Lần đầu tiên xem vở “Bắt Ngao Bái” trên sân khấu của Nghệ thuật Shen Yun, tôi chỉ biết đây là một câu chuyện lịch sử ly kỳ hùng tráng ở Trung Hoa. Nhưng sau nhiều lần xem lại vở vũ kịch này trên Shen Yun Creations, tôi nhận ra “Bắt Ngao Bái” dường như còn là một câu chuyện của chính mình, mỗi người chúng ta đều có thể nhận ra chính mình trong đó.

Bối cảnh lịch sử

Theo lời giới thiệu trên Shen Yun Creations, “Ngao Bái vốn là đại thần phụ chính, được phong là Mãn Châu đệ nhất dũng sĩ (“Ba đồ lỗ”). Hắn ta ngang ngược và kiêu ngạo, lợi dụng quyền lực mà kết bè kết cánh, âm mưu chiếm đoạt ngai vàng. Vị hoàng đế Khang Hy trẻ tuổi đã có mưu kế thông minh thanh trừ được Ngao Bái khi mới 16 tuổi.”

>> Xem tiết mục “Bắt Ngao Bái” trên Shen Yun Creations

Theo ghi chép lịch sử, Hoàng đế Thuận Trị băng hà, truyền ngôi cho Hoàng đế Khang Hy còn nhỏ tuổi, nên đã chỉ định 4 vị đại thần phụ chính, trong đó có Ngao Bái. 

Ngao Bái lập nhiều công lao, từng cứu sống Thái Tông Hoàng Thái Cực, phò trợ hoàng đế Thuận Trị lên ngôi… Nhưng dần dần, Ngao Bái đã không kiềm chế được dã tâm tranh quyền đoạt lợi. Ông bắt đầu lợi dụng chức quyền, trừ khử kẻ đối đầu, ý đồ muốn phá vỡ thế thăng bằng khi 4 đại thần phụ chính. Đối với người dưới, Ngao Bái nắm giữ quyền sinh quyền sát, hãm hại trung thần; đối với bề trên thì thường xuyên kháng chỉ, ngạo mạn vô lễ. Thấy Hoàng đế Khang Hy tuổi còn nhỏ lại nhân từ khoan dung, dần dần Ngao Bái không để hoàng đế vào trong mắt, thường gọi Khang Hy đế là “Tiểu hài tử”, thậm chí còn nói năng lỗ mãng. 

Chân dung Ngao Bái. (Ảnh: Wikipedia)

Trước sự ngang ngược bất tuân của Ngao Bái, Hoàng đế Khang Hy lại thể hiện ra sự hàm dưỡng và cơ trí vượt xa so với tuổi của mình. Trước khi Khang Hy chính thức đối phó với Ngao Bái, sắc mặt ông không có biểu hiện gì, âm thầm huấn luyện dũng sĩ, phái tay sai của Ngao Bái đi nơi khác. Khang Hy đế đã một chiêu tóm gọn Ngao Bái, không xảy ra đổ máu, không rung chuyển triều đình. 

Bảo vệ ngai vàng

Tên tiếng Anh của vở vũ kịch “Bắt Ngao Bái” là “Defending the throne” – Bảo vệ ngai vàng. Ở đây, hoàng đế Khang Hy là người đang ngồi trên ngôi báu, ông là hoàng đế chính thức, nhưng lại bị loạn thần lộng quyền khiến cho chính lệnh ông ban ra không thể được thực thi, hoàng vị của ông đang gặp nguy hiểm.

Thoạt nghe thì đây chỉ là một câu chuyện lịch sử Trung Quốc. Nó có liên quan gì tới khán giả Việt Nam hay nước khác không? Ở đây, người viết xin chia sẻ một chút cảm ngộ cá nhân hạn hẹp phía sau nội hàm tác phẩm vô biên sâu rộng.

Trong văn hoá truyền thống, Đạo gia giảng thân thể người là một tiểu vũ trụ. Mỗi người chúng ta đều có một chủ nguyên thần, chủ ý thức làm chủ tể của vũ trụ thân thể, có thể so sánh như một vị hoàng đế cai quản vương quốc của bản thân. Khi ta muốn bước đi, chủ ý thức phát ra chỉ lệnh và các bộ phận của thân thể như chân, tay… đều hiệp đồng tuân theo, khiến thân thể đi về phía trước. Nếu một ngày nào đó, chủ ý thức của ta muốn bước đi nhưng tay chân không chịu động theo, thân thể vô lực, thì sẽ ra sao? Thậm chí, thân thể còn bị những thứ tà ma xâm chiếm, khống chế, điều khiển làm ra những chuyện xấu, thì sẽ thế nào? Tuy sự so sánh có phần khập khiễng, nhưng tình cảnh mà Khang Hy đang đối mặt quả thật là “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong mỗi người chúng ta đều có Phật tính và ma tính. Biểu hiện của ma tính có rất nhiều: lười biếng, ham sắc dục, tham tiền, đố kỵ, kiêu ngạo, v.v. Ví dụ như tâm lười biếng, thích hưởng thụ an nhàn. Ai cũng biết rèn luyện thân thể tốt cho sức khoẻ, buổi sáng dậy sớm tập luyện thật là tốt. Chủ ý thức muốn dậy sớm, nhưng lúc đó tay chân không muốn động đậy, chỉ muốn ngủ thêm. Nếu khi ấy ta thuận theo tâm lười biếng mà ngủ, thì khác nào thánh chỉ của hoàng đế không thể thực thi, khác nào gian thần lộng quyền lũng đoạn triều chính?

Trong vở vũ kịch “Bắt Ngao Bái” của Nghệ thuật Shen Yun, hoàng đế Khang Hy đã thành lập một đội thị vệ trung thành, giỏi võ công để bắt Ngao Bái. Tuy nhiên, Ngao Bái vũ dũng hơn người, khiến tất cả thị vệ đều bị thương và giạt ra. Lúc này, đích thân Khang Hy đế triển hiện thần uy, tay không hạ gục một Ngao Bái dũng mãnh đang cầm vũ khí. Được khích lệ bởi thần dũng của quân chủ, đội thị vệ nhanh chóng phục hồi tinh lực, tóm gọn Ngao Bái.

Chân dung hoàng đế Khang Hy thời trẻ.

Tình tiết này phải chăng muốn nói rằng nếu chúng ta muốn thực sự làm chủ bản thân mình, thì chủ ý thức nhất định phải mạnh, không thể chỉ dựa dẫm vào sự giúp đỡ từ bên ngoài? Ví dụ nếu muốn dậy sớm luyện tập, một người không thể chỉ dựa vào đồng hồ báo thức, hay người khác gọi dậy. Thực tế là, có người tắt chuông hết lần này tới lần khác, rốt cuộc sáng bảnh mắt mới ra được khỏi giường. Nếu muốn thực sự vượt qua quan ải này, một người phải gia cường chủ ý thức, kiên định quyết tâm, bản thân thanh tỉnh minh bạch mình đang nỗ lực vì điều gì. Chỉ có như vậy mới có thể kiên trì dậy sớm, mới có ngày thành tựu.

“Bắt Ngao Bái” là một tác phẩm xuất sắc của Nghệ thuật Shen Yun, triển hiện ra vô số khía cạnh của văn hoá truyền thống và tu luyện, mà đôi dòng trên đây chỉ là một phương diện nhỏ. Không một lời nói, mà người xem có thể học hiểu được thế nào là Trung qua biểu hiện đối lập của Ngao Bái và các quan đại thần; thế nào là Dũng qua nét mặt và chuyển động mạnh mẽ dứt khoát của nhân vật Khang Hy; thế nào là Mỹ qua vẻ thướt tha đoan chính của các mỹ nữ cung đình, v.v. Ngao Bái trên vũ đài lịch sử thể hiện ra là “kẻ mạnh”, nhưng thực ra ông ta lại là người có tâm linh yếu đuối, bị dục vọng quyền lực ăn mòn lời thệ ước ban sơ khuông phò ấu chúa. Cảm tạ đoàn Nghệ thuật Shen Yun đã tái hiện một màn diễn lịch sử ly kỳ và ý vị, khai sáng tâm linh khán giả.

Tham khảo: Loạt bài “Thiên cổ anh hùng” – Hoàng đế Khang Hy do Epoch Times biên soạn, DKN TV biên dịch.

Mời quý vị thưởng thức các tác phẩm khác của Shen Yun trên Ganjing World.

Thanh Ngọc

Tác phẩm của Nghệ thuật Shen Yun có nội hàm sâu xa, loạt bài “Cảm ngộ Shen Yun” chỉ là một chút nhận thức cá nhân hữu hạn của tác giả, ngõ hầu chia sẻ cùng bạn đọc vẻ đẹp của văn hoá Thần truyền.