Trong biển sâu vẫn có cả hồ nước? Đáy biển có thể bốc khói? Một con cá xấu xí không có bạn trông như thế nào? Hãy cùng chúng tôi khai quật vương quốc chưa biết dưới biển.

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng quý vị đến tham khám những bí ẩn chưa được giải đáp cùng chúng tôi.

Khi muốn tìm kiếm thế giới chưa biết, người ta thường nhìn lên bầu trời đầy sao và tưởng tượng ra vũ trụ bao la. Trên thực tế, trên Trái Đất của chúng ta cũng có một khu vực đặc biệt đầy bí ẩn đang chờ con người mở ra những bí mật của nó, đó chính là thế giới đại dương.

Đại dương bao phủ 70% diện tích Trái Đất, nhưng hơn 80% đại dương chưa từng được con người thăm dò, chẳng trách người ta nói rằng con người hiểu biết về sao Hỏa nhiều hơn các đại dương trên Trái Đất.

Ngọn núi cao nhất trên bề mặt Trái Đất là đỉnh Everest cao 8.848 mét, và đại dương sâu nhất mà con người biết đến là rãnh Mariana, sâu 11.034 mét dưới nước. Người ta nói 90% nhân loại đều sợ hãi biển sâu, còn những ai nói không sợ là vì họ không hiểu biển sâu. Điều đó có đúng không? Hôm nay, chúng ta hãy tìm hiểu điều này.

Tầng đầu tiên: Đai thấu quang Epipelagic

Nằm ở 200 mét dưới nước, đây là khu vực đai thấu quang Epipelagic của đại dương. Như ý nghĩa của tên cho thấy, nó là một vùng nước mà ánh sáng Mặt Trời có thể xuyên thấu. Bằng cách này, ánh sáng Mặt Trời cần thiết cho quá trình quang hợp có thể được cung cấp cho các loại thực vật phù du khác nhau. Vì vậy trên tầng này, các loại động vật, thực vật biển cũng phong phú nhất, nếu con người lặn trong vùng đai thấu quang này, có thể nhìn thấy thế giới đại dương đẹp như mộng huyễn, tráng lệ và tràn đầy sinh khí.

Khi nói đến lặn, do mật độ của nước gấp khoảng 800 lần so với không khí, chỉ cần độ sâu của nước biển tăng thêm 10,3 mét, áp suất nước sẽ tăng thêm một bầu khí quyển, vì vậy, khi không có thiết bị lặn, hầu hết mọi người sẽ cảm thấy khó chịu khi lặn sâu 5 mét dưới nước, đến khoảng 10 mét đã là cực hạn, thợ lặn chuyên nghiệp có thể lặn sâu khoảng 20 mét dưới nước. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ cần ngắm san hô và những chú cá nhỏ dễ thương thì độ sâu này là đủ. Hiện tại, kỷ lục thế giới về lặn không cần thiết bị do nhà vô địch lặn tự do người Pháp nắm giữ, Guillaume Néry lập kỷ lục lặn sâu 113m vào năm 2006.

Từ 20 mét dưới nước, mọi người sẽ nhìn thấy một số sinh vật biển kỳ quái. Ví dụ, sứa bờm sư tử là một trong những loài sứa lớn nhất thế giới, có chiếc dù trên đầu có thể dài tới hai mét, có rất nhiều xúc tu, lên tới 150 xúc tu, độ dài có thể đến 35 mét. Vì nó trông dày và rậm như bờm sư tử nên được gọi là sứa bờm sư tử.

Xuống sâu hơn 65 mét, nếu ở Bắc Thái Bình Dương lúc này, người ta có thể bắt gặp một con bạch tuộc khổng lồ thường bị nhầm là hải quái. Người ta từng phát hiện loài bạch tuộc khổng lồ Bắc Thái Bình Dương nặng tới 71kg, sải râu dài hơn 6m, có thể thay đổi màu da bằng các tế bào sắc tố co lại hoặc giãn ra, giúp chúng dễ dàng ẩn thân trong môi trường. Không có gì ngạc nhiên khi chúng bị các nhà hàng hải cổ đại coi là quái vật.

Đến độ sâu 100 mét dưới nước, đây là thiên đường cho cá hố (Trichiurus lepturus). Cá hố kỳ thực không thích bơi lội lắm, ban ngày chỉ ngẩng đầu lên trôi nổi ở khoảng 60 mét trong nước biển, ban đêm chìm xuống 100 mét tiếp tục trôi nổi. Nhân tiện tiết lộ, ở độ sâu này, tại vùng biển phía bắc của Biển Baltic, một đĩa tàu ngầm đáy biển khổng lồ đã được phát hiện bởi đội trục vớt chuyên nghiệp Ocean X của Thụy Điển vào năm 2011. Họ nói rằng các thiết bị điện tử đều không hoạt động ở bán kính cách đĩa tàu ngầm 200m. Sau nhiều nghiên cứu khác nhau, họ đưa ra giả thuyết đây có thể là đĩa bay của người ngoài hành tinh đã chìm xuống đáy biển cách đây 14 vạn năm.

Chúng tôi đang tiếp tục di chuyển xuống. Càng đi xuống, ánh sáng ngày càng ít đi, đạt tới độ sâu 200 mét dưới nước, là đến đường phân giới giữa vùng ánh sáng và vùng đai trung tầng Mesopelagic.

Tầng thứ hai: Đai trung tầng Mesopelagic Zone

200 mét đến 1000 mét dưới nước là vùng đai trung tầng của đại dương, còn được gọi là vùng hoàng hôn không ánh sáng, vì vậy nó lờ mờ, nhưng không tối như vùng biển sâu hơn. Ở độ sâu này, một loài cá được gọi là cá mái chèo đã được tìm thấy.

Nó có hai bên dẹt và có màu trắng bạc với các vây màu đỏ. Lúc đầu, mọi người nghĩ rằng nó sẽ uốn éo và bơi lội giống như một con rắn nước, nhưng sau đó người ta phát hiện ra rằng khi nó bơi, toàn bộ cơ thể của nó duỗi thẳng, không có bất kỳ động tác uốn éo nào, hoàn toàn dựa vào vây lưng để tạo ra các chuyển động giống như sóng cho lực đẩy.

Năm 1996, một con cá mái chèo dài 7 mét đã được bắt ở California, Mỹ, thật hoành tráng phải không? Thảo nào cá mái chèo còn được xưng tụng là “Hải yêu vương” hay “Sứ giả Long cung”.

Đi xuống độ sâu 332 mét dưới nước. Ừm? Tại sao lần này nó không phải là số tròn? Bởi cần nhấn mạnh rằng đây là giới hạn độ sâu mà con người có thể đạt tới khi lặn cùng thiết bị. Năm 2014, người đàn ông Ai Cập Ahmed Gabr đã lập kỷ lục thế giới khi lặn sâu 332 mét ở Biển Đỏ trong 12 phút với sự hỗ trợ của một sợi dây.

Tiếp tục đến độ sâu 500 mét dưới biển, nơi sinh sống của những con cua nhện khổng lồ với tuổi thọ 100 năm. Đôi chân của nó rất dài, có thể vươn ra hơn 4 mét. Cơ thể của nó tương đối nhỏ, trông giống như một con nhện đỏ khổng lồ. Cua khổng lồ sống ở Thái Bình Dương từ tỉnh Iwate, Nhật Bản đến góc đông bắc của Đài Loan, được dùng làm thực phẩm và làm cảnh ở Nhật Bản.

Nhân tiện, nếu bạn nhìn thấy chim cánh cụt hoàng đế ở độ sâu này, xin đừng ngạc nhiên, bởi vì loài chim cánh cụt hoàng đế có thể nín thở dưới nước trong một giờ, và có thể lặn xuống độ sâu 565 mét, đây hẳn là loài chim lặn giỏi nhất thế giới, phải không?

Ngoài ra, đây là nơi sinh sống của cá voi xanh. Cá voi xanh có thể dài tới 33 mét và nặng hơn 180 tấn, là loài động vật có vú lớn nhất hiện có trên Trái Đất.

Hãy tiếp tục lặn xuống. Ở độ sâu 600m dưới đáy biển Thái Bình Dương, người ta có thể nhìn thấy một loài cá có hình dáng phi thường kỳ dị, đó là loài cá hậu môn vây lớn Macropinna. Đoán xem mắt của nó ở đâu? Bộ phận trông giống như đôi mắt thực ra là lỗ mũi, còn đôi mắt thật là hai quả bóng màu vàng nằm trong lớp vỏ bảo vệ trong suốt trên đầu. Mắt nó có thể xoay trong vỏ bảo vệ, và có tầm nhìn rất rộng.

