Ngày 30/11/, cựu độc tài ĐCSTQ Giang Trạch Dân qua đời vì bạo bệnh. Mặc dù chính quyền của Tập Cận Bình đã tổ chức tang lễ theo quy cách cao cho ông ta vì nhiều toan tính chính trị khác nhau, nhưng điều mà ngoại giới tập trung vào là những vụ bê bối như tạo giả thân thế, giết người để thăng chức, để lại di sản chính trị độc hại đến ngày nay và những bê bối khác của ông ta.

Xin chào quý vị khán giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!

Hôm nay, chúng tôi cũng kể với quý vị về một số sự thật lịch sử quan trọng về việc cả hai cha con Giang Trạch Dân đều là những kẻ phản bội bán nước.

Cha ruột Giang Trạch Dân là đại Hán gian

Vào những năm 1980, Giang Trạch Dân tuyên bố công khai rằng ông ta được người chú thứ sáu là Giang Thượng Thanh nhận nuôi trước năm 1949. Giang Thượng Thanh gia nhập ĐCSTQ năm 1929, trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Nhật bùng phát, ông bị bắn chết vào tháng 8 năm 1939, được ĐCSTQ coi là “liệt sĩ”. Vì Giang Trạch Dân nói bản thân mình là con nuôi của Giang Thượng Thanh, nên ông ta nghiễm nhiên đã trở thành con của “liệt sĩ”.

Tuy nhiên, việc Giang Trạch Dân tự nhận là con nuôi của Giang Thượng Thanh không hề có bằng chứng thuyết phục và đáng tin cậy nào chứng minh. Trái lại, Lã Gia Bình, một nhà sử học Trung Quốc, người xuất bản cuốn “Liên quan đến vấn đề ‘nhị gian nhị giả’ của Giang Trạch Dân và gian lận chính trị yêu cầu kêu gọi điều tra” vào đầu năm 2010, thông qua khảo chứng thực tế chi tiết, Lã Gia Bình đã tiết lộ thân thế thực sự mà Giang Trạch Dân đang cực lực che đậy.

Hóa ra sự thật là, cha ruột của Giang Trạch Dân, Giang Thế Tuấn, là một Hán gian đã đào tẩu sang quân xâm lược Nhật Bản trong Kháng chiến chống phát xít Nhật.

Lã Gia Bình chỉ ra rằng, trong những ngày đầu Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, Giang Thế Tuấn đã đào tẩu sang Nhật Bản và trở thành một tay sai quan trọng trong Chính phủ Duy tân Nam Kinh bù nhìn do Lương Hồng Chí đứng đầu ở miền trung Trung Quốc.

Vào tháng 3 năm 1940, Uông Tinh Vệ, cựu phó chủ tịch Quốc dân đảng, người đã đầu hàng quân xâm lược Nhật Bản, liên kết với một số Hán gian để cùng thành lập Chính phủ Quốc dân Nam Kinh bù nhìn. Giang Thế Tuấn đào tẩu theo Uông Tinh Vệ và cải danh thành Giang Quán Thiên, giữ chức phó bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của chính quyền ngụy, kiêm chủ nhiệm Hội ủy viên xã luận. Ông ta từng một tay lên kế hoạch cho “Triển lãm chiến tích cuộc thánh chiến Đại Đông Á ở Thái Bình Dương”, thực sự là một tên đại Hán gian Nhật ngụy, bán nước cầu vinh.

Thân phận “nhị Hán gian” của Giang Trạch Dân

Bắt đầu từ năm 1940, quân đội Nhật Bản đã chọn những học sinh trung thành với người Nhật ở bảy thành phố, bao gồm Nam Kinh, Bắc Bình và Thượng Hải, gửi họ đến Đại học Trung ương Nam Kinh của chính quyền ngụy để học tập.

Năm 1943, sau khi Giang Trạch Dân tốt nghiệp trường trung học ngụy quyền của tỉnh: Trường trung học Dương Châu, ông ta trở thành sinh viên của Đại học Trung ương Nam Kinh của ngụy quyền, chuyên đào tạo nhân tài Hán gian, nhờ mối quan hệ với người cha Hán gian của mình.

Trước khi vào đại học, Giang cũng từng tham gia lớp huấn luyện đặc vụ Nhật ngụy. Lớp huấn luyện do Đinh Mặc Thôn, đầu sỏ gián điệp kiêm trợ thủ đắc lực của Tướng quân Kenji Doihara, chủ trì. Đinh Mặc Thôn là người thành lập “Tổng bộ đặc công” tại số 76 đường Keithfield, Thượng Hải. Ông ta cũng sáng lập lớp huấn luyện cán bộ trẻ của Đại học Trung ương, chủ yếu được tuyển chọn từ con em các quan chức cấp cao của chính quyền ngụy. Giang Thế Tuấn đã hết sức khuyến khích con trai mình là Giang Trạch Dân tham gia khóa huấn luyện thứ tư, sau khi tốt nghiệp, Giang được cử trực tiếp đến Đại học Trung ương của ngụy quyền.

Do đó, Giang Trạch Dân đã “nối nghiệp cha” và trở thành Hán gian Nhật ngụy.

Không chỉ vậy, từ năm 1954 đến năm 1956, Giang được cử đi học tập và công tác tại các xí nghiệp của Liên Xô. Trong khoảng thời gian đó, Hội đồng An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) đã cử nữ điệp viên xinh đẹp Krava tiếp xúc với ông ta. Giang Trạch Dân đã ngã quỵ dưới váy của Krava, và cả hai đã phát triển mối quan hệ “bạn tốt”. Sau đó, Giang không chỉ giao thông tin tình báo thu thập được về Trung Quốc cho Krava, mà còn duy trì quan hệ với KGB sau khi trở về Trung Quốc, trở thành gián điệp Liên Xô ẩn mình trong nội bộ ĐCSTQ.

Giang Trạch Dân bán rẻ một vùng lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc cho Nga

Năm 1989, Giang Trạch Dân trở thành lãnh đạo của ĐCSTQ sau huyết tích của vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Quyền lực độc tài của ông ta, trong bối cảnh có một người cha là đại Hán gian và thân phận “nhị Hán gian” của chính ông ta, đã mở đường cho ông ta phạm thêm tội bán nước sau này.

Chúng ta trước tiên hãy bắt đầu với một chút lịch sử trước đó.

Vào ngày 28/5/1858, Sa hoàng Nga đã buộc chính quyền cuối nhà Thanh ký “Hiệp ước Aigun”, cưỡng chiếm hơn 600.000 km2 lãnh thổ ở phía bắc Hắc Long Giang và phía nam dãy núi Ngoại Hưng An ở Trung Quốc.

Ngày 14/11/1860, nước Nga Sa hoàng buộc chính quyền cuối nhà Thanh ký “Điều ước Bắc Kinh”, cưỡng chiếm hơn 400.000 km2 lãnh thổ phía đông sông Ussuri ở Trung Quốc.

Vào ngày 9/12/1999, khi ĐCSTQ đã nắm quyền được 50 năm và khoe khoang về “những thành tựu lịch sử to lớn thu hút sự chú ý của toàn thế giới”, và khi Liên Xô sụp đổ và quốc lực Nga đang suy yếu vào tám năm trước đó, Giang Trạch Dân và Tổng thống Nga Boris Yeltsin tại Bắc Kinh đã ký kết: “Nghị định thư tự thuật về hai đoạn Đông Tây giới tuyến Trung-Nga”.

Nghị định thư này hoàn toàn công nhận các hiệp ước bất bình đẳng như “Hiệp ước Aigun” và “Hiệp ước Bắc Kinh” được ký kết giữa chính quyền cuối đời nhà Thanh hủ bại vô năng với Sa hoàng Nga, đồng thời trao cho Nga vô điều kiện hơn 1 triệu km2 đất ở Đông Bắc Trung Quốc mà Nga Sa hoàng đã chiếm đóng thông qua các hiệp ước này. Cửa sông Tumen được giao cho Nga, phong tỏa chết cửa sông từ đông bắc Trung Quốc đến biển Nhật Bản.

Không chỉ vậy, Giang Trạch Dân còn trao cho Nga 170.000 km2 lãnh thổ Trung Quốc đã bị Nga Sa hoàng và sau này là Liên Xô cưỡng chiếm mà không ký kết—khu vực Tangnu Ulianghai.

Có một sự thật lịch sử quan trọng về khu vực Tangnu Wulianghai đáng để mọi người Trung Quốc biết. Bởi vì ĐCSTQ luôn nói về lòng yêu nước, yêu cầu mọi người yêu nước và giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Nhưng khi người Trung Quốc thực sự muốn biết lịch sử liên quan của lãnh thổ tổ quốc, ĐCSTQ đã chơi trò “trốn tìm”.

Vào ngày 14/8/2017, Ân Mẫn Hồng, một quân nhân đã nghỉ hưu, đã nộp đơn lên Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đòi “công khai thông tin”, yêu cầu trả lời hai câu hỏi: Thứ nhất, sau năm 1949, liệu Trung Quốc và Liên Xô (Nga) đã ký một hợp đồng về quyền sở hữu lãnh thổ của Tannu Ulianghai? Thứ hai, Trung Quốc và Mông Cổ đã phân định biên giới ở khu vực Tangnu Ulianghai chưa?

Vào ngày 13/9 cùng năm, Bộ Ngoại giao trả lời rằng thông tin Ân Mẫn Hồng nộp đơn liên quan đến bí mật quốc gia và không thể công khai, đồng thời cho biết nếu đương sự không hài lòng, có thể yêu cầu phục nghị hành chính hoặc nộp đơn kiện hành chính với Pháp viện Trung cấp số 3 Bắc Kinh.

Vào ngày 7/3/2018, Ân Mẫn Hồng đã kiện Bộ Ngoại giao ra tòa, nhưng Pháp viện Trung cấp số 3 Bắc Kinh đã ra phán quyết: Không lập án. Sau đó, Ân đã kháng cáo lên Pháp viện Cấp cao, nhưng Pháp viện Cấp cao Bắc Kinh đã ra phán quyết bác đơn kháng cáo và giữ nguyên phát quyết.

Lãnh thổ Trung Quốc là lãnh thổ của nhân dân Trung Quốc. Là người dân Trung Quốc, hoàn toàn có mọi quyền được biết tại sao khu vực Tangnu Ulianghai từng thuộc về Trung Quốc, giờ lại thuộc về Nga.

Tuy nhiên, câu trả lời từ Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ và các phán quyết tùy tiện của tòa án hai cấp cho thấy quyền sở hữu lãnh thổ Trung Quốc Tannu Ulianghai là bí mật của ĐCSTQ và người dân Trung Quốc không có quyền được biết. Suy cho cùng, cũng là sợ rằng bằng chứng bán nước của Giang Trạch Dân sẽ bị phơi bày.

Chúng ta đã nói rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn chưa nói xong về những hành động bán nước của Giang Trạch Dân.

Vào tháng 10/2002, Giang Trạch Dân quyết định “phân chia đại thể” đảo Hắc Hạt Tử của Trung Quốc với Nga, trao một nửa đảo Hắc Hạt Tử (khoảng 146 km2) cho Nga.

Giang Trạch Dân cũng đã ký các hiệp định biên giới với Tajikistan và các nước khác, trao vô điều kiện hơn 500.000 km2 lãnh thổ ở Tây Bắc Trung Quốc cho các nước Trung Á này.

Lãnh thổ Trung Quốc bị Giang Trạch Dân bán đứng rộng hơn 1,7 triệu km2, tương đương với hơn 40 lần Đài Loan.

Giang Trạch Dân phạm tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia

“Luật Hình sự” của chính ĐCSTQ phân loại hành vi gây nguy hiểm cho chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia là “tội phạm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” trong Chương 1 của Phần II. Trong đó, Điều 113 quy định: “Trong số các tội phạm nguy hiểm đến an ninh quốc gia quy định tại chương này… tội nào gây nguy hiểm cho đất nước và nhân dân là đặc biệt nghiêm trọng, tình tiết đặc biệt ác liệt, có thể bị xử phạt tử hình.”

Hành vi bán nước của Giang Trạch Dân không chỉ vi phạm nghiêm trọng “tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, mà còn “đã và đang” tạo ra tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, tranh chấp quần đảo Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, tranh chấp đảo Hoàng Nham giữa Trung Quốc và Philippines, tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc với Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, v.v., sản sinh phản ứng dây chuyền.

Tội bán nước của Giang Trạch Dân phải bị thanh toán

ĐCSTQ che giấu sự phản bội của Giang Trạch Dân với người dân Trung Quốc, nhưng nó không thể che giấu với ngoại giới.

Hãy lấy một ví dụ. Ngày 28 tháng 3 năm 2014, khi Thủ tướng Đức lúc bấy giờ là bà Angela Merkel tặng vợ chồng ông Tập Cận Bình một món quà đặc biệt trong bữa tiệc chiêu đãi riêng tại Phủ Thủ tướng, bà Merkel nói: “Đây là bản đồ chính xác đầu tiên về Trung Quốc do người Đức vẽ vào năm 1735.”

Năm 1735, năm Càn Long nhà Thanh lên ngôi, Trung Quốc có diện tích bao nhiêu trên bản đồ? 13 triệu km2.

Tập đoàn truyền thông Anh (BBC) đưa tin vào thời điểm đó rằng lãnh thổ của bản đồ này bao gồm khu vực rộng lớn từ đảo Sakhalin, dãy núi Outer Khingan, hồ Balkhash và Siberia, bao gồm cả Mông Cổ. Một số người suy đoán rằng bà Merkel đang sử dụng điều này để ám chỉ rằng Nga đã chiếm một khu vực rộng lớn của Trung Quốc. Có người cho rằng bà Merkel muốn nhắc nhở Tập Cận Bình: Giang Trạch Dân đã bán nước, và người Đức biết điều đó.

Vào ngày 27/6/2018, khi Tập Cận Bình gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mattis, ông ta nói: “Về các vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thái độ của chúng tôi là kiên quyết và rõ ràng, chúng tôi không được để mất một tấc lãnh thổ nào mà tổ tiên chúng tôi để lại.”

Nếu vậy, hãy hỏi: Giang Trạch Dân để mất hơn 1,7 triệu km2 lãnh thổ Trung Quốc, nên là tội gì?

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch