Vào những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, Cục Tình báo trung ương (CIA) và Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA) Mỹ đã tuyển dụng những nhà ngoại cảm sở hữu siêu năng lực để tham gia vào một dự án tuyệt mật – dự án Cổng Sao.

Dự án thu thập tin tình báo bằng ngoại cảm

Stargate (Tạm dịch: Cổng Sao) là tên mã hóa của một dự án tuyệt mật được quân đội Mỹ khởi động vào năm 1978, tại căn cứ Fort Meade, bang Maryland. Đây là dự án phối hợp giữa Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) và Viện Nghiên cứu quốc tế Stanford (SRI) (một viện nghiên cứu được ĐH Stanford lập ra), mục đích của dự án là nghiên cứu, ứng dụng khả năng tâm linh (ngoại cảm, dao thị, hay những khả năng siêu thường khác) vào lĩnh vực tình báo, quân sự.

Ứng dụng ‘ngoại cảm’ trong tình báo (P1): Dự án tuyệt mật của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Lạnh
Dự án Stargate. Ảnh: Nexus Newsfeed

Thời gian đầu, dự án chỉ gồm khoảng 20 người, do thiếu tướng Albert Stubblebine – chủ tịch Viện Monroe, chuyên nghiên cứu khả năng tâm linh của con người – phụ trách, cũng có sự tham dự của trung úy Frederick Atwater, người nức tiếng với biệt danh “kẻ săn đầu người”, bởi khả năng phát hiện những người sở hữu khả năng tâm linh.

Những nhà ngoại cảm đầu tiên

Uri Geller

Tuy nhiên, trước khi khai sinh Stargate, người Mỹ đã quan tâm đến lĩnh vực ngoại cảm. Năm 1972, một nhóm những người được cho là sở hữu siêu năng lực đã được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) để mắt đến, và tiến hành thí nghiệm kiểm chứng. Nhân vật đầu tiên phải kể đến là Uri Geller, một ảo thuật gia điển trai người Israel, nổi tiếng với khả năng dùng “sức mạnh ý chí” để uốn cong những chiếc thìa bằng kim loại.

Ứng dụng ‘ngoại cảm’ trong tình báo (P1): Dự án tuyệt mật của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Lạnh
Ảnh: El Español
Ứng dụng ‘ngoại cảm’ trong tình báo (P1): Dự án tuyệt mật của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Lạnh
Uri Geller và màn trình diễn bẻ cong thìa bằng sức mạnh ý chí. Ảnh: welt.de

Năm 1970 Geller đã làm cả thế giới kinh ngạc vì khả năng thần giao cách cảm của mình. Khán giả đã được tận mắt chứng kiến khả năng của ông tại những buổi biểu diễn công khai. Hai năm sau, Cơ quan An ninh Nội bộ Shin bet và Cơ quan Tình báo Quốc gia Mossad của Israel, đã phối hợp với Viện SRI và CIA, tiến hành thí nghiệm với Geller, để Geller vận dụng năng lực của mình tẩy xóa nội dung trong các đĩa mềm vi tính lưu trữ tại trụ sở của Cơ quan Tình báo Liên Xô KGB, đồng thời vô hiệu hóa các lò phản ứng hạt nhân và các trạm radar của Syria. Tuy nhiên, kết quả của những nhiệm vụ này không được công khai.

Tại SRI, Geller cũng được nhà vật lý nổi tiếng Harold Puthoff, và nhà cận tâm lý Russell Targ, cũng là hai nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong dự án Stargate, tiến hành nhiều thí nghiệm kiểm chứng. Geller được yêu cầu miêu tả các hình ảnh bên trong phong bì bọc kín, hay miêu tả các đồ vật đặt bên trong một căn buồng ở một tòa nhà khác, thậm chí ở các tiểu bang khác.

Ứng dụng ‘ngoại cảm’ trong tình báo (P1): Dự án tuyệt mật của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Lạnh
TS Harold Puthoff thuộc Viện SRI đang quan sát Uri Geller dùng công năng tác động lên một quả tạ đặt bên trong một cái bình hình chuông. Ảnh: urigeller.com

Về sau, dự án Stargate được giải mật, thông tin về những thí nghiệm này đã được CIA công bố chính thức vào năm 2016, theo đó, CIA công nhận nhà ngoại cảm Uri Geller có năng lực đặc biệt.

Ingo Swann

Ngoài Geller, SRI còn tìm được Ingo Swann, một nghệ sĩ ở New York sở hữu khả năng “dao thị” đặc biệt. Khi biết được mục tiêu của CIA là sử dụng khả năng tâm linh cho tình báo, Swann đã đề xuất một phương án gọi là “xác định tọa độ”. Chỉ cần nghe giọng nói của bất kỳ ai, Swann cũng có thể nói chính xác người đó hiện đang ở nơi nào.

Ứng dụng ‘ngoại cảm’ trong tình báo (P1): Dự án tuyệt mật của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Lạnh
Ingo Swann. Ảnh: i0.wp.com

Một buổi tối, Swann được SRI mời uống rượu cạnh một bể bơi. Sau đó, ông được cho nghe giọng nói của một nhân viên SRI qua bằng ghi âm. Vài phút sau, Swann đã có thể cung cấp vị trí (kinh độ, vĩ độ) chính xác của nhân viên này. Qua xác minh, các nhân viên SRI biết được tọa độ kinh tuyến mà Swann cung cấp là chính xác, đó là một phòng khách sạn trên tầng 9 tại Ryah, thủ đô Ả-rập-Xê-út, nơi một nhân viên SRI đang túc trực. Sau này, Swann đã phát minh ra phương pháp “Gián điệp tâm linh phối hợp từ xa”, gọi tắt là CRV. Swann và Geller đã phối hợp với nhau để cải tiến phương pháp này.

Ứng dụng ‘ngoại cảm’ trong tình báo (P1): Dự án tuyệt mật của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Lạnh
TS Harold Puthoff chụp ảnh cùng Ingo Swann. Ảnh: rviewer.com

Panner

Tháng 6/1973, nhà vật lý Harold Puthoff nhận được cuộc gọi kỳ lạ từ một người tự xưng là cảnh sát đã nghỉ hưu, tên Panner. Panner cho biết, ông có thể “nhìn” thấy rõ ràng một số mục tiêu quân sự quan trọng của Liên Xô, trong đó nổi bật nhất là cơ sở thử hạt nhân Semipalatinsk ở Kazakhstan (thuộc lãnh thổ Liên Xô cũ), dù cả đời chưa từng bước chân ra khỏi Mỹ.

Ứng dụng ‘ngoại cảm’ trong tình báo (P1): Dự án tuyệt mật của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Lạnh
Minh họa một buổi sử dụng ngoại cảm để thu thập thông tin tình báo về quân đối phương. Ảnh: Disclose.tv

Sự việc nhanh chóng được báo cáo cho CIA. Hay tin, các chuyên gia CIA tức tốc đến gặp Panner để tiến hành kiểm nghiệm. Trong cuộc thử nghiệm, Panner đã mô tả:

“Tôi đang ở trên nóc một tòa nhà gạch khoảng 2-3 tầng. Có một cần cẩu khổng lồ di chuyển qua lại trên đầu tôi. Tôi thấy hai bên tòa nhà đều có đường sắt. Các cần cẩu đang nâng một vật thể lớn. Trong một căn phòng, nhiều người đang lắp ráp một quả cầu bằng kim loại đường kính 20m, bên cạnh đó là các cụm thiết bị, bao gồm các thùng chứa khí nén áp suất cao…”.

Các nhân viên CIA đã hết sức ấn tượng, bởi những bức ảnh chụp cơ sở thử nghiệm hạt nhân Semipalatinsk trên không thu thập từ máy bay do thám U2 hoàn toàn giống với những gì Panner mô tả, chỉ có chi tiết “căn phòng có nhiều người đang lắp ráp một quả cầu bằng kim loại đường kính 20m” thì họ không thể kiểm chứng. Tuy nhiên, theo báo cáo của chương trình thử nghiệm hạt nhân trên sa mạc bang Nevada, Mỹ, thì những quả cầu đó chính là một phần trong hệ thống làm giàu Uranium. Nhiều năm về sau, hình ảnh vệ tinh do thám của Mỹ đã cho thấy Semipalatinsk đúng là nơi người Nga đã từng thử nghiệm vũ khí hạt nhân, số lượng lên đến 456 lần với quy mô nhỏ.

Không chỉ vậy, Panner tiếp tục khiến các nhà khoa học và cơ quan tình báo Mỹ kinh ngạc qua việc miêu tả chính xác một chiếc tàu ngầm Liên Xô di chuyển trên Thái Bình Dương. Đây cũng chính là cơ sở để quân đội Mỹ và CIA triển khai dự án “Dao Thị” (nghĩa là: “nhìn từ cự ly rất xa”) sau này, với kinh phí lên đến 20 triệu USD mỗi năm…

Riley

Vào thời kỳ đỉnh cao, có tổng cộng 22 nhà ngoại cảm tham gia dự án Stargate, trong đó có huyền thoại: Trung sĩ Melvin C. Riley. Trung sĩ Riley là người duy nhất tham gia hoạt động “gián điệp tâm linh” đến hai lần, vào hai giai đoạn 1978 – 1981 và 1986 – 1990.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo đói ở Racine, bang Wisconsin, nơi đa số người dân làm việc trong các xưởng đúc kim loại. Riley cho biết, ông đã từng cảm thấy rất tuyệt vọng mỗi khi phải chứng kiến cảnh sống vô vọng diễn ra xung quanh.

Lên 17 tuổi, Riley đăng ký học nhảy dù. Vào lần nhảy solo (nhảy không có hướng dẫn viên theo kèm) đầu tiên, Riley đã tỏ ra rất phấn khích với trải nghiệm bay lần đầu này.

Tháng 7/1969, Riley nhập ngũ, rồi được gửi đến căn cứ Fort Campbell, bang Kentucky để tham gia huấn luyện cơ bản. Tại đây, định mệnh đã khiến anh lọt vào mắt xanh của “kẻ săn người” – Frederick Holmes Atwater. Sau đó, ông được chuyển đến Cơ quan Tình báo quân đội, và được đào tạo để trở thành một chuyên gia phân tích ảnh hàng không.

Ứng dụng ‘ngoại cảm’ trong tình báo (P1): Dự án tuyệt mật của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Lạnh
Mel Riley trong quá trình huấn luyện cơ bản. Ảnh: Mel Riley

Sau khi khóa đào tạo kết thúc, anh được điều chuyển đến Tây Đức. Trong một chuyến bay chụp ảnh lãnh thổ Đông Đức, Riley đã thể hiện khả năng phi thường của mình: anh đã đề nghị phi công bay vào những khu vực nhất định để chụp ảnh. Khi nghe Riley yêu cầu, toàn bộ phi hành đoàn đều phản đối vì họ cho rằng tại những vị trí đó chỉ toàn là những nhà máy xay xát, nông trại, chuồng bò …

Tuy nhiên, khi về đến căn cứ và phân tích những bức ảnh được in ra, Riley đã chỉ vào từng vị trí cụ thể, và nói rõ đâu là nơi bố trí xe tăng, đâu là căn cứ tên lửa. Điệp viên nằm vùng đã đến khu vực xác minh, vài tháng sau Cơ quan Tình báo Quân đội nhận được báo cáo rằng, những gì Riley nói đều chính xác đến kinh ngạc, bởi trước đó, máy bay trinh sát đã chụp cảnh các mục tiêu này hàng trăm lần mà vẫn không phát hiện được gì, vì khu vực này được ngụy trang rất cẩn mật. Sau vụ việc này, Riley được gán cho biệt danh “Người quan sát trên không siêu chính xác”. Kể từ đó, mọi đề xuất của anh về việc nên bay vào khu vực nào, chụp ảnh vùng nào, … đều được Cơ quan Tình báo Quân đội đáp ứng.

Ứng dụng ‘ngoại cảm’ trong tình báo (P1): Dự án tuyệt mật của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Lạnh
Ảnh: Amino Apps

Năm 1976, sau khi đã ở Tây Đức 6 năm, Riley chuyển đến căn cứ Fort Meade, và trở thành một thành viên của nhóm tình báo OPSEC. Một ngày, khi trò chuyện với một người bạn làm việc ở Cục Khai thác Hệ thống, anh được bạn cho mượn cuốn sách nói về ngoại cảm, đồng thời tiết lộ với anh rằng: từ lâu, không chỉ Mỹ mà phía Liên Xô cũng đã sử dụng gián điệp tâm linh.

Nghe vậy, Riley lập tức cảm thấy muốn gia nhập dự án Stargate, anh đã gửi một bức thư yêu cầu. Năm 1978, trong tổng số 3.000 ứng viên ngoại cảm được Cổng Sao tuyển dụng, chỉ có 6 người trúng tuyển, trong đó có Riley, anh chia sẻ:

“Những ngày đầu tiên, tôi được học các bài học về ý thức, để có thể tiếp nhận thông tin từ chiều không gian thứ tư. Tôi nằm trên một chiếc giường, trong một căn phòng tối om, được gọi là ‘Gondola Wish’ tại căn cứ Fort Meade, đầu tôi gắn đầy dây nhợ của máy đo điện não. Sau một lúc, tôi nghe được mệnh lệnh: ‘Mục tiêu là đối tượng Y’ và trong tâm trí tôi, hình ảnh của Y bắt đầu xuất hiện lờ mờ, rồi càng lúc càng rõ nét. Nhìn thấy đến đâu, tôi kể lại đến đó…”.

Ứng dụng ‘ngoại cảm’ trong tình báo (P1): Dự án tuyệt mật của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Lạnh
Mel Riley ngày nay. Ảnh: Mel Riley

Trong suốt thời gian làm điệp viên ngoại cảm, Riley đã tham gia nhiều “chiến dịch tình báo tâm linh”. Cho đến tay, tuy Cơ quan Tình báo quân đội Mỹ và CIA đã công bố nhiều hồ sơ về “đạo quân ngoại cảm” sau khi dự án Cổng Sao chấm dứt vào năm 1995, nhưng phần lớn những hoạt động của Riley vẫn thuộc loại bí mật. Hiện tại, trên cương vị mới là Giám đốc Viện Bảo tàng công cộng New London, bang Wisconsin, Mỹ, ông vẫn một mực từ chối khi được hỏi về công việc trong quá khứ của mình. Chỉ một lần duy nhất khi trả lời phỏng vấn của Jeff Rense, phóng viên Đài Truyền hình NBC, Riley mới tiết lộ đôi điều: “Tôi không phải là pháp sư hay nhà tiên tri. Tôi cũng không thuộc lòng tất cả các vĩ độ, kinh độ trên trái đất để có thể nói chính xác rằng người này hay người kia đang ở đâu. Tôi chỉ ứng dụng giao thức ERV (extended remote viewing – dao thị, hay nhìn từ xa) để có thể tách mình ra khỏi thế giới thực để tiếp nhận thông tin, rồi mang nó trở lại”.

(còn tiếp)

Quý Khải