Ở vùng biển Australia và Tasmania, ở độ sâu 600m dưới mặt nước, người ta vẫn có thể nhìn thấy một loài cá có biểu hiện rất đặc biệt – cá giọt nước (Blobfish). Toàn thân nó không có cơ bắp, nó hoàn toàn dựa vào phần thịt sền sệt để hoạt động dưới biển sâu. Vẻ ngoài rủ xuống của đống thịt này khiến nó trông rất ưu thương, nên còn được gọi là cá buồn. Có người nói, nó nâng cái xấu lên một tầm cao mới, bạn nghĩ sao?

Cá giọt nước (Blobfish) (Ảnh internet)

Bên dưới vẫn còn sinh vật kỳ quái hơn nữa? Hãy đến với 900 mét dưới biển. Có những con mực đại vương thường chiến đấu đến chết với cá nhà táng. Nó là động vật không xương sống dài nhất thế giới. Mực đại vương cái có thể dài tới khoảng 13 mét, riêng xúc tu là hơn 10 mét; Trái lại, mực đại vương đực nhỏ hơn nhiều, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy cá thể đực hoàn chỉnh nào.

Chúng ta tiếp tục đi xuống độ sâu 1000 mét, áp suất không khí ở đây đã vượt quá bề mặt sao Kim, con người nếu xuống đây sẽ bị ngạt thở tức thì do tắc nghẽn phổi, cơ thể sẽ bị nghiền nát trong vài giây.

Đây cũng là điểm xuất phát của vùng đại dương sâu tầng 3, đai Bán Thâm hải (Bathypelagic zone), đến đây chúng ta đã hoàn toàn tiến vào bóng tối.

Tầng thứ ba: Đai bán thâm hải Bathypelagic zone

Đai bán thâm hải có phạm vi từ 1.000 mét đến 4.000 mét dưới nước, các loài sinh vật ở đây đã giảm đi rất nhiều, nhưng cảm giác thần bí ngày càng mạnh hơn.

Ví dụ, ở độ sâu 1.000 mét dưới nước ở Vịnh Mexico, một “hồ trong biển” đã được phát hiện. Làm thế nào có thể có hồ độc lập trong biển? Các chuyên gia suy đoán rằng điều này có thể liên quan đến muối trong hồ. Nồng độ muối của hồ này cao gấp 3 đến 5 lần so với nước biển xung quanh, lớp muối này bao phủ mặt hồ như một lớp màng ngăn không cho nước trong hồ chảy đi. Ngoài ra, hồ có nồng độ sulfur dioxide và metan cực cao. Bất kỳ sinh vật nào đến gần sẽ chết ngay, đó được gọi là “vùng cấm của sinh mệnh”.

Rời hồ trong biển, chúng ta hãy đi xem “Pháo hoa” ở độ sâu 1200 mét dưới nước. Làm thế nào có thể có pháo hoa trong biển sâu? Hóa ra đây là một loài sứa hiếm và đẹp – sứa biển Halitrephes. Bởi vì nó có xúc tu màu tím sáng và chiếc mũ hình ô màu xanh nhạt, nhìn từ xa giống như pháo hoa dưới đáy biển sâu nên còn được gọi là sứa pháo hoa.

Trong thế giới biển sâu, bởi vì không có ánh sáng, rất nhiều sinh vật biển sâu có chức năng phát quang, chúng phát ra “huỳnh quang sinh vật” thông qua phản ứng hóa học trong cơ thể, hoặc là để thu hút con mồi, bạn tình, hoặc là để tránh thiên địch, v.v. Bản thân sứa pháo hoa không phát sáng, màu sắc của nó trình hiện bởi ánh sáng phản chiếu vào thân.

Cũng được nhìn thấy ở độ sâu này là loài rùa luýt (Dermochelys coriacea), loài bò sát nặng nhất mà con người biết đến. Rùa luýt có màu xanh đậm hoặc đen, trên thân có rải rác các đốm trắng hoặc trắng nhạt, giỏi lặn và ăn sứa là chính, có biệt danh là “cỗ máy ăn sứa”. Sứa pháo hoa phải rất cẩn thận.

Đi xuống độ sâu 1.300 mét dưới nước, có một loài cá mập Goblin shark mõm rất xấu xí. Hàm trên của nó có thể tự do rụt lại, khi săn mồi, đầu tiên nó dùng mõm nhô ra sắc nhọn để phát hiện con mồi, một khi phát hiện ra, nó lập tức nhe hàm trên ra để cắn đối thủ. Tốc độ phóng của hàm trên của cá mập Goblin đạt tới 0,16 giây, đây chắc chắn là tốc độ tuyệt đối cho bản năng săn mồi của cá.

Bây giờ hãy lặn sâu hơn một chút, ở độ sâu 2.000 mét. Có một con cá với chiếc đèn lồng của riêng nó – cá câu mồi Anglerfish. Chiếc đèn lồng trên đầu nó không đủ để chiếu sáng cho mọi người, mà là để thu hút con mồi. Khi con mồi đến, nó há cái miệng đầy răng nanh và nuốt chửng con mồi chỉ trong một đớp.

Con cá giống quái vật mà bạn nhìn thấy là một con cá cái, trong khi con cá đực nhỏ hơn nhiều và trông dễ thương hơn, bởi vì mục đích cả đời của nó là được gần một phụ nữ béo tốt.

Khi một con cá câu mồi đực tìm thấy một con cá cái, nó ngoạm lấy bụng con cái bằng răng mình. Sau một vài tuần, các mô của hai con cá sẽ hợp nhất với nhau, cá đực sẽ gắn bó suốt đời với cá cái, máu của cá cái chảy trong cơ thể nó và cung cấp chất dinh dưỡng cho nó. Trên thân mỗi con cá cái có thể đồng thời mang hơn chục con cá đực cùng lúc.

Khi xuống sâu khoảng 2.500m, người ta có thể kinh ngạc phát hiện, tại sao dưới đáy biển vẫn có khói? Trên thực tế, đó không phải là khói mà là nước, là suối nước nóng ngoạn mục dưới biển sâu. Và “khói” phun ra sẽ có màu sắc khác nhau, khi nhiệt độ nước biển là 100-300℃ thì tạo thành khói trắng, khi nhiệt độ nước biển là 300-400℃ thì các khoáng chất sunfua sẫm màu trong nước biển tích tụ lại tạo thành khói đen.

Suối nước nóng biển sâu tự hình thành một môi trường sinh thái nhỏ, trong đó có một số sinh vật sinh sống, chúng về cơ bản không tương tác với các hệ sinh thái khác, điều này dễ hình thành “cách ly địa lý”, cho nên theo lý luận, ở vùng biển suối nước nóng khác nhau nên tồn tại các loại sinh vật khác chủng loại. Nhưng điều khiến các nhà khoa học bối rối, là quần thể sinh vật suối nước nóng biển sâu được phát hiện cho đến nay, mặc dù chúng tách biệt lẫn nhau, nhưng tất cả đều rất giống nhau. Tại sao là như vậy vẫn còn là một bí ẩn.

Chà, chúng ta hãy đi xuống một lần nữa và xem độ sâu 3000 mét dưới nước. Khác với những sinh vật biển sâu đáng sợ đó, ở đây có một sinh vật rất dễ thương – bạch tuộc voi bay nhỏ (Grimpoteuthis bathynectes). Không chỉ có ngoại hình giống một chú voi, mà nó còn sở hữu một đôi tai siêu “khủng”, rất giống hình tượng bạch tuộc bay Dumbo trong phim hoạt hình Disney.

Xuống sâu hơn nữa ở độ sâu 3.800 mét, xác tàu Titanic nổi tiếng nằm trơ trọi ở đây. Hơn 100 năm qua, người ta không thể trục vớt nó. Có rất nhiều bí ẩn chưa được giải đáp và những câu chuyện đáng than thở xung quanh nó. Cách đây ít lâu, sự cố tàu ngầm Titan không may bị nổ khi đang lặn thăm tàu ​​Titanic lại tô thêm màu sắc bi kịch cho nó.

Khi chúng tôi tiếp tục đi xuống, chúng ta sẽ tiến vào vùng đai thâm hải Abyssopelagic Zone.

Tầng thứ tư: Đai thâm hải Abyssopelagic Zone

Độ sâu 4000 mét đến 6000 mét dưới nước là đai thâm hải, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là: sâu không đáy. Nhiều sinh vật biển ở đây không có cơ quan thị giác, chỉ có thể cảm nhận thế giới bằng xúc giác. Các sinh vật ở đây bao gồm bọt biển, sao biển, hải sâm, v.v.

Cần phải đặc biệt đề cập đến loài cá sư tử biển sâu, loài này có tên như vậy, vì vây của nó có hình cờ giống như bờm sư tử. Mặc dù cá sư tử thường lang thang ở vùng nước nông, nhưng nó có thể được tìm thấy ở độ sâu 7.700 mét.

Tầng thứ năm: Đai siêu sâu Hadopelagic zone

Dưới độ sâu 6.000 mét là vùng đai Hadopelagic, tên tiếng Anh của nó bắt nguồn từ tên của Hades, vị vua của minh giới trong thần thoại Hy Lạp, có nghĩa là “địa ngục”. Vùng đai siêu sâu còn được gọi là vùng vực sâu, thường được cho là được hình thành do sự đùn đẩy lẫn nhau của các mảng địa cầu.

Có 37 vực sâu trên 6.000 mét trên thế giới, trong đó sâu nhất là rãnh Mariana mà chúng tôi đã đề cập ở phần đầu của chương trình.

Ở độ sâu 8.000 mét dưới nước, người ta đã phát hiện ra loài cá ốc biển sâu, đây là loài cá mà con người đã chụp được ở vùng biển sâu nhất cho đến nay, và là loài lớn nhất trong số các loài động vật có xương sống.

Bây giờ chúng ta hãy đi xuống đáy biển sâu dưới 10.000 mét, nơi áp suất nước lên tới 1.000 atm, tương đương với 2.000 con voi giẫm lên một người. Nhưng không ngờ, một sinh vật được gọi là tôm móc câu chân ngắn lại có thể sống sót ở đây. Những con tôm nhỏ này chỉ dài vài cm, nhưng cơ thể nhỏ bé như vậy lại có thể chịu được áp lực lớn như vậy, thật không ngờ sinh mệnh lại kỳ diệu đến thế.

Một sinh vật đơn bào khổng lồ được tìm thấy dưới nước ở độ sâu 10.060m. Sinh vật này mặc dù là sinh vật đơn bào, nhưng chiều dài cơ thể là 20cm, một tế bào là 20cm!

Cuối cùng, chúng ta hãy khám phá phần sâu nhất của rãnh Mariana, 11.034 mét dưới nước, nơi được mệnh danh là gần tâm Trái Đất nhất. Nó còn được gọi là “Vực thẳm Thách thức Challenger”. Vào ngày 23 tháng 1 năm 1960, nhà thám hiểm người Thụy Sĩ Jacques Piccard và nhà thám hiểm người Mỹ Don Walsh lần đầu tiên xuống Vực thẳm Thách thức và ở lại đó trong 20 phút. Lần thứ hai là vào năm 2012. Đạo diễn nổi tiếng người Canada Cameron đã một mình lặn sâu xuống đáy vực thẳm Challenger ở rãnh Mariana, trở thành người thứ ba chạm tới phần sâu nhất của Trái Đất. Với sự phát triển của công nghệ dưới nước, cho đến nay, 27 người đã lần lượt đến Vực thẳm Thách thức.

Chà, đến đây là kết thúc chuyến hành trình dưới nước hôm nay, thực ra sự hiểu biết của con người về đại dương còn rất hạn chế, dưới lòng biển vẫn còn rất nhiều điều thú vị. Ví dụ, mọi người đã phát hiện ra các kiến trúc và thành quách tinh mỹ dưới đáy biển, truyền thuyết dân gian đã nhìn thấy mỹ nhân ngư trong nước, và một số người đam mê UFO đã nói rằng có căn cứ của người ngoài hành tinh dưới đáy biển. Những bí ẩn chưa được giải đáp này đều đang chờ mọi người khám phá. 

Mời quý vị xem video gốc tại đây.

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch