường? Có một nền tảng công nghệ dạy học tiện ích, dễ dùng mà nhà trường có thể ứng dụng dạy học từ xa cho học sinh, đó là Zoom for Education. Zoom có thể được sử dụng để giáo viên dạy và tương tác với lớp học có 45 học sinh dễ dàng. 

Mỗi giáo viên sẽ tạo một tài khoản với mã lớp học và gửi link cho học sinh truy cập vào từ ứng dụng Zoom tải về trên điện thoại, máy vi tính hoặc máy tính bảng đều được. Tất cả học sinh đều có thể nhìn thấy hình ảnh video giáo viên đang giảng bài và có thể tương tác với bằng nhiều cách.

Khi học sinh muốn phát biểu ý kiến chỉ cần nhấn nút giơ tay là giáo viên nhận được tín hiệu và cho phép học sinh phát biểu. Hoặc khi học sinh trao đổi bằng tin nhắn thì có thể gửi cho riêng giáo viên hoặc cho chung cả lớp.

Ứng dụng này có thể dùng miễn phí cho mỗi lần dạy kéo dài 40 phút. Nếu muốn mua bản quyền để giáo viên không bị giới hạn thời gian dạy, nhà trường cũng chỉ tốn chưa tới 2 triệu đồng để sử dụng trong một tháng cho 20 tài khoản giáo viên.

Ngoài Zoom, còn nhiều ứng dụng hữu ích khác mà rất cần sự chia sẻ của những người có nhiều kinh nghiệm để các trường phổ thông có thêm thông tin lựa chọn. Giáo dục đang trong thời đại công nghiệp 4.0, việc học sinh không đến trường mà vẫn học được không còn là điều bất khả thi. Chỉ cần các hiệu trưởng quan tâm thì sẽ có được giải pháp hiệu quả trong tình hình hiện nay, theo báo VnExpress.

Dạy online phải có trao đổi, tương tác

Thầy Trần Văn Huy, giáo viên đồng thời là quản trị CNTT của Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), kể vợ của thầy cũng là giáo viên nên phải thay phiên nhau người trông con, người trả lời thắc mắc, giải đáp cho học sinh về bài học. Trường THPT Phan Huy Chú triển khai các ứng dụng dạy học và quản lý việc tự học online từ lâu nhưng chưa bao giờ kênh dạy học có tính hỗ trợ này lại trở thành kênh chính thức khi các trường học đang tạm đóng cửa vì dịch.

Tuy nhiên theo thầy Huy, việc học online chỉ thực sự tốt khi có ứng dụng hệ thống tương tác online và kiểm tra, đánh giá online. Điều này có nghĩa không phải giao việc một chiều, cập nhật bài giảng điện tử một chiều, mà cần tương tác thầy trò. Thay tương tác trực tiếp trên lớp bằng tương tác online. Ở đây học sinh có thể hỏi, thầy giải đáp, thầy kiểm tra mức độ nắm kiến thức bằng phản hồi từ học sinh, thầy nhận xét, sửa bài.

Khá nhiều trường tư thục, trường công lập tự chủ có nền tảng CNTT tốt đã áp dụng hệ thống dạy học online đảm bảo yêu cầu tương tác và đánh giá học sinh. Các hệ thống ứng dụng cũng cho phép lãnh đạo nhà trường kiểm soát công việc của giáo viên quản lý, hướng dẫn, dạy học online cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh kiểm soát được việc học sinh có truy cập nghe giảng bài, sửa bài, làm bài tập, bài kiểm tra hay không.

Ảnh chụp màn hình báo VnExpress.

Tuy nhiên, một số giáo viên ở Hà Nội cho biết trong những ngày nghỉ, họ rất vất vả vì khối lượng công việc dồn dập. Phải dựng video bài giảng, phải đọc thắc mắc của học sinh để giải đáp, chấm bài, sửa bài. “Nhiều học sinh hỏi quá, không chat trả lời được nên phải linh hoạt. Có những nội dung, tôi bấm điện thoại gọi luôn cho học sinh trả lời, có khi dùng Facetime, hoặc trên ứng dụng tương tác online. Ngoài ra giáo viên chủ nhiệm vẫn phải sử dụng thông tin qua Facebook để dặn dò học sinh, đề nghị phụ huynh phối hợp hỗ trợ”, thầy Huy chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ.

Theo thầy Huy, hệ thống ứng dụng cũng cho phép giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có thống kê tỉ lệ hoàn thành bài tập, mức độ hoàn thành các nhiệm vụ học tập của học sinh. Từ đó nhìn ra những bất cập, những nhóm đối tượng học sinh cần hỗ trợ đặc biệt hơn.

Điều này cho thấy công việc giáo viên nằm ngoài sự kiểm soát của hệ thống quản trị nhà trường rất nhiều. Nếu ỷ lại vào máy móc để giao việc cho học sinh qua hệ thống online, mặc cho học sinh xoay xở thì hiệu quả sẽ thấp.

Thực tế không như mong đợi

Thầy H.- giáo viên môn hóa ở quận 1 (Tp.HCM), cho biết: “Ngay khi học sinh nghỉ học từ ngày 3/2, tôi và nhiều giáo viên trong trường đã soạn bài và gửi cho group các lớp theo nhiều hình thức khác nhau về đề kiểm tra, bài tập củng cố kiến thức… Tuy nhiên, trong những ngày nghỉ này, không phải tất cả học sinh đều vào group hoặc có thể các em có vào nhưng không chịu làm bài tập thầy giao. Do đó, tôi phải nhắn tin nhờ phụ huynh nhắc nhở các em hoàn thành bài và nộp bài đúng hẹn”.

Thầy H. chia sẻ: “Ở trường tôi, thầy – trò thường xuyên trao đổi bài vở qua mạng mà còn gặp tình trạng như trên. Vậy những trường khó khăn, chưa quen thì sẽ như thế nào? Tôi nghĩ rằng thời điểm này nếu có dạy học từ xa thì chỉ nên củng cố kiến thức cho học sinh chứ không nên dạy bài mới”.

Tương tự, thầy H.Q.M, giáo viên môn văn một trường tư thục (quận 2) bày tỏ: “Trường chúng tôi đã lên kế hoạch dạy học từ xa ở tất cả các môn học. Đối với môn văn, chúng tôi giao cho các em viết một bài nghị luận xã hội với những hướng dẫn rất cụ thể giúp học sinh rèn luyện văn phong, cách làm bài văn nghị luận. Vậy mà đến ngày nộp bài là 6/2 thì đa số các lớp chỉ có 50% học sinh nộp bài, lớp nào khá hơn thì có 2/3 học sinh nộp bài. Giáo viên chúng tôi nhìn nhau: tình hình thế này mà dạy bài mới bằng cách quay phim rồi up trên YouTube thì có được bao nhiêu em xem và tự học. Như vậy, kinh nghiệm rút ra là việc dạy học từ xa chỉ phù hợp với những học sinh học tập chủ động và tự giác mà thôi”.

Tại Hà Nội, một số trường cũng triển khai cho giáo viên áp dụng các hình thức học từ xa. Nhưng do nền tảng CNTT chưa tốt nên đa số giáo viên xây dựng các video bài học hoặc giảng bài và ghi lại bằng điện thoại, cập nhật trên các group của lớp. 

Một số trường có bản text bài học và hệ thống bài tập gửi email cho học sinh kèm theo lời nhắc của giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh hoàn thành trong dịp nghỉ tết. Tuy nhiên, đây chỉ là cách dạy học một chiều, khó kiểm soát được mức độ tiếp nhận của học sinh.

Video xem thêm: Những cuộc đàn áp đức tin tàn khốc nhất trong lịch sử

videoinfo__video3.dkn.tv||a0d3ef59e__