Trong sách ‘Chu Dịch – Hệ từ truyện hạ’ có viết: “Thiên địa chi đạo, trinh quán giả dã” (tạm dịch: Đạo của trời đất là trung thành và có quy phạm). Thái Tông lấy từ “Trinh Quán” làm niên hiệu, vì người đời sau mà triển hiện đạo của vũ trụ.

Sau sự biến Huyền Vũ môn, Thái Tông tiếp quản việc triều chính. Ngày 8 tháng 8 năm Võ Đức thứ 9 (năm 626), Lý Uyên, vị hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Đường đã chính thức hạ chiếu chỉ, nhường ngôi vị đế vương cho Thái Tông. Thái Tông tận lực từ chối, hơn nữa còn trình lên tấu biểu “Trần nhượng thiên vị biểu”. Tới lúc này, Cao Tổ buộc phải hạ chỉ công bố thiên hạ nhường ngôi cho Thái Tông, như thế Thái Tông mới không dám từ chối nữa và tiếp nhận ngôi vị. 

Đại xá thiên hạ

Vào ngày 9 tháng 8, Thế Dân đăng cơ làm hoàng đế tại sảnh Đông cung. Để tỏ rõ ân đức, ông đã ban lệnh đại xá thiên hạ, miễn thuế ruộng và các loại thuế khác tại sáu châu là Bồ, Nhuế, Ngu, Thái, Thiểm, Đỉnh trong hai năm, miễn sai dịch một năm cho các châu còn lại. 

“Sắc lệnh ân xá khi lên ngôi” của Thái Tông:

Nguyên văn bản sắc lệnh của Thái Tông: “Duy thiên vi đại, thất chính sở dĩ thụ thì; duy ích phụng thiên, tam tài vu thị dục vật. Cố năng di luân vũ trụ, kinh vĩ kiền khôn, đại tí sinh linh, xiển dương hồng liệt. Ngã đại đường đản ưng gia vận, tái hiệp xương kỳ, phi thụ long đồ, triệu khai phượng kỷ. Thái thượng hoàng tuẫn tề tác thánh, duệ triết khâm minh, yểm hữu bát hoang, quang trạch tứ biểu. Lao lung hiên hạo, khóa niếp ân chu, kim kính phủ lâm, ngọc chúc hà bị. Nhiên nhi chí đức phất tể, thành công bất cư, cao tạ vạn bang, ủy tư trọng khí. Giao nhân khoáng điển, sĩ dân kiều chúc, khâm duy tông xã, nghĩa tồn hưởng hiến. Trẫm dĩ quả muội, thực ưng thống tự, từ bất hoạch miễn, thức toản hồng nghiệp. Linh mệnh ký trăn, dụng thăng bảo vị, quân lâm triệu thứ, kế quỹ bách vương. Nhược thiệp đại xuyên, võng tri du tể, phương tư lệnh triết, cộng khang trì đạo. Kim thiệu tộ y thủy, phụng đáp thiên hưu. Tư phu huệ trạch, bị vu lê hiến. Khả đại xá thiên hạ”.

Đại ý là: Chỉ có Trời là rộng lớn, cho nên mặt trời, mặt trăng và 5 ngôi sao ghi chép thiên thời để báo hiệu cho dân chúng. Chỉ khi bậc quân chủ nghe theo mệnh Trời thì tam tài Thiên Địa Nhân mới có thể nuôi dưỡng được vạn vật. Vì thế mà có thể bao dung vũ trụ, thống trị Càn Khôn, tạo phúc cho dân chúng, phát triển sự nghiệp to lớn. Đại Đường ra đời đúng thời cơ,  long phụng xuất hiện báo điềm lành. Thái Thượng hoàng nhường ngôi vị Hoàng đế cho Thái Tông. Vào thời điểm bắt đầu kế vị, ông thực hiện đại xá thiên hạ. 

Nền tảng lập quốc

Sau khi lên ngôi, Thái Tông bắt đầu xây dựng các quy phạm thể chế, giáo hóa dân chúng, mở ra ‘trời mới, đất mới, con người mới và nền văn học mới’ cho triều đại nhà Đường. Đầu tiên, Thái Tông hạ chiếu bày tỏ với thần dân là cần phải coi trọng đạo đức và sống trung thực, tức là bảo với mỗi dân chúng cần làm người chân thật. Vào tháng 11 năm Võ Đức thứ 9, Thái Tông đã ban chiếu chỉ “Dụ sùng đốc thực chiếu” (Chiếu chỉ căn dặn sùng kính thật thà).    

Đạo làm người gọi là nhân nghĩa; nền tảng lập quốc thuộc về đức dày; khi nhà Tùy làm chủ thiên hạ, thực thi nền chính trị hà khắc, có quá nhiều hình phạt, trên là khiến người người nghi kỵ lẫn nhau, dưới là khiến tâm tình người dân không được thoải mái. Vì thế khiến cho bạn bè tránh xa, hình thành những khúc mắc, dân chúng rời bỏ quê cha đất tổ. Điều này khiến cho ngay cả người cùng một nhà cũng phát sinh mâu thuẫn đụng độ lẫn nhau, chưa nói gì đến việc lắng nghe người khác. Lúc hoạn nạn, mỗi người chỉ lo cứu mình mà quên việc nghĩa lo cứu giúp người. Lối sống tốt đẹp không còn, đã tới mức này thì cần dùng đức giáo hóa dân chúng, điều ấy có gì không đúng đây. Trẫm soạn lại những trận thảo phạt mà đích thân tham gia, chỗ nghĩ đến là cái Đạo to lớn, chính là tạo dựng một nơi mà vạn dân hướng về, cầu cho vạn quốc gia đều chung hưởng thái bình. Dù là người sống trong những túp lều nhỏ, cũng sẽ khiến họ sống được hòa thuận vui vẻ, giữa quân thần với nhau không có uẩn khúc, vĩnh viễn có thể trao đổi thẳng thắn, đặc biệt là nên để thật thà trở thành lệ tốt. Từ nay, các quan lại trong ngoài, chớ nghi ngờ lẫn nhau mà sinh ra ngăn cách. Khi có người bị bệnh tật dày vò thì cần thăm hỏi nhiều hơn, giúp người bệnh mau khỏe, nếu thấy bệnh nặng hơn hoặc gặp phải bất hạnh qua đời thì cần lo lắng thương tiếc, thuận theo tình huống mà an ủi vỗ về, đối đãi chân thành, hành theo thật thà, cẩn thận chu đáo đối đãi với người xung quanh. Triều đình không câu nệ chi tiết, giao lưu lành mạnh bền lâu, thuận theo Đạo mà hành, không vượt ra ngoài quy phạm. Khi mà quy định trên dưới được hòa hợp, tất cả mọi thứ đều sẽ hanh thông, ân huệ tăng thêm, mở rộng ra bốn biển, thông báo cho thiên hạ biết là người người đều cần ghi nhớ ý chỉ của Trẫm”

Thiện đãi chúng sinh

Năm Võ Đức thứ 9, Hoàng đế Thái Tông hạ lệnh để cho chó và chim được bay và chạy thoải mái trong vườn Thượng Uyển, không nhận tiến cống tứ phương, lắng nghe ý kiến của quan viên, trong ngoài mọi người đều mừng vui. Tháng 8 năm đó, Thái Tông ban hành chiếu chỉ cho các cung nữ gọi là ‘Cung nữ chiếu’, nội dung như sau: “Phần đông các cung nữ, có thể đã giấu nỗi buồn trong tâm, nên để họ xuất cung, trở về với gia đình mà tiếp tục cuộc sống mới” (Quyển 191, Tư trị thông giám).

Năm Trinh Quán thứ 2, Thái Tông thiện đãi chúng sinh, ông hạ chiếu thu gom hài cốt của binh lính và người dân đã chết để an táng, giúp họ có được nơi an nghỉ cuối cùng. 

“Chiếu thư thu gom và chôn cất hài cốt”:

“Vận thế của nhà Tùy đến lúc sắp tàn, băng đảng hung ác nổi lên khắp nơi khiến cho chiến tranh không ngớt, mùa màng thất bát, nạn đói diễn ra liên miên, máu chảy thành sông, đâu đâu cũng thấy xương cốt, quan sát sông nước một vòng, mỗi chỗ nhìn đến, đều thấy cảnh thương tâm. Tự mình biết kính trọng bảo vệ sinh mệnh, hợp nghĩa xót thương, mặc dù nói lời cảm ơn các bậc làm cha mẹ vợ con của họ nhưng tình thâm ngăn cách cũng chẳng thể nối liền. Đối với những người vẫn còn phơi xương, cần báo cho quan viên thu gom chôn cất, đó là những gì Trẫm mong muốn”

Thái Tông lên ngôi, sửa nên hiệu thành Trinh Quán. Trong ‘Cải nguyên Trinh Quán chiếu’, Thái Tông viết:

“Trẫm lần tìm trong các sách cổ, tuyển chọn bậc vương quân đời trước, người mang theo Đại Đạo, thực hiện chí công vô tư, không ai không nghĩ đến việc tạo dựng mệnh đế nghiệp hưng thịnh cho mình. Thái Hoàng được làm chủ thiên hạ, chăm lo công cuộc bình định thành công, rất chú ý đến điều mà bậc thánh nhân quan tâm, chăm lo trông coi việc thiên hạ. Dù ngồi ở ngôi cao vẫn khiêm tốn học hỏi ngôn từ và phong cách của họ. Cho nên càng ngồi ở ngôi hoàng đế càng cần tự biết cúi mình nghe ý kiến của người khác. Tự mình cung kính tiếp nhận thần khí, nhanh chóng thay đổi luật lệ, sớm tập trung vào 3 điểm ngay chính, khi vạn quốc phát triển đến đỉnh cao, các thế hệ hướng đến sách lược rộng lớn, lúc đó là khởi đầu cho vận mệnh mới, thể chế bắt đầu ngay chính, hiện tại đúng là thời khắc đó. Do vậy năm Võ Đức thứ 10 đổi niên hiệu thành năm Trinh Quán thứ nhất”.  

Từ sau khi Hán Vũ đế sử dụng niên hiệu, mỗi đời đế vương các triều đại tiếp nối đều sử dụng niên hiệu để tỏ rõ sứ mạng “tuân theo mệnh Trời”, đồng thời công khai tinh thần và chí nguyện mang lại hòa bình và ổn định cho đất nước, thực hiện thời kỳ quốc thái dân an, giang sơn yên ổn, trời ban phúc lành. Trong sách ‘Chu Dịch – Hệ từ truyện hạ’ có viết: “Thiên địa chi đạo, trinh quán giả dã” (tạm dịch: Đạo của trời đất là trung thành và có quy phạm). Thái Tông lấy từ “Trinh Quán” làm niên hiệu, vì người đời sau mà triển hiện đạo của vũ trụ. Phong thái quang minh chính đại, biển lớn dung nạp trăm sông của ông quả nhiên giống như Đạo của trời đất vũ trụ, giúp cho triều đại trường tồn; nếu không phải Đạo của trời đất vũ trụ thì không xứng dùng tên này làm niên hiệu. 

Vào đầu thời kỳ Trinh Quán, Ngụy Trưng đề nghị Thái Tông thực hành đạo đế vương, chính trị nhân đức, giáo hóa dân chúng, lấy tu thân dưỡng đức làm trọng; trong khi đó nhóm người Phong Đức Di đề nghị Thái Tông sử dụng pháp luật và quyền bá chủ để quản lý đất nước. Thái Tông đã nghe theo đề nghị của Ngụy Trưng, sử dụng đạo Nho, thuận theo thiên ý, dùng Đại Đạo mà điều hành đất nước, giáo hóa dân chúng về mọi mặt. Cách làm của ông giúp cho người dân làm trong các ngành nghề khác nhau đều coi trọng đạo đức, bàn về thiện, cầu mong thật thà, tu thân dưỡng tính, mỗi hành động đều đạt được sự thăng hoa, trở thành người tốt. Nhờ vậy mà chỉ trong vài năm ngắn ngủi, chính sách của ông đã đưa Đại Đường đạt được cảnh tượng thái bình thịnh thế. 

“Diêm Lập Bản vẽ Đường Thái Tông tiếp nhận khuyên can” của Từ Trọng Hòa thời nhà Minh, trước đây được lưu giữ tại Nam Huân điện thuộc Cố cung Bắc Kinh, hiện tại được lưu giữ tại viện bảo tàng Cố cung Đài Bắc. (Nguồn: Phạm vi công cộng)
Bức họa Ngụy Trưng do họa sĩ thời nhà Thanh vẽ. (Nguồn: Phạm vi công cộng)

Thái Tông thảo luận cùng quần thần về việc làm sao để ngăn đạo tặc. Một số quan đại thần đề xuất dùng luật hà khắc để ngăn chặn, Thái Tông cười nói: “Người dân sở dĩ phải thực hiện hành vi trộm cắp là vì thuế nhiều, lao dịch quá nặng, quan lại tham lam, bản thân cơ cực nên mới không coi trọng liêm sỉ. Trẫm muốn thực hành lối sống giản dị và tiết kiệm, thi hành chính sách thuế má ít và bớt lao dịch, trọng dụng quan thanh liêm, giúp dân có của ăn của để, như vậy thì họ không cần phải đi ăn trộm nữa, không cần phải dùng đến hình phạt nữa”.

Ông cũng thường nói với quan viên theo hầu bên cạnh như sau: “Quân vương dựa vào đất nước, đất nước dựa vào dân. Khắc nghiệt với dân để cung phụng quân vương có khác gì một người tự cắt thịt của mình để ăn no bụng, bụng no rồi thì thân thể tiêu vong, như vậy vua giàu mà nước mất. Bậc quân vương trước đây gặp phải tai nạn thường không đến từ bên ngoài mà đến từ tự thân. Coi trọng lao dịch thì phí tổn càng lớn, hao phí nhiều thì khiến dân khổ, dân chúng khổ thì đất nước gặp nguy nan, đất nước lâm nguy thì quân vương không còn nữa. Trẫm thường nghĩ tới điều này mà không dám phóng túng dục vọng của bản thân”. 

Năm Trinh Quán thứ 23 là một năm huy hoàng của triều đại nhà Đường, Thái Tông đã dẫn dắt dân chúng bước trên con đường làm việc chăm chỉ, triển hiện ra cảnh tượng thịnh thế tốt đẹp nhất. Thái Tông thực hiện chính sách thuế mỏng lao dịch ít, hầu như không thi hành hình phạt; biết dùng người thiện, khiêm tốn tiếp nhận khuyên can; đồng thời học hỏi kinh nghiệm thành bại từ các bậc quân vương đi trước, không nghe theo lời gièm pha; quân thần đồng lòng, cùng cai trị đất nước; thi hành nền chính trị minh bạch trong sáng, kinh tế phồn vinh, văn hóa hưng thịnh, xã hội ổn định, đời sống người dân giàu có, dân cư đông đúc, nhân khẩu tăng lên, nơi nơi đều đạt được thành tựu đáng kiêu hãnh về văn hóa giáo dục.

Về phương diện võ học, thế giới biết đến đế quốc Đại Đường với những chiến tích lẫy lừng, tiêu diệt khả hãn của quân Đột Quyết, bình định dân tộc Thổ Dục Hồn, ân huệ hòa bình với dân tộc Thổ Phiên, uy nghiêm chinh phạt Cao Xương, thảo phạt Cao Cú Lệ, khắc Tiết Duyên Đà, bốn tộc man di phía Đông phục tùng theo, vạn quốc hướng về. Cho nên gọi là “Trinh Quán chi trị” (nền thái bình thịnh trị thời Trinh Quán), trở thành tấm gương điển hình cho bậc đế vương trị quốc được mọi thời đại hết sức ca ngợi. 

Bức ‘Bộ liễn đồ’ của Diêm Lập Bản thời nhà Đường mô tả lại cảnh sứ thần của Thổ Phiên là Lộc Đông Tán (3 người bên trái) bái kiến Đường Thái Tông (nhân vật ở giữa bên phải). Ảnh trong bộ sưu tập lưu trữ tại viện bảo tàng Cố cung Bắc Kinh. (Nguồn: Phạm vi công cộng)

(Còn tiếp…)

Theo Epoch Times
San San biên dịch