Hoàng đế Khang Hy, cả đời cần mẫn thận trọng xử lý việc chính sự, tại vị 61 năm, khai sáng ra thời kỳ thái bình thịnh thế đầu tiên của nhà Thanh, trở thành Thánh nhân lưu danh sử sách, bậc quân chủ tài đức nhân từ. Khi tuổi đã cao, ngoài xử lý việc quốc gia, một vấn đề trọng yếu khiến ông không khỏi lo nghĩ, đó chính là làm sao có thể lựa chọn người kế vị thích hợp nhất cho vương triều Đại Thanh. 

Theo sử sách, Hoàng đế Khang Hy phúc thọ song toàn, sinh được 55 vị cách cách, 35 vị hoàng tử, trong đó có 24 vị đã trưởng thành. Đối đãi với hoàng tử, ông là một người cha nhân từ nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc, bỏ ra nhiều tâm huyết để bồi dưỡng tài đức cho các con. Sau khi các hoàng tử trưởng thành, họ phần lớn là những bậc tài hoa xuất chúng. Nhìn vào toàn bộ triều đại nhà Thanh, các con trai của Hoàng đế Khang Hy là nhóm hoàng tử ưu tú nhất. Chỉ có điều, họ cũng trở thành lý do cho những phiền não của hoàng đế Khang Hy. 

Mang theo tình nghĩa sâu nặng với người vợ kết tóc, ông sớm đã lập ngôi vị Thái tử. Tuy nhiên, sau mấy lần phong ba xảy đến với cung đình, hoàng thái tử bị phế truất hai lần, còn các hoàng tử khác cũng vì mưu đồ tranh ngôi vị mà tạo ra sự kiện “Cửu tử đoạt đích” nổi tiếng trong lịch sử, mang đến cho hoàng đế nhiều đau buồn cùng sự bất đắc dĩ. Vậy, cuối cùng Hoàng đế Khang Hy đã làm thế nào để lựa chọn được người kế vị, giúp cho thời thịnh thế được tiếp nối về sau? 

Phụ tử tình thâm

“Con trai trưởng Dận Nhưng, hình dáng oai hùng kỳ vĩ, thiên tư thông minh. Trẫm cẩn thận tuân mệnh của Thái Hoàng Thái hậu, mẹ là mệnh Hoàng thái hậu, thực hiện tổ chức nghi lễ lập Dận Nhưng làm Thái tử”, Hoàng đế Khang Hy nói.

Hoàng hậu đầu tiên của Khang Hy, Hách Xá Lý thị (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Trong việc kế thừa ngôi vị Hoàng đế của triều đại nhà Thanh, tổ tiên dạy rằng không lập ngôi vị Thái tử khi Hoàng đế còn sống, tuy nhiên triều đại Khang Hy lại ngoại lệ. Hoàng đế Khang Hy cùng Hoàng hậu Hách Xá Lý, người vợ kết tóc khi tuổi còn trẻ, sống bên nhau 10 năm, tình cảm sâu đậm. Hách Xá Lý là một vị hoàng hậu hiền đức, người chân thành hiếu thuận và tiết kiệm, dựa vào tấm lòng bao dung mà quản lý hậu cung, phụ giúp Khang Hy vượt qua giai đoạn đầu tự mình chấp chính. 

Hách Xá Lý sinh được 2 người con trai. Con trai trưởng tên là Thừa Hỗ, thiên tính thông minh, là viên ngọc quý nâng niu trên tay của Hoàng đế và Hoàng hậu. Nhưng đáng tiếc là cậu lại qua đời khi mới 4 tuổi. Hoàng hậu vô cùng bi thương mà lâm bệnh nặng. Vào năm Khang Hy thứ 13 (1674), Hách Xá Lý lại sinh tiếp một cậu con trai nữa, Hoàng đế Khang Hy vô cùng vui mừng, gọi con là Bảo Thành, gửi gắm lời chúc phúc bình an phát triển, đây chính là con trai thứ Dận Nhưng. Thế nhưng không may, Hách Xá Lý bởi vì sinh khó nên đã qua đời vào chiều ngày con trai Dận Nhưng ra đời, xuân xanh mới 21 tuổi. 

Việc vui đột nhiên biến thành tang sự, Hoàng đế Khang Hy mặc áo tang, tổ chức lễ truy điệu long trọng cho hoàng hậu thân yêu của mình, hầu như ngày nào ông cũng đến trước Tử cung của bà mà buồn bã tưởng nhớ, vừa đến liền ở lại tới nửa ngày. Vài năm sau, mỗi khi đến ngày giỗ của Hoàng Hậu, ông đều tạm gác việc triều chính, tự mình cúng tế người đã khuất. Ông còn đích thân nghĩ thụy hiệu cho hoàng hậu để trân trọng đức hạnh của bà. Đây là thụy hiệu duy nhất mà Hoàng đế Khang Hy viết cho phụ nữ, điều này đủ thấy tấm chân tình của ông đối với hoàng hậu. 

Hoàng đế Khang Hy còn đem những tình cảm dành cho vợ đặt lên đứa con mồ côi này. Dận Nhưng mới đầy 2 tuổi, ông đã thay đổi lời huấn của tổ tiên, lại thêm Hiếu Trang đồng ý, chiêu cáo thiên hạ sắc lập Dận Nhưng làm Hoàng thái tử. Dận Nhưng cũng trở thành vị thái tử được đích thân nhận sắc phong từ hoàng đế. 

Lúc còn nhỏ, Thái tử luôn ở bên Hoàng đế Khang Hy mà trưởng thành, nhận được nhiều tình cảm và sự chăm chút của cha. Đối với Khang Hy đế, Dận Nhưng không chỉ được xem là vị hoàng đế tương lai của đất nước mà còn là đứa con yêu thương nhất. Tháng 11 năm Khang Hy thứ 17 (1678), Dận Nhưng mắc phải bệnh đậu mùa, Hoàng đế Khang Hy rất lo lắng cho con, ông ngừng việc chính sự, hạ chỉ đem tất cả tấu chương đến để nội các xử lý trong vòng 27 ngày, còn bản thân toàn tâm toàn ý bên người chăm sóc cho con trai, làm bạn cùng con, giúp con vượt qua thời kỳ nguy hiểm. 

Năm Khang Hy thứ 18 (1679), Hoàng đế Khang Hy ra lệnh sửa chữa cung điện, đặt tên là “Dục Khánh cung”, với tư cách thái tử Đông cung, dùng để tỏ lòng ân sủng đối với Dận Nhưng. 

Thái tử dần trưởng thành, Hoàng đế Khang Hy cũng vô cùng coi trọng giáo dục cậu. Lúc còn nhỏ, cậu thường ở bên cha đọc sách khi ông bận xử lý việc chính sự, khi lên 6 tuổi, cậu được cha sắp xếp cho theo học một vị thầy văn võ song toàn, học các kinh điển Nho gia. 

Thái tử chưa từng được nhìn thấy mặt mẹ, tình cảm cha con rất sâu đậm, cậu chưa từng muốn rời xa phụ hoàng vô cùng kính yêu của mình. Năm Dận Nhưng 14 tuổi, cậu đã trở thành một vị thái tử văn võ song toàn, đồng thời theo ý chỉ của cha, bắt đầu khắc khổ học tập. 

Chỉ biết bản thân là Thái tử

Hoàng đế Khang Hy từng nói: “Cho tới giờ, Thái tử chỉ biết đọc sách, không biết gì về những thú vui chơi giải trí”. 

“Nhật giảng diễn giải Tứ thư” do Lạp Tát Lý cùng những người viết, được nội phủ cho ấn bản vào năm Khang Hy 16(1677). (Miếu Mạnh Tử/ Phạm vi công cộng)

Vào thời nhà Thanh, Hoàng đế vô cùng chăm chỉ lo lắng việc nước, các hoàng tử cũng nỗ lực học hành không ngừng nghỉ, từ năm 6 tuổi đã bắt đầu đọc sách, không chỉ vậy, họ còn đọc sách từ sáng sớm đến tối muộn, trong năm chỉ được nghỉ 6 ngày rưỡi là ngày Tết Nguyên Đán, Đoan Ngọ, Trung Thu, Sinh nhật, 2 ngày sinh nhật của Hoàng đế, nửa ngày đón giao thừa. Một số hoàng tử không ngừng đọc sách tới năm 30 tuổi, mức độ khắc khổ học tập của họ thì người ngày nay không thể tưởng tượng nổi. 

Trong cuốn ‘Khang Hy khởi cư chú’ viết vào tháng 6 năm Khang Hy 26 (1687) có ghi lại quá trình Dận Nhưng học tập ở Vô Dật trai. Khi đó đúng vào thời điểm mùa hè, các học sinh khác đã được nghỉ nhưng hoàng thái tử vẫn đi học, hơn nữa thời gian học còn kéo dài 10 giờ đồng hồ, từ sáng tới tối.

Giờ Mão (5-7 giờ), trời vừa tờ mờ sáng, Dận Nhưng còn đến sớm hơn cả thầy giáo, tiến vào thư phòng đọc sách. 

Buổi sáng, ba thầy giáo là Thang Bân, Cảnh Giới, Đạt Cáp Tháp hướng đến Dận Nhưng hành lễ, đứng hầu bên hướng Đông, chăm chú quan sát Dận Nhưng ở phía Tây đọc diễn cảm chương ‘Lễ ký’ và một chương của Kinh nghĩa trung, tổng cộng 120 lượt. Sau đó Dận Nhưng nộp sách cho thầy giáo, đọc thuộc lòng đến một chữ cũng không sót. Đôi lúc, sau khi xử lý chính xự, Hoàng đế Khang Hy cũng đến học đường hỏi thăm tình hình học tập của Thái tử, cùng các thầy giáo thảo luận điều cần thiết cho việc học hoặc ý nghĩa của sách. 

Sau khi Phụ hoàng rời khỏi, Dận Nhưng lại trở về chỗ ngồi của mình tiếp tục học. Thường thì Dận Nhưng bắt đầu luyện chữ vào giờ tỵ (9 đến 11 giờ), viết bài văn hàng trăm hàng ngàn chữ Hán và một chương bài văn bằng tiếng Mãn. Sau khi thầy giáo nhận xét về chữ viết, cậu lại tiếp tục đọc chương ‘Lễ ký’ 120 lượt. 

Vào buổi trưa, Dận Nhưng ăn cơm cùng thầy giáo. Sau khi dùng cơm xong, cậu cũng không nghỉ ngơi mà tiếp tục ôn bài hoặc tập viết. Buổi chiều cậu tập bắn, sau đó trở lại Vô Dật trai giải thích những nội dung quan trọng cho giáo viên. Thầy trò cùng nhau trao đổi một lúc, tới khi trời vừa tối cậu mới dừng lại việc học trong ngày. 

Việc học hành buồn tẻ và nặng nề của Dận Nhưng lại diễn ra trong thời tiết khốc liệt, chỉ cần đọc 120 lần là đủ để mài xích tâm tính rồi. Phương pháp đọc sách này là kinh nghiệm đọc sách của Khang Hy. Ông từng nói: “Lúc còn nhỏ, trẫm đọc sách nhất định phải đọc đủ 120 lượt, không như vậy thì không hiểu được nghĩa thật sự của văn tự, cho nên đã dạy bảo Thái tử và Hoàng tử cũng thực hiện như vậy”. Dận Nhưng cũng rất thông minh, ví như đọc sách được 8 lượt thì đã có thể thuộc lòng rồi. Dù đối với nội dung sách rất quen thuộc rồi nhưng cậu vẫn tuân theo lời dạy của cha, đọc 120 lượt mới ngừng. 

Lần đầu tiên phế bỏ Thái tử

“Kể từ thời Hán – Đường đến nay, lúc còn nhỏ, Thái tử thường không thấy có vấn đề gì. Khi Thái tử trưởng thành thì người hầu bên cạnh sẽ bắt đầu kết bè kết cánh, hầu như không an phận thủ thường mà sinh chuyện thị phi”, Hoàng đế Khang Hy nói.

Chân dung của Dận Nhưng (Phạm vi công cộng).

Một vị Thái tử thông minh chăm chỉ mang theo hình bóng của Khang Hy những năm đầu. Việc Dận Nhưng kế thừa ngôi vị dường như là một điều rõ ràng. Tuy nhiên, thuận theo thời gian, hết thảy mọi thứ lại lặng lẽ phát sinh biến hóa. 

Vào năm Khang Hy thứ 29 (1695), trên đường thân chinh đánh Cát Nhĩ Đan, Hoàng đế Khang Hy ốm nặng. Dận Nhưng và tam hoàng tử Dận Chỉ phụng lệnh chăm sóc bên mình hoàng đế. Lúc bái kiến Phụ hoàng, Dận Nhưng không tỏ chút bi thương, Hoàng đế Khang Hy vô cùng không vui, mắng cậu không có lòng trung quân và yêu thương cha, liền đuổi cậu về kinh thành. 

Tại sao Dận Nhưng lại tỏ ra thờ ơ với người khác? Từ khi sinh ra, Thái tử ở dưới một người và trên vạn người, đã quen với thái độ cao cao tại thượng, cho rằng hết thảy mọi thứ đều là chuyện đương nhiên. ‘Thanh sử ký sự bản mạt’ có ghi chép rằng, tính cách của Thái tử yếu mềm, làm việc thẳng thắn, không biết che giấu nội tâm, trước mặt hoàng đế đã phạm phải nhiều lễ tiết. Hoàng đế Khang Hy nhiều lần trách mắng cậu, hiềm khích cha con dần dần sinh ra những nỗi ngờ vực vô căn cứ. 

Mặt khác, tính tình Dận Nhưng thay đổi cũng bởi nhiều nguyên nhân. Ví như cậu thấy áp lực trước rất nhiều vị hoàng tử ưu tú. Hoàng đế Khang Hy có hơn 20 hoàng tử, họ đều là những bậc tài năng xuất chúng. Con trưởng Dận Đề theo cha xuất chinh, rất được coi trọng. Tam hoàng tử Dận Chỉ có tài thơ văn, từng làm qua công việc biên soạn sách. Bát hoàng tử Dận Tự hiểu biết và khôn khéo, kết giao rộng, trong triều rất được ủng hộ. Các hoàng tử còn lại cũng tỏ ra rất xuất chúng, họ hoặc nhiều hoặc ít cũng biểu hiện ra hy vọng có được ngôi vị. 

Còn một điều nữa, Hoàng đế Khang Hy dù rất quan tâm đến Thái tử nhưng bởi việc nước bộn bề, một ngày xử lý ngàn việc, không thể mỗi thời khắc đều ở bên Thái tử. Bên cạnh Thái tử lại có một đám người hầu xu nịnh cùng quan viên nịnh nọt, thời gian lâu cậu sẽ chịu ảnh hưởng, dưỡng thành tính tình ngạo mạn vô lễ. Cho dù Thái tử không có ý định soán vị thì những kẻ tiểu nhân nịnh bợ bên cậu sẽ vì mưu cầu danh lợi và vinh hoa phú quý mà đầu quân vào ‘Chủ mới’, đã làm một ít việc trái pháp luật, vượt qua lễ tiết, không ngừng chế tạo mâu thuẫn giữa Thái tử và Hoàng đế. Sau khi Hoàng đế Khang Hy phát hiện ra nguy cơ này, đã quyết định quét sạch Đông cung, xử lý nghiêm những người này. 

