Trong tiếng Hán, chữ “Kinh” (經) vừa có nghĩa là kinh điển, kinh sách tu luyện, là kinh qua khổ nạn, vừa có nghĩa là kinh mạch trong thân thể người. Một chữ Kinh ấy đã hé lộ sự uyên thâm kỳ diệu của Tây du ký.

Cuối Tây du ký [1] có bài thơ như thế này:

Thánh tăng gắng sức lấy kinh,
Ruổi rong mười bốn năm ròng trời Tây.
Gian lao vất vả đêm ngày,
Trèo đèo lội suối đắng cay muôn phần.
Hoàn thành công quả vô vàn.
Ba nghìn viên mãn đủ vòng đại thiên.
Chân kinh về tới Đại Đường,
Từ nay mãi mãi lưu truyền cõi Đông.

Sự gian khổ và công đức vô lượng của hành trình thỉnh chân kinh là điều ai cũng dễ dàng hiểu được, riêng thuật ngữ “vòng đại thiên” trong đoạn thơ trên lại là thuật ngữ trong tu luyện Đạo gia, còn gọi là “đại chu thiên”. Đại chu thiên chỉ vòng tuần hoàn kinh mạch trong thân thể con người, một số mạch vận chuyển nơi tay, dưới chân, hai bắp chân cho tới đầu, chạy một lượt khắp thân thể. Trùng hợp thay, trong tiếng Hán, chữ “Kinh” (經) vừa có nghĩa là kinh điển, kinh sách tu luyện, là kinh qua khổ nạn, vừa có nghĩa là kinh mạch trong thân thể người.

Chúng ta đã biết toàn bộ hành trình thỉnh kinh của năm thầy trò Đường Tăng với các ma nạn được an bài tỉ mỉ chính là quá trình tu luyện tâm tính, trừ bỏ ma tính của con người. Bên cạnh đó, mỗi từng cái tên, tình tiết trong truyện đều hé lộ sự tương hợp kỳ lạ với các huyệt vị và nội tạng thân thể, cũng như quá trình khai thông, vận chuyển chu thiên và tu luyện thân thể người. Tâm và thân hợp nhất [2].

Trong đoàn người đi thỉnh kinh, Tôn Ngộ Không (‘kim công’) và Trư Bát Giới (‘mộc mẫu’) đại biểu cho sự hòa hợp của âm dương trong cơ thể, là không rời khỏi tác dụng của tỳ tạng, thể hiện qua hình tượng Sa Tăng. Tỳ (lá lách) ngũ hành thuộc thổ, màu vàng; Sa Hòa Thượng thuộc tính nhân hậu và hài hòa, ông còn được gọi là ‘hoàng bà’, tức có ý là ‘người mai mối’. Trước khi thu phục Sa Tăng, Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới hợp tác cùng đại chiến với Hoàng Phong quái, bởi vì ‘kim công’ và ‘mộc mẫu’ thiếu mất sự điều hòa của ‘hoàng bà’ nên mới có trận đại chiến với Hoàng Phong quái. Yêu quái Hoàng Phong bị thu phục rồi, cũng là đến lúc thu phục Sa Hòa Thượng.

Thầy trò Đường Tăng và Bạch Long Mã, năm vị tập hợp đầy đủ rồi thì bắt đầu quan khảo nghiệm đầu tiên: khảo nghiệm về tâm sắc dục, đây chính là nguồn gốc của “Tứ thánh thí thiện tâm” (thử thiện tâm của bốn vị thánh tăng). Quan ải này qua rồi, ngũ tạng của thân thể cũng tự nhiên an định yên ổn; đối với người tu luyện mà nói, tại tầng thứ này đã bắt đầu xuất nguyên anh. “Ngũ Trang” trong “Ngũ Trang quán” thực chất là chỉ ngũ tạng trong thân thể người. Quả nhân sâm có hình dáng giống như đứa trẻ, chính là nói về nguyên anh. Bởi vì nguyên anh được sinh ra ở bộ vị đan điền khi người ta tu luyện đến một tầng thứ nhất định, là thứ thuộc về tiên thiên, cho nên nói rằng thuộc tính của nguyên anh và ngũ hành là “tương úy” (thuật ngữ trong Trung y, chỉ độc tố hoặc tác dụng phụ của một vị thuốc có thể hạ thấp hoặc loại bỏ bởi một vị thuốc khác).

Trong Phật gia, nguyên anh được gọi là Phật thể, cũng là thân kim cương bất hoại. Sau khi nguyên anh được sinh ra, tự nhiên cần phải thanh trừ thây ma trên người, đó chính là chương nói về ba lần đánh Bạch Cốt Tinh. Đạo gia cho rằng, trong mỗi người đều có ba cái thây ma (“tam thi”), lần lượt là Thượng thi, Trung thi, và Hạ thi. Trong Thái Thượng Tam Thi Trung Kinh viết: “Thượng thi tên Bành Cư, thích báu vật, ở trong đầu con người; Trung thi tên Bành Chất, thích ngũ vị, ở nơi bụng con người; Hạ thi tên Bành Kiểu, thích sắc dục, ở trong chân con người”. Vì có chủng thây ma này, nên con người ai ai cũng mê đắm tiền tài vật chất, thích hưởng lạc, lại coi sắc dục là bản tính của mình. Kỳ thực, đó đều là ma!

Khi Ngộ Không đến Nam Hải mời Bồ Tát đi hàng phục Hồng Hài Nhi, Ô Quy hành lễ với Bồ Tát, Bồ Tát nói không cho Thiện Tài Long Nữ và Ngộ Không cầm bình tịnh thủy đi cùng nhau, bởi vì Long Nữ tướng mạo xinh đẹp, Bồ Tát sợ Ngộ Không khởi tà niệm. Ngộ Không nói: “Từ trước đến nay không làm việc như vậy”. Sau đó Bồ Tát cho Ngộ Không đi trước, Ngộ Không nói: “Đệ tử không dám trổ tài trước mặt Bồ Tát. Nếu lộn cân đẩu vân, lộ ra thân thể, sợ Bồ Tát mắng con bất kính”. Những lời này làm cho người đọc không nhịn được cười, nhưng lại ẩn chứa thời gian thông chu thiên, hiện tượng dương khởi khi chân khí đi qua âm bộ. Đồng thời cũng thuyết minh rằng, chỗ Bồ Tát ở chỉ có Thiện Tài Long Nữ, để lại “phục bút” cho việc thu Hồng Hài Nhi làm Thiện Tài Đồng Tử sau này.

Tiếp theo là bắt Đà Long tại sông Hắc Thủy, chính là nói về quá trình nguyên khí đi qua huyệt mệnh môn. Bởi vì màu sắc đối ứng với thận tạng trong ngũ hành là màu đen, mệnh môn ở giữa hai thận, thầy trò Đường Tăng đi qua sông Hắc Thủy cũng chính là đi qua huyệt mệnh môn. Do mạch đốc thuộc dương, khí hậu được miêu tả trong truyện cũng là “tam dương chuyển vận, mãn thiên minh mị khai đồ họa” (ba mạch dương vận chuyển, khắp trời mở ra đẹp đẽ như tranh vẽ). 

Tiếp theo là qua quan giáp tích. Vị trí của giáp tích là ở phía lưng hai bên cột sống, từ mỏm gai đốt sống cổ thứ nhất đến mỏm gai đốt sống lưng thứ năm, mỗi mỏm gai đều sang hai bên khoảng một đốt ngón tay. Trong truyện dùng ‘tiểu lộ’ (con đường nhỏ) để ví về huyệt giáp tích, nói rằng tiểu lộ nằm ở giữa hai cửa ải lớn, đường ở dưới ải đều là dốc thẳng đứng, 500 vị hòa thượng tại Xa Trì quốc không kéo được chiếc xe chở đầy ngói qua. Tôn Ngộ Không dùng thần thông, kéo chiếc xe qua hai cửa ải, xuyên qua huyệt giáp tích. 

Khi qua quan này, ba con yêu quái Hổ Lực Đại Vương, Lộc Lực Đại Vương và Dương Lực Đại Vương đấu phép thuật cùng Tôn Ngô Không và bị diệt trừ. Một tầng hàm nghĩa chính là: khi chu thiên vận hành qua huyệt giáp tích, không thể dùng ngoại lực; dùng ý quá nhanh, quá mạnh, quá yếu đều không được; mà chỉ căn cứ một niệm của bản tính, tự nhiên sẽ qua. Nếu không sẽ nhập sang bàng môn.

Qua được huyệt giáp tích, theo đường đi của chu thiên thì sẽ tiếp tục đi lên, trong truyện miêu tả là đến sông Thông Thiên. Sông Thông Thiên ý nói là huyệt bách hội trên đỉnh đầu, tả về sông Thông Thiên trong truyện có câu thơ “Trường lưu quán bách xuyên” (dòng chảy dài thông suốt trăm con sông), mà huyệt bách hội trên thân thể chính là nơi kinh mạch giao hội, huyệt vị này lại nằm ở ngay trên đỉnh đầu, có thể nói đây là nơi tương thông với trời. Nê Hoàn Cung là nơi đối ứng với huyệt bách hội trong đại não, cũng chính là nơi chủ nguyên thần trú ngụ, tên của yêu quái kia là “Linh Cảm Đại Vương” cũng đã nói rõ hơn về điểm này. Đến sông Thông Thiên thì con đường thỉnh kinh đi được một nửa rồi, tức là đã đi được năm vạn bốn nghìn dặm. 

Huyệt bách hội là đỉnh đầu của con người, cũng là điểm giao hội của hai mạch nhâm và đốc. Bên bờ sông Thông Thiên có Trần Gia trang, có anh em Trần Trừng và Trần Thanh; Trần Trừng có một cô con gái tám tuổi tên Nhất Xứng Kim; Trần Thanh có một cậu con trai bảy tuổi tên là Trần Quan Bảo. Thầy trò Đường Tăng cứu được đôi trai gái này khỏi bị yêu quái ăn thịt cũng là một cách ví von, chỉ “anh nhi sá nữ phối âm dương”. Trương Tam Phong từng có câu: “Hoàng bà dẫn khứ anh nhi, thượng nê hoàn, thấu huyền quan, anh nhi sá nữ lưỡng đoàn viên”. Còn có người nói: “Huyệt giáp tích trên thân người, ví như sông Ngân trên trời. Sông Ngân ngăn cách nhưng lại có Linh Thước làm cầu, còn có cách nói là bắc cầu Hỉ Thước. Lưỡi của người cũng gọi là cầu Hỉ Thước. Phàm khi tạo đan, thì lấy hoàng bà dẫn nguyên anh lên nê hoàn, cùng sá nữ giao hội, nên cũng nói là lên cầu Hỉ Thước”.

Khi qua quan này, có chương tiết nói về Linh Cảm Đại Vương dùng thần thông làm tuyết rơi đông cứng sông Thông Thiên. Trong “Cửu chuyển kim đan tu luyện pháp”, khi tu luyện đến bước xuất nguyên anh này, trong định sẽ phát hiện vùng nê hoàn cho đến bách hội giống như là khoảng trống hư không, nhưng lại có cảnh tượng nhiều hoa tuyết bay. Tây du ký nhiều lần nhắc đến tu luyện “Cửu chuyển kim đan thuật”, ví dụ, sau khi Tôn Ngộ Không lấy trộm kim đan của Thái Thượng Lão Quân, Lão Quân nói với Ngọc Đế: “Trong Đạo cung của Thần, luyện được một ít ‘cửu chuyển kim đan’, để Bệ hạ làm ‘Đan nguyên đại hội’, không ngờ bị kẻ trộm lấy mất”. Ngay cả Trư Bát Giới tự kể lại với Tôn Ngộ Không về kiếp trước của mình cũng nói: “Đắc truyền cửu chuyển đại hoàn đan, Công phu trú dạ vô thời khuyết”; Tôn Ngộ Không còn nói khoác về Kim Cô bổng của mình: “Bổng thị cửu chuyển tấn thiết luyện, Lão Quân thân thủ lư trung đoàn” (gậy sắt là thép tinh luyện qua chín lần, do đích thân Lão Quân luyện trong lò). Cuối cùng, một nạn bổ sung thêm cho Đường Tăng cũng là tại sông Thông Thiên, có câu thơ như sau: “Bỉnh chứng tam thừa túy xuất nhập, Đan thành cửu chuyển nhâm chu toàn”.

Qua được sông Thông Thiên rồi, Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng vì tâm trộm cắp nên mới dẫn đến tai họa. Yêu quái là con trâu xanh của Lão Quân đã trộm Kim Cương trác của ông rồi xuống nhân gian tác quái. Kim Cương trác này cũng là chiếc vòng Thiên Linh Cái năm xưa Lão Quân dùng để đánh Ngộ Không; vật này xuất hiện ở đây, chính là ý nói chu thiên cần phải thông qua đỉnh đầu rồi.

Thuở xưa khi Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung, Thần tướng khắp trời không làm gì được Ngộ Không, đó là biểu hiện hình tượng hóa một người khi tu luyện đến bộ phận đầu, tại vị trí này cần thông khiếu quá quan (thông huyệt vị). Ví dụ “Minh Thiên cổ” (đánh trống trời) trong tu luyện truyền thống, chính là dùng hai tay bịt kín hai tai lại, ngón tay đặt tại huyệt ngọc chẩm gõ nhẹ; mà Lôi phủ trong Thiên Cung chính là chỉ mũi người. Nơi ở “cung Đâu Suất” của Thái Thượng Lão Quân là ở bên trên ba mươi ba tầng trời. Khi xưa Tôn Ngộ Không tại nơi đây đã bị đẩy vào lò Bát Quái, về bản chất là chỉ đỉnh đầu của con người. Tê Giác Đại Vương cản trở thầy trò Đường Tăng là do con Thanh Ngưu (trâu xanh) của Thái Thượng Lão Quân biến hóa thành, nơi ở của nó là động Kim Đâu thuộc núi Kim Đâu, có thể coi là tên gọi khác của cung Đâu Suất. Tôn Ngộ Không mời Thiên Vương, Lôi Công, Hỏa Đức, Thủy Bá, gặp Phật Như Lai, mời thập bát La Hán, giống như năm xưa Ngộ Không đại náo Thiên Cung, thực chất là miêu tả hình tượng hóa khi chu thiên vận hành quá quan thông khiếu. Cuối cùng, Lão Quân dùng Kim Cương trác xỏ mũi trâu xanh và chế phục được nó, việc này được ví von như khi chu thiên vận hành đến mũi vậy.

Trên đường thỉnh kinh đi qua Tây Lương nữ quốc, bởi vì Đường Tăng và Bát Giới đã uống nước sông Tử Mẫu mà có thai khí, đây là chỉ trong tu luyện đã nhập bàng môn. Đường Tăng và Bát Giới trong ngũ hành đều thuộc tính thủy, thuật ngữ trong tu luyện gọi là ‘hống’ (thủy ngân), Tôn Ngộ Không là ‘kim công’, thuật ngữ trong tu luyện cũng gọi là ‘diên’ (chì). “Chân diên hợp chân hống” (chì tinh khiết kết hợp với thủy ngân tinh khiết), tự nhiên sẽ sinh ra tiên đan. Nhưng Đường Tăng và Bát Giới lại uống nước, cho nên mới có tà thai. Có tà thai rồi thì làm thế nào? Chính là dùng nước suối Lạc Thai ở động Phá Nhi núi Giải Dương để phá giải. Nước suối này chính là chỉ nước bọt của người, thuật ngữ trong tu luyện gọi là ‘kim tân ngọc dịch’. 

Động Phá Nhi bị Như Ý chân tiên đổi tên thành Tụ Tiên am. Am là nơi cư trú của ni cô, Như Ý chân tiên là thân nam, cớ sao lại đổi tên như vậy? Bởi vì thủy trong Bát Quái có quẻ tượng đối ứng là Khảm (☵) với một hào dương ở giữa hai hào âm, chính là ý nói trong am có một thân thể nam cư trú. Tôn Ngộ Không vì sao không dùng phân thân để chống lại Như Ý chân tiên, để chân thân đi lấy nước? Bởi vì ‘chân diên chân hống’ bắt buộc phải qua sự điều hòa của thổ mẫu, do đó ắt phải là Sa Hòa Thượng đi lấy nước mới giải được tà thai [3]. Trong Tây du ký có câu thơ viết: 

“Chân diên nhược luyện tu chân thủy,
Chân thủy điều hòa chân hống can.
Chân hống chân diên vô mẫu khí,
Linh sa linh dược thị tiên đan.
Anh nhi uổng kết thành thai tượng,
Thổ mẫu thi công bất phí nan.
Thôi đảo bàng môn tông chính giáo,
Tâm quân đắc ý tiếu dung hoàn” [4].

Hai nạn theo sau của thầy trò Đường Tăng ở Nữ Nhi quốc xem ra có liên quan đến việc vượt qua quan sắc, đương nhiên đây cũng chỉ là một phương diện, thực chất lại là sự miêu tả hình tượng hóa khi chu thiên vận hành đến bộ vị tâm tạng.

Câu chuyện Tôn Ngộ Không ba lần mượn quạt Ba Tiêu rất hấp dẫn người đọc, nếu đặt trong kết cấu chỉnh thể của Tây du ký và sự an bài việc tu luyện thân thể người, thì đó chẳng qua chỉ là thông qua điều tức để đạt được sự điều chỉnh của các tạng trong thân thể. Uy lực của quạt Ba Tiêu lớn như thế, kỳ thực cũng là chỉ bộ phận lưỡi của người. Trong tu luyện truyền thống, có một cách hô hấp nạp thải khí gọi là “lục tự ca quyết”, sáu chữ này lần lượt là “hư, ha, hô, xi, suy, hi”, ứng với tạng phủ kinh lạc lần lượt là “can, tâm, tỳ, phế, thận, tam tiêu”. Khi tu luyện yêu cầu mũi hít vào miệng thở ra. Sáu chữ này dường như hoàn toàn tương đồng với khẩu quyết của bà La Sát dùng để biến lớn quạt Ba Tiêu là “xi, hư, a, hấp, hi, suy, hô”. Trong tu luyện đều cần phải “đáp Thước Kiều” (nối cầu Hỉ Thước), chính là lưỡi đặt hàm trên. Lúc thổ nạp hô hấp, khi hít khí vào lưỡi chạm hàm trên, khi thở khí ra bởi vì phải làm khẩu hình tương ứng với âm thanh phát ra, nên đầu lưỡi tự nhiên cũng rời khỏi vị trí hàm trên. Đây cũng là nguyên do dẫn đến việc Tôn Ngộ Không ba lần mượn quạt Ba Tiêu. Mà lưỡi lại là ‘tâm chi miêu’ (gốc của tâm), trong ngũ hành thuộc tâm, thuộc tính hỏa, do đó nói dùng quạt Ba Tiêu quạt tắt ngọn lửa Hỏa Diệm Sơn chính là mượn điều tức để đạt đến ‘bình tức tâm hỏa’ (khiến lửa giận lắng lại).

Ngộ Không nói “Ngưu Vương bản thị tâm viên biến” (Ngưu Ma Vương vốn do tâm viên biến thành); con trai Ngưu Ma Vương là Hồng Hài Nhi cũng tượng trưng cho tâm hỏa; vợ của Ngưu Ma Vương là La Sát phu nhân giữ Hỏa Diệm Sơn cũng là chỉ về tâm hỏa. Có thể thấy gia đình nhà Ngưu Ma Vương đều có liên quan đến tâm. Dùng quạt Ba Tiêu để quạt nước mưa dập tắt lửa Hỏa Diệm Sơn, điều này lại vừa phù hợp với câu nói trong tu luyện của Đạo gia là “thủy hỏa ký tế” (nước lửa đã xong). Cho nên khi câu chuyện này kết thúc, trong Tây du ký có viết rằng: “Bốn thầy trò Đường Tam Tạng đi riêng một con đường, nước lửa đã cứu xong, tiết trời trở nên mát lạnh, mượn được quạt quý thuần âm, quạt hơi lửa nóng để qua núi”.

Câu chuyện này còn có ngụ ý khác nữa, đó chính là chu thiên trong khi vận hành đi qua “tam tiêu”. Tam tiêu phân chia thành thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu, dường như bao gồm tất cả lục phủ ngũ tạng của thân thể người. Tam tiêu là một phủ đặc thù, nó là con đường thủy cốc trong thân thể, có đường nước khai thông, có tác dụng vận hành thủy dịch. Tam tiêu trong ngũ hành thuộc về hỏa. Trong truyện cũng nhiều lần nhắc đến, nói rằng chỉ có dùng quạt Ba Tiêu quạt tắt ngọn lửa, quạt đến khi có mưa, mới có thể trồng trọt thu hoạch, từ đó mới có được ngũ cốc để dưỡng sinh.

Tác giả rất chú ý đến việc sắp xếp tình tiết câu chuyện, phần trước có nói đến người tu luyện tu đến tầng thứ nhất định sẽ xuất nguyên anh, sau đó mấy phần tiếp đều viết về những gì có liên quan tới nguyên anh hoặc liên quan đến tâm, cho đến khi viết về thông chu thiên. Tiếp về sau, phần cuối lại viết về thất tình. Bởi vì không thỏa mãn được tình, liền sinh ra hận. Rồi lại viết về lục dục. Những điều này đều là có quy luật tuần hoàn.

Khi chu thiên vận hành, lúc thầy trò Đường Tăng lần đầu tiên vượt quan về tâm, chính là dùng hình tượng Hồng Hài Nhi; lần thứ hai là mẹ của Hồng Hài Nhi – Thiết Phiến công chúa; từ đó về sau, khi vượt qua mỗi quan thì trong tiêu đề đều dùng “sá nữ cầu dương”. Từ nam đến nữ, từ già đến trẻ, trong tu luyện thì càng ngày càng trở nên thuần tịnh.

Có thể thấy sự sắp xếp tình tiết trong Tây du ký là vô cùng độc đáo, không chỉ là chu thiên vận hành, mà một số bộ phận đặc thù của thân thể cũng cần phải luyện, ngay cả thân thể cũng cần phải thanh lý. Ví dụ hồi 65 và hồi 66 viết về Hoàng Mi quái, chính là chỉ hệ sinh sản của con người. ‘Đoản nhuyễn lang nha bổng’ (gậy răng sói mềm ngắn) mà Hoàng Mi quái sử dụng chính là chỉ dương vật của nam giới, bảo bối ‘đáp bao’ (túi đắp) mà hắn sử dụng rõ ràng chính là âm nang người. Phật Di Lặc nói đây là “Hậu thiên đại tử, tục danh hoán tố nhân chủng đại” (cái túi của sau này, tục danh gọi là túi đựng giống người). Phật Di Lặc bảo Tôn Ngộ Không dụ Hoàng Mi quái ra, “Ngài viết lên lòng bàn tay của Hành Giả một chữ ‘cấm’, bảo Hành Giả nắm tay lại, nhìn thấy yêu tinh hãy giơ tay trước mặt nó, nó liền đi theo”, ngụ ý là cần cấm dục.

Hồi thứ 67, trong truyện viết về hẻm Hi Thị (con đường nhỏ có nhiều hồng rụng bị thối nát) ở Đà La trang, thực ra chính là chỉ ruột người, gọi là ‘Hi Thị’ chẳng qua là đồng âm với ‘hi thỉ’ (phân lỏng). Trong hẻm Hi Thị có Hồng Lân Đại Mãng (con mãng xà lớn có vảy màu đỏ), chính là nói về hồi trùng (giun sán trong ruột người). Đương nhiên cần phải giết chết nó. Nhờ Bát Giới biến thành cái đầu lợn lớn đi trước ủi để mở đường mới qua được quan này.

Đến cuối cùng, tới được Linh Sơn rồi, còn phải qua bến đò Lăng Vân. Khi Ngộ Không đẩy Đường Tăng lên thuyền không đáy, thân thể nơi trần thế (nhục thân) của đường Tăng liền tự nhiên thoát rơi ra, chính là ứng với ý “Kim Thiền thoát xác”. Quá trình tu luyện thân thể người đến đây là hoàn tất, nhục thân đã hoàn toàn chuyển hóa thành vật chất cao năng lượng, hợp làm một với nguyên anh. Người tu luyện đắc đạo, Phật gia gọi là Phật, Bồ Tát, La Hán, Đạo gia gọi là Chân Nhân.

Những trận chiến chính – tà kinh tâm động phách trên hành trình thỉnh kinh lại tương hợp với những biến hoá kỳ diệu trong thân thể người, điều đó giúp chúng ta hiểu hơn vì sao ở hồi thứ 64, Đường Tăng nói: Thân người khó được, Trung Thổ khó sinh, chính Pháp khó gặp; nếu được cả ba điều, thì may mắn lắm thay!”. Đạo gia giảng thân người là một tiểu vũ trụ, có được thân người chính là đã có cả một vũ trụ để tu luyện, phản bổn quy chân, tu thành rồi chính là Pháp vương trong thiên quốc của bản thân mình.

Giới tu luyện xưa nay đọc Tây du ký đều cho rằng một tác phẩm có nội hàm uyên thâm như vậy hẳn phải do một Thần nhân viết ra. Muốn giải mã Tây du ký, nếu chỉ đọc sách khí công, lý thuyết tu luyện rồi tìm tòi câu chữ thì khó lòng hiểu được. Hơn nữa, sách khí công hiện nay khá hỗn tạp, khí công giả, nguỵ khí công rất nhiều, chẳng may đọc phải sẽ hại người. Quý độc giả muốn chân chính lý giải nội hàm của Tây du ký thì chỉ có con đường tu luyện, tự mình chứng đắc, tự mình thể ngộ. Trong Chuyển Pháp Luân [5], cuốn sách chỉ đạo tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, Đại sư Lý Hồng Chí đã giảng giải tường tận về chu thiên cũng như các bí ẩn về thân thể người, sinh mệnh và vũ trụ. Đây là thiên cổ kỳ thư mà chúng sinh xưa nay hằng trông đợi. 

Ảnh minh họa: Phim Tây Du Ký 1986

Chú thích:

[1] Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.

[2] Phần phân tích quá trình tu luyện thân thể người được biên tập từ bài viết của tác giả Đàn Trần trên Chánh Kiến Net.

[3] Trong phim “Tây du ký” (1986) lại giản lược tình tiết là Ngộ Không tự lấy được nước rụng thai về, đây là không đúng với nguyên tác.

[4] Dịch thơ:

Chân diên nấu luyện cần chân thủy,
Chân thủy điều hòa chân hống ra.
Chân hống, chân diên không khí mẹ,
Tiên đơn tức linh dược, linh sa.
Anh nhi oan kết thai trong bụng,
Mẹ đất ra công khó chẳng nhòa.
Đánh đố bàng môn theo chính giáo,
Lòng vua đắc ý mặt như hoa.

[5] Quý độc giả có thể đọc và tải cuốn Chuyển Pháp Luân trên trang web chính thức của Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp): https://vi.falundafa.org/

Video: Khí công và sức khoẻ

videoinfo__video3.dkn.tv||3925710c0__