Các nhà khoa học lo ngại một ngọn núi lửa lớn ở biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc có nguy cơ phun trào do ảnh hưởng dư chấn từ các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Theo Express, các nhà chức trách Trung Quốc đã đóng cửa một công viên quốc gia gần ngọn núi lửa Paektu rộng 180 km2 nằm giữa biên giới nước này với Triều Tiên để ngăn người dân đến gần khu vực do lo ngại nó có thể phun trào bất cứ lúc nào.

Một góc quang cảnh núi lửa Paektu (Ảnh: baoquocte)

Hiện các thiết bị đo đạc siêu nhạy đã phát hiện được các đợt rung chấn nhỏ trong khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Trường Bạch Sơn nằm kế bên núi lửa Paektu sau các vụ thử hạt nhân cực mạnh của Bình Nhưỡng.

“Vì sự an toàn và thuận tiện của khách tham quan, chúng tôi tạm thời đóng cửa khu vực phía nam núi Trường Bạch. Chúng tôi đang kiểm tra kỹ lưỡng độ an toàn của khu vực này. Khu vực sẽ vẫn đóng cửa không đón tiếp công chúng cho tới khi những nguy cơ tiềm ẩn biến mất“, một nhà chức trách cho biết.

Đây là một tín hiệu rất đáng báo động bởi trong quá khứ, núi lửa Paektu từng gây ra một trong những vụ phun trào thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Bình Nhưỡng liên tục thử các thế hệ bom hạt nhân có sức công phá lớn thời gian qua (Ảnh: Soha)

Trong lần phun trào vào năm 946, núi Paektu hoạt động dữ dội tới mức tạo hình thành một hõm chảo đường kính 5 km ở đỉnh và sản sinh lượng tro bụi đủ vươn xa tới Nhật Bản cách đó gần 1.100 km. Kể từ năm 1903 đến nay nó chưa hoạt động trở lại.

Trước đó, một nhóm nhà khoa học Hàn Quốc cảnh báo các vụ thử hạt nhân có thể thúc đẩy phun trào núi lửa. Nhóm nghiên cứu do Hong Tae-kyung, giáo sư ở khoa Khoa học Trái Đất tại Đại học Yonsei, kiểm tra tác động của các vụ thử hạt nhân đối với hoạt động địa chấn. Họ xem xét ba vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào các năm 2006, 2009 và 2013 và phát hiện mọi trận động đất trên 7,0 độ có thể dẫn tới một vụ phun trào có sức tàn phá lớn.

Núi lửa Paektu hiện đang ở tình trạng hết sức nguy hiểm (Ảnh: Internet)

Theo Hong Tae-kyung, các trận động đất trở nên ngày càng mạnh hơn sau mỗi vụ thử hạt nhân. Vụ thử năm 2006 kích hoạt động đất 3,6 độ, trong khi động đất tương ứng với các vụ thử năm 2009 và 2013 là 4,4 độ và 4,8 độ.

Chưa biết Triều Tiên có thu lại được gì sau nỗ lực kiên trì theo đuổi chương trình hạt nhân của mình hay không? Nhưng nếu tiếp tục, không cần sự can thiệp của Mỹ, các vụ nổ hạt nhân do Triều Tiên tiến hành với áp suất từ hàng chục đến hàng trăm kilopascal hoàn toàn có thể khiến Paektu thức giấc và tàn phá nghiêm trọng quốc gia này và “ông anh” láng giềng Trung Quốc.

Hoài Anh

Xem thêm: