Vào một ngày tháng 9 năm 1997, con trai của anh Quách Cương Đường ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã bị bắt cóc một cách bí ẩn trước sự bàng hoàng và đau xót của tất cả mọi người trong gia đình cũng như hàng xóm láng giềng. Kể từ đó, anh không có một chút thông tin nào về con mặc dù đã vượt 400.000 km đường bộ rong ruổi tìm con suốt 20 năm.

Theo lời kể của một bé gái nhỏ, con trai anh Đường đã bị một người phụ nữ lạ dẫn đi khi thằng bé đang ngồi chơi một mình ở trước cửa nhà. Năm đó con trai Quách Trinh của anh mới chưa đầy 3 tuổi.

Khi xảy ra sự việc, anh Đường đang làm việc ngoài đồng. Mặc dù trời đã xế trưa nhưng anh cố gắng vun cho xong luống ngô rồi mới nghỉ. Trong cái nắng chói chang như thiêu như đốt, cha anh vừa chạy vừa khóc để tìm anh, thông báo với anh cái tin sét đánh ấy. Anh Đường chết lặng khi nghe những từ “Quách Trinh đã bị bắt cóc” từ miệng cha. Anh chạy như bay về nhà, nhưng những gì chờ đợi anh chỉ là một khoảng trống vắng và những ánh mắt lo lắng, đau buồn của người nhà, của hàng xóm.

Tất cả người dân trong làng chia nhau đi tìm Quách Trinh suốt cả tuần. Họ tìm trong làng, tìm ở các làng bên cạnh, thậm chí đã tới một số thành phố lân cận nhưng không hề có thông tin hay dấu tích nào của việc bắt cóc. Mọi việc như một giấc mộng ngắn ngủi của những đêm hè nóng nực mà không ai biết nó diễn ra thế nào, đã kết thúc hay vẫn đang tiến triển theo những diễn biến kinh hoàng khác.

Bức ảnh của Quách Trinh tại thời điểm em bị bắt cóc

Gia đình anh Đường đã hoàn toàn sụp đổ sau biến cố ấy. Cha mẹ già của anh vì thương nhớ cháu mà thường xuyên ốm nặng, vợ anh đã khóc rất nhiều trong những năm tháng qua. Mỗi buổi sáng thức dậy, mỗi bữa cơm cô đều nhớ con. Không khí trong gia đình nhuốm một màu buồn đau, ủ rũ và đã từ rất lâu, họ không còn biết đến tiếng cười sum họp, tiếng cười đoàn viên hạnh phúc.

Là một người nông dân chất phác nhưng mạnh mẽ vì đã trải qua muôn vàn thăng trầm trong suốt gần 30 năm cuộc đời, anh Đường cố gắng vững vàng qua sóng gió và quyết tâm tìm con. Anh đã tự nhủ với lòng mình rằng dù anh có mất cả cuộc đời, dù phải đi mòn gót giày, anh cũng sẽ tìm con. Với anh, tìm con để tìm lại hạnh phúc cho con, tìm lại mái ấm gia đình và tương lai cho con trai anh.

Anh Đường đã vượt qua quãng đường hơn 400.000 km để tìm con suốt 20 năm

Thương con và quyết tâm tìm lại con bằng được, với chiếc xe máy cũ của mình anh lập tức lên đường, với tấm bản đồ trên tay và một lòng kiên định, anh đi khắp mọi miền đất nước Trung Quốc mong mỏi nhìn thấy bóng hình con lạc đâu đó trong đám đông. Bánh xe của anh lăn trên đường với tấm biểu ngữ có in hình con trai, rong ruổi qua các tỉnh và thành phố. Anh Đường đã chi tiêu hết tất cả các khoản tiền dành dụm được qua những năm tháng làm thuê, làm đồng áng cho việc đi tìm con. Hơn 20 năm qua, không một ngày nào anh nghỉ ngơi, mỗi ngày trên cuộc hành trình tìm con, hành trang anh mang theo là cơm nắm, bánh mỳ, nước và một chút tiền phòng thân.

Anh Đường một mình trên khắp mọi nẻo đường

Với những thành phố cách nhà quá xa, anh thường thuê quán trọ ngủ lại trong những ngày đông giá rét để tiếp tục hành trình tìm kiếm vào ngày hôm sau. Vào những ngày hè, anh nằm ngủ ngay trên xe máy để tiết kiệm tiền.

Đi tới đâu, anh Đường cũng mang theo tấm băng rôn viết về mục đích tìm con của anh

Ngoại trừ Tân Cương và Tây Tạng, anh Đường đã đi tới tất cả các tỉnh thành và trong suốt 20 năm rong ruổi tìm kiếm, anh đã thay 10 chiếc xe máy. Khi vụ mùa đến, anh ở nhà cùng cha mẹ và vợ làm việc đồng áng, sau đó lại tiếp tục hành trình của mình. Có một sức mạnh nào đó khiến anh không hề mệt mỏi hay tuyệt vọng mất niềm tin và anh biết việc anh đang làm không hề vô nghĩa.

Dù kết quả chưa thấy nhưng tâm anh có thể thanh thản và bình yên phần nào vì anh đang làm vì con, làm mọi thứ cho con. Hơn thế, không chỉ đi tìm con, trong vòng một năm, anh Đường đã viết 80.000 bức thư gửi đi khắp mọi nơi.

Ngày lại ngày, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông trôi qua, với tấm bản đồ ghi dấu mỗi bước chân, anh vẫn can đảm đi về phía trước cùng lòng mong nhớ con khắc khoải và sự cảm thông sâu sắc đối với những người cùng nỗi đau như anh, mang lại niềm hạnh phúc cho những gia đình khác.

Trong hành trình tìm con của mình, anh Đường còn giúp đỡ rất nhiều người tìm lại thân nhân bị mất tích. Tại mỗi thành phố anh đi qua, anh thường chia sẻ câu chuyện của mình với những người dân bản địa và được lắng nghe những tâm sự, những đau khổ vì lạc mất người thân của họ. Chính vì thế, anh thường dán thông tin về những người bị mất tích mà anh thu thập được ở các thành phố khác nhau, hy vọng việc làm của anh sẽ mang lại sự đoàn tụ cho những người khác. Đó cũng là động lực để anh tiếp tục con đường của mình, vì có rất nhiều người ủng hộ, khích lệ và cảm kích trước tấm lòng cũng như quyết tâm của anh.

Đối với anh, con đường vẫn hun hút trước mặt, đứng trước một biển người đông đúc ngoài kia, anh luôn tự hỏi con anh ở nơi đâu? Ở phương trời nào? Liệu con trai anh có biết cha đang đi tìm không? Tiếng kêu nghẹn ngào của anh vẫn rơi vào thinh không… nhưng niềm hy vọng rằng con trai sẽ trở về một ngày nào đó vẫn chưa bao giờ lụi tàn. Niềm hy vọng ấy như một đốm lửa sáng trong tim, giúp anh 20 năm miệt mài rong ruổi tìm kiếm qua 400.000 km trên lần lượt hàng chục chiếc xe máy. Thân hình anh ngày một già hơn với mái tóc màu xám pha lẫn bụi đường và nhọc nhằn, anh già hơn nhiều so với tuổi 45 của mình.

Lời động viên, nhắn nhủ của mọi người dành cho anh

Mặc dù cả gia đình luôn động viên anh tìm con, anh Đường vẫn cảm thấy có lỗi với cha mẹ. 20 năm qua, anh hầu như không chăm lo được cho cha mẹ, mà ngược lại, cha mẹ phải thường lo lắng cho anh, cho sự an toàn của anh. Anh Đường tâm sự rằng: “Tôi đã dần dần học được cách để quên đi nỗi đau trong quá khứ, nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm. Trong suốt chặng hành trình tìm kiếm con trai, rất nhiều người tốt bụng đã khuyên tôi hãy yêu thương và chăm sóc cho bản thân. Tôi đã trải qua rất nhiều điều và cũng được chứng kiến rất nhiều điều. Bây giờ tôi nhận ra rằng tôi phải tiếp tục việc tìm kiếm, nhưng tôi cũng cần trân trọng những người quanh tôi, trân trọng hiện tại. Chúng tôi cần phải sống khỏe mạnh và thương yêu nhau, để tới ngày Quách Trinh trở về, tôi có thể cho con một mái nhà ấm áp và không khí gia đình ấm cúng.”

Hành trình tìm con giúp anh Đường nhận ra những điều quý giá của cuộc sống

Anh Đường sẽ tiếp tục tìm kiếm con trai, mặc dù trên những chặng đường anh đi có rất nhiều khó khăn, từ thời tiết khắc nghiệt cho tới những cơn đói cồn cào, từ hy vọng cho đến thất vọng, anh vẫn chưa một giây nao núng hay có suy nghĩ bỏ cuộc. Tất cả mọi điều anh làm ẩn chứa một ý nghĩa thiêng liêng rằng: anh yêu thương con còn hơn cả bản thân mình và trách nhiệm của một người cha là cho con một mái ấm gia đình, cho con vòng tay yêu thương và sự đoàn viên, sum vầy, cho con tương lai và hạnh phúc.

Tuy mái tóc đã điểm bạc và già đi rất nhiều, anh Đường sẽ không bao giờ từ bỏ việc tìm lại con

Câu chuyện của anh Đường còn mãi trong tâm trí chúng ta, nó cảnh tỉnh cho ta một bài học đáng báo động dưới một xã hội hỗn loạn không còn đạo đức để câu thúc lương tâm. 20 năm trôi qua, tiếng kêu đau thương của anh Đường vẫn bỏ ngỏ, nó dội vào vách núi, dội qua những làng mạc thành thị xa xôi, dội vào tai tôi, tai bạn… Mỗi năm có hơn 20.000 trẻ em bị bắt cóc và bán vào thị trường chợ đen trẻ em ở Trung Quốc. Vấn nạn này vẫn đang từng ngày diễn ra bởi những kẻ không còn tình người, chuyện ác nào cũng dám làm để đổi lấy lợi lộc, tiền bạc, vật chất. Biết bao đứa trẻ ngây thơ, vô tội đã phải xa cha mẹ, sống trong sợ hãi, có đôi khi bị bạo hành và tương lai mù mịt.

Và một câu hỏi lớn được đặt ra: Tại sao ở một thời đại văn minh công nghệ phát triển, đời sống được nâng cao thì đạo đức lại xuống cấp? Người ta càng ngày càng trở nên ích kỷ và tàn nhẫn hơn. Con người ấy, Phật Pháp đã dạy: có Thiện ác hữu báo, gieo nhân nào gặt quả ấy, điều này từ ngàn xưa đã để lại nhiều bài học, chúng ta không nên làm ngơ, mà chúng ta cần có những tiếng nói và hành động ngay lập tức, lên tiếng phản đối cái ác, chống lại cái ác để cuộc sống bớt đi những mất mát và bất hạnh…

Lý Minh – Tâm Thanh

Xem thêm: