Dạo trên các mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp những quan điểm khác nhau về hôn nhân, trong đó có quan niệm giữa giới trẻ cho rằng, kết hôn là để “hạnh phúc”, vui vẻ hơn khi còn độc thân. Vậy nên, nếu hôn nhân mà không hạnh phúc thì không cần kết hôn nữa…

Hạnh phúc, vui vẻ là điều tốt, có gì phải bàn cãi chứ? Là vì, đó là quan niệm ngày xưa đã từng đem đến cho tôi nhiều đau khổ. Cái “hạnh phúc” theo quan điểm này nhấn mạnh vào cảm thụ cá nhân, nghĩa là tôi cảm thấy hạnh phúc, tôi cảm thấy vui, tôi cảm thấy được yêu thương… ; tất cả đều xuất phát và xoay quanh cái Tôi ấy, tạm gọi là “vị tư” (vì mình). Nhưng là người đã kết hôn, trải nghiệm của tôi là kết hôn so với độc thân thì không “hạnh phúc” hơn theo nghĩa trên đâu. Vì vợ chồng lấy nhau rồi lo toan nhà cửa, sinh con đẻ cái…, bạn sẽ có những lúc mệt nhọc vất vả tới độ chẳng có thời gian rảnh mà đi du lịch, xem phim; bạn sẽ phải thức thâu đêm chăm con ốm thế rồi lại phải nghe thêm những lời bực tức chê oán từ chồng/vợ; là phụ nữ thì có thể có cảm giác đang từ “công chúa” biến thành “ô-sin”… Nghĩa là nếu theo đuổi cái “hạnh phúc” vị tư như trên, thì kết hôn không phải là lựa chọn dành cho bạn.

Vậy thì khi ôm giữ truy cầu “hạnh phúc” vị tư ấy mà kết hôn, có lẽ nhiều người sẽ thất vọng và cay đắng; khi rơi vào những tình cảnh bị tổn thương, không còn được yêu thương trân trọng và chăm sóc như hồi độc thân, người ấy sẽ cảm thấy đau khổ, không chịu đựng nổi nữa và muốn ly hôn để “giải thoát”.

Từng trải qua những cung bậc cảm xúc của tình yêu và hôn nhân, tôi đúc kết ra rằng: Nếu vẫn ôm giữ quan điểm kết hôn để “hạnh phúc” cho bản thân, thì tôi sẽ không có được hạnh phúc chân thật. Thay vào đó, tôi sẽ chỉ đổi lấy sự oán trách, sân hận, mệt mỏi, bất mãn, thất vọng… mà thôi. Bởi vì, mục đích hôn nhân vốn không phải để truy tầm cảm giác hạnh phúc vui vẻ.

Thế thì kết hôn để làm gì?

Có một câu nói thế này: “Hôn nhân là trường tu luyện của đời người”.

Vì sao nói hôn nhân là để tu luyện? Mọi người thấy cục sắt muốn thành thép, thành thanh kiếm quý, thì phải cho vào lò nấu luyện; trong lò ấy rất nóng, nóng đến chảy người ra, rồi bị rèn đập đau đớn kinh khiếp, rồi lại xả nước lạnh toát, mệt mỏi căng thẳng vô cùng… Tảng đá thô ráp ở trong rừng núi rất thoải mái tự tại, nếu muốn trở thành bức tượng Phật thần thánh trang nghiêm mà mọi người chiêm bái thì phải trải qua quá trình đục đẽo, dũa gọt thân thể đau đớn như xẻo tim lột da. Nếu chỉ cầu an nhàn thoải mái, thì cục sắt qua thời gian sẽ thành cục sắt gỉ, tảng đá chỉ có thể lót đường mà thôi… Còn nếu có thể nhẫn chịu thống khổ, tôi luyện bản thân qua khó nạn, thì mới có thể đề cao phẩm chất đạo đức, trở thành báu vật. Như Tôn Ngộ Không lăn lộn trong lò Bát Quái, luyện được “hỏa nhãn kim kinh”, thân thể kim cương bất hoại. 

Hồi độc thân chỉ cần lo cho bản thân, ăn ngủ nghỉ tùy ý, xong việc rồi thì thoải mái giải trí vui chơi… Kết hôn rồi thì sinh hoạt phải có quy củ, phải lo cho sức khoẻ của chồng con và chính mình, thậm chí đêm hôm vẫn phải lọ mọ cho con bú sữa, thay bỉm, chăm con ốm.

Hồi độc thân thì không ai dám mắng mình ngoài cha mẹ. Kết hôn rồi thì những lúc vợ/chồng bạn mệt mỏi căng thẳng, lời nào cũng có thể phải nghe. Một người vốn rất tự tin vào năng lực bản thân, có thể đến lúc ấy cũng biến thành “vô dụng”, “hậu đậu”, “não cá vàng”… trong con mắt “bạn đời”.

Xin tạm không kể hết những sự sướng khổ khác biệt, chỉ để thấy rằng kết hôn vốn chẳng an nhàn thoải mái chút nào đâu. Nhìn nhiều bức ảnh gia đình xinh đẹp hạnh phúc trên mạng, chúng ta có thể nhầm tưởng rằng lập gia đình đề huề thật sung sướng, nhưng những phút vui vẻ đó là phải trải qua biết bao gian nan mới có được. Ngay cả khi chưa có con, nhiều cặp mới kết hôn cũng xích mích không giữ được nhau, nhất là khi cả hai đều là “ngôi sao” với cái tôi rất lớn, không nhường nhịn nhau một phân nào.

Hôn nhân là để tu luyện bản thân từ “vị tư” (vì mình) trở thành “vị tha” (vì người khác). Từ con người hưởng thụ thành con người gánh vác trách nhiệm: trách nhiệm với cha mẹ (sinh con nối dõi), với vợ chồng (chăm sóc/ chở che), với con cái (nuôi nấng dạy dỗ nên người), với xã hội (nuôi dưỡng thế hệ tương lai) và nhân loại. Hôn nhân là để trải qua vất vả, từ đó thấu hiểu công lao sinh thành dưỡng dục như trời biển của cha mẹ. Để học cách quên đi những lỗi lầm của người kia, trong mắt chỉ lưu lại điều tốt đẹp, học cách cảm ơn và biết ơn. Hôn nhân là để từ bỏ những truy cầu ích kỷ, coi mình là trung tâm, để dần đạt đến sự nhẫn nại, thiện lương và chân thật (Chân Thiện Nhẫn). Hôn nhân là quá trình cá vượt vũ môn, sắt rèn thành thép, để sinh mệnh bản thân có thể thăng hoa. 

Hôn nhân thực ra vô cùng tốt đẹp; chỉ cần bạn thay đổi quan niệm về hôn nhân, sẽ cảm nhận được ý nghĩa tốt đẹp thiêng liêng của gia đình. “Khổ tận cam lai”, trải qua tất cả những vất vả khổ cực của hôn nhân sẽ là ngọt ngào viên mãn, là hạnh phúc đích thực của sinh mệnh vị tha, là cảnh giới vô tư vô ngã.

Trên đây chỉ là một góc nhìn hạn hẹp về hôn nhân, và dĩ nhiên hôn nhân không phải là con đường duy nhất để một người có thể tu luyện và đạt được hạnh phúc chân chính. Có người không kết hôn vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời mình, trong bài viết này mạn phép không đề cập đến.

***

Bạn hãy thử tĩnh tâm đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân để hiểu thêm về ý nghĩa của hôn nhân và đời người: https://vi.falundafa.org/book/zfl_2018_a5.pdf

Lê Thị Thuỳ Linh 
(Đăng tải với sự đồng ý của tác giả)

Từ Khóa: