Modern Tech – công ty bị tố đứng sau dự án lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ đồng – được thành lập bởi 8 cổ đông với tổng số vốn 100 tỷ đồng. Trong đó, ông chủ của công ty này khá trẻ, sinh năm 1988.

Theo tố cáo từ người dân trong vụ dự án iFan lừa đảo 15.000 tỷ đồng của hơn 32.000 người Việt, Công ty Cổ phần Modern Tech được giới thiệu là ủy quyền của dự án iFan và Pincoin tại Việt Nam. Modern Tech cũng là đơn vị phụ trách, tổ chức nhiều hội thảo, sự kiện để quảng bá cho dự án gọi vốn này.

Công ty này đã kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo iFan kèm theo lời cam kết lợi nhuận hấp dẫn 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu lôi kéo thêm người tham gia, nhà đầu tư sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới. Bên cạnh đó, người đầu tư còn được cam kết rằng giá trị iFan sẽ tăng mỗi ngày do sự ký kết liên tục với các ca sĩ nổi tiếng tại Việt Nam.

Hé lộ danh tính ông chủ 8X và 7 cổ đông của công ty Modern Tech
Người dân tố cáo hành vi lừa đảo của Modern Tech qua dự án tiền ảo iFan. (Ảnh: Vneconomy)

Theo Tri thức Trực tuyến, ông chủ của Công ty Cổ phần Modern Tech tên Hồ Xuân Văn, sinh năm 1988, có hộ khẩu thường trú tại thị trấn A lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhưng hiện sinh sống tại tòa nhà Sarini, khu đô thị Sala, phường An Lợi Đông, quận 2, Tp.HCM.

Ông chủ 8X này là Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Modern Tech. Hồ Xuân Văn cũng chính là cổ đông lớn thứ 2, góp 13 tỷ đồng trong tổng số 100 tỷ đồng vốn góp ban đầu của Modern Tech.

Hé lộ danh tính ông chủ 8X và 7 cổ đông của công ty Modern Tech
Cơ cấu cổ đông công ty Modern Tech. (Ảnh: Tri thức Trực tuyến).

Ngoài ông chủ 8X, công ty Modern Tech còn có 7 cổ đông khác, trong đó cổ đông lớn nhất là ông Vũ Hữu Lợi (Yên Sơn, Tuyên Quang) góp 15 tỷ đồng, tương đương 15% vốn điều lệ doanh nghiệp. Vũ Hữu Lợi vốn nổi tiếng là một đại gia mê siêu xe và sở hữu dàn xe lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo Người đưa tin, Vũ Hữu Lợi là một trong những người chịu chơi bậc nhất Việt Nam. Ngoài siêu xe, nhắc đến đại gia Tuyên Quang này là nhắc đến những phụ kiện đắt tiền như chiếc kính đắt đỏ được làm từ vật liệu quý nguyên khối như vàng 18K, palladium bạc hoặc bạch kim.

Những cổ đông còn lại của Modern Tech bao gồm ông Hồ Phú Ty (Hiệp Ninh, Tây Ninh), Lưu Trọng Tuấn (quận 8, Tp.HCM), Lương Huỳnh Quốc Huy (Đức Hòa, Long An), Nguyễn Đức Trọng (Xuân Lộc, Đồng Nai), Nguyễn Trung Hiếu (Đà Lạt, Lâm Đông) và bà Bùi Thị Ngọc Mỹ (Dĩ An, Bình Dương), mỗi người góp 12 tỷ đồng, tương đương 12% vốn và lợi ích tại Modern Tech.

Trong đó, cổ đông Lương Huỳnh Quốc Huy chính là thành viên của một dự án đa cấp khác của Công ty đa cấp Unicity Việt Nam, có giấy chứng nhận bán hàng đa cấp.

8 cổ đông trên đã thống nhất thành lập Modern Tech từ ngày 31/10/2017 với lĩnh vực kinh doanh chính là thiết kế website. Công ty thuê trụ sở tại tòa nhà Vietcomreal do Công ty cổ phần Replus quản lý.

Mới đây, Replus đã chính thức đơn phương chấm dứt hợp đồng, buộc Modern Tech rời khỏi trụ sở với lý do ngày 8/4 có nhiều người đến tố cáo công ty Modern Tech về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây mất trật tự và làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung cho cộng đồng doanh nghiệp khác hoạt động tài toà nhà Vietcomreal.

Trong khi đó, UBND Tp.HCM vừa có công văn khẩn giao Công an Tp.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp với số tiền huy động các nạn nhân tố cáo là hơn 15.000 tỷ đồng, khẩn trương báo cáo đề xuất trình UBND Tp.HCM có biện pháp xử lý phù hợp.

Chia sẻ trên Vneconomy ngày 10/4, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư Tp. HCM, cho rằng cơ hội lấy lại tiền cho người bị “sập bẫy” vào đường dây tiền ảo này là rất khó và thậm chí không thể, trừ khi các bên tranh chấp khởi kiện ra cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc trả tiền và đồng thời Công ty Modern Tech còn có khả năng trả cho nhà đầu tư.

Nguyễn Trang