Vào cuối thời nhà Minh, một người Ý tên là Matteo Ricci đã đặt chân lên vùng đất Trung Hoa và dùng thân phận của nhà truyền giáo bắt đầu trải nghiệm truyền kỳ về vương triều tại Trung Nguyên. Đến đầu thời nhà Thanh, những nhân vật nổi bật trong số họ đã tạo dựng được mối quan hệ thân thiết với hoàng đế Khang Hy, khoác lên thời thịnh thế của triều đại nhà Thanh một diện mạo mới vô cùng đặc sắc có một không hai. 

Trong triều đình của Hoàng đế Khang Hy có một nhóm quan viên “Truyền giáo”. Họ được mô tả như sau: Những người này mặc quan phục Trung Nguyên, rất thông thạo tiếng Hán và Mãn, nhưng họ có gương mặt điển hình của người Tây phương, mũi to mắt sâu, da trắng tóc vàng, trông họ rất kỳ lạ và thú vị, tuy nhiên lại tràn đầy cảm giác thần bí. Họ đến từ Châu Âu xa xôi, mang theo sứ mạng truyền giáo giảng đạo, đồng thời còn mang đến nhiều đồ vật kỳ lạ cùng tri thức phong phú từ bờ bên kia đại dương, tạo nên những bất ngờ cho sự phồn thịnh của Trung Hoa về phương diện văn hóa cùng khoa học kỹ thuật. 

Với thân phận là người tha hương, các nhà truyền giáo luôn bắt gặp những ánh mắt hiếu kỳ hoặc căm ghét, những trải nghiệm này tại Trung Quốc cũng khiến cuộc sống của họ thay đổi rất nhanh. Mang theo mình kiến thức uyên bác, nhóm người này đã nhận được sự tôn sùng của Hoàng đế. Tuy nhiên, cũng bởi tín ngưỡng khác biệt mà họ gặp phải những tai ương và khuất nhục trong nhà tù. Thái độ của Hoàng đế Khang Hy đối với nhóm người này như thế nào, và điều gì đã xảy ra với những nhà truyền giáo?

Tranh giành cách làm lịch

“Dương Quang Tiên, Thang Nhược Vọng đã từng suy đoán về bóng của mặt trời ở phía trước Cửu Khanh bên ngoài Ngọ Môn để tính toán hình ảnh của một ngày, tuy nhiên không ai có thể biết rõ phương pháp tính toán đo lường” – Hoàng đế Khang Hy nói.

Ảnh Thang Nhược Vọng. (Phạm vi công cộng)

Matteo Ricci là người tiên phong sớm nhất trong số những nhà truyền giáo đặt chân đến Trung Quốc, ông đã thiết lập mô hình truyền giáo trong 200 năm sau đó, một mặt sử dụng tiếng Hán để truyền bá đạo Cơ Đốc, mặt khác sử dụng kiến ​​thức khoa học phương Tây để thu hút sự chú ý của người Trung Quốc, đồng thời không phản đối tập tục truyền thống là tế Trời và cúng bái tổ tiên của người Hoa Hạ. Những hoạt động của Matteo Ricci đã cho người Hoa thấy một góc thế giới phương Tây, đồng thời bản thân cũng trở thành minh tinh thu hút sự chú ý của các nhân vật nổi tiếng trong triều đình và công chúng, thậm chí cả hoàng đế.

Tại triều đại Khang Hy cũng có một số nhà truyền giáo nổi tiếng, họ học theo cách mà Matteo Ricci từng làm mà trở thành quan viên bên cạnh hoàng đế Khang Hy. Tuy nói họ là các tín đồ truyền giáo nhưng khi sống trên mảnh đất Trung Hoa, họ lại là tinh anh khoa học có đóng góp không nhỏ cho thời kỳ Khang Hy thịnh thế. Trong số họ, người truyền giáo đầu tiên tiến vào hoàng tộc nhà Thanh là Thang Nhược Vọng đến từ Đức. Ông sống qua hai triều đại là nhà Minh và nhà Thanh.

Thang Nhược Vọng rất chăm chỉ và ham học hỏi, trước khi vào Trung Quốc, ông là người thông thạo cả thiên văn và địa lý. Bởi vì tinh thông phương pháp làm lịch và dự đoán chính xác về nguyệt thực, ông nhanh chóng được hoàng đế nhà Minh đánh giá cao và đảm nhiệm chức vụ Khâm Thiên Giám, cơ quan quan sát thiên tượng của triều đình, dự đoán thời tiết, chế định cơ cấu lập pháp. Ngoài ra, ông còn được lệnh chế tạo đại bác cho quân đội.

Khi triều đại thay đổi, với chuyên môn về thiên văn và lịch pháp của mình, Thang Nhược Vọng tiếp tục được hưởng long ân, làm quan chủ trì Khâm Thiên Giám. Ông phổ biến cách làm lịch của phương Tây chuẩn xác hơn so với lịch cũ của Trung Quốc, đem phương pháp làm lịch mới này phổ biến đến triều đình nhà Thanh. Ông cũng tiến hành chỉnh sửa lịch mới và hoàn thành ‘Thời hiến lịch’, bộ sách lịch chính thức cuối cùng và chuẩn xác nhất trong văn minh 5000 năm Trung Hoa. Thang Nhược Vọng đã có những đóng góp kiệt xuất cho cách làm lịch của triều đại nhà Thanh, vì vậy vào năm Thuận Trị thứ 10 (1651), Hoàng đế Thuận Trị đã ban tặng danh hiệu tôn quý cho ông là “Thông Huyền giáo sư”, hơn nữa còn gọi ông với cái tên thân thiết là “Mã Pháp” (ông nội). 

Tuy nhiên, vào thời Khang Hy, Thang Nhược Vọng và các nhà truyền giáo khác đã bị công kích bởi các quan viên thuộc phe bảo thủ do Dương Quang Tiên dẫn đầu. Vào năm Khang Hy thứ 3 (1664), khi mới mười tuổi, Hoàng đế Khang Hy đã tận mắt nhìn thấy trận chiến tranh giành phương pháp làm lịch cũ và mới. Dương Quang Tiên đã viết một bức thư để vạch tội các nhà truyền giáo, ông thậm chí còn đưa ra quan điểm cực đoan rằng “Thà không có lịch tốt ở Trung Hạ (Trung Quốc) còn hơn có người phương Tây ở mảnh đất này”.

Lúc đó Thang Nhược Vọng đã 73 tuổi và không thể nói chuyện, vì vậy sự việc này chỉ có thể do phụ tá của ông là cha xứ Nam Hoài Nhân thụ thẩm. Dưới sự thao túng của Phụ chính đại thần, triều đình đã phán cho Thang Nhược Vọng tội chết, Nam Hoài Nhân cùng 3 nhà truyền giáo khác chịu hình phạt đánh 100 gậy, đồng thời bị trục xuất ra khỏi Trung Hoa. Năm Khang Hy thứ 4, bản án của Thang Nhược Vọng còn bị sửa hình phạt lăng trì tàn khốc hơn, các nhà truyền giáo khác cũng bị tăng thêm hình phạt. Cũng thuận theo đó là kinh thành liên tiếp xuất hiện cảnh tượng thiên nhiên khủng khiếp như động đất, bão và cát bụi đầy trời. May mắn thay, Hoàng thái hậu Hiếu Trang đã kịp thời hạ lệnh dừng hình, miễn trừng phạt Thang Nhược Vọng cùng những người khác. 

Trải qua tù oan, tình cảnh của các nhà truyền giáo nhất thời trầm lắng, Thang Nhược Vọng chết vì bệnh tật nơi đất khách quê người, chức vị Khâm Thiên Giám cũng do người không hiểu biết về lịch nắm giữ là Dương Quang Tiên. Tuy nhiên, từ khi Hoàng đế Khang Hy tự mình chấp chính, mọi thứ đã thay đổi. Thang Nhược Vọng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng hoàng đế Khang Hy. Nhiều năm sau, khi nhớ lại sự việc này, ông vẫn xúc động nói: “Khi trẫm còn bé, các quan lại người Hán và người phương Tây tại Khâm Thiên Giám không hòa hợp, vạch tội công kích lẫn nhau, gần như đến mức kết án tử hình”. 

Hoàng đế Khang Hy đã có thái độ cởi mở và khoan dung hơn đối với những nhà truyền giáo. Vào năm Khang Hy thứ 7 (1668), khi Dương Quang Tiên trình lên lịch mới, ông đã mời Nam Hoài Nhân tới kiểm tra, kết quả đã phát hiện thấy có rất nhiều lỗ hổng. Vì vậy, ông đã mời nhóm người Nam Hoài Nhân và Dương Quang Tiên đến trước điện biện luận. Năm sau, Hoàng đế Khang Hy ra lệnh cho họ đến đài quan sát riêng để dự đoán các vận hạn và hiện tượng thiên văn của năm đó. Kết quả là không có suy đoán nào của Nam Hoài Nhân là sai, còn những dự đoán của nhóm người Dương Quang Tiên lại xuất hiện sai số rất lớn. 

Trong cuộc đọ sức giữa phương pháp làm lịch của phương Tây và Trung Quốc, cuối cùng với tính toán chính xác và cẩn thận, các nhà truyền giáo phương Tây đã giành được phần thắng. Hoàng đế Khang Hy đã hạ chiếu sửa lại án sai cho Thang Nhược Vọng cùng khôi phục tước vị, hơn nữa còn viết văn tế ông, đồng thời mệnh cho Nam Hoài Nhân kế nhiệm chức vụ chủ trì Khâm Thiên Giám. 

Ái mộ Tây học

“Trẫm nghĩ rằng, những tri thức mà bản thân không hiểu thì sao có thể bình phán người khác đúng sai, vì vậy cần hăng hái học tập (tri thức phương Tây)” – Hoàng đế Khang Hy nói. 

Với tinh thần và nghị lực vượt trội, Hoàng đế Khang Hy đã dẫn đầu tiến nhập vào thế giới Tây học. Bức tranh thảm treo tường được trưng bày tại nhà bảo tàng Pháp, mô tả một trong những “Câu chuyện về Hoàng đế Trung Hoa”. Hình ảnh này là một trong những hình ảnh ‘Thiên văn học gia’. (Juliet Zhu / Đại Kỷ Nguyên)

Sự xuất hiện của các nhà truyền giáo không chỉ mang lại cho Trung Hoa cách tính lịch hoàn chỉnh hơn mà còn kích thích sự say mê hứng thú của hoàng đế Khang Hy đối với khoa học tự nhiên phương Tây. Hoàng đế Khang Hy vốn là người cần mẫn ham học hỏi, gặp được kiến thức hoàn toàn mới như thiên văn học, vật lý học, giải phẫu học… với tư cách là một vị đế vương, ông cảm thấy vô cùng rung động. Ông cho rằng, nếu như không biết được những tri thức này thì không thể nâng cao năng lực phân biệt rõ thị phi. Vì vậy, ông đã dùng nghị lực vượt trội phi thường và tinh thần nghiên cứu học hỏi vốn có, bắt đầu thả mình vào thế giới khoa học phương Tây. 

Trong lịch trình hoạt động hàng ngày của Hoàng đế Khang Hy, ngoài việc lắng nghe chính sự cùng với nhật giảng (nghe quan viên giảng nói), ông cũng có thêm hạng mục công việc nữa là học tập tri thức phương Tây. Nhóm nhà truyền giáo trong cung đều là thầy giáo hướng dẫn của ông. 

Lúc trời tảng sáng, Nam Hoài Nhân liền vội vàng đi vào nội điện hoàng đế Khang Hy mãi đến chiều mới cáo lui. Khi xử lý xong chính sự, thời gian rảnh, hoàng đế Khang Hy lại ở chỗ của Nam Hoài Nhân học các tri thức về hình học, cơ học, thiên văn học và ứng dụng của một số công cụ toán học. Ông còn nhắc nhở Nam Hoài Nhân phiên dịch ‘Kỷ hà nguyên bản’, vì thế mà nhà truyền giáo này đã nghiên cứu về tiếng Mãn Châu.

Vào năm thứ 27 của Hoàng đế Khang Hy (1688), các nhà truyền giáo người Pháp là Trương Thành cùng Bạch Tấn đã mang đến 30 dụng cụ khoa học cùng sách vở cho hoàng đế triều đại nhà Thanh từ nơi xa vạn dặm. Hoàng đế Khang Hy vô cùng vui mừng, lập tức để hai người này vào cung làm thầy giáo dạy khoa học cho mình. Về sau, các nhà truyền giáo khác tiếp tục đến Trung Hoa, Hoàng đế Khang Hy cũng có nhiều giáo viên hơn và nội dung chương trình giảng dạy cũng phong phú hơn.

Ví dụ, ông học thiên văn và toán học từ An Đa, nhà truyền giáo người Bỉ, học hình học và giải phẫu học từ Trương Thành và Bạch Tấn đến từ Pháp, học cách sử dụng các dụng cụ thiên văn về đo góc và tính thời gian cùng với máy thủy chuẩn từ Hồng Như Hàn và Lưu Ứng người Pháp. Khi Hoàng đế Khang Hy ở tuổi trung niên, ông bị bệnh sốt rét, Hồng và Lưu đã tặng thuốc tây quinine, và đạt hiệu quả điều trị tức thì, điều này càng thúc đẩy ông nghiên cứu chế tạo cùng quảng bá thuốc tây. 

Hoàng đế Khang Hy học tập vô cùng khắc khổ. Theo ghi chép trong các bức thư hoặc bài báo của các nhà truyền giáo để lại, Hoàng đế Khang Hy coi việc học là niềm vui lớn nhất của mình, mỗi ngày ông đều nghe các nhà truyền giáo giảng dạy trong hai giờ vào buổi sáng và buổi chiều. Hoàng đế Khang Hy còn cho phép họ ngồi bên cạnh ngai vàng để thêm phần tự nhiên cho công việc giảng dạy. Sau khi tan học, hoàng đế Khang Hy lại tiếp tục ôn lại những tri thức đã học, gặp phải vấn đề khó, ông khiêm tốn xin chỉ bảo, hơn nữa còn không ngừng nghiên cứu cho đến khi hiểu rõ vấn đề mới thôi. 

Cứ thế, các quan đại thần cùng người hầu cận bên cạnh đã nhìn thấy một vị hoàng đế khác với những hoàng đế của các triều đại trước. Dù đến nơi đâu, hoàng đế Khang Hy cũng để cho các tùy tùng mang theo đủ loại dụng cụ đo đạc, tùy thời mà thực hiện thí nghiệm hoặc nghiên cứu. Ví dụ như đo khoảng cách của hai địa phương, đo độ cao của núi, độ rộng của sông, đôi khi còn dùng kính thiên văn để quan sát thiên thể, đôi lúc còn tính toán chiều dài chiếc bóng của cây trâm. 

Có thể thấy rằng, việc nghiên cứu học thuật phương Tây của Hoàng đế Khang Hy không chỉ dừng lại ở lý luận suông mà còn cần phải ứng dụng được vào đời sống sinh hoạt thực tế. Trước những kiến ​​thức văn hóa của dân tộc hoàn toàn xa lạ, Hoàng đế Khang Hy đã chấp nhận và bao dung với tấm lòng rộng mở, đồng thời rất tôn trọng những người thầy phương Tây của mình. Ông đã vì họ mà phong chức quan, ban thưởng tước vị, dùng những kiến thức của họ để phục vụ cho đất nước. 

Trong quá trình học tập, Hoàng đế Khang Hy cũng trở thành người có học vấn uyên bác cả Trung Hoa lẫn phương Tây, điều này đã trợ giúp cho ông có thêm nhiều ý tưởng cùng mở rộng tầm nhìn. Đương thời, trong quá trình quản lý sông ngòi, kiến thức khoa học phương Tây đã giúp ông dựng được bản mô phỏng hình lập thể về đường sông ở Thanh Khẩu. Đây chính là một bằng chứng mạnh mẽ. 

Vị vương không hẹn mà gặp

Bạch Tấn từng viết về hoàng đế Khang Hy như thế này: “Nhưng Ngài quan tâm nhất đến những bức tranh trong cung điện hoàng gia Pháp, đặc biệt là bức chân dung của nhà vua, được hoàng đế chăm chú ngắm nhìn không chớp mắt, giống như người trong tranh đang đứng trước mặt ngài ấy với sắc thái tự nhiên tươi đẹp, tái hiện một cách sống động những gì ngài ấy đã nghe chúng thần từng kể qua về tất cả kỳ tích của bậc quân chủ tôn nghiêm của chúng ta”. 

Vua Louis XIV của Pháp. (Phạm vi công cộng)

Vào thời điểm mà Hoàng đế Khang Hy sáng tạo nên vương triều thịnh thế tại vùng đất Trung Nguyên thì ở lục địa châu Âu xa xôi, nước Pháp do Vua Mặt Trời Louis XIV cai quản cũng trở thành trung tâm của thế giới phương Tây. Hai bậc quân chủ giống như ngôi sao đôi, thắp sáng nền văn minh huy hoàng của toàn thế giới. Thông qua chuyến đi của nhà truyền giáo đến Trung Quốc, hai quốc vương Đông Tây sắp có một cuộc gặp gỡ bất ngờ mang tính lịch sử. 

Vào năm Khang Hy thứ 20 (1681), giáo sĩ người Bỉ là Bách Ứng Lý sống ở vùng Giang Nam hơn 20 năm đã nhận được lệnh của Giáo triều Rôma tạm thời trở về châu Âu, trước khi xuất phát, ông dẫn theo một bạn trẻ người Trung Quốc, một học giả 25 tuổi tên là Thẩm Phúc Tông. 

Ba năm sau, Thẩm Phúc Tông đến thăm nước Pháp và được vua Louis XIV triệu kiến một cách long trọng, trở thành người Trung Quốc đầu tiên xuất hiện tại cung đình nước Pháp. Ông đã mang đến nơi đây các tác phẩm kinh điển của Nho giáo được dịch sang tiếng Latinh và chân dung của các danh nhân Trung Quốc, ngoài ra còn có những bức thư pháp nghệ thuật do tự tay ông viết. Ngoại hình, quần áo, cách ăn nói và khí chất của Thẩm Phúc Tông ngay lập tức gây được sự chú ý trong giới thượng lưu Pháp. Điều này cũng khiến Vua Mặt Trời nhận ra tầm quan trọng của việc giao thiệp với Đế quốc Trung Hoa.

Vào năm Khang Hy thứ 24 (1685), một chiếc thuyền xa hoa lộng lẫy khởi hành từ Pháp đi về phương Đông, chở sáu nhà truyền giáo uyên bác cùng vô số dụng cụ khoa học và châu báu vùng Tây Dương. Sáu người này, họ là “Vua toán học” được Vua Mặt Trời tuyển chọn, trải qua hành trình gian nan nguy hiểm trên đường biển và đường bộ, trong đó có 5 vị là Bạch Tấn, Trương Thành, Hồng Như Hàn, Lưu Ứng, Lý Minh, đã đến được kinh thành triều đại nhà Thanh vào năm Khang Hy thứ 27. Họ cũng rất nhanh được diện kiến ​​vị hoàng đế Trung Hoa không chỉ văn võ song toàn mà còn hùng tài đại lược.

