Bắc Kinh tuyên bố sẽ giảm bớt các hoạt động sử dụng than của mình để góp phần giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo một báo cáo chung gần đây của các tổ chức bảo vệ môi trường đã cho thấy, Trung Quốc đang làm điều ngược lại, chứ không tuân theo các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Các động thái lén lút

Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu Global Energy Monitor, Sierra Club và Greenpeace đã công bố một báo cáo chung có tên là “Boom and Bust 2019: Lần theo đường ống của các nhà máy than trên toàn cầu (Boom and Bust 2019: Tracking the Global Coal Plant Pipeline)”. Đa số các kết quả đều mang tín hiệu tích cực, ví như giảm 20% số lượng các nhà máy than đã hoàn thành, giảm 24% các hoạt động tiền thi công và giảm 39% trong việc xây dựng các nhà máy than mới. Có vẻ như các quốc gia đang cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí độc ra môi trường.

Các nhà máy than bí mật của Trung Quốc: Động thái phớt lờ cam kết đối với hiệp định biến đổi khí hậu
Một nhà máy điện đốt than ở Trung Quốc. (Ảnh: Financial Times)

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng Trung Quốc lại đứng ngoài các nỗ lực cộng đồng này. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Quốc gia Đông Á này đang bí mật hoạt động nhằm hồi sinh các dự án than bị trì hoãn thi công. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng đang tài trợ cho việc xây dựng nhiều nhà máy đốt than ở nước ngoài. Vấn đề càng trầm trọng hơn, khi Ủy ban Điện lực Trung Quốc đã đề xuất giới hạn mức công suất điện sản xuất từ than là 1.300 gigawatt – con số này lớn hơn mức giới hạn của ngành than Hoa Kỳ lên đến 259 gigawatt.

Trước những động thái này của Trung Quốc, báo cáo đã chỉ ra một cách chắc chắn rằng, nếu các hoạt động sử dụng than không dừng lại hoàn toàn, thì các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ không thể được đáp ứng. Lauri Myllyvirta, nhà phân tích cấp cao của Đơn vị Giám sát Ô nhiễm Không khí Toàn cầu Greenpeace, đã giải thích rằng “Việc tiến hành bừa bãi các dự án điện than là hành vi không tương thích với các mục tiêu giảm phát thải khí thải cần thiết để tránh những tác động xấu nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các chính sách năng lượng của Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến lượng phát thải toàn cầu [hơn bất kỳ các quốc gia nào khác]”.

Cách đây 4 năm, 195 quốc gia đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và các hoạt động liên quan đến khí hậu khác khi họ thông qua thỏa thuận Paris vào ngày 12/12/2016. Thông qua thỏa thuận này, các quốc gia tham dự được yêu cầu đưa ra các chính sách, mục tiêu để giảm lượng khí thải một cách nhanh chóng và thực hiện các chính sách phản ánh tầm nhìn của cam kết này. Một trong những mục tiêu thỏa thuận là giảm quy mô sản xuất điện từ việc đốt than.

Các nhà máy than bí mật của Trung Quốc: Động thái phớt lờ cam kết đối với hiệp định biến đổi khí hậu
Trung Quốc tài trợ cho việc xây dựng rất nhiều các dự án than ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: earth.com)

Hiện trạng tệ đến đâu?

Bất chấp việc Trung Quốc đã ban hành các quy định giảm đốt than trong năm 2012 và 2013, nước này dường như đang phớt lờ các quy định của chính mình. Khí thải metan từ nước này vẫn tiếp tục gia tăng: “Các quy định về khí metan của Trung Quốc không có tác động đáng kể nào đối với lượng phát thải methane của nước này”, Scot Miller, phó giáo sư khoa sức khỏe và kỹ thuật môi trường tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết trong một tuyên bố

Thỏa thuận Paris yêu cầu các quốc gia hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống thấp hơn nhiều so với 2°C bằng mọi cách có thể. Nếu than đá không được loại bỏ dần vào giữa thế kỷ, cơ hội đạt được điều đó là không thể. “Chúng ta cần phải triệt để giảm dần việc sử dụng nhà máy than trong thập kỷ tới để tiếp tục theo kịp các mục tiêu của hiệp định biến đổi khí hậu Paris” Christine Shearer, một nhà phân tích của Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu Global Energy Monitor, cho biết trong một tuyên bố, theo trang Phys.org

Các nhà máy than bí mật của Trung Quốc: Động thái phớt lờ cam kết đối với hiệp định biến đổi khí hậu
Trung Quốc đã là nhà tiêu thụ than đá chủ chốt trong nhiều thập kỷ trở lại đây. (Ảnh: YouTube)

Trung Quốc là nước tiêu thụ than chủ chốt trong nhiều thập kỷ. Trên thực tế, lượng tiêu thụ than của Trung Quốc thậm chí có thể bằng phần còn lại của thế giới cộng lại, theo những nghiên cứu được thực hiện vào năm 2014. Ngay cả khi các quốc gia tuân thủ thỏa thuận Paris, Trung Quốc đang cho phép lượng tiêu thụ than của mình đạt một tầm cao mới.

Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo rằng việc sản xuất than gia tăng liên tục có thể dẫn đến hậu quả tai hại cho khí hậu thế giới. Nhưng với đề xuất của Ủy Ban Điện lực Trung Quốc, cũng như sự gia tăng liên tục trong các hoạt động than đá của đất nước, nhân loại có thể phải đối mặt với những hậu quả khí hậu lớn hơn.

Video: Ô Nhiễm ở Trung Quốc Đã Đến Mức Này – Trung Quốc Không Kiểm Duyệt

videoinfo__video3.dkn.tv||c2639da3b__

Video: Một vấn đề ô nhiễm khác của Trung Quốc- Nước

videoinfo__video3.dkn.tv||824aa5f48__

Theo Vision Times
Thủy Chi biên dịch