Trong các nền văn hóa dân gian và trong ngành khảo cổ học Đông Tây, có rất nhiều ghi chép về Nhân Ngư, giao nhân, hay người cá. Ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đề cập khá nhiều chủ đề liên quan đến Người cá.

Từ truyền thuyết về người cá ở phương Tây…

“Nàng tiên cá” của nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen là câu chuyện nổi tiếng nhất về người cá ở phương Tây. Hình tượng nàng tiên cá trong tác phẩm của ông thậm chí đã được dựng thành một bức phù điêu ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, và hiện đây là một điểm tham quan nổi tiếng trên thế giới.

Tượng nàng tiên cá tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch. (Ảnh: reddit.com)

Người Babylon cổ đại tôn thờ một vị thần biển tên là Oannes. Ngài cư ngụ ở vùng biển Erythrean và dạy cho con người biết về nghệ thuật và khoa học. Ngày nay tại bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp), chúng ta có thể bắt gặp bức tranh sơn dầu từ thế kỷ 8, mô tả Thần Oannes trong hình tượng một Người cá nam – nam nhân ngư, nửa thân trên là của một người nam, nửa thân dưới là đuôi cá.

Một bức chạm nổi miêu tả thần biển Oannes trong hình tượng một nam nhân ngư tại bảo tảng Lourve, Paris, Pháp. (Ảnh: Bảo tàng Lourve)
(Ảnh: fineartamerica.com)
Thần biển Oannes. (Ảnh: strangehistory.net)

… cho đến phương Đông 

Trong tích cổ Trung Quốc, người cá còn được gọi là Giao Nhân Thiện Chức (hay giao nhân), nước mắt của sinh vật này có thể biến thành trân châu.

Trong “Sưu Thần Ký” – một cuốn sách ghi lại những trải nghiệm thần kỳ của tác giả, có ghi:

“Ngoài biển Nam Hải có Giao Nhân, sinh sống dưới nước như loài cá, thần kỳ ở chỗ có thể khóc ra trân châu”.

“Sơn Hải Kinh, Hải Nội Nạp Kinh”, một trong các tài liệu lâu đời nhất Trung Quốc, có ghi:

“Bá Lự Quốc, Ly Nhĩ Quốc, Điêu Đề Quốc, Bắc Cù Quốc, các quốc gia này đều nằm ở phía nam Giai Uất, gần biển. Ly Nhĩ mang hàm nghĩa là hoa tai, Điêu Đề có nghĩa là Giao Nhân, hay người cá”.

Quyển 12 trong “Sơn Hải Kinh, Hải Nội Nạp Kinh” cũng có ghi:

“[Những sinh vật này] có diện mạo giống người, nhưng với thân cá, có tay,  và sống dưới biển”.

Có nghĩa là mang hình dạng đầu người, đuôi cá, có hai tay, sau khi truyền đến Nhật Bản thì đã trở thành hình tượng người cá đầu tiên.

Ningyo – Người cá Nhật Bản. (Ảnh: Yokai.com)

Trong sử ký Tư Mã Thiên (Sử Ký quyển 6, Tần Thủy Hoàng chương 6) có phần ghi chép về người cá:

“Lấy mỡ của người cá làm đuốc”.

Trong “Thái Bình Quảng Ký” cũng ghi:

“Người cá dưới biển là thiếu nữ xinh đẹp của Đông Hải, tuy rằng có chân nhưng sẽ không hại người”.

Trong “Tầm Cổ Điếm” có ghi:

“Biển Đông Hải có người cá, sống hơn ngàn năm, nước mắt là trân châu, giá trị liên thành, có thể dùng mỡ làm đèn vạn năm không tắt, có thể làm ra tơ lụa nhẹ như lông vũ, vảy cá có thể trị được bách bệnh, kéo dài tuổi thọ, sau khi chết thân thể sẽ biến thành mây mưa, hồn phách có thể lên trời và xuống biển. Những miêu tả tường tận như vậy khiến người khác không khỏi chấn kinh”.

Trong “Cổ Kim Kỳ Đàm Dửu Cú Sách” miêu tả:

“Người cá có đầu và khuôn mặt giống người, có lông mày, da trắng như tuyết, tóc màu đỏ, có tay, nửa thân dưới mang hình hài như cá”.

Truyền thuyết kể rằng Giao Nhân có thể tạo ra 2 loại báu vật trong thiên hạ.

Báu vật thứ nhất là lụa thượng hạng, được Giao Nhân dệt. “Thuật dị ký” có ghi chép: “Nam Hải xuất hiện lụa Giao Tiêu, nổi danh nhất thiên hạ, giá đáng ngàn lạng vàng, làm thành y phục chống nước cực tốt”. Lụa Giao Tiêu vừa mỏng vừa nhẹ, bề mặt vô cùng mịn màng, màu sắc xinh đẹp, không hề thấm nước. Giao Nhân thường hay đến nhà ngư dân ở tạm, nếu như nhà đó có khung dệt, để báo đáp ân tình Giao Nhân sẽ giúp người dệt vải, tốc độ dệt của Giao Nhân rất nhanh, chỉ cần vài ngày là dệt xong, hơn nữa giá bán có thể gấp trăm lần vải dệt thông thường.

Loại thứ hai chính là trân châu do nước mắt Giao Nhân hóa thành. Trong “Thái bình ngự lãm trân bảo, phần hai” có ghi: “Giao nhân từ trong nước xuất hiện, thường dùng nước mắt (trân châu) đổi lấy vật phẩm yêu thích từ người dân, hơn nữa còn dùng rất nhiều trân châu, như để tỏ lòng tri ân”.

Bởi vì nước mắt của Giao Nhân có thể biến thành trân châu, đặc biệt là Giao Nhân trọng nghĩa tình, nên đã trở thành biểu tượng tình sâu nghĩa nặng trong văn học. Trong “Sa Đầu Phụng” Lục Du có viết: “Xuân vẫn như xưa, người vì tương tư mà hao mòn, lệ ướt đẫm má hồng, khăn tay làm bằng lụa Giao Tiêu cũng đã ướt đẫm” để diễn tả nỗi lòng bi thương, nhớ nhung vô hạn.

Truyền thuyết miêu tả Giao Nhân với vẻ đẹp của một nàng thiếu nữ có làn da trắng như tuyết, mịn màng như hải tảo. Tương truyền có một người vâng mệnh đi đến Cao Ly (Triều Tiên, gồm Đại Hàn và Bắc Hàn), buổi tối dừng chân nghỉ ngơi trong núi, nhìn thấy một thiếu nữ mặc y phục màu đỏ, tóc bay trong gió, sau khuỷu tay có vảy cá, người này ra lệnh cho thủ hạ không được làm tổn thương thiếu nữ, còn đưa cô trở về nguồn nước. Sau khi ở trong nước, thiếu nữ hồi phục sức lực, biểu đạt cảm kích, rồi biến mất dưới làn nước.

Những vụ phát hiện dấu tích Nhân ngư trên thế giới

Nhiều báo cáo về người cá đã xuất hiện trên khắp thế giới vào thời cận đại. (Ảnh: Pixabay)

Ngày nay, truyền thông thế giới đưa tin khá nhiều về chủ đề Nhân Ngư. Năm 1979, William Malone, một giáo viên người Scotland trong khi tản bộ trên bãi biển Snis đã bất ngờ nhìn thấy một người phụ nữ với mái tóc dài màu nâu, trán tròn, phần thân trên để trần đang nổi trên mặt nước. Có thể thấy rõ phần thân dưới là một cái đuôi cá.

Lúc ấy, William Malone không thể tin vào mắt mình. Nhưng thật sự người phụ nữ ấy trông giống một nàng tiên cá. Cô đã nổi trên mặt nước trong khoảng bốn đến năm phút trước khi lặn xuống dưới biển.

Tờ “Ngọn đuốc” của Kuwait đưa tin, vào ngày 24/8/1980, người ta phát hiện thấy trên biển Đỏ một loài thủy sinh, nửa thân trên mang hình dạng của cá, nửa thân dưới lại y hệt người, gồm hai chân và mười ngón chân. Người ta cho rằng đây chính là Nhân ngư, nhưng thật đáng tiếc bởi khi được phát hiện loài thủy sinh này đã chết.

Tháng 4/1988, nhà báo người Mỹ Arthur Connors đưa tin, khi câu cá ở Amazon một ngư dân tên George Niba đã phát hiện được một Nhân Ngư, nửa thân trên là người, nửa thân dưới giống hệt cá heo, với dung mạo mười phần mê hoặc, có thể gọi là một mỹ nhân ngư. Mỹ Nhân Ngư này còn nói được tiếng người. Theo phong tục, người New Guinea rất kính ngưỡng Người cá, nếu chẳng may giăng lưới bắt được Người cá, họ sẽ thả ngay lập tức. Để tỏ lòng tri ân nghĩa cử đó của con người, Nhân ngư thường bơi quanh thuyền của họ rất lâu rồi mới biến mất.

Ở Nam Thái Bình Dương, Biển Bắc, Biển Đỏ, dọc theo bờ biển Scotland, Ireland và một số nơi khác, đều lưu lại rất nhiều văn tự về sự tồn tại của Người cá.

Tháng 4/1990, “Văn Hối Báo” loan tin: Một số nhà khoa học đang cố gắng tìm kiếm nguồn gốc của các di thể Nhân Ngư từ cách đây 3.000 năm.

Trong quá trình thi công, một nhóm công nhân đã tìm thấy một ngôi mộ chứa kho báu gần bờ Biển Đen tại thành phố Sochi (Nga). Họ đã không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy một loài sinh vật trông giống một nàng công chúa xinh đẹp da đen có đuôi cá. Sinh vật này khiến người ta chấn kinh vì có chiều dài tới 1,73m. Tin tức này được nhà khảo cổ học người Liên Xô thời ấy là Jeremiah tiết lộ với phương tiện truyền thông phương Tây. Các nhà khoa học tin rằng sinh vật này lúc chết khoảng 100 tuổi.

Ngày 21/5/1991, tờ Weekly World Report của Mỹ đã đăng một bài báo có tiêu đề “Sinh vật đáng kinh ngạc tung hoành trên biển cả 12.000 năm trước: Tìm thấy hóa thạch người cá”.

Bài báo về việc phát hiện hóa thạch người cá trên tờ Weekly World Report vào năm 1991. (Ảnh: Weekly World Report)

Trích đoạn bài báo:

“Hóa thạch được phát hiện trong một tảng đá vôi trồi lên tại bờ biển Nam Tư, gần thành phố biển Sibenik (Croatia). Thi thể được bảo quản hoàn hảo của nó có một cái miệng với cơ hàm chắc khỏe và những cái răng sắc bén như dao cạo.

“Sinh vật này là giống cái và có lẽ đã tung hoành trong lòng đại dương vào khoảng 12.000 năm trước. Nó bị thiệt mạng trong một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển, rồi được bọc trong lớp đá vôi, sau đó dần dần trở thành hóa thạch”, tiến sĩ J Patrick O’Connor, nhà khảo cổ học từ California (Mỹ), người đã làm việc tại di chỉ Sibenik lân cận, cho hay.

Đây là hóa thạch Nhân Ngư hoàn chỉnh nhất từng được phát hiện trên thế giới. [Điều này chứng tỏ rằng loài sinh vật này đã vượt ra khỏi khuôn khổ của truyền thuyết, hư cấu], bởi chúng thật sự đã từng tồn tại trong thế giới chúng ta.

Hóa thạch dài 1,6 m này, từ eo trở lên mang hình dạng con người, với hai cánh tay khá khỏe và một cái đầu lớn, phát triển bình thường. Từ hai bàn tay mọc ra những móng vuốt sắc nhọn. Hai mắt không có mi, giống mắt cá”.

Tháng 8/1991, hai cao thủ người Mỹ chuyên săn bắt cá mập trong vùng biển Caribê đã bắt được 11 con cá mập, trong đó có một con dài 18,3 mét.  Khi mổ bụng con cá mập này, họ đã phát hiện trong bao tử của nó có chứa một bộ xương kỳ lạ, một phần ba bộ xương giống người trưởng thành, nhưng phần còn lại thì giống một con cá lớn”. Quá kinh ngạc, họ báo cho cảnh sát, kết quả điều tra cho thấy đây là loài thủy sinh nửa người nửa cá. Các chuyên gia nhập thông tin vào máy tính, kết quả cho thấy hình dạng xương đòn chính là hình dạng của Nhân ngư. Tiến sĩ Adams (Mỹ) đã tham gia vào cuộc điều tra nghiên cứu này cho biết, từ những bằng chứng cho thấy Nhân ngư không phải là huyền thoại hay một sinh vật hư cấu, mà là một sinh vật thực sự tồn tại trên thế giới.

Năm 2013, tại bờ biển Kiryat Yam (Israel), một nhóm thanh niên đã ghi hình được một sinh vật giống người cá. Lúc đầu, sinh vật này nằm trên một tảng đá. Dường như ý thức được bản thân đã bị phát hiện, sinh vật này vội vàng lao mình xuống dòng nước.

Vậy Nhân ngư có thực sự tồn tại hay không? Cho đến giờ, cộng đồng khoa học vẫn chưa đưa ra được câu trả lời chính xác, nên đây vẫn là một câu hỏi mở. Nhưng chúng ta nên để tâm trí cởi mở để tiếp nhận tất cả các khả năng. Dù sao, một số sinh vật từng được cho là sản phẩm của trí tưởng tượng của người xưa, hoặc chỉ thấy xuất hiện trong các truyền thuyết, thần thoại, rốt cục đã được chứng minh là thật. Ví dụ như:

người tí hon (người lùn)

… và người khổng lồ

Mai Thanh