Trước kia có một lão nông tên là Trương Tài. Một buổi xế chiều, lão Trương đang trên đường về nhà, khi đi ngang qua rừng cây, ông nghe thấy một âm thanh lạ. Ông vội tìm đến nơi thì nhìn thấy một con tê tê đang mắc kẹt trong bẫy và không thể nào thoát ra được.

Trương Tài vốn là người có tấm lòng rộng lượng. Khi nhìn thấy con tê tê sập bẫy, ông đã mủi lòng thương, liền mở bẫy thả tê tê ra ngoài.  

Ông nói nhỏ: “Tê tê tội nghiệp, đi nhanh đi, sau này hãy cẩn thận nhé! Lần này may mắn gặp được ta, ngươi mới giữ được cái mạng nhỏ này”. Nhưng sau khi được cứu, tê tê không đi ngay mà bò vòng quanh ân nhân vài vòng rồi mới chịu rời đi.

Đêm đó lão Trương có một giấc mơ kỳ lạ. Ông thấy một người phụ nữ mặc bộ đồ màu trắng đứng trên tảng đá lớn ở ngọn núi sau làng. Nhưng điều đặc biệt là ông không nhìn thấy gương mặt của người phụ nữ này.

Ông tiến lại gần và nhìn thấy một tấm lụa trắng được treo lên mặt tảng đá. Trên đó viết: “Cuốc một nhát đào được bảo vật ngươi sẽ có tất cả, nhớ kỹ, chỉ có thể cuốc 1 nhát, nếu không sẽ gặp đại họa”. 

Chính sự thiện lương của Trương Tài mà gặp được quý nhân trong mộng, đắc được tiền tài (Ảnh: ĐKN)

Ông Trương nhìn thấy chữ “họa” liền giật mình tỉnh giấc. Nhìn ánh mặt trời luồn qua khe cửa, ông mới biết đó là giấc chiêm bao. Tuy nhiên, giấc mộng ấy vừa dị thường lại vừa mơ hồ khiến ông không cách nào giải thích được. Lúc này ông chỉ nhớ được tảng đá phía sau núi và dòng chữ trên đó.

Sau khi kết thúc ngày làm việc, ông Trương không về nhà ngay mà đi đến ngọn núi phía sau làng. Ông vừa tò mò vừa hồi hộp đi tìm tảng đá trong mộng. Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng ông cũng đến nơi. Tảng đá ấy không khác nhiều so với tảng đá trong giấc mộng, chỉ có điều, trên mặt tảng đá được bao phủ bởi dương xỉ và cỏ cây um tùm.

Mặc dù thấy kỳ lạ, nhưng chợt nghĩ đến dòng chữ trên tấm vải trắng, ông bất giác đưa cuốc lên và cuốc một nhát. Ông không ngờ mình lại đào được một khối bảo thạch lớn bằng nắm tay người. Bảo thạch rất đẹp, lấp lánh, chắc chắn là có giá trị rất lớn.

Nhìn thấy cảnh này, ông vô cùng cao hứng định cuốc thêm một nhát nữa, nhưng lập tức chữ “họa” lại hiện lên trong đầu. Trương Tài cũng không phải người tham lam nên đã dừng tay. Ông cầm bảo thạch rồi trở về nhà. Sau khi về, ông không bán nó ngay mà đem cất đi.

Khoảng nửa năm sau, vợ ông do làm việc quá sức nên đã lâm bệnh nặng. Trong nhà lại không có tiền để chi trả thuốc men, lúc này ông mới nhớ đến khối đá dạo nọ.

Nghĩ vậy, ông Trương liền mang khối đá quý vào nội thành và bán được 1000 lượng vàng. Ông dùng một phần tiền xây lại nhà cửa và thuê nhân công lao động để cùng vợ tận hưởng cuộc sống an nhàn.

Sau khi thấy lão Trương nghèo xác nghèo xơ bỗng trở nên giàu có chỉ sau một đêm, dân làng bắt đầu để ý rồi dèm pha. Người này nói một câu, người kia thêm một ý, thế rồi họ đồn thổi rằng có thể ông tìm được đá quý hoặc có bí mật mờ ám nào đó.

Dư luận khiến gia đình ông Trương phải chịu áp lực rất lớn. Thế rồi cuối cùng họ cũng biết dò la được tin tức, rằng ông Trương tìm thấy bảo thạch ở sau núi.

Nhưng ngọn núi rộng lớn và cao chót vót như vậy, để tìm được kho báu không khác gì mò kim đáy biển. Muốn tìm được bảo vật, dân làng phải tính kế với Trương Tài.

Vì đố kỵ, dân làng đồn thổi rằng có thể ông tìm được đá quý hoặc có bí mật mờ ám nào đó (Ảnh: ĐKN)

Ngày hôm sau, dân làng lại ngụy tạo tin tức, nói rằng Trương Tài muốn một mình độc chiếm kho báu. Tin giả được truyền ngày càng rộng, khiến mọi người không ngớt lời nói rằng ông lòng lang dạ thú, nuốt riêng kho báu.

Một vài ngày sau, họ triệu tập dân làng đến bắt cả nhà Trương Tài và trói dưới gốc cây. Bởi vì lời đồn độc chiếm kho báu, thôn dân lại xem tiền như tính mạng của mình, họ không còn kiêng nể trời đất, giữa ban ngày làm ra sự tình này.  

Dù bị đối xử thế nào, Trương Tài cũng không giận dữ mà khuyên bảo, nói rằng trong nhà vẫn còn một ít ngân lượng, mọi người có thể lấy tùy ý, chứ không thể nói ra chỗ cất giấu bảo thạch. Thôn dân lại cho rằng Trương Tài tham lam, tính kế cho họ chút tiền rồi đuổi họ đi. Thế là họ không đồng ý.

Dù phải chịu khổ thế nào ông cũng cam lòng. Nhưng vợ đã già yếu, lại lâm bệnh nặng, thân thể suy nhược làm sao chịu nổi cảnh giày vò này? Vì thương vợ, ông không còn cách nào khác đành phải nói ra nơi cất giữ bảo thạch.

Ngay sau đó, người dân trong làng đổ xô đi lấy cuốc xẻng và tìm đến vị trí như ong vỡ tổ. Vì sợ bị lừa gạt nên họ vẫn chưa buông tha cho hai vợ chồng lão Trương, đợi sau khi lấy được bảo thạch trở về rồi mới xử lý tiếp.

Trong thôn lúc này chỉ còn lại mấy người già cả và những gia đình ủng hộ Trương Tài. Tự nhiên ông thấy bầu không khí tĩnh lặng đến đáng sợ. Ông không thể cử động, trong tâm chỉ có thể khẩn cầu Trời cao, nếu muốn giáng họa thì hãy đổ lên đầu ông, buông tha cho vợ con.  

Còn về phần dân làng, quả thật họ đã tìm được kho báu. Họ vui cười đến không ngậm được miệng, lại còn không ngớt mắng Trương Tài, rằng nhiều đá quý như thế, vậy mà dám một mình độc chiếm…  

Đột nhiên, một thôn dân cuốc phải mạnh nước nguồn, một cột nước khổng lồ bất ngờ phun lên. Mọi người sững sờ chưa kịp phản ứng thì dưới chân đất bắt đầu rung chuyển, tiếng động ầm ầm như núi lở sông gầm. Ngước nhìn lên, họ thấy núi đá lớn đổ sụp xuống, mọi người thấy vậy liền bỏ cuốc bỏ xẻng mà chạy tháo thân nhưng không còn kịp nữa.

Vì lòng tham, đố kỵ mà chính người dân đã hứng chịu tai ương tận diệt, không tin có quả báo ắt tự rước họa vào mình ( Ảnh: ĐKN)

Núi đá lở trôi toàn bộ đất đá xuống chân núi khiến không một ai sống sót. Ngôi làng với hàng trăm gia đình vui sống náo nhiệt, giờ chỉ còn lác đác một vài hộ dân.

Kỳ thực kho báu nằm ở phía sau núi là tử huyệt, nếu đào bới một cách tùy ý, nó sẽ khiến cho long mạch đứt gãy, đất sụp núi lở. Chỉ vì lòng tham làm mờ mắt nên thôn dân mới phải chịu họa này…

Lòng tham có thể khiến người ta mê mờ, chỉ biết chạy theo lợi, sẵn sàng từ bỏ các chuẩn mực đạo đức, thậm chí giày xéo lên lương tri, nhân phẩm. Nhưng “tham thì thâm”, đạo lý nhân quả vẫn luôn không sai chạy dù chỉ một tấc một ly. Người tranh giành lợi lộc thì sẽ chết vì lợi lộc, kẻ đeo đuổi tình cũng khổ não vì tình.

Nhân sinh như giấc mộng, bất quả chỉ là trăm năm vụt qua nhanh như ánh chớp giữa hư không, như bóng câu vờn qua cửa sổ. Nếu muốn bảo tồn được phúc đức dài lâu, chỉ có cách là tu tâm dưỡng tính, hành thiện tích đức, sống thuận theo Trời mà thôi.