Vào năm Khang Hy thứ 36 (1697), Hoàng đế Khang Hy xử trí 4 thuộc cấp, đem kẻ sai vặt và người hầu cùng những người khác bắt giam hoặc xử tử. Năm Khang Hy thứ 42 (1703), ông tiến hành cách chức kẻ cầm đầu ‘phe cánh Thái tử’, bắt trọng thần Tác Ngạch Đồ, người bên ngoại của Thái tử, đem giam cầm trong phủ. Tác Ngạch Đồ từng gợi ý Thái tử dùng quần áo và đồ dùng màu vàng, thực hiện các nghi lễ gần giống với hoàng đế. Hoàng đế Khang Hy cho rằng, Dận Nhưng “ngày càng kiêu căng, thực bởi vì điều này”. 

Mâu thuẫn giữa Thái tử và Hoàng đế đã bùng phát vào 5 năm sau đó. Năm Khang Hy 47 (1708), lúc Hoàng đế dẫn theo các hoàng tử đi săn, trong cung truyền đến tin tức, hoàng tử thứ 18, tuổi nhỏ mắc phải căn bệnh đậu mùa mà qua đời, Khang Hy đế vô cùng đau buồn, tuy vậy Dận Nhưng lại không có một chút biểu hiện thương cảm. Hoàng đế Khang Hy vô cùng thất vọng, trách mắng cậu không có tình yêu thương đối với anh em trong nhà. Dận Nhưng lại vô cùng tức giận, thậm chí còn sai người theo dõi hành động của Hoàng đế trong nội cung. 

Hoàng đế Khang Hy không thể tha thứ được việc này nên đã triệu tập những vị có tước vị cao nhất cùng quan đại thần, lệnh cho Dận Nhưng quỳ xuống và tuyên bố chỉ dụ phế Thái tử. Chiếu thư viết, Dận Nhưng mắc phải 5 tội lỗi chính. Một là không hành theo đức của tổ tiên, bất tuân giáo huấn của Hoàng đế; Hai là xa xỉ vô độ, vượt xa hoàng đế; Ba là coi thường thuộc hạ, vô tình vô nghĩa; Bốn là nuôi trồng vây cánh, đối kháng với quyền lực hoàng đế; Năm là theo dõi vua cha, bắt đầu do thám cuộc sống hàng ngày. 

Thái tử như vậy thì tuyệt đối không thể đem thiên hạ đặt vào tay người này. Vì vậy, Hoàng đế Khang Hy quyết định phế Thái tử, đem giam cầm trong tù dưới sự trông coi của con trai trưởng. 

Quyết định phế bỏ Thái tử, đối với Hoàng đế Khang Hy và Dận Nhưng đều là một đòn đả kích lớn. Lúc tuyên chỉ dụ kết thúc, Hoàng đế Khang Hy đã bật khóc, thể hiện ra vô cùng thương tâm. Dận Nhưng, từ nhỏ đã cao cao tại thượng, do đó không cách nào tiếp nhận được cú đả kích này, cho nên thần trí không bình thường. Ban ngày cậu muốn ngủ, ban đêm mới thức dậy ăn, ăn cơm ăn tới bảy tám bát không biết no, uống rượu hơn 10 chén cũng không biết say. Nói chuyện bừa bãi, làm việc không quy củ, ngày nào cũng nghi thần nghi quỷ, lo lắng hãi hùng, gặp thời tiết giông tố thì vô cùng sợ hãi không biết phải làm sao. 

Hoàng đế Khang Hy tận mắt nhìn thấy tình trạng này, trong lòng không khỏi đau đớn. Hơn nữa, các hoàng tử khác không ngừng tranh giành ngôi vị lại càng làm cho ông thêm phiền muộn. Ngôi vị bị bỏ trống. Trong số các hoàng tử đã trưởng thành, hoàng tử cả và bát hoàng tử còn công khai tranh giành ngôi vị thái tử một cách gay gắt. Các hoàng tử khác, đại thần nhao nhao tìm nơi nương tựa, kết thành vây cánh, hình thành mạng lưới vô cùng phức tạp. 

(Còn tiếp)

Theo Epoch Times
San San biên dịch