Hoàng đế Khang Hy rất vui mừng khi các sứ thần của Pháp tới. Ông cũng học hỏi kiến ​​thức phương Tây từ họ, đồng thời biết được câu chuyện về Vua Mặt Trời. Trong quá trình học tập tri thức phương Tây, hoàng đế Khang Hy cảm nhận sâu sắc rằng, đế quốc Hoa Hạ rộng lớn cần nhiều hơn nữa các nhân tài khoa học Tây phương, do đó vào năm Khang Hy 32, ông đã bổ nhiệm Bạch Tấn làm sứ thần của Trung Hoa trở về Pháp, chiêu mộ thêm nhiều nhà truyền giáo hơn nữa, đồng thời gửi món lễ vật lớn tới vị Vua Mặt Trời mà ông chưa từng gặp mặt. 

Điều thú vị là, cựu sứ thần của Pháp đã biến thành đặc sứ của nhà Thanh, Bạch Tấn đã gửi 39 cuốn sách Trung Hoa và những món quà quý giá khác dâng tặng nước Pháp khiến Vua Mặt Trời vô cùng vui mừng. Bạch Tấn cũng ghi lại những trải nghiệm cá nhân của mình vào hai cuốn sách “Tình hình hiện tại của Trung Quốc” và “Hoàng đế Khang Hy”, dành tặng riêng cho hoàng gia Pháp.

Vua Mặt Trời dường như nhìn thấy một bản thân khác trong các tác phẩm của Bạch Tấn viết về Hoàng đế Khang Hy. Đúng là Hoàng đế Khang Hy và Vua Mặt Trời có rất nhiều điểm giống nhau: Đều là vị vương lên ngôi lúc tuổi còn nhỏ, đến tuổi thiếu niên thì tự mình chấp chính, yêu thích âm nhạc và nghệ thuật, cũng đều dùng thành tựu phi phàm trong lĩnh vực văn hóa giáo dục và võ thuật để khai sáng thời kỳ vương triều cường thịnh. Điều quan trọng hơn nữa chính là, đối với văn minh của đối phương, họ đều thể hiện sự tôn trọng cùng mong muốn giao lưu. Những điểm tương đồng này đã đưa hai vị vua đến gần nhau hơn.

Việc Bạch Tấn trở lại Trung Quốc càng giúp người châu Âu hiểu rõ hơn về triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc, cùng với đó, xu hướng nghệ thuật theo phong cách Trung Quốc thịnh hành trong hơn hai trăm năm đã được thổi bùng lên.

Vào năm thứ 37 của Hoàng đế Khang Hy (1698), Bạch Tấn, vị Khâm sai đại thần của nhà Thanh đã một lần nữa đem theo 9 nhà truyền giáo lên đường từ Pháp đến Trung Hoa. Tất cả những người này đều thể hiện tài năng và kỹ năng của họ trong triều đại nhà Thanh, phát huy tác dụng quan trọng, chẳng hạn như Lôi Hiếu Tư, chuyên gia địa lý đã vẽ “Hoàng dư toàn lãm đồ”; Ba Đa Minh, người bồi dưỡng nhân tài ngoại giao; Nam Quang Quốc, nghệ sĩ vĩ cầm sáng tác nhạc phương Tây, và những người khác. Còn có Mã Nhược Sắt, một dịch giả đã truyền bá tác phẩm “Cô nhi họ Triệu” sang châu Âu.

Khi Bạch Tấn và những người khác vào Trung Quốc, lúc đó hoàng đế Khang Hy đang đi tuần phương Nam. Ông đã đích thân gặp gỡ 9 nhà truyền giáo trên thuyền hoàng gia ở Trấn Giang. Theo ghi chép trong thư của Bạch Tấn, trong số tất cả những món quà lớn mà Vua Mặt Trời gửi đến, Hoàng đế Khang Hy quan tâm nhất đến một bức chân dung của nhà vua, ông nhìn chăm chú vị vua vĩ đại ở bên kia trái đất. Dường như giữa hai vị minh quân đã có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và huyền diệu, khoảnh khắc đó cũng đã trở thành thời khắc hiếm thấy được lưu lại trong lịch sử.

Tác giả: Tiểu tổ văn hóa – Epoch Times
San San biên dịch