Thiện lương chính là thiên tính bẩm sinh, nó không liên quan gì đến việc bạn đã đọc bao nhiêu cuốn sách hay học qua bao nhiêu trường lớp. Đó không phải là sự ràng buộc đạo đức do con người chế định ra, mà là một loại tình cảm dịu dàng đối với cả thế giới nảy sinh một cách tự nhiên từ trong tâm khảm…

01

Tôi là kiểu người rất quan tâm đến ý kiến ​​của người khác. 

Thời còn học đại học, có lần tôi cùng một người bạn đến công viên ven sông chơi, vì trước đó tôi đã xem qua dự báo thời tiết và biết trời sẽ mưa, vậy nên đã mang theo ô.

Gần bốn giờ chiều, chúng tôi đi ngang qua một con đường đầy những quầy hàng nhỏ, thì trời chợt đổ mưa, những người mua bán vội vàng giải tán, tôi và cô bạn cũng nhanh chóng trú mưa dưới mái hiên bên đường. Bỗng tôi nhìn thấy một người ăn xin cụt chân ở giữa đường, anh ta đang cố gắng dùng hai bàn tay lê tấm thân đi về phía mái hiên đối diện.

Nước mưa chảy xuống bộ quần áo rách rưới của người ăn xin bất hạnh đó, đầu tóc ướt đẫm, anh ta cúi đầu cố gắng tránh cho mình bớt ướt một chút, rồi dùng sức vung tay thật mạnh.

Phản ứng đầu tiên của tôi khi đó là mở ô ra, nhưng lúc định lao ra ngoài, tôi lại nhận thấy mọi người đứng dưới mái hiên hai bên đều im lặng, bình tĩnh nhìn anh ta di động dưới mưa, tôi bèn do dự, chẳng lẽ họ không nhìn thấy sao? 

Tôi hỏi cô bạn thân, mong nhận được một phần khích lệ. Tôi khẽ hỏi cô ấy: “Tôi có nên cầm ô che mưa cho người ăn xin đó không?”.

“Không cần đâu, mọi người đều không có ai đi cả, anh ta sẽ sớm đến nơi thôi mà!”.

Sau đó tôi đã trở lại mái hiên, đóng ô lại, lặng lẽ cúi đầu xuống.

Tôi không đến chỗ người ăn xin đó, quả thật anh ta rất mau đã đến chỗ trú mưa.

Một lúc sau mưa cũng tạnh.

Chỉ là đêm đó nằm trên giường tôi không sao ngủ được, hễ nhắm mắt lại, trong đầu tôi liền hiện ra hình ảnh người ăn xin đó cúi đầu dưới mưa, cố gắng dùng hai tay khổ sở bò lết trên mặt đường.

Hình ảnh đó đã đọng lại trong đầu tôi rất lâu. Tôi đã dùng thời gian rất lâu để phản tỉnh bản thân, vì sao không cầm ô che mưa cho anh ta, rõ ràng đây là điều tôi muốn, vậy tại sao tôi lại không làm?

Bởi vì mọi người đều không đi, bởi tôi sợ người khác cho rằng tôi giả tạo, bởi tôi sợ làm ra hành động khác với mọi người, bởi tôi quan tâm đến việc người khác nghĩ gì, bởi tôi không thật sự muốn làm điều đó lắm, bởi vì…

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, trong tâm tự trách rất lâu, sau đó tôi tự nhủ rằng dù sau này có chuyện gì xảy ra, tôi cũng không bao giờ đi ngược lại lương tâm của mình.

02

Nhớ hồi tôi còn nhỏ, có lần mẹ dẫn tôi đi chợ, đó là lần đầu tiên tôi để ý đến sự tồn tại của người ăn xin. Mẹ đưa cho tôi một ít tiền, bảo tôi đưa cho người ăn xin, và dặn tôi phải ngồi xổm xuống. Tôi nấp phía sau mẹ, vừa có phần sợ hãi, vừa có phần xấu hổ, nhưng vẫn thận trọng tiến về phía trước, tôi ngồi xổm xuống và bỏ tiền cái lon xin tiền của ông ấy. Ông ấy ngẩng đầu lên và rất vui vẻ nói lời cảm ơn. Tôi nhanh chóng quay người bỏ chạy, tôi nhớ hôm đó ánh mặt trời đặc biệt sáng, niềm vui theo tôi suốt cả một ngày.

Khi tôi lớn lên, tôi lên thành phố học, vào những ngày tuyết rơi, tôi vẫn thấy những người ăn xin quỳ mọp dưới đất, lạy lục cầu xin người qua đường, ban đầu mỗi lần nhìn thấy tôi đều sẽ cho tiền họ, nhưng về sau khi tôi thấy trên một con phố có đến ba, bốn người, tôi đã do dự; có rất nhiều người cần giúp đỡ, và tôi sẽ không bao giờ có thể giúp được hết.

Một dì bán khoai lang nói với tôi: “Họ đều là những kẻ lừa đảo đấy! Họ kiếm được rất nhiều tiền, tôi nghe nói có người ăn xin sau giờ làm việc đều lái xe về”.

Tôi xách túi khoai, im lặng bước đi, không thèm để ý đến họ. Tôi không đeo găng tay, tay cóng đến phát đau, lúc gần bước đến cổng trường, tôi chợt nghĩ, dù họ có thật là kẻ lừa đảo đi nữa, mùa đông mà phải quỳ mọp dưới đất giữa trời rét như vậy cũng thật không dễ dàng gì. Chắc họ cũng lạnh cóng. Tôi ôm túi khoai đi về phía ký túc xá. Mỗi bước tôi đi, tôi cảm thấy mình đang chệch khỏi con người thật của mình, rồi đột nhiên tôi chạy trở lại như điên, đáng tiếc hôm đó tuyết rơi quá lớn, trên đường không có lấy một bóng người.

Tôi thất vọng quay về, đặt túi khoai lên bàn, lòng chợt thấy buồn bã không thể giải thích được.

03

Làm việc tốt vốn là một chuyện rất bình thường và hạnh phúc, nhưng từ khi nào nó bắt đầu khiến tôi cảm thấy nặng nề đến vậy?

Con người ta một khi rơi vào cảm xúc hay tình huống khó xử nào đó, họ sẽ nảy ra ý định cố gắng thay đổi nó, nhưng một khi đã thoát ra khỏi nó, họ sẽ nhanh chóng quên mất, nhưng tôi không thể làm được điều này.

Tôi không còn có thể sống trái với lòng mình nữa, khi cái tâm của tôi muốn làm gì, tôi sẽ đi làm. Mỗi lần thấy người ăn xin, tôi vẫn cho tiền họ, có đôi lúc tôi cho họ đồ ăn, cho họ bánh kẹo, trái cây. Họ sẽ có chút ngạc nhiên rồi vui vẻ nói lời cảm ơn.

Đôi khi, tôi dậy từ rất sớm, chờ đợi bà cụ nhặt ve chai, đưa cho bà những bộ quần áo mà tôi không dùng đến nữa, có khi là một số nhu yếu phẩm hàng ngày. Một lần khi tôi đi ngang qua bãi rác, bà đã gọi tôi lại, rồi thần bí từ phía sau lấy ra một món đồ nho nhỏ. Đó là một con búp bê nhỏ xinh xinh. “Tặng cho cô này!”, bà ấy nói với vẻ mặt hớn hở như một đứa trẻ.

Vào những ngày mưa, với những người không có ô, tôi sẽ đi cùng họ một đoạn, có người sẽ từ chối với tâm thái phòng bị, cũng có người sau một hồi kinh ngạc liền vui vẻ đồng ý. Dọc đường chúng tôi vui vẻ trò chuyện với nhau, nhờ vậy tôi đã quen được một vài người bạn tốt.

Có lần đi xe khách, thấy một người phụ nữ dắt theo đứa con nhỏ mà không mua được vé, tôi đã chủ động nhường ghế cho cô ấy, cứ thế tôi đứng suốt hơn một giờ đồng hồ. Lúc đến trạm, cô ấy nhiệt tình giúp tôi xách hành lý và cho tôi số điện thoại, giới thiệu cho tôi những địa điểm thú vị.

Với những người bán rau củ mà còn dư một, hai mớ, tôi sẽ mua giúp để cho họ về sớm mà dành thời gian cho con cái, dần dần chúng tôi trở nên thân thiết, mỗi lần đi ngang qua, tôi đều nán lại trò chuyện một lúc. “Tôi biết cô rất thích ăn loại rau này, hôm nay tôi đã mua vài mớ, và chúng rất mau đã được bán hết, tôi đã đặc biệt để lại cho cô một ít này!”.

Khi tôi thấy có người làm thuê không có tiền ăn cơm, mặc cả giá với chủ tiệm nhưng bị cự tuyệt, tôi gọi đồ ăn cho ông, rồi giả vờ như đang có việc gấp, không ăn được món mình vừa gọi, đành phải nhờ chú ấy ăn giúp. Nhìn ánh mắt biết ơn của chú ấy, chú ấy hẳn có những đứa con rất dễ thương. Tôi mong sao các con của chú ấy biết bố mình đã làm việc chăm chỉ như thế nào để chăm lo cho họ.

Có lần tôi trúng giải, tôi đã gửi tiền cho một đứa trẻ bị bỏ lại quê, đây là những trẻ em vẫn ở lại vùng nông thôn trong khi cha mẹ chúng đi làm ở thành thị. Ngay sau đó đứa trẻ ấy đã viết một bức thư cho tôi, nó nói với giọng điệu trẻ con và trịnh trọng, bạn tôi đọc xong thì nói rằng đây không phải là chúng tự ý viết đâu, khả năng là cô giáo bảo chúng viết đấy! Tôi mỉm cười, rồi mang lá thư cất đi. 

Điều bất ngờ là không lâu sau, tôi đã nhận được điện thoại của đứa trẻ đó. Với tiếng phổ thông không chuẩn, nó như đang đọc to, “Em cảm ơn chị, em phải đi một quãng đường rất xa mới gọi điện được cho chị… là cô giáo đã hỏi giúp em, ông nội và em rất biết ơn chị, đợi qua tết chúng em sẽ gửi cho chị một ít ngô ạ!”. Ở đầu điện thoại bên này, tôi đã bật khóc nức nở.

04

Làm người vì sao cần phải lương thiện? Tôi cũng không rõ nữa, có lẽ tôi muốn sống một cuộc sống vui vẻ, tự tại hơn một chút chăng.

Trên thế giới này có rất nhiều người xấu, và cũng có rất nhiều người tốt, khi bạn cho đi lòng tốt thì cũng sẽ nhận được lòng tốt từ người khác.

Khi tôi quan tâm đến ánh mắt ​​của người khác, nếu chỉ có tỏ ra thông cảm suông nhưng không làm gì được, trong tâm tôi cảm thấy rất khó chịu, và cảm thấy mình đang phản bội con người thật của mình.

Và khi tất cả những suy nghĩ, ý định tốt đẹp này được biến thành hành động, cái cảm giác thư thái và hài lòng đó là điều mà không bất cứ điều gì có thể thay thế được.

Có người nói dì bán khoai đó cũng rất đáng thương, “Sao cô có thể cho tiền những người ăn xin đó, cô đã bao giờ nghĩ đến cảm giác của dì ấy chưa?”.

Thực ra, hôm đó tôi muốn tặng người ăn xin đó khoai lang chứ không phải tiền, vì tôi muốn giúp anh ta nhiều nhất có thể. Tôi đã từng đọc một bài viết, nội dung đại khái là không cho tiền người ăn xin là vì không để những người sống dưới đáy xã hội đánh mất hy vọng cố gắng phấn đấu. Đừng để họ cảm thấy rằng bản thân tôi làm việc chăm chỉ như thế, trong khi những người ăn xin không làm gì, vậy mà vẫn sống tốt như tôi.

Ở đây tôi không có ý bàn luận về việc có nên cho tiền người ăn xin hay không, và có nên thương xót họ hay không. Tôi chỉ cảm thấy nếu bạn cho việc này là đúng thì cứ làm thôi, tôi cũng đã cố gắng làm ngơ mà đi ngang họ, nhưng sau đó tôi luôn cảm thấy bứt rứt trong tâm, nên không muốn làm như vậy. 

Mà dì bán khoai lang đó cũng rất tốt bụng. Một buổi chiều nọ, dì ấy đang trú mưa dưới mái hiên với một đứa bé ăn xin bị gãy chân. Tôi mua đồ xong ở siêu thị đi ra, và cũng trú mưa ở đó, rồi tôi thấy dì đang bóc vỏ một củ khoai tây rồi đưa nó cho đứa trẻ đó.

“Cháu có lạnh không? Nhà cháu ở đâu vậy?”.

Cậu bé không nói chuyện, chỉ cắm mặt mà ăn.

Khi đó, tôi cảm thấy lòng tốt chính là thiên tính bẩm sinh, nó không liên quan gì đến việc bạn đã đọc bao nhiêu cuốn sách hay học qua bao nhiêu trường lớp, đó không phải là sự ràng buộc đạo đức do con người chế định ra, mà là một loại tình cảm dịu dàng đối với cả thế giới nảy sinh một cách tự nhiên từ trong tâm khảm.

Đúng như Mạnh Tử giảng: “Tôn kính người già của nhà mình, từ đó tôn kính người già nhà người khác”. Từ con trẻ của người khác mà nhớ nghĩ đến con cái của chính mình, từ người già của nhà khác mà nhớ nghĩ đến các cụ trong nhà mình.

Có lẽ chính là như vậy, cho dù nó không thật sự đúng đi chăng nữa, thì việc giữ vững lằn ranh đỏ của bản thân và không làm tổn thương người khác cũng là một sự thiện lương. Chung quy, chúng ta chỉ cần sống đúng với lương tâm, vui vẻ, thoải mái là tốt rồi.

Theo Duwenzhang
Vũ Dương biên dịch