Gắn liền với văn hóa truyền thống con Rồng cháu Tiên, trà đã lưu truyền và đi sâu vào cuộc sống thường nhật của văn hóa Việt. Không dừng lại ở vị đạo, trà còn mang nét duyên cho phụ nữ, đó là điểm đặc sắc của trà hoa.

Trong dân gian có truyện kể về phương thuốc làm đẹp bí truyền của Thái Bình công chúa đời nhà Đường (Trung Quốc), sau được sách Thánh tể tổng lục chế thành một loại mỹ phẩm có tên gọi là Diện mô cao.

Mỹ phẩm này rất công phu, vì phải chọn vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch lấy hoa Đào phơi khô trong bóng râm rồi tán thành bột mịn. Sau đó, vào ngày 7 tháng 7 chích lấy máu lượng vừa phải ở mào con gà ác trộn với bột hoa Đào rồi thoa một lớp mỏng lên da mặt, sau 2-3 ngày màng thuốc bong da thì da mặt trở nên tươi sáng như hoa, mịn màng.

Vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Thái Bình công chúa. (Ảnh minh họa: Webtretho)

Câu chuyện này cho thấy phụ nữ ngày xưa rất biết làm đẹp và có nhiều bí quyết độc đáo. Trà hoa cũng góp phần không kém cho các phương pháp làm đẹp độc đáo cổ xưa, hơn thế nữa còn mang lại nhiều tác dụng đối với sức khỏe của chị em phụ nữ. Mời độc giả cùng thưởng thức.

Hoa Đào – hoa Sen

Lấy 10 g hoa Đào, 15 g hoa Sen  hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày, giúp cải thiện làn da nám và tàn nhang.

Giảm béo, làm cho da mặt hồng hào, tươi tắn:  Thái 300 g hoa đào vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, phơi khô trong bóng râm rồi tán thành bột mịn, đựng trong bình kín, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 g vào lúc đói.

Hoa đào cho chị em một vẻ đẹp tự nhiên. (Ảnh: Free great picture)

Hoa Cúc – trà xanh

Pha 3 bông hoa cúc đã sấy khô, vài lá trà xanh và một viên đường phèn rồi uống thay trà, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Trước khi đi ngủ, lấy nước này bôi lên mắt sẽ làm mờ quầng thâm và vết chân chim rất hiệu quả.

Hoa Cúc và Phục linh

Lấy 5 lạng cúc trắng và 5 lạng Phục Linh trộn đều rồi nghiền mịn. ngày dùng 3 lần, mỗi lần 6 g và khi uống pha nước ấm với một chút rượu, sử dụng đều đặn, da dẻ sẽ trở nên hồng hào.

Trà Cúc hoa giúp phụ nữ da dẻ hồng hào. (Ảnh: HD Wallpapers Rocks)

Hoa cúc – Kim ngân hoa

Nấu lấy nước uống có tác dụng trị cảm gió, trị ho. Ngoài ra, những người bị các bệnh tai, mũi, họng hoặc bộ máy hô hấp hoạt động không tốt, nên thường xuyên uống trà hoa cúc.

Hoa cúc – lá dâu

Dùng máy tính, xem tivi nhiều có thể làm đầu óc mệt mỏi, mắt bị tổn thương, thị lực không tốt, thậm chí làm mắt bị cay, đỏ, đau: Lấy lá dâu và hoa cúc nấu  cùng, lọc lấy nước uống hoặc rửa mắt.

Hoa Hồng nhung – Hương phụ

Nguyên liệu: 5 bông hoa hồng nhung khô; 0,2 lạng hương phụ.

Cách làm: Hương phụ rửa nhanh bằng nước sạch, thêm hai bát nước, đun to lửa đến khi sôi thì chuyển sang đun nhỏ lửa, khoảng 10 phút, lọc lấy nước. Cho hoa hồng nhung khô vào cốc, rồi đổ nước hương phụ đun sôi vào ngâm, đợi hoa hồng nhung nở ra, mùi thơm bay lên là có thể uống.

Hồng nhung giải u uất, phiền muộn. (Ảnh: XiNature.com)

Công dụng: giải tỏa phiền muộn, có tác dụng rất tốt cho những phụ nữ bị u uất, phiền muộn, tinh thần không ổn định kéo dài.

Đặt một bát nước nóng có rắc cánh hoa hồng vào trong phòng nếu bạn cảm thấy căng thẳng, lạnh đỉnh đầu hoặc cảm cúm.

Hồng hoa – Đào nhân

Nguyên liệu: 0,05 lạng đào nhân; 0,02 lạng hồng hoa.

Cách làm: Đào nhân đập vỡ, cho vào lưới lọc cùng với hồng hoa, rồi đổ nước đang sôi sùng sục vào, khoảng 20 giây sau có thể lấy lưới lọc ra, lọc bã đi rồi uống.

Công dụng: Hoạt huyết, tan vết bầm tím, cải thiện tình trạng chậm kinh, kinh nguyệt ra ít.

Chú ý: Phụ nữ mang thai không được uống.

Minh Hoàng