Nếu có hai cái cây, bạn sẽ chặt cây nào? Câu hỏi này tưởng chừng đơn giản nhưng lại chỉ ra nguyên nhân khiến nhiều người khó đạt được thành công.

Một vị giáo sư già đưa ra một câu hỏi: “Nếu bạn lên núi đốn cây, vừa lúc nhìn thấy trước mặt có hai cái cây đang đứng, một cây thô to, một cây nhỏ, bạn sẽ chặt cây nào?”

Vấn đề vừa được đưa ra, mọi người đã đồng thanh trả lời: “Tất nhiên sẽ chặt cái cây thô to kia rồi.”

Vị giáo sư cười bảo: “Nếu như cái cây thô to chẳng qua chỉ là một cây dương tầm thường, còn cái cây nhỏ lại là cây thông đỏ, vậy bây giờ mọi người sẽ chặt cây nào?” 

Những người khác suy nghĩ, thông đỏ so với cây dương thì đáng giá hơn, bèn thống nhất đáp: “Đương nhiên sẽ chặt cây thông đỏ rồi, cây dương chẳng đáng tiền mấy!”

Vị giáo sư vẫn giữ nguyên nụ cười, nhìn mọi người hỏi: “Vậy nếu như cây dương thân mọc thẳng tắp, còn cây thông đỏ lại uốn lệch xiêu vẹo, các bạn sẽ chặt cây nào đây?” 

Mọi người vừa nghe xong câu hỏi liền cảm thấy có chút nghi hoặc, nhưng vẫn tiếp tục trả lời: “Nếu là như vậy thì vẫn nên chặt cây dương. Cây thông đỏ mà bị uốn cong vẹo thì cũng chẳng làm được gì!”

Giáo sư già nghe xong, hai mắt lấp lánh, phỏng chừng ông lại chuẩn bị cho thêm vào câu hỏi điều kiện nào đó. Quả nhiên, ông nói: “Cây dương tuy thân thẳng, nhưng vì tuổi đời đã lâu nên bên trong hầu như trống rỗng. Lúc này, các bạn sẽ chọn chặt cây nào?” 

Mặc dù không hiểu vị giáo sư hỏi như vậy rốt cuộc để làm gì, những người tại đó vẫn thành thực trả lời theo điều kiện mà ông đưa ra: “Nếu thế thì vẫn là chặt cây thông đỏ đi, cây dương rỗng ruột càng chẳng có tác dụng gì!” 

Ngay sau đó, vị giáo sư già lại hỏi: “Cây thông đỏ mặc dù không bị rỗng ruột nhưng lại cong vẹo vô cùng, khiến cho việc chặt cây rất khó khăn, lúc ấy các bạn sẽ chọn chặt cây nào?

Mấy người tại đó chẳng buồn suy nghĩ xem vị giáo sư nọ đến tột cùng là muốn đưa ra kết luận gì, lập tức đáp: “Vậy chặt cây dương đi. Cả hai đều không có tác dụng gì nhiều, đương nhiên sẽ chọn cái cây nào dễ chặt hơn để chặt rồi!” 

Vị giáo sư nhanh chóng hỏi tiếp: “Nhưng trên cây dương có một cái tổ chim, vài con chim non còn đang ẩn núp ở trong tổ, vậy bạn sẽ chặt cây nào?”

Cuối cùng, có người không nhịn được tò mò, bèn lên tiếng: “Giáo sư, ngài rốt cuộc là muốn nói điều gì với chúng tôi? Những câu hỏi này là để làm gì?”

Không ngờ vị giáo sư già trả lời bằng một câu hỏi: “Các bạn sao không có ai tự hỏi mình xem: rốt cuộc vì lý do gì lại phải chặt cây? Mặc dù điều kiện tôi đưa ra không ngừng biến hóa, nhưng kết quả cuối cùng như thế nào là do động cơ ban đầu của các bạn quyết định. Nếu như muốn lấy củi, thì bạn chặt cây dương; còn nếu muốn làm sản phẩm mỹ nghệ, thì bạn chặt cây thông đỏ. Các bạn tất nhiên sẽ chẳng vô duyên vô cớ vác rìu lên núi chặt cây!”  

Một người, chỉ khi trong lòng đã có mục tiêu, mới có thể không bị mê hoặc bởi những điều kiện và hiện tượng khác nhau. Mục tiêu của bạn có rõ ràng không? Một khi bạn đã tìm ra nó, xin hãy tiếp tục kiên trì với nó.

Theo Secret China
Trường Lạc biên